Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chúng ta có nên trẻ mãi không già?

Một trong những tham vọng lớn nhất của con người qua mọi thế hệ là tìm cách chống lại tuổi già. Con người hy vọng có thể "lập trình" lại tế bào để trẻ mãi.

1. Tuổi già đến từ bên trong tế bào

Con người được tạo ra từ sự kết hợp của trứng và tinh trùng, để làm thành một tế bào phôi thai. Tế bào đó tiếp tục tự nhân đôi theo cấp số 2n: 0, 2, 4, 8, 16, 32... trong tử cung người mẹ cho đến khi thành hình hài của một đứa bé hoàn chỉnh sau khoảng 9 tháng 10 ngày.

Mỗi chúng ta đã được sinh ra như thế. Do đó đã có giả thuyết, tế bào của con người có khả năng nhân đôi lên mãi mãi, vì thế, chúng ta mới có thể lớn lên từ một đứa bé. Vậy tại sao ta không lớn lên mãi mà lại già đi?

Mãi đến năm 1961, hai nhà khoa học người Mỹ Leonard Hayflick and Paul Moorehead mới phát hiện ra tế bào con người khi được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm đều có tuổi thọ nhất định, chứ không hề nhân đôi lên mãi mãi. Phát hiện này mở đầu cho giai đoạn mới trong nghiên cứu về quá trình già đi của con người, hay còn gọi là quá trình lão hóa.

Các nhà khoa học nhờ đó nhận ra, con người già đi là do các tế bào dần dần mất đi khả năng nhân đôi sinh sản của chúng, và đó cũng là lúc con người già đi để rồi qua đời.

Điều này phần nào giải thích vì sao chú cừu Dolly được nhân giống bằng sinh sản vô tính vào năm 1996 chỉ sống được đến 6 tuổi, khi mà tuổi thọ trung bình của nó lẽ ra phải là 11-12 năm.

Lý do có thể là vì cừu Dolly được nhân giống từ một tế bào trưởng thành của một chú cừu đã 6 năm tuổi, do đó, tế bào 6 năm tuổi đó chỉ có thể nhân đôi và giúp cừu Dolly lớn thêm 6 năm tuổi nữa là đạt đến tuổi thọ 12 năm của tế bào đó rồi!

2. Quá trình lão hoá tế bào là thợ điêu khắc của cơ thể

Đến tháng 11/2013, cả thế giới chấn động khi 3 nhóm nghiên cứu độc lập (2 nhóm từ Tây Ban Nha, 1 nhóm từ Israel) cùng công bố một kết quả: họ tìm thấy tế bào lão hóa trong phôi thai của chuột và gà. Điều đáng kinh ngạc ở chỗ chưa ai nghĩ rằng phôi thai lại là nơi tế bào lão hóa tồn tại. Ai cũng nghĩ rằng tế bào lão hóa chỉ xuất hiện trong quá trình lão hóa khi cơ thể lớn tuổi mà thôi.

Phát hiện này đã giúp các nhà khoa học đưa đến kết luận rằng quá trình lão hoá của tế bào xảy ra ngay từ giai đoạn phôi thai để điều chỉnh sự phát triển của thai nhi sao cho nó hoàn hảo nhất. Điều này giống như việc làm của một thợ điêu khắc dùng cây đục gọt xén bớt đi những phần dư thừa để tạo ra một bức tượng hoàn hảo.

Đến khi con người lớn lên, những tế bào bị lỗi sẽ tiếp tục bị cơ thể đào thải qua quá trình lão hoá tế bào này, để ngăn ngừa những tế bào lỗi đó gây nguy hại đến sức khoẻ chung của cơ thể, và đặc biệt là ngăn chặn sự phát triển của các khối u. Điều này giải thích vì sao trẻ thường khoẻ.

Đến khi về già, cũng chính quá trình lão hoá tế bào này khiến cho các tế bào bị già nua đi, mất khả năng sinh sản, và bị yếu, bị lỗi, khiến cho cơ thể bị bệnh tật và dễ dàng bị ung thư hơn.

Tế bào ung thư là những tế bào đã thoát ra khỏi quá trình lão hoá để trở nên bất tử và sinh sản vô chừng, tạo ra khối u. Chính vì thế ung thư còn được gọi là bệnh của tuổi già vì nó thường xảy ra khi cơ thể bắt đầu già nua. Và ung thư cũng chính là quá trình tự hủy lớn nhất của con người!

3. Chúng ta có nên trẻ mãi không già?

Theo luật tiến hoá, nếu con người không tự tồn thì sẽ gây mất thăng bằng sinh thái trong chuỗi thức ăn của cả vũ trụ. Nhưng cũng theo thuyết tiến hoá này, nếu họ không tự diệt thì cũng sẽ làm mất cân bằng sinh thái đó. Do đó, lão hóa là hoàn toàn phù hợp với thuyết tiến hóa này.

Dẫu biết thế, nhưng một trong những tham vọng lớn nhất của con người qua mọi thế hệ vẫn là làm sao trẻ mãi không già. Do đó, ngành nghiên cứu chuyên về chống lão hóa (anti-aging) đang là đề tài nóng bỏng hiện giờ. Con người hy vọng có thể “lập trình” lại các tế bào để chúng trẻ mãi mà không đi qua lão hóa, khi đó, họ sẽ không bị già đi nữa.

Một trong những kết quả củng cố cho giả thuyết nếu tế bào trẻ thì cơ thể cũng sẽ trẻ này đó là khi người ta phẫu thuật nối hệ tuần hoàn của một con chuột già và một con chuột trẻ với nhau thì máu từ con chuột trẻ đã khiến con chuột già trẻ lại. Đáng nói hơn là kết quả này được tìm ra bởi nhiều nhóm nghiên cứu độc lập từ 2005 đến 2013 ở các nơi trên thế giới.

Theo bạn, con người có thể lập trình lại lão hóa, thắng được luật tiến hóa để đạt đến sự trường sinh bất lão không?

Tác giả Nguyễn Thị Thanh Minh (32 tuổi) tốt nghiệp Tiến sĩ Khoa học tại Đại học Y Albert Einstein, Bronx, New York, Mỹ năm 2014. Với kinh nghiệm và kiến thức y học sẵn có, chị sẽ đưa ra lời khuyên cho độc giả Zing.vn cách chăm sóc sức khỏe hợp lý, tư vấn cho các bà mẹ kiến thức nuôi con hợp dinh dưỡng và thông minh.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Minh - Mclub

Bạn có thể quan tâm