Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chữa tai biến không cần thuốc

ThS.BS Nguyễn Thị Hương, Trưởng khoa vật lý trị liệu và phục hồi chức năng bệnh viện ĐH Y dược, tư vấn về ứng dụng phương pháp chữa trị không dùng thuốc.

- Thưa bác sĩ, hiện nhiều người vẫn quan niệm vật lý trị liệu (VLTL) chủ yếu là tập luyện đơn giản?

- Không phải như vậy, VLTL là những phương pháp điều trị nhằm phát triển, duy trì và phục hồi chức năng tối đa những trường hợp tổn thương, bệnh tật làm suy giảm về vận động và các chức năng khác. Đây là phương pháp không sử dụng thuốc trong điều trị. VLTL không chỉ là những bài tập đơn giản mà sử dụng cả những thiết bị hiện đại như: Hệ thống kéo cột sống cổ và lưng, máy siêu âm, máy sóng ngắn, máy kích thích điện đa chức năng. Hiện nay VLTL được ứng dụng chữa trị tất cả các chứng bệnh và cho kết quả tốt. Trước khi xác định cần áp dụng phương pháp VLTL nào phải qua chẩn khám kĩ lướng để biết chính xác mức độ tổn thương.

Chủ tịch Hội VLTL TP.HCM Nguyễn Thị Hương.

- BS có thể lấy thí dụ giải thích cơ chế tác động của phương pháp VLTL?

- Nhiều trường hợp rạn xương, gãy xương phải bó bột lâu ngày, sau khi tháo bột, người bệnh khó cử động. Thậm chí nhiều trường hợp bị đơ cứng chân tay. Khi đó bác sĩ có thể sử dụng các dụng cụ chuyên dụng tác động vào hệ xương, thần kinh và tiêu hoá của người bệnh giúp họ lấy lại cảm giác. Cũng nhờ sự tác động tổng hợp này, các mạch máu trở nên lưu thông dễ dàng, nuôi sống những vùng tổn thương lâu nay. Bên cạnh đó kết hợp tập luyện dần dần sẽ giúp người bệnh cử động bình thường như cũ. Tóm lại, phương pháp VLTL tác động đồng thời lên vùng tổn thương, hệ thần kinh và các cơ quan khác nhằm giúp bệnh nhân lấy lại chắc năng.

- Có phải VLTL chỉ áp dụng cho người lớn tuổi?

- Không phải, VLTL áp dụng từ những đứa trẻ sơ sinh đến người già bước vào giai đoạn lão hoá. Ví dụ như trẻ nhỏ nằm co người khiến chân, tay cong thì phải dùng biện pháp uốn nắn, chỉnh thẳng theo trục. Hoặc những em bé nằm ngủ sai tư thế dẫn đến vẹo cổ, vẹo cột sống cũng được tập ngồi thẳng. Khi đó chúng ta đã sử dụng liệu pháp VLTL. Ngày nay không ít trẻ sơ sinh mắc dị tật từ trong bào thai, sau khi chào đời cũng được điều trị bằng VLTL. Cần lưu ý khi bệnh nhân đang nằm viện và được điều trị bằng thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật thì phải đợi sức khoẻ ổn định mới áp dụng phương pháp VLTL.

- BS cho biết hiệu quả phương pháp VLTL trong chữa trị chứng liệt nửa người?

- Liệt nửa người phát hiện càng sớm thì khả năng hồi phục càng cao. Trước tiên cần chỉnh tư thế nằm, đi lại cho đúng chuẩn. Tiếp đó tập xoay cổ tay, cánh tay rồi chuyển xuống tập cử động chân. Có thể tập song song cả tay và chân. Sau đó chuyển sang tập ngồi, đứng rồi mới tập đi.

Lưu ý rằng phải tập luyện theo từng gia đoạn. Hơn nữa, người bị liệt thường nằm lâu trên giường bệnh nên cần can thiệp phương pháp VLTL càng sớm càng tốt. Thứ nhất, can thiệp sớm tránh tình trạng chân, tay lâu ngày không cử động sẽ rất khó tập. Thứ hai nằm lâu trên giường bệnh dễ dẫn đến viêm loét.

Bệnh nhân sau khi xuất viện về nhà cần tiếp tục tập VLTL. Ngoài các bài tập bác sĩ chỉ dẫn, người bệnh nên chủ động vận động cơ thể tuỳ sức. Tuỳ mức độ chấn thương, can thiệp sớm hay muộn cũng như nỗ lực người bệnh để đánh giá mức độ phục hồi.

