Marseille, thành phố lớn thứ hai của Pháp, đứng trước cơn khủng hoảng nhà đất với loạt chung cư xuống cấp. Sự nghèo khổ "rình rập" người dân trong lúc chính quyền thờ ơ.
|
"Chúng tôi sẽ đóng cửa tòa nhà này", một nhân viên cứu hỏa thông báo với các gia đình đang tập trung xung quanh. Hoang mang và sợ hãi, họ trèo lên cầu thang tối tăm, cũ kỹ của tòa nhà trên phố Rue Jean Roque để thu dọn đồ đạc và chuyển đi. Trong suốt quãng đường, họ vượt qua những mảng tường rơi vữa và các vết nứt của tòa nhà, có vết đủ lớn để cho một cánh tay qua. Bước vào bất kỳ tòa nhà nào trong khu vực quận Noailles, người ta cũng thấy những bậc cầu thang nghiêng ngả đến chóng mặt. Mọi người được khuyên là phải bám tay vịn. Tại Rue d’Aubagne, Khedidja Dhamani, một phụ nữ trung niên, cho biết: "Khi hàng xóm đi lên cầu thang, cả nơi này rung bần bật". |
|
Tòa chung cư 5 tầng ở Rue Jean Roque từ lâu đã không được chính quyền thành phố Marseille đoái hoài và giờ được đánh giá là không an toàn. Lãnh đạo thành phố đang tăng tốc giải quyết bất bình của người dân sau khi lơ là những lời cảnh báo của chuyên gia và để xảy ra hai vụ sập nhà trong tháng 11, khiến 8 người thiệt mạng. Theo New York Times, cơ quan chức năng tới nay đã di tản 1.054 người khỏi 111 chỗ ở xuống cấp và vẫn đang tiếp tục công việc này. Tuy nhiên, báo cáo năm 2015 trình Bộ trưởng Nhà đất cho hay 40.000 công trình nhà ở tại Marseille được xếp vào diện không an toàn, chiếm 10% tổng số trên cả nước. Marseille, thành phố lớn thứ 2 nước Pháp và là một trong số những nơi nghèo nhất châu Âu, đối mặt với cuộc khủng hoảng nhà đất và sâu xa hơn nữa là cuộc khủng hoảng nghèo khó. Hơn 1/4 dân số tại đây chính thức thuộc diện nghèo. |
|
Nhiều người tự hỏi vì sao chính quyền chậm trễ trong việc giải quyết vấn đề và cho rằng tình trạng hiện tại phản ánh "một nước Pháp rất khác". Hôm 14/11, hàng nghìn người dân đã xuống phố biểu tình, giơ cao hình ảnh của những người thiệt mạng trong vụ sập nhà. "Guadin, kẻ giết người!", họ hô to bày tỏ phản đối sự tắc trách của chính quyền, nhắc tới Thị trưởng Jean-Claude Gaudin, người tới nay đã lãnh đạo thành phố trong nhiều năm. "Công lý đường phố sẽ kết tội ông!". |
|
Trong lúc chính quyền Marseille đổ số tiền lên tới hàng triệu vào các cơ sở hạ tầng thể thao và bảo tàng tráng lệ để thu hút khách du lịch, hàng trăm tòa nhà ở trung tâm thành phố, một số được xây từ thế kỷ 18 và là chỗ nương tựa của người nghèo, lại hầu như không được đầu tư bảo dưỡng. Những cuộc thanh tra đều ngẫu nhiên, qua loa và lộn xộn. Theo một tổ chức hoạt động xã hội, trái ngược với báo cáo năm 2015 cảnh báo 40.000 tòa nhà không an toàn, thành phố chỉ tuyên bố một phần rất nhỏ công trình là thuộc diện này vào năm 2016. |
|
Ngày 18/10, hơn hai tuần trước vụ sập nhà trên phố Rue d’Aubagne, một chuyên gia được thành phố cử xuống tuyên bố tầng một của tòa nhà số 65 không an toàn, chứ không phải cả tòa nhà. Những người thiệt mạng gồm một người mẹ nhập cư có 8 đứa con, một học sinh, họa sĩ và người di cư gốc Phi thất nghiệp, không giấy tờ. Những cái chết phản ánh một điều rằng khoảng cách giữa tầng lớp có chỗ ở, nước sạch, giáo dục và cơ hội việc làm, với phần còn lại của xã hội tồn tại rõ rệt thậm chí ngay tại quốc gia có hệ thống an sinh xã hội rộng rãi. |
|
Nước từ phòng tắm bên nhà hàng xóm chảy vào phòng bếp của bà Dhamani qua một vết nứt lớn. Còn Stephanie Rose (trong ảnh) có hai đứa con. Chị bảo chúng đi giày vào mỗi khi trời mưa vì nước sẽ sớm tràn vào căn hộ. |
|
Gần đó, tại Rue de l’Arc, hàng xóm sống ở tầng dưới yêu cầu Saida Ouaheb không dùng tủ lạnh bởi nó khiến cho trần nhà của họ rung. Ba cô con gái của Ouaheb giờ đều sợ phải ở trong căn hộ. Cô bé 9 tuổi thậm chí không muốn rời trường học. "Chúng tôi không thể ngủ ngon ở đây", Ouaheb chia sẻ. Cô là nhân viên quét dọn tại một nhà hàng và thuộc diện được nhận trợ cấp chính phủ. Tiền thuê nhà là 730 USD/tháng. Tại các tòa nhà tồi tàn ở Noailles, nơi người nghèo sinh sống, nỗi sợ đang bao trùm tất cả. Trẻ con sợ về nhà, những bà mẹ nói rằng họ thức giấc giữa đêm vì chấn động dù là nhỏ nhất, còn sinh viên thà tìm chỗ khác để ngủ. |
|
Trong ảnh là buổi gặp mặt của một tổ chức được lập nên nhằm giúp đỡ những nạn nhân trong vụ sập nhà. Theo nhà xã hội học Michel Peraldi, Marseille là nơi tập trung những "bệnh lý" của vùng đô thị hậu công nghiệp. Ông nhận định thành phố này chưa từng vượt qua được cơn khủng hoảng kép của phi công nghiệp hóa và phi thực dân hóa. Ngành công nghiệp tận dụng nguyên liệu thô sơ giá rẻ đã biến mất và những thuộc địa từng là nguồn cung cho thành phố cũng không còn. Tỷ lệ thất nghiệp ở đây cao hơn trung bình cả nước gần 50%. "Có tới 3 thế hệ thất nghiệp", ông nói. "Cũng chưa hề có bất ký chính sách rõ ràng nào để tái hòa nhập họ vào xã hội". |
|
Người dân Marseille, dù ăn mặc lịch sự hay rách rưới, ngày qua ngày đều tuần hành tới khu vực có hoa, nến được dựng tạm để tưởng niệm các nạn nhân trong vụ sập nhà. "Không phải là vì trời mưa!" - dòng chữ được viết trên tường, phản đối lời giải thích ban đầu của Tòa thị chính về nguyên nhân tai nạn thảm khốc. "Ai chết ở đó?", Rabah Ramdani, nhân viên bán hàng tới thăm viếng, nói. "Chỉ người nghèo thôi và chuyện này chưa xong đâu". Trong lúc đó, Bintou Cissé, chủ một cửa hàng nhỏ ở góc phố Rue Jean Roque, chia sẻ: "Mọi thứ ở đây đều mục ruỗng. Chẳng còn gì ngoài những khu ổ chuột". Vừa nói, cô vừa nhìn lên những vết nứt bên ngoài tòa nhà. |
|
Trong hai tòa nhà sập trên phố Rue d'Aubagne, nhà số 63 không có người ở, tồi tàn, chắp vá, không mái che và đã được thành phố phụ trách. Nhiều người cho rằng việc nhà số 63 đổ sụp ảnh hưởng tới công trình vốn đã xuống cấp ở só 65, nơi có người dân sinh sống. "Những gì được phơi bày là sự suy đồi và thờ ơ của quan chức", Patrick Lacoste, người đứng đầu tổ chức hoạt động xã hội Thành phố Trung Tâm cho Mọi người, nhận định đây là một thảm họa chính trị. "Thật khó tin chuyện này có thể xảy ra ở đây, tại Pháp", Elise Sut, một nhạc công tham gia vào cuộc tuần hành, chia sẻ. Đây chỉ là một trong số nhiều người bày tỏ nỗi hổ thẹn về tai nạn chết người liên quan đến những tòa nhà xuống cấp của thành phố cảng. |
Nước Mỹ sang trang
26 phút trước
06:00
20/1/2025
Thế giới
Thế giới
0
Bầu cử năm 2012 là lần cuối Mỹ chứng kiến mô típ chính trị quen thuộc kéo dài hàng thập niên, khi chủ nghĩa dân túy bảo thủ của ông Trump đã thúc đẩy một kỷ nguyên hoàn toàn mới.
Ngọc Hà
Ảnh: New York Times
khu ổ chuột ở Marseille
Pháp
Marseille
khu ổ chuột
Pháp