Học sinh TP.HCM tham gia một kỳ thi vào lớp 6. Ảnh: Duy Hiệu. |
“Cảm xúc rất khó tả. Tôi cảm giác như đang ở trên tầng mây và rơi bộp xuống đất vì bao nhiêu công sức của các con, của phụ huynh nhưng sắp đến kỳ thi lại bị cấm. Thực sự rất sốc và tiếc”, chị Hoàng Thị Thủy (quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ với Tri Thức - Znews khi nghe tin Bộ GD&ĐT cấm thi tuyển lớp 6.
Chị Thủy có con đang học lớp 5. Năm nay, con dự tính đăng ký vào lớp 6 tại các trường THCS chất lượng cao, trường “điểm” ở Hà Nội như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nguyễn Tất Thành, Ngoại ngữ.
Các trường này đều có sức cạnh tranh lớn, tỷ lệ chọi cao, có khi lên tới 1/20-1/30. Vì vậy, hàng năm, trường đều thi tuyển sau khi xét học bạ. Các phụ huynh muốn đăng ký cho con thi vào trường thường có quá trình chuẩn bị lâu dài. Vì vậy, quy định mới của bộ khiến không ít phụ huynh như chị Thủy bất ngờ, hoang mang, rối như tơ vò.
Phụ huynh sốc, hụt hẫng, bức xúc trước quy định mới
Chị Thủy cho biết từ năm lớp 3, con trai đã đặt mục tiêu sẽ thi vào các trường trên để có môi trường học tốt. Người mẹ cảm nhận con thực sự có đam mê với việc học, luôn muốn chinh phục mục tiêu cho riêng mình. Vì vậy, gia đình rất ủng hộ.
Mấy năm năm nay, con đã học hành nghiêm túc và có lộ trình rõ ràng bởi các trường đều đặt nhiều tiêu chí khắt khe về học bạ để xét tuyển vòng 1. Trong khi đó, vòng thi tuyển cũng luôn được đánh giá là căng thẳng. Ngoài học ở trường, từ giữa năm lớp 3, chị cho con học thêm Toán và Tiếng Anh, mới đây thêm môn Tiếng Việt.
Chị Thủy nói bất kể nắng, mưa, con đều muốn đi học, bố mẹ cũng phải đầu tư thời gian đưa đón. Thậm chí, có lần con ốm, vừa mới xuất viện, con đã đòi đi học thêm luôn.
"Nếu các trường dừng thi tuyển, tôi thực sự thương con bởi cháu đã nỗ lực, cố gắng rất nhiều. Ngoài sự cố gắng của con còn là sự đồng hành, sát sao từ gia đình”, người mẹ nói.
Chia sẻ thêm, chị Thủy cho rằng thay đổi đột ngột của bộ dễ khiến phụ huynh, học sinh rơi vào thế bị động. Lâu nay, con chị tập trung chính vào việc học và ôn thi nên không tham gia các cuộc thi bên ngoài để tránh căng thẳng. Bây giờ, trường xét tuyển, chị lo ngại hồ sơ của con ít lợi thế hơn các bạn khác.
Người mẹ thấy may mắn vì con trai bình tĩnh hơn mẹ trước thông tin mới. Dù vậy, chị cũng phải động viên con. Ngay buổi tối hôm qua, hai mẹ con đã trao đổi với nhau về hướng đi mới nếu các trường xét tuyển. Dù các trường chưa có thông báo gì, con chia sẻ từ giờ đến cuối năm học sẽ tham gia thêm các cuộc thi để làm điểm cộng khi xét tuyển vào trường.
“Mong muốn nhất của phụ huynh là các quy định sẽ ổn định, nếu có thay đổi cũng cần có lộ trình để các con dần thích nghi”, chị Thủy nói.
Chị Thủy cho biết từ năm lớp 3, con trai đã đặt mục tiêu sẽ thi vào các trường chất lượng cao. Ảnh: NVCC. |
Tương tự, tính cho con thi vào trường THCS Thanh Xuân, Cầu Giấy, từ mùa hè năm lớp 4, chị Đặng Thanh - phụ huynh có con học lớp 5 tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) - cũng đang cho con học ôn bên ngoài 4 buổi/tuần với ba môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh. Giai đoạn nước rút này, chị tính cho con tham gia thêm 2 buổi luyện đề nữa, duy trì đến lúc thi.
Hay tin không còn thi tuyển vào lớp 6, chị Thanh bức xúc vì việc xét tuyển dễ thiếu công bằng, có thể sinh ra những tiêu cực chạy chọt để làm đẹp học bạ, không thể hiện đúng năng lực của trẻ. Theo chị, hiện tại, thi tuyển vẫn là phương án công bằng, phân loại học sinh tốt nhất, chị và nhiều phụ huynh khác mong muốn điều đó.
Thời gian qua, con gái chị Thanh cũng dồn sức ôn thi, do đó bỏ hết cuộc thi, giải thưởng vì không tập trung hết được. Nếu xét tuyển, con sẽ không có thành tích gì để điền vào hồ sơ. Ngoài ra, học bạ của con cũng không “full 10” như nhiều bạn khác, rất khó cạnh tranh.
