Lan Anh (30 tuổi, nhân viên cấp cao tại công ty tư vấn) chia sẻ không muốn cuộc sống về già của mình phụ thuộc vào người khác, nhất là khía cạnh sức khỏe hay tài chính. Cô từng chứng kiến cảnh người thân nương tựa hoàn toàn con cháu, khiến cuộc sống của họ lẫn người xung quanh không thoải mái hoặc bị kìm hãm.
Thế hệ nghĩ và làm khác
Bà ngoại Lan Anh năm nay 72 tuổi, dành hơn 40 năm để làm việc, tích góp và chia tài sản cho các con khi họ lập gia đình. Thế nhưng, bà không tính đến khoản để dành khiến cuộc sống về già phải nương tựa hoàn toàn vào con, từ việc ăn uống, đi lại, chi tiêu sinh hoạt hàng ngày đến phí chăm sóc sức khỏe. Thỉnh thoảng muốn về thăm quê, bà cũng cần chờ con sắp xếp công việc và chuẩn bị phí đi lại.
Thế hệ Millennials thích tự lập, dễ thích nghi xu hướng hiện đại. |
Khác thế hệ trước, những bạn trẻ như Lan Anh đang thay đổi quan điểm “trẻ cậy cha, già cậy con”, dần chuẩn bị và lên kế hoạch để đạt được một cuộc sống về hưu như mong muốn.
Ngoài công việc tư vấn, nữ nhân viên văn phòng dành thời gian tìm hiểu thêm các hình thức đầu tư cũng như các gói bảo hiểm liên kết đầu tư. “Thế hệ ông bà, bố mẹ tôi vẫn chưa hiểu rõ và còn nhiều định kiến với bảo hiểm. Tuy nhiên, tôi thấy đây là một trong những cách bảo vệ và đầu tư cho tương lai, phòng trường hợp rủi ro không lường trước. Đây cũng là một kênh tích lũy và đầu tư hiệu quả”.
Không chỉ Lan Anh, phần lớn thế hệ Millennials (sinh trong giai đoạn 1980-1996) có xu hướng tự lập, chuẩn bị cho cuộc sống về già từ sớm. Họ dần bắt kịp xu hướng thế giới, cởi mở, thích tìm kiếm điều mới lạ và sẵn sàng đối mặt thách thức. Theo khảo sát về kế hoạch sau khi nghỉ hưu tại các quốc gia châu Á năm 2018, có 87%, 97% và 91% người dân lần lượt ở Singapore, Indonesia và Thái Lan cho biết đã chuẩn bị cho cuộc sống sau nghỉ hưu. Mức độ tự tin thực hiện kế hoạch của người được khảo sát những quốc gia này ở mức 54%, 76% và 74%.
Chuẩn bị gì cho cuộc sống về già?
Trong khi đó, khảo sát Cuộc sống độc lập khi về già do Prudential phối hợp Kantar thực hiện chỉ ra, 85% người Việt Nam mong muốn có cuộc sống độc lập khi về già. Thế nhưng thực tế, chỉ 40% - trong 10 người Việt có 4 người lên kế hoạch và bắt tay hành động để đạt được cuộc sống tuổi già như mong muốn. Yếu tố trì hoãn xoay quanh những lý do như vướng bận trách nhiệm gia đình, tài chính chưa ổn định hoặc sự trì hoãn của bản thân.
Không chờ đến khi về già, nhiều người trẻ tìm hiểu, đầu tư cho cuộc sống về già từ sớm. |
Để có cuộc sống về già như mong muốn, thay vì bắt đầu hoạch định từ tuổi 40 như thế hệ “ông bà anh”, giới trẻ cần chuẩn bị từ bây giờ. Minh Hải (30 tuổi, trưởng phòng truyền thông) chọn cho mình cách rèn luyện thêm sức khoẻ thể chất bên cạnh tiết kiệm tài chính. “Tôi thấy không ít người già bị tai biến hoặc mắc bệnh tiểu đường, gout, gan nhiễm mỡ… do sinh hoạt và chế độ ăn uống không điều độ. Họ không chỉ gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, mà cần người chăm sóc thường xuyên. Vì vậy, tôi luôn ý thức chăm sóc sức khoẻ, hạn chế đến mức tối thiểu các vấn đề thể lực có thể gặp phải sau này”, anh Hải cho biết.
Ngoài ra, Hải dành thời gian tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, học thêm các bộ môn năng khiếu như khiêu vũ, vẽ… giúp giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan. Theo anh, một số người không quan tâm nhiều đến tinh thần, nhưng điều này đặc biệt quan trọng, có thể ảnh hưởng đến các mặt còn lại là thể chất và tài chính. Tập sống lạc quan là cách chuẩn bị cho áp lực từ công việc hay biến cố bất ngờ của cuộc sống.
Người trẻ cần lên kế hoạch tài chính, sức khoẻ và tinh thần ngay bây giờ. |
Theo cuộc khảo sát lao động lần thứ 18 của quỹ hưu trí Transamerica, 71% thế hệ này tiết kiệm hưu trí ở độ tuổi trung bình 24 tuổi. Trong khi đó, báo cáo điều tra thói quen tài chính năm 2018 của Ngân hàng Mỹ cho thấy, 47% Millennials có ít nhất 15.000 USD trong tiết kiệm hưu trí và 16% cho biết tiết kiệm ít nhất 100.000 USD.
Hành trình sống tự lập, không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội khi về già cần thời gian lên kế hoạch cũng như chuẩn bị bài bản, đặc biệt tập trung ba khía cạnh được quan tâm: Sức khoẻ thể thể chất, sức khỏe tinh thần và tài chính.
Trong những năm gần đây, dân số già là một trong những mối lo hàng đầu của Chính phủ, doanh nghiệp, xã hội Việt Nam.
Khảo sát đầu tiên về “Cuộc sống độc lập khi về già” do Prudential Việt Nam phối hợp Kantar Việt Nam thực hiện với nội dung tìm hiểu các mối quan tâm, sự kỳ vọng cũng như mức độ sẵn sàng và tự tin của người Việt cho cuộc sống độc lập khi về già, dựa trên 3 khía cạnh: Sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và tài chính. Khảo sát trực tuyến thực hiện với 500 người Việt ở độ tuổi 30-45, sinh sống tại TP.HCM và Hà Nội.
Khảo sát “Cuộc sống độc lập khi về già” là bước đi đầu tiên của Prudential trong việc chung tay giải quyết các thách thức của xã hội để già hóa không phải gánh nặng, giúp người dân có kế hoạch chuẩn bị tốt hơn, tăng mức độ tự tin cho cuộc sống độc lập khi về già.
Bình luận