Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Chúng ta đang lao đao bởi nền giáo dục ứng thí'

Theo PGS.TS Trần Kiều, bản chất giáo dục nước ta vẫn là ứng thí khiến Bộ GD&ĐT luôn loay hoay về chuyện thi cử.

Sáng 15/12, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức Hội nghị tham vấn chuyên gia về việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục. Trong số 17 ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Giáo dục, nhiều chuyên gia quan tâm chương trình giáo dục phổ thông.

Bộ Giáo dục loay hoay về thi cử 

Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Trần Kiều - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam - cho rằng có một điều tuy không được sửa đổi trong Luật Giáo dục, nhưng nếu xem xét được sẽ rất tốt. Đó là bản chất của nền giáo dục nước ta từ trước đến nay là ứng thí. Trong khi đó, Nghị quyết 29 nói rất rõ việc chuyển hướng giáo dục trong bối cảnh đổi mới tư duy thành thực học và thực tiễn.

“Chúng ta đang lao đao, điêu đứng bởi nền giáo dục ứng thí. Bất kỳ sự đổi mới nào cũng nhận hòn đá tảng nền giáo dục này. Đến giờ, Bộ GD&ĐT luôn loay hoay về việc thi cử”, PGS.TS Trần Kiều nói.

giao duc ung thi anh 1
PGS.TS Trần Kiều - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Quyên Quyên. 

Cũng theo nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, mục đích của sách giáo khoa nêu “yêu cầu cụ thể hóa phẩm chất và năng lực” nhưng không tác giả nào viết được như thế, vì phẩm chất và năng lực là kết quả của giáo dục chứ không phải đối tượng trực tiếp để dạy học.

Học 11 môn cũng không thể chuyên sâu

Ông Đào Tuấn Đạt - giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội, Hội đồng chuyên môn trường THPT Anhxtanh - đề cập chương trình phổ thông phải đảm bảo 3 tiêu chí là toàn diện, phân hóa và chuyên sâu.

Về tính chất toàn diện, chương trình hiện hành đang có 11 môn văn hóa. Theo ông Đạt, nhiều người quan niệm sai lầm rằng phải học hết 11 môn mới là toàn diện.

"Hiện nay, số môn học ở phổ thông trên thế giới khoảng 50 môn và không ngừng tăng thêm. 11 môn truyền thống trong 50 môn thì không thể gọi là toàn diện được. Học hết 50 môn thì sao? Không ai học và không thể học hết được 50 môn. Giải pháp là người ta chia các môn học làm những lĩnh vực hay nhóm môn; ví dụ ngôn ngữ, toán và khoa học máy tính, bộ môn khoa học, bộ môn khoa học nhân văn, thể chất - thể dục thể thao, các môn nghệ thuật...", ông Đạt nói.

Theo đó, học sinh buộc phải chọn các môn từ các nhóm để đảm bảo tính toàn diện. Em nào giỏi một vài môn văn hóa, giỏi thể thao, am hiểu nghệ thuật mới là toàn diện.

"Chương trình A-level của Anh, học sinh thông thường chọn 4 môn, ít nhất 3 môn và có thể 5 môn tùy vào nhu cầu nghề nghiệp sau này. Sẽ có người giả sử rằng nếu một em không chọn môn Địa lý thì sao? Không sao cả, sẽ có em khác chọn. Phép tính trung bình phải tính cho số đông chứ không phải cá nhân. Mỗi học sinh không phải là cái thùng đựng nước để người lớn thích thì cứ rót nước vào", ông Đạt phân tích. 

giao duc ung thi anh 2
Ông Đào Tuấn Đạt - Giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Quyên Quyên

Theo giảng viên này, tính chất phân hóa thể hiện ở việc, mỗi học sinh sẽ có thiên tư khác nhau, một thế mạnh bẩm sinh và có các kiểu trí thông minh khác nhau. Vì vậy, chương trình phải cho phép các em tập trung nhiều hơn môn học thuộc về thế mạnh của các em.

Xu thế từ cuối thế kỷ trước là học sinh học chuyên sâu các môn phân hóa, nhờ đó có thể rút ngắn được thời gian đại học. Nhiều người e ngại chương trình hiện nay quá tải và hàn lâm. Thực chất thì không, tính hàn lâm thể hiện ở chỗ môn học phải dựa trên hệ thống khái niệm và định luật chặt chẽ, logic, khoa học.

"Sách giáo khoa của chúng ta chỉ diễn đạt phức tạp hơn các vấn đề chứ không hàn lâm. Học sinh bị quá tải vì phải học quá nhiều môn trong khi thời gian lại ít và không chuyên sâu môn nào", ông Đạt nêu quan điểm.

Vì vậy, theo ông, để đảm bảo tính chất chuyên sâu, chương trình và sách giáo khoa được chia làm 2 phần liên hệ hữu cơ với nhau là kiến thức lõi để phục vụ nhu cầu cơ bản và phần nâng cao cho nhu cầu chuyên sâu.

Đề xuất miễn học phí cho cả trường ngoài công lập

Tham dự hội nghị, nhiều chuyên gia đề xuất miễn học phí cho học sinh trường ngoài công lập. Ông Nguyễn Hoàng Quân, Phó trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, Sở GD&ĐT Quảng Ninh, đồng ý với việc miễn học phí cho cấp THCS và đề xuất chính sách ưu tiên cho học sinh các trường ngoài công lập để đảm bảo công bằng.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng chúng ta có hai loại hình trường ngoài công lập. Đó là trường tư dịch vụ tư, dành cho giới nhà giàu. Thứ hai là trường tư dịch vụ công.

“Tôi đồng ý không miễn học phí trường tư dịch vụ tư nhưng nếu trường tư dịch vụ công không được sự đầu tư của Nhà nước là không công bằng”, ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Sĩ Dũng cho biết ông từng đi nhiều nơi, đến nhiều trường tư có dịch vụ công. Ở đó, nhiều học sinh con nhà nghèo, con em lao động... theo học vì không đủ điều kiện vào trường công lập. Vì vậy, đề xuất của ông là chia đều ngân sách cho cả trường tư cung cấp dịch vụ công, đảm bảo công bằng cho xã hội.

GS Ngô Bảo Châu: Hệ thống quản trị đại học của Việt Nam kém hiệu quả

GS Ngô Bảo Châu cho rằng hệ thống quản trị kém hiệu quả là một trong số những thách thức đối với giáo dục đại học của Việt Nam.


Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm