Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chữa uốn ván, người đàn ông được phát hiện bệnh khó nói

Nam bệnh nhân gặp vấn đề khó nói liên quan tiểu tiện, tình trạng kéo dài song ông ngại không đi khám và điều trị.

Vừa qua, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân nam 89 tuổi, trú tại Hà Nam.

Bác sĩ Trần Duy Hiến, khoa Ngoại Sản, cho biết bệnh nhân được chuyển tới từ bệnh viện tuyến dưới ngày 28/11 để điều trị bệnh uốn ván. Lúc này, ông đã được đặt sonde tiểu nhằm lưu thông nước tiểu từ bàng quang ra ngoài và tiện theo dõi chức năng thận.

Trong hơn một tháng điều trị uốn ván, bác sĩ phát hiện bệnh nhân thường xuyên bị bí tiểu. Người này bị bí đái hoàn toàn mỗi lần rút sonde tiểu nên được chuyển tới khoa Ngoại sản tìm nguyên nhân.

tieu dat la benh gi anh 1

Bệnh nhân được phát hiện phì đại tuyến tiền liệt sau khi điều trị uốn ván. Ảnh: Văn Phong.

Ban đầu, các bác sĩ nghĩ việc phải đặt sonde tiểu kéo dài khi điều trị uốn ván gây phù nề đường tiểu, tạo điều kiện nhiễm khuẩn tiết niệu. Tuy nhiên, khi tìm hiểu về tiền sử, các bác sĩ được người nhà cho biết bệnh nhân đã có biểu hiện rối loạn tiểu tiện trước đó như tiểu khó, tiểu dắt, thường xuyên tiểu đêm.

Ngoài ra, ông thường xuyên có cảm giác tiểu không hết, không thoải mái kéo dài nhiều năm nhưng ngại đi khám. Do đó, các bác sĩ chẩn đoán vấn đề nằm ở tuyến tiền liệt và chỉ định phẫu thuật nội soi.

Bác sĩ Hiến cho biết: “Người bệnh cần phẫu thuật ngay do tình trạng tiểu khó, tiểu không hết đã kéo dài nhiều năm khiến chức năng của bàng quang bị suy giảm nặng, gây viêm đường tiết niệu, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống và khiến bệnh nhân bí tiểu hoàn toàn”.

Trong phẫu thuật, bác sĩ phát hiện tuyến tiền liệt của người bệnh phì đại nhiều trong đường tiểu, bàng quang nhiều cầu cơ, cột cơ. Đây là nguyên nhân chính gây ra vấn đề của bệnh nhân.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân phục hồi hoàn toàn, tiểu tiện tốt. Hôm nay (15/1), ông sẽ được ra viện.

Theo bác sĩ Hiến, người bệnh điều trị muộn chủ yếu do tâm lý ngại đi khám và chưa đủ hiểu biết về bệnh. Dù tình trạng bí tiểu được cải thiện, bàng quang của người bệnh sẽ không thể hồi phục như trước.

Vì vậy, bác sĩ này khuyến cáo mọi người nâng cao kiến thức về vấn đề tiền liệt tuyến cũng như các bệnh tiết niệu. Khi có rối loạn liên quan tiểu tiện, bệnh nhân cần đi khám chuyên khoa sớm để được điều trị kịp thời.

Người bị bệnh tiểu đường nên ăn gì?

Để kiểm soát lượng glucose trong máu ổn định, người mắc bệnh tiểu đường nên ăn nhiều rau lá xanh, cá béo, khoai lang và các loại đậu.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm