![]() |
Trẻ em Hàn Quốc được cha mẹ cho học thêm ngay khi chưa vào lớp 1. Ảnh: Korea Times. |
Gần đây, chương trình Tracking 60 Minutes của đài KBS tại Hàn Quốc khiến dư luận xôn xao khi tiết lộ đề thi của một trung tâm tiếng Anh danh tiếng ở quận Gangnam, thành phố Seoul (Hàn Quốc).
Thi khó để được vào Big 3, Big 10
Cụ thể, chương trình phát sóng tập mới với tựa đề "Kỳ thi 7 tuổi dành cho ai?". Trong tập này, chương trình tiết lộ trung tâm tiếng Anh tổ chức "kỳ thi 7 tuổi", dành cho trẻ em 5-6 tuổi.
Để được vào các trung tâm, học viện dạy tiếng Anh Big 3 hoặc Big 10 (top 3-10 trung tâm tiếng Anh hàng đầu), trẻ phải vượt qua bài kiểm tra có độ khó tương đương đề thi đại học.
![]() |
Đề thi đầu vào tiếng Anh mà đứa trẻ 5-6 tuổi phải hoàn thành để có suất học thêm ở trung tâm. Ảnh: KBS. |
Trung tâm tiếng Anh này nằm ở Daechi-dong (Gangnam) - phường nổi tiếng với sự giàu có và tập trung vô số trung tâm luyện thi, học viện giáo dục tư thục. Vào các ngày cuối tuần, nơi này tấp nập học sinh tham gia kỳ thi đầu vào ở trung tâm tiếng Anh.
Ước tính, chỉ trong 4 ngày, kỳ thi ghi nhận 1.200 học sinh tham gia. Tất cả thí sinh đều chưa đầy 7 tuổi, mới chỉ chuẩn bị vào tiểu học. Điều đáng chú ý là kỳ thi 7 tuổi nổi tiếng đến mức một số người nói rằng con họ không thể tham gia kỳ thi vì không còn suất đăng ký.
Trước đây, khái niệm "kỳ thi 7 tuổi" chỉ được sử dụng ở một số khu vực tại thủ đô Seoul, nhưng hiện đã bắt đầu lan rộng khắp Hàn Quốc. Thậm chí, quan niệm này biến tướng đến mức nhiều phụ huynh cho rằng 7 tuổi là quá muộn, phải cho con học từ 4 tuổi. Kéo theo đó, khái niệm "kỳ thi 4 tuổi" cũng bắt đầu xuất hiện.
Nghiêm trọng hơn nữa, khi kỳ tuyển sinh vào các trung tâm dạy thêm danh tiếng bắt đầu có những dạng đề khó, phụ huynh sẵn sàng thuê gia sư dạy kèm 1:1 cho con để con vượt qua bài thi đầu vào.
Giáo viên, sinh viên cũng choáng váng
Bàn về kỳ thi 7 tuổi, một giáo viên chuyên dạy tiếng Anh cho trẻ em cho biết khối lượng bài tập và đề bài rất khó. Kiến thức có quá nhiều định dạng và quy tắc cần ghi nhớ nên những đứa trẻ mới 5-6 tuổi đều gặp khó khăn.
Ông Kim Hyun, giáo viên dạy Tiếng Anh với 29 năm kinh nghiệm, nhận định bài thi ở trung tâm này có độ khó tương đương đề thi đại học. Ông cũng cho rằng việc yêu cầu một đứa trẻ 5 tuổi phải suy luận cũng giống như việc bạo hành trí tuệ.
![]() |
Độ khó của đề thi khiến các nhà giáo và sinh viên đại học bất ngờ. Ảnh: KBS. |
Tương tự, bà Jeong Jiyeon, giáo viên Tiếng Anh tại một trường THCS, cũng bày tỏ sự bất ngờ khi một đứa trẻ chưa vào tiểu học lại phải làm đề thi có độ khó cao như vậy.
"Tôi bất ngờ khi các em phải làm đề thi khó như vậy. Cảm giác như họ đang bắt học sinh lớp 1 giải đề thi của học sinh THPT", bà Jeong nhận xét.
Không riêng giáo viên, sinh viên của Đại học Quốc gia Seoul - cơ sở giáo dục đại học tốp đầu tại Hàn Quốc - cũng bất ngờ khi thử giải đề thi. Những sinh viên này nói rằng một số câu hỏi khó đến mức họ không chắc chắn về đáp án chính xác.
"Tôi không thể tưởng tượng được một đứa trẻ tiểu học có thể giải được đề bài này", một sinh viên nói với tờ Edaily.
Tại Hàn Quốc, những trung tâm dạy thêm ngày càng phát triển và bành trướng, khiến phụ huynh lo lắng, sợ con tụt hậu, đồng thời khiến trẻ ngày càng suy kiệt vì học tập căng thẳng.
Các chuyên gia giáo dục bày tỏ lo ngại những áp lực học tập ngay từ nhỏ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển não bộ của trẻ.
Giáo sư Kim Boong-nyeon tại Bệnh viện Nhi Đại học Quốc gia Seoul, nói rằng giai đoạn 4-7 tuổi là giai đoạn hình thành các mạng lưới kết nối thần kinh quan trọng ở thùy trán. Nếu gặp vấn đề trong giai đoạn này, trẻ dễ bị trầm cảm, lo lắng hoặc hình thành những hành vi hung hăng, nổi loạn.
Tương tự, bác sĩ Lee Seon-hwa, người điều hành một phòng khám tâm thần ở Daechi-dong, cũng cho biết trong số những bệnh nhân đến khám, nhiều trẻ em gặp vấn đề tâm thần do bị dồn nén, căng thẳng ngay từ nhỏ.
"Khi sự đè nén đó biến thành hành động, chứng trầm cảm, lo âu của các em trở nên nghiêm trọng hơn", bác sĩ Lee nhấn mạnh.
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.