Zing.vn trích dịch bài viết trên BBC về thực trạng nhiều người trẻ ở Anh không đủ kinh tế để chuyển ra ở riêng giữa thị trường nhà đất đắt đỏ, qua câu chuyện một cô gái quyết định sống chung nhà với người yêu cũ để chia sẻ chi phí.
Vừa tốt nghiệp đại học, với mong muốn tìm kiếm công việc trong ngành thời trang, Lucy (26 tuổi) rời gia đình ở thị trấn ven biển Bournemouth, cùng bạn trai chuyển đến London - một trong những kinh đô thời trang thế giới.
Với giá nhà đất đắt đỏ ở thành phố hoa lệ, đôi tình nhân chật vật mới tìm thấy một căn hộ phù hợp với mức chi trả của mình.
Lucy không ngờ rằng thời điểm mới sống chung cũng là khi cô muốn chia tay vì nhận ra những bất đồng với đối phương.
“Đó là lần đầu tiên chúng tôi thực sự sống chung dưới một mái nhà. Cuộc sống thường ngày kề bên nhau khiến cả hai nhận ra những vấn đề, xung đột trong mối quan hệ mà khi ở riêng không hề thấy”, Lucy bộc bạch.
Nhưng cô lại không thể chuyển ra ngoài ngay bởi mức lương thấp khi vừa tốt nghiệp, cô không thể lo liệu một mình. Lucy phải sống cùng nhà, ngủ chung giường với bạn trai thêm 3 tháng cho đến khi hợp đồng kết thúc.
“Tôi không đủ tiền để chuyển đi, cũng không kiếm được một nơi ở mới phù hợp với mức chi trả nếu ở một mình. Hơn nữa tôi còn phải ở hết 6 tháng hợp đồng mới có thể lấy lại tiền đặt cọc”, cô nói.
Dù đã chia tay, Lucy và bạn trai chấp nhận sống chung nhà để chia sẻ tiền thuê. Ảnh: BBC Three. |
Lucy không phải trường hợp duy nhất chấp nhận sống chung một nhà với người cũ dù đã chia tay. Thực trạng này bắt nguồn từ việc người trẻ không đủ tiền để ở một mình do chi phí thuê nhà ở Anh quá đắt đỏ.
Theo nghiên cứu gần đây của Liên đoàn Nhà ở Quốc gia Anh (được thực hiện bởi Đại học Heriot-Watt, sử dụng dữ liệu từ cuộc khảo sát hàng năm của Understanding Society), khoảng 2,5 triệu người ở nước này không đủ kinh tế để thuê nhà riêng hay chuyển ra khỏi nhà cha mẹ, nhiều trong số đó thậm chí phải sống chung với người yêu cũ chỉ để chia sẻ chi phí hay do mắc kẹt với hợp đồng thuê nhà chung trước đó.
Bi kịch phải sống chung nhà dù đã chia tay
Cô gái 26 tuổi tự miêu tả mình là kẻ cứng đầu. Bởi dù bạn bè và người thân sẵn sàng cho ở nhờ, cô vẫn nhất quyết ở chung nhà với người yêu cũ vì thuận tiện đi làm và không muốn di chuyển đồ đạc.
“Tôi cứ nằng nặc ở lại căn hộ đó cho tới khi nào mình được trả lại tiền đặt cọc. Và rõ ràng tôi có quyền được ở đó”, cô nói.
Vừa đối mặt với nỗi suy sụp vì chuyện tình cảm đổ vỡ, Lucy vừa phải ép mình chấp nhận sống chung vì kinh tế khó khăn.
Ban đầu, cô và bạn trai thay phiên nhau một người ngủ trên giường, một người ngủ ở ghế. Nhưng sự khó chịu, mệt mỏi khi nằm sofa khiến họ đều muốn được ngủ trên chiếc giường êm ái. Cuối cùng, hai người quyết định ngủ chung, làm thêm một vách ngăn bằng gối ở giữa giường.
Đã chia tay nhưng vẫn giáp mặt nhau mỗi ngày khiến cả đôi bên đều sớm mệt mỏi, bực bội. Khoảng thời gian đó cô thường xuyên bị bủa vây bởi cảm xúc tiêu cực.
Cô buộc mình cố gắng tìm mọi cách để giữ không khí hòa thuận trong ngôi nhà chung. Cô giả vờ miệt mài trò chuyện với bạn bè trên mạng, hạn chế uống rượu, tránh những sinh hoạt chung trong nhà.
Cuối cùng, sau khoảng thời gian khá căng thẳng, Lucy đành nhờ sự hỗ trợ tài chính từ gia đình để chuyển ra ngoài.
“Sau trải nghiệm kinh khủng, đau lòng đó, tôi không nghĩ mình sẽ sống cùng nhà với những bạn trai khác”, Lucy tâm sự.
