Ông Bình khẳng định tuy vụ án Huỳnh Văn Nén đã được kháng nghị nhưng đến thời điểm này chưa đủ cơ sở để khẳng định bị án Nén không có tội.
-Thưa ông, kháng nghị của VKSND Tối cao trong vụ Huỳnh Văn Nén cho thấy đơn tố giác tội phạm đã có từ lâu nhưng không được xem xét. Vậy có xem xét trách nhiệm của những cá nhân liên quan tới việc này?
- VKS đã kháng nghị như vậy thì thẩm quyền giải quyết bây giờ thuộc TAND Tối cao, sẽ quyết định việc làm tiếp theo như thế nào. Trên cơ sở giải quyết vụ án thì mới biết xử lý như thế nào và đối với những ai.
Ông Nguyễn Hòa Bình - Viện trưởng VKSND Tối cao trả lời phỏng vấn bên lề kỳ họp Quốc hội ngày 10/11. |
Kháng nghị là để xem xét lại vì có những chi tiết chưa yên tâm, nhưng điều đó không có nghĩa khẳng định rằng vào thời điểm này Huỳnh Văn Nén không có tội. Cho nên đặt vấn đề xem xét trách nhiệm gì đó vào thời điểm này là hơi sớm.
-Nhưng vụ việc này đã xuất hiện ít nhất ba nhân chứng tố giác tội phạm và thời điểm tố giác đều từ ngay khi xảy ra vụ án nhưng không được xem xét?
- Tất cả những việc đó phải xem xét lại theo trình tự chặt chẽ hơn. Mọi đánh giá, kết luận về vụ án trước khi phiên tòa mở ra đều là sớm nên không thể đặt ra được.
- Thưa ông, VKS có xem xét để đề nghị cho bị can Huỳnh Văn Nén tại ngoại?
- Đến thời điểm này thì chưa đặt ra vấn đề ấy.
- Có ý kiến cho rằng vụ việc có nhiều vấn đề giống vụ của ông Nguyễn Thanh Chấn?
- Đến giờ chưa có cơ sở nào kết luận về vụ việc này như thế nào. Tôi rất mong dư luận, nhân dân chờ đợi kết quả của phiên tòa sắp tới.
- Có nhiều vụ án VKSND Tối cao kháng nghị khi bị án đã thi hành án rất lâu rồi. VKSND Tối cao có xem xét lại kỹ càng những vụ án có đơn kêu oan dai dẳng, kéo dài?
- Nói về mặt đơn khiếu nại các bản án, hằng năm toàn ngành nhận được rất nhiều. Có thể nói tất cả các vụ án đều có khiếu nại, hầu như vụ án nào cũng xem xét nhưng xem xét phải có điều kiện, kêu oan phải có căn cứ.
Tất cả được ghi trong luật chứ không phải tùy tiện muốn làm thế nào thì làm. Theo thông lệ chung, mỗi năm một quốc gia giải quyết các vụ án hình sự theo trình tự tái thẩm, giám đốc thẩm với tỉ lệ không phải là nhiều.
Chúng tôi một năm nhận được khoảng 140.000 đơn, tất cả các vụ án đều xem xét lại thì biến tái thẩm và giám đốc thẩm trở thành một cấp xét xử.
Chỉ những trường hợp theo quy định của luật có thể xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm và tái thẩm mới xem xét và theo các điều kiện rất chặt chẽ, chứ không phải vụ việc nào cũng xem xét lại.
Có một điều thông thường là vụ nào khi xử phúc thẩm xong thì tâm lý là cũng cứ kêu cầu may, không ưng bản án phúc thẩm là kêu oan.
"Việc này việc nọ" trong vụ án Lê Bá Mai: là sai sót
- TS Vũ Đức Khiển và bà Nguyễn Thị Hoài Thu có đặt ra câu chuyện ông nói trong vụ Lê Bá Mai “còn việc này việc nọ” nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án. Xin hỏi “việc này việc nọ” là việc gì?
- Có những việc đúng là có sai sót trong quá trình điều tra. Tôi nói ví dụ thế này, như khi khám nghiệm hiện trường, khi phát hiện dấu vết xe máy thì cơ quan khám nghiệm phải dùng thạch cao để in, rồi đem đi khám nghiệm.
Có thể ở trên Bình Phước thiếu thốn gì đó đã không làm, thay vào đó họ chụp ảnh. Nhưng từ bức ảnh đó cũng đã cho thấy xe máy có thể vào tới đây.
So sánh bản ảnh và lốp xe của Lê Bá Mai thì cơ quan kỹ thuật hình sự Bộ Công an khẳng định thấy sự trùng nhau. Như vậy mặc dù không có thạch cao nhưng thống tin từ bản ảnh cũng nói lên được điều gì đấy.
-Vậy có xem xét trách nhiệm của những người từng tuyên Lê Bá Mai vô tội và trả tự do cho Lê Bá Mai trước đây không?
- Chúng ta chưa bàn tới việc đó, chưa bàn tới xem xét trách nhiệm của ai trong vụ án Lê Bá Mai. Nếu có sơ suất trong giai đoạn nào của tố tụng thì tất cả các cơ quan đều phải kiểm điểm rút kinh nghiệm cho mình bài học.
Ví dụ việc khám nghiệm như vậy thì phải rút kinh nghiệm. Truy tố, xét xử, kiểm sát cũng phải rút kinh nghiệm. Trách nhiệm lớn nhất là các anh đã để vụ án này quá dài.