Tuy nhiên nhìn chung, VLTL có thể giúp phục hồi chức năng đến 90%. Mục đích hướng tới của phương pháp này là giúp bệnh nhân đi lại được, tự vận động và tự chăm sóc được bản thân xem như thành công. Đó cũng là mục tiêu cuối cùng hướng đến của VLTL.

- Tương tự, đối với chứng đau lưng thường gặp?

- Với đau lưng, trước tiên cần xác định nguyên nhân. Thường gặp nhất là đau lưng do đặc thù công việc (ngồi làm việc sai tư thế). Hiện nay người ta thường sử dụng sóng âm, sóng ngắn kết hợp biện pháp chườm nóng hoặc sử dụng tia hồng ngoại tác động lên vùng đau và hệ kinh mạch.

Phương pháp mới nhất là kéo cột sống làm giảm sự co thắt dây chằng, từ đó lấy lại độ nghiêng (khả năng nghiêng, xoay, cúi gập) của lưng. Đối với chứng đau lưng, người bệnh cần tập trung luyện cơ bụng, tập duỗi lưng để thẳng cột sống. Sau đó chú ý đi lại, ngồi làm việc đúng tư thế để giữ cột sống khi đã chỉnh. Môn thể thao có lợi nhất đối với người đau lưng là bơi lội. Khi bơi, hệ cơ sẽ vận động toàn diện.

- BS có thể hướng dẫn một số bài tập cho người bị đau lưng?

- Ví dụ như đau vùng thắt lưng, người bệnh có thể tập luyện các bài tập sau: Kéo gấp đùi một bên bằng cách nằm trên giường, đặt tay phía dưới đầu gối và kéo đầu gối vào ngực cho đến khi cảm nhận lực kéo. Giữ tư thế này trong vòng 10 giây. Làm tương tự với đầu gối bên kia, thực hiện mỗi chân 15-20 lần. Hoặc tập kéo gấp đùi hai bên. Trước tiên nằm thẳng người, đặt tay phía dưới hai đầu gối, kéo hai đầu gối vào ngực, giữ nguyên tư thế trong khoảng 10 giây, thực hiện 15-20 lần.

Người đau lưng cũng có thể tập nâng lưng bằng cách nằm nâng hai đầu gối lên và đặt hai bàn chân trên giường, từ từ nâng mông lên cao 15cm và giữ chừng 5 giây. Sau đó trở về tư thế ban đầu, thực hiện 15-20 lần. Nếu đủ khả năng, bệnh nhân nên tập xoay thân làm căng thân dưới.

Theo đó giữ lưng thẳng, nằm co hai chân trên giường, xoay hai đầu gối sang một bên. Giữ nguyên tư thế trong 5 giây, xoay sang phía bên kia, giữ tiếp 5 giây. Thực hiện mỗi bên 15- 20 lần. Ngoài ra có nhiều bài tập khác nữa, tuỳ theo từng chấn thương mà áp dụng bài tập nào cho hiệu quả.

- Các chuyên gia tim mạch từng nói, bệnh nhân tai biến mạch máu não (TBMMN) bắt buộc phải áp dụng VLTL mới hy vọng bình phục hoàn toàn. BS có thể nói cụ thể hơn điều này?

- TBMMN hay còn gọi là đột quỵ thường xảy ra ở người cao tuổi. Hiện nay đang có xu hướng xuất hiện ở người trẻ tuổi do các yếu tố như điều kiện ăn uống, áp lực công việc lớn, ít vận động. TBMMN có nguy cơ tử vong cao thứ ba sau bệnh tim mạch, ung thư, đứng hàng đầu về khả năng gây tàn tật và đang có xu hướng tăng nhanh ở Việt Nam. Nguy hiểm nhất là TBMMN đưa đến những di chứng nặng như: Yếu liệt tay chân, rối loạn cảm giác, ngôn ngữ.

Để nhận biết sớm TBMMN, cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế kiểm tra khi thấy một trong những biểu hiện sau: Tê, mất cảm giác hoặc yếu liệt tay, chân một bên; Méo miệng, chảy nước bọt hay nuốt khó, nuốt sặc; Nói không rõ lời, không nói được hoặc không hiểu người khác nói; Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, nôn, choáng váng (có thể gây bất tỉnh); Nhìn không rõ (một hoặc hai mắt); Lơ mơ, ngủ gà hoặc hôn mê; Mệt, tức ngực, khó thở, tim đập nhanh bất thường.

Sau khi bệnh nhân được điều trị ổn định, bắt đầu áp dụng liệu pháp VLTL theo các mục đích cụ thể.

http://baophapluat.vn/camera-benh-vien/chua-tai-bien-khong-can-thuoc-206602.html

Theo Long Mai/Báo Pháp Luật Việt Nam

Bạn có thể quan tâm