Khoảng 14h chiều 10/8, trong khi HD Lee xếp hàng đợi đồ ăn tại nhà hàng El Taurino (Los Angeles, Mỹ), một người đàn ông đưa danh thiếp và mời cô đi ăn trưa.
Khi người phụ nữ gốc châu Á trả lời rằng cô đã kết hôn, người này lập tức giật lại tấm thẻ và tuôn ra những lời lẽ phân biệt chủng tộc.
“Anh ta hét lên những câu từ tục tĩu liên quan tới chủng tộc và đủ thứ kinh khủng về phía tôi”, cô kể lại.
Người đàn ông chửi bới cô gái gốc Á vì rủ đi ăn bị từ chối. Ảnh cắt từ clip. |
Lee nói với NextShark rằng cô đi một mình ở thời điểm vụ việc xảy ra nhưng có 2 điện thoại trên người.
“Tôi đang có cuộc gọi công việc thì người đó tiếp cận. Tôi ghi lại sự việc bằng chiếc điện thoại còn lại”, cô nói.
Người đàn ông cũng rút điện thoại ra dường như để chụp hình Lee trước khi phun ra hàng loạt câu nói xúc phạm như: “Bảo cô ta cút về châu Á đi”, “Tôi là người đóng góp cho chính quyền, đồ châu Á chết tiệt”, “Nhìn lại mình đi, cô đâu có 'ngon'”.
Trong video được Lee ghi lại, người đàn ông còn hùng hổ tiến tới phía cô, nói tên mình là Frederick Douglas Smith và đọc số an sinh xã hội cùng ngày sinh.
Vụ việc khiến Lee rơi nước mắt. Cô nhờ các nhân viên tại El Taurino giúp đỡ nhưng không ai lập tức tiến lại gần can thiệp.
“Sau khi tôi bị lăng mạ gần 2 phút, 2 nhân viên nhà hàng cuối cùng cũng tiến tới can ngăn và yêu cầu anh ta ra góc khác của quán. Họ miễn phí đồ ăn và để anh ta rời đi. Tôi đã khóc suốt hơn 30 phút trước khi cảnh sát đến”, cô gái gốc Á nói.
Theo Lee, cảnh sát sau đó tới nhà hàng nhưng không lập biên bản vụ việc vì “điều này liên tục xảy ra”.
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, người châu Á hay gốc Á ở nhiều nước trên thế giới không chỉ vật lộn với cuộc sống bị đe dọa bởi virus mà còn phải đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc ngày càng gia tăng.
Trong các cuộc phỏng vấn vào tháng 3 với New York Times, gần 20 người Mỹ gốc Á trên khắp xứ sở cờ hoa cho biết họ sợ đi mua sắm, ngồi một mình trên tàu điện ngầm, trên xe buýt hoặc để cho con cái ra ngoài.
Cô gái Việt bật khóc vì cảm thấy bị ghẻ lạnh trên chuyến bay của hãng hàng không Mexico hồi tháng 2. Ảnh: FBNV. |
Cuối tháng 2, Trang (tên thường gọi là Tori Vo, cựu học sinh trường Thực nghiệm Sư phạm, TP.HCM, hiện sống ở Mỹ) chia sẻ với Zing trải nghiệm “thật sự đau lòng” trên chuyến bay từ Guadalajara (Mexico) tới San Jose (Mỹ) vào ngày Valentine.
Là người gốc Á, Trang trải qua sự kiểm tra gắt gao hơn mọi hành khách tại sân bay ở Mexico. Sau đó, dù đã trả lời “không” với câu hỏi: “Có tới Trung Quốc trong 30 ngày qua không?”, cô gái Việt vẫn chịu một chuyến đi bị phân biệt đối xử.
“Tôi như người vô hình vì họ bỏ qua hàng của tôi khi đẩy xe chở đồ ăn uống mời hành khách. Khi tôi yêu cầu một ly nước, người phục vụ lấy ra một cái chai và thả xuống ghế bên cạnh tôi mà không nói lấy một lời hay ngoái đầu lại”, cô nói.
Chiều 28/3, một phụ nữ châu Á (51 tuổi) bị 4 cô gái trong độ tuổi 15-16 dùng ô đánh liên tục vào người trên một chiếc xe bus tại Bronx (New York, Mỹ). Nhóm thủ phạm còn chửi bới nạn nhân bằng nhiều từ ngữ tục tĩu, miệt thị và đổ lỗi cho bà về sự bùng phát của dịch Covid-19. Nạn nhân phải khâu ở phần đầu sau khi nhập viện.
Ngày 31/3, cảnh sát bang New South Wales (Australia) cũng bắt giữ một cô gái 17 tuổi và cáo buộc người này 3 tội tấn công, sử dụng ngôn ngữ công kích, 2 tội cố gắng rình rập/đe dọa.
Trước đó, người này tấn công 2 chị em gốc Á - Sophie Do và Rosa Do - trên đường ở Marrickville bằng từ ngữ phân biệt chủng tộc liên quan tới dịch Covid-19. Sau đó, nạn nhân Rosa Do còn bị nhổ nước bọt lên mặt, đánh vào mắt.
Ông Michael Ryan - giám đốc điều hành Chương trình Khẩn cấp về Sức khỏe thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - nhấn mạnh ngay từ khi dịch Covid-19 mới bùng phát rằng không nên có sự kỳ thị nào liên quan đến virus corona chủng mới.
“Trách nhiệm của chúng ta là đảm bảo không có sự kỳ thị nào liên quan đến căn bệnh này. Điều đó không cần thiết và không mang lại ích lợi gì”, ông Ryan nói trong một cuộc họp về dịch bệnh tại trụ sở WHO.