Trải nghiệm chung nhà với người yêu cũ khiến Lucy có khoảng thời gian rơi vào bế tắc. Ảnh: Huffpost. |
Nhưng mọi chuyện lần nữa lặp lại. Khi những xúc cảm tiêu cực dần qua đi, bị quên lãng, cô tiếp tục dọn tới ở chung với một người bạn trai mới vào năm 2018.
“Tôi đã do dự, nhưng thực tế việc chia sẻ căn hộ với một người khác giảm thiểu đáng kể các chi phí. Việc sống với người yêu cũng giúp tôi tránh phải ở cùng người lạ nào đó mà mình không hề quen biết, thế nên tôi lần nữa chọn sống với bạn trai”, cô kể.
Nhưng lần này, sau khi chia tay, Lucy cùng nửa kia quyết định chuyển đi, bỏ cả tiền đặt cọc. Cô dọn về sống chung với gia đình ở Bournemouth.
Sau tất cả, Lucy cảm thấy kiệt quệ cả về sức lực, cảm xúc và tiền bạc sau quãng thời gian lăn lộn với việc ở riêng.
“Tôi cảm thấy thật xấu hổ. Thú thực để tìm được một căn hộ cho riêng mình khi còn trẻ tuổi là việc quá khó khăn, thế nên không thành công trong việc ổn định sự nghiệp hay những mối quan hệ cũng tương tự thất bại”, cô nói.
Chỉ nên thuê nhà chung nếu muốn gắn bó lâu dài
Vấn đề kinh tế, những ràng buộc trong các bản hợp đồng thuê nhà chung là những lý do chính khiến ngày càng nhiều đôi trẻ ở Anh chấp nhận tiếp tục sống cùng nhà dù đã chia tay.
Một nghiên cứu chỉ ra, người trẻ hiện nay nghèo hơn so với những người cùng độ tuổi cách đây 18 năm vì sự gia tăng của giá nhà đất. Theo đó, công bố của Resolution Foundation, người từ 18-29 tuổi nghèo hơn 7% so với những người cùng độ tuổi vào năm 2001.
Georgie Laming, từ tổ chức Generation Rent, nói rằng với mức kinh tế khó khăn là nguyên nhân khiến ngày càng có nhiều người trẻ chọn sống chung với người yêu để chia sẻ phí thuê nhà đắt đỏ.
“Thuê nhà chung được xem là cách duy nhất những người trẻ chưa có tiềm lực kinh tế tìm được một chỗ ở tiện nghi, thoải mái”, cô nói.
Polly Neate - giám đốc điều hành của Shelter (tổ chức từ thiện nhằm chấm dứt tình trạng vô gia cư và vấn đề nhà ở tại Anh) - nói: "Nhiều người không đủ kinh tế để ra ở riêng, hợp đồng có thời hạn cố định cũng là nguyên nhân khiến họ không thể chuyển ra ngoài".
Thuê chung nhà với người yêu không chỉ là sự ràng buộc về mặt tình cảm. Ảnh: BBC. |
Một vấn đề khác cần được lưu ý là để ký vào hợp đồng thuê nhà thì dễ, nhưng khi cắt đứt hợp đồng lại có quá nhiều ràng buộc.
Tessa Shepperson - một chuyên gia bất động sản kiêm luật sư về nhà đất, người điều hành một blog thông tin về thị trường cho thuê ở Anh - nói với BBC rằng để giải quyết thực trạng này, những người trẻ tuổi cần phải nhận thức được mức độ nghiêm túc của các thỏa thuận thuê nhà chung, thậm chí cho rằng nên đưa vấn đề này vào nội dung giáo dục trong trường học.
“Trước hết, mọi người cần nhận thức rằng khi ký hợp đồng thuê nhà thì đó là một thỏa thuận pháp lý ràng buộc nghiêm ngặt. Thế nhưng, đa số lại có xu hướng quá háo hức khi chuyển về ở chung nên bỏ quên nhiều điều quan trọng”, ông chia sẻ.
Nếu muốn chuyển ra, một trong hai người phải tìm một người mới thế chỗ của mình và hỏi xem chủ nhà có đồng ý sang nhượng hợp đồng thuê nhà cho người mới kia hay không. Hoặc nếu người ở cùng có khả năng, đồng ý trả hết tiền thuê nhà một mình, mọi chuyện dễ dàng trở nên ổn thỏa hơn.
“Lời khuyên được đưa ra là một khi quyết định thuê chung nhà với người yêu hay bất kỳ một ai khác, bạn nên suy nghĩ chắc chắn về việc có muốn sống chung với họ lâu dài hay không. Một bản hợp đồng ngắn hạn theo tháng hay quý sẽ phù hợp hơn một hợp đồng thuê dài hạn theo năm khi mới bắt đầu sống chung”, Tessa nói.