Ông Nguyễn Văn Hùng (65 tuổi, quê Thanh Hoá) nuốt nghẹn, đau ở ngực, ăn hay đầy bụng, thỉnh thoảng buồn nôn, kèm rối loạn tiêu hoá. Ông không muốn đi bệnh viện khám vì sợ tốn kém nhưng gần đây cơ thể mệt mỏi, đại tiện khó khăn, con cháu động viên nhiều nên ông quyết định ra Hà Nội kiểm tra sức khoẻ.
Bác sĩ nói triệu chứng của ông báo hiệu có thể có bất thường ở thực quản, dạ dày và kèm theo rối loạn ở đại trực tràng.
Ông Hùng được chỉ định nội soi dạ dày, đại trực tràng và siêu âm ổ bụng. Tuy nhiên, khoảng 5 phút nằm trên giường bệnh suy nghĩ, ông Hùng nhất quyết từ chối nội soi và nói với bác sĩ “khả năng tôi có bệnh thật nhưng thà không nội soi thì coi như không biết có bệnh, về còn ăn uống ngủ ngon. Nếu biết bệnh rồi chắc chỉ nằm chờ chết, ung thư thì chữa gì nữa”.
Bác sĩ động viên khi tìm ra bệnh, biết đang ở giai đoạn nào sẽ chữa sớm và có cơ hội hồi phục. Tuy nhiên, ông một mực từ chối nội soi, bật dậy khỏi giường và đi thẳng đến cổng bệnh viện để bắt xe về quê.
Bác sĩ Nam trong một ca phẫu thuật cho người bệnh. |
Theo bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K, trong quá trình khám và điều trị tại bệnh viện, số lần bác sĩ bị bệnh nhân từ chối khám, điều trị nhiều.
Những lúc đó, bác sĩ băn khoăn: “Vì sao bác sĩ không thể lấy được niềm tin của người bệnh? Vì sao y học hiện đại đầy đủ bằng chứng có thể chữa được bệnh nhưng bệnh nhân vẫn quay lưng?"
Nhiều người bệnh từ chối điều trị do thiếu hiểu biết, luôn nghĩ ung thư là án tử, có chạy chữa cũng không sống được nên buông xuôi.
Thăm khám lâm sàng vai trò quan trọng trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư. Việc phát hiện sớm ngay từ khi chưa có biểu hiện bệnh giúp nâng cao hiệu quả điều trị, giảm thời gian, chi phí điều trị.
Đơn cử nội soi giúp sàng lọc nguy cơ, phát hiện sớm ung thư dạ dày hoặc đại tràng nếu có. Trong quá trình nội soi, bác sĩ sẽ chỉ định cắt khối u, không cần mổ mở hay nằm viện. Trường hợp muộn, bệnh nhân phải mổ mở, vết mổ lớn, đau nhiều, thậm chí không thể can thiệp do quá nặng.
Việc người bệnh từ chối khám chữa bệnh là mối nguy lớn, làm tăng nguy cơ nguy hiểm tính mạng. Ngoài ra, đa số bỏ điều trị khi trở lại viện đều ở giai đoạn càng muộn, gây tốn kém tiền bạc và mệt mỏi tinh thần.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính khiến mọi người ngần ngại khám tầm soát bệnh là nỗi sợ mắc bệnh, đặc biệt bệnh nan y hiểm nghèo. Ví dụ, bệnh ung thư có thể gây nguy hiểm tính mạng hoặc tốn kém chi phí điều trị, đem lại gánh nặng chăm sóc và tài chính cho người thân.
Khảo sát năm 2015 do Viện Nghiên cứu Sức khỏe toàn cầu George thực hiện tại 8 quốc gia với gần 10.000 bệnh nhân ung thư, 20% trong số đó ở Việt Nam, cho thấy 55% bệnh nhân gặp thảm họa tài chính và tính mạng trong vòng một năm sau khi phát hiện bệnh.
Sau 12 tháng điều trị, 66% người bệnh phải đi vay tiền chữa tiếp tục, 34% không đủ tiền mua thuốc, 24% khánh kiệt kinh tế gia đình. Hiện có nhiều liệu pháp điều trị mới có thể kéo dài sự sống hoặc chữa khỏi ung thư, song quá trình điều trị lên tới hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ, trong khi chưa được bảo hiểm y tế chi trả.