Với quy định mới, chị Thanh bối rối, phân vân có nên cho con học thêm lớp luyện đề hay không. Ngoài ra, chị và nhiều phụ huynh khác cũng cập rập chuẩn bị thêm chứng chỉ để con có điểm cộng.
“Quy chế đã ra, tôi cũng không nặng nề thi vào mấy trường ‘điểm’ nữa, giờ chắc vẫn duy trì cho con học để lấy kiến thức thôi”, người mẹ chia sẻ.
Các kỳ thi khiến trẻ áp lực, nếu xét tuyển cần công bằng
Trong khi đó, chị Lê Thanh (phụ huynh ở quận Đống Đa, Hà Nội) ủng hộ nhiệt tình với quy định không tổ chức thi tuyển lớp 6. Con gái chị vừa trải qua kỳ thi tuyển sinh lớp 6 vào hai trường Ngoại ngữ và Nguyễn Tất Thành vào mùa hè 2024. Chị nói đây là mùa hè áp lực nhất của gia đình.
"Con tôi từng học vàng cả mắt để thi tuyển", chị cho biết con học thêm 5-6 buổi/tuần vào lớp 6, tiền học thêm khoảng 7 triệu đồng/tháng, cao điểm lên đến 10 triệu.
Ngoài chi phí, nữ phụ huynh nói tinh thần cũng bị ảnh hưởng khi trải qua cảm giác thấp thỏm, lo âu mỗi khi đọc được thông tin về số học sinh nộp hồ sơ, tỷ lệ chọi, dự đoán điểm chuẩn.
Con cũng thường mệt mỏi, hay bị ốm và lo lắng mỗi khi được điểm chưa như kỳ vọng. Cuối cùng, con không đỗ cả hai trường, nhưng đó là lúc cả chị và con đều thấy nhẹ nhõm nhất.
“Áp lực đi kèm mỗi kỳ thi là quá lớn, trong khi các con còn nhỏ quá", chị nói.
Nhiều phụ huynh cho rằng việc tổ chức thi tuyển vào lớp 6 khiến trẻ căng thẳng, áp lực. Ảnh minh họa: Khương Nguyễn. |
Chia sẻ thêm, chị cho rằng xét tuyển cũng có những áp lực riêng, nhưng "chắc chắn không thể như thi cử”. Chị lấy ví dụ với việc đến trường thi, thấy hàng nghìn thí sinh cùng người nhà, học sinh chắc chắn bị ngợp. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý các con.
Vì vậy, chị bày tỏ hy vọng các trường sẽ tìm được tiêu chí xét tuyển phù hợp để vừa chọn được học sinh giỏi, vừa giảm áp lực được cho học sinh và gia đình.
Trao đổi với Tri Thức - Znews, thầy Trần Nhật Minh, Chủ nhiệm CLB Toán bồi dưỡng MathExpress (Hà Nội), nhận định tuyển sinh vào lớp 6 bằng phương thức xét tuyển không phải là hình thức mới.
“Ưu điểm dễ thấy nhất khi xét tuyển là giảm bớt áp lực học tập cũng như hạn chế căng thẳng về mặt tâm lý cho học sinh”, thầy Minh nói.
Bên cạnh đó, hình thức này cũng đem lại nhiều cơ hội hơn cho học sinh khi ngoài năng lực học tập các môn văn hóa, những em có thế mạnh, tố chất ở các lĩnh vực thể thao, năng khiếu… cũng có cơ hội vào môi trường học tập chất lượng cao.
Tuy nhiên, phụ huynh lo lắng về phương án này cũng dễ hiểu vì có thể thiếu công bằng và minh bạch như nêu trên.
“Ngoài ra, việc xét tuyển nhìn chung vẫn khó đánh giá chính xác năng lực của học sinh”, thầy Minh cho rằng một số học sinh có tố chất học tập tốt nhưng thiếu giải thưởng ở các cuộc thi sẽ gặp thiệt thòi. Điều này cũng dẫn đến việc phân hóa, tuyển chọn đầu vào của trường không đạt ở mức tốt nhất
Quy chế mới có hiệu lực từ 14/2. Thầy Minh cho rằng các trường cần công bố rõ ràng các tiêu chí xét tuyển với phụ huynh học sinh; đồng thời cân nhắc kết hợp các hình thức như phỏng vấn, bài kiểm tra đánh giá về IQ, EQ hoặc xét thêm về hoạt động ngoại khóa để giảm thiểu nhược điểm của phương pháp này.
Thầy giáo cũng khuyên các phụ huynh nên bình tĩnh, giữ tinh thần thoải mái, chờ các trường có phương án chính thức. Thầy nhấn mạnh quá trình học tập, ôn luyện sẽ không vô ích. Ngay cả khi không thi tuyển, những kiến thức các con đã học sẽ là hành trang khi con vào cấp 2, ở bất cứ trường nào.
“Nhìn tích cực, xét tuyển cũng là cơ hội để con được nhìn nhận toàn diện”, thầy giáo nói.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.