Trong một cuộc phỏng vấn, ngôi sao điện ảnh Hollywood Brad Pitt tiết lộ rằng anh không có khả năng nhận diện và ghi nhớ khuôn mặt người khác, dù sau vài lần gặp gỡ. "Rất nhiều người ghét tôi vì họ nghĩ tôi giả vờ không quen biết", nam tài tử nói.
Bị gán mác "cao ngạo" vì chứng bệnh kỳ lạ
Thuật ngữ y học cho tình trạng cơ thể mà Brad Pitt miêu tả là chứng bệnh Prosopagnosia, bắt nguồn từ "prosopon" của Hy Lạp. Nó ám chỉ tình trạng quên mất ngoại hình, nét mặt của người khác.
Nam tài tử Brad Pitt thừa nhận mình mắc chứng mù mặt khiến nhiều người lầm tưởng anh cao ngạo. Ảnh: Daily Times. |
Tình trạng này đã gây ra cho Brad Pitt nhiều tình huống trớ trêu. "Thề có Chúa, mỗi lần ai đó ngỏ lời chào, tôi phải hỏi lại: "Xin chào, chúng ta từng gặp nhau ở đâu chưa nhỉ?". Điều đó chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn bởi nhiều người nghĩ tôi không tôn trọng họ", ngôi sao Hollywood nói.
"Anh là người tự cao tự đại, là một kẻ ngạo mạn, tôi đồ rằng không ít người nghĩ thế về mình. Nhưng không thể nào khác, tôi không thể nắm bắt đặc điểm trên khuôn mặt mọi người xung quanh, cũng như không thể ghi nhớ đặc điểm nhận dạng của họ", Brad Pitt trần tình.
Cuộc phỏng vấn này sau đó đã thúc giục nhà thần kinh học Carnegie Mellon Marlene Behrmann gửi lời mời đến Brad Pitt nhằm kiểm tra tình trạng mà anh mắc phải. Nam tài tử đã được chụp ảnh não để đo mức độ ảnh hưởng của các cơ quan thần kinh.
Vị bác sĩ này cho biết Brad Pitt đã mắc chứng mù mặt (Face Blindness hay còn gọi là Prosopagnosia). Nếu không chữa trị đúng và kịp thời, chứng bệnh có thể dẫn tới mù lòa. Trong trường hợp nghiêm trọng, bản thân người bệnh cũng không thể nhận ra mình trong gương. "Carnegie Mellon là một trong số các cơ sở hiếm hoi có thể kiểm tra mù mặt và thực hiện những kiểm tra y tế cần thiết liên quan đến chứng bệnh này", TS Behrmann nói thêm với báo chí.
Mù mặt không có triệu chứng nhất quán
Prosopagnosia là căn bệnh rối loạn thần kinh đặc trưng bởi không có khả năng nhận diện khuôn mặt. Chứng bệnh này không liên quan đến rối loạn chức năng trí nhớ, giảm trí nhớ, suy giảm thị lực hoặc khuyết tật khả năng nhận thức.
Cứ 50 người Mỹ thì có một người chịu ảnh hưởng của Prosopagnosia. Ảnh: Helix. |
Prosopagnosia được cho là kết quả của sự bất thường, thiệt hại hoặc suy yếu ở con quay fusiform phải. Đây là nếp gấp trong não xuất hiện có tác dụng phối hợp các hệ thống thần kinh kiểm soát nhận thức và trí nhớ trên khuôn mặt.
Ken Nakayama, giáo sư tâm lý học tại Harvard trả lời phỏng vấn của Times, tính đến năm 2006 khoảng 100 trường hợp mắc Prosopagnosia. Tuy nhiên, cứ 50 người Mỹ sẽ có 1 người bị ảnh hưởng bởi chứng bệnh này. "Đó là một tỷ lệ rất đáng ngại", TS Thomas Grüter thuộc Viện Di truyền học Münster cho biết.
Những người mắc Prosopagnosia có các triệu chứng khác nhau, không rõ ràng. Dấu hiệu chính để phát hiện bệnh là việc họ không nhận ra khuôn mặt của người khác sau vài lần gặp. Một số trường hợp không thể nhận ra khuôn mặt của chính họ trong gương. Chẳng hạn như trường hợp của Gaylen Howard (40 tuổi), ở Boulder, Colorado. Gaylen Howard chia sẻ với Times rằng khi đứng trước gương trong phòng vệ sinh đông đúc, bà tự cười với bản thân và hỏi: "Tôi là ai?".
Mù mặt có thể là biểu hiện của nhiều căn bệnh nguy hiểm khác
Các nhà khoa học đã tìm hiểu chứng bệnh này từ những năm 1940 và đưa ra kết luận tổn thương não là một trong những nguyên nhân gây nên mù mặt. Tuy vậy, họ phải mất hàng thập kỷ để nhận ra rằng một số người được sinh ra đã mang gen di truyền.
Mù mặt có thể là biểu hiện của nhiều chứng bệnh liên quan đến thần kinh và đột quỵ. Ảnh: Pinterest. |
Trường hợp đầu tiên ghi nhận mắc Prosopagnosia là vào năm 1976. Một bà mẹ nhận ra con gái mình gặp khó khăn trong việc phân biệt bạn bè ở trường vì tất cả đều mặc đồng phục. Nghiên cứu cũng cho thấy những người bị mù mặt có xu hướng di truyền từ người thân bởi khiếm khuyết trong gen trội. Vì vậy, nếu cha mẹ bị Prosopagnosia, 50% khả năng con cái của họ cũng mắc bệnh này.
Prosopagnosia có thể khiến bệnh nhân tê liệt các mối quan hệ xã hội. Điển hình như Brad Pitt, anh chia sẻ rằng bản thân ngại ra ngoài tiếp xúc với nhiều người.
Các cá nhân mắc Prosopagnosia thường gặp khó khăn trong việc nhận ra các thành viên gia đình và bạn bè thân thiết. Họ thường sử dụng cách khác để "nhận dạng", chẳng hạn như giọng nói, quần áo hoặc các thuộc tính vật lý đặc biệt.
Mù mặt còn là dấu hiệu tiên lượng của nhiều tình trạng nguy hiểm khác như đột quỵ, chấn thương sọ não hoặc một số bệnh thoái hóa thần kinh. Vì vậy, cần xem xét chứng bệnh này cẩn trọng để tránh hậu quả về sau.