Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chúng ta dễ bị trầm cảm khi theo dõi nhiều người nổi tiếng trên mạng

Ngoài việc mất thời gian, một số nghiên cứu chỉ ra rằng những hình ảnh lung linh từ người nổi tiếng trên mạng xã hội có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của bạn.

Ở tuổi 24, Alexandra Mondalek - phóng viên mảng thời trang sống tại New York, Mỹ - thừa nhận cô bị ám ảnh bởi mạng xã hội.

Tài khoản Instagram chuyên chia sẻ những hình ảnh về làm đẹp, thời trang của cô thu hút hơn 1.000 lượt theo dõi. Vấn đề Mondalek quan tâm là làm thế nào để con số này tăng lên, đến ngưỡng cô được gọi là "Influencer" và có thể kiếm tiền từ đó.

"Là dối trá nếu tôi nói rằng chưa từng so sánh bản thân với những hình ảnh mình thấy trên mạng xã hội, một người nào đó mua thứ mà tôi không đủ tiền mua hay có những mối liên kết đặc biệt mà tôi không có.

Việc không ngừng so sánh và biến nó trở thành cuộc đua mệt mỏi đôi lúc khiến tôi cảm thấy mình không thể thoát khỏi", nữ phóng viên nói.

Influencer tren mang xa hoi anh 1
Theo tờ Guardian, hơn 3 tỷ người trên thế giới ám ảnh bởi mạng xã hội. Ảnh minh họa.

Theo tờ Guardian, Mondalek không đơn độc trong mối quan hệ phức tạp với mạng xã hội. Hơn 3 tỷ người, tức là gần một nửa dân số thế giới, cũng gặp vấn đề tương tự.

Một số nghiên cứu mới nhất cho thấy rằng việc tiếp xúc với những hình ảnh được lý tưởng hóa, đặc biệt là những hình ảnh được đăng bởi những Influencer, có thể thúc đẩy các loại so sánh xã hội tiêu cực khiến mọi người cảm thấy bản thân tồi tệ và dễ bị trầm cảm.

Theo Pixlee, Infuencer trên các phương tiện truyền thông xã hội là người dùng phương tiện truyền thông xã hội đã tạo được uy tín trong một ngành cụ thể, có thể tiếp cận được lượng lớn khán giả và thuyết phục họ tin tưởng mình.

Guardian cho hay Influencer có được chia thành các kiểu khác nhau, từ micro với khoảng 10.000 lượt theo dõi, mega với trên 200.000 lượt theo dõi cho đến celebrities có hàng trăm triệu lượt theo dõi.

Nỗi mặc cảm vì 'không bằng người khác'

Trong danh sách dài dằng dặc những cái tên được Quỳnh Dao (23 tuổi, nhân viên văn phòng) theo dõi trên mạng xã hội, quá nửa là các hot girl, beauty blogger, người mẫu cả trong lẫn ngoài nước.

Cô gái yêu thích lĩnh vực thời trang và làm đẹp cho biết đây là những kênh giúp cô vừa cập nhật thông tin, vừa học hỏi, áp dụng vào cuộc sống. Cứ có cây son nào hot, mốt áo quần nào mới được các hot girl, người mẫu lăng xê, review tích cực trên trang cá nhân của họ, Dao đều cố gắng mua.

Tuy nhiên, lương tháng chưa đến chục triệu đồng không đủ để 9X mạnh tay mua những chiếc túi xách, đôi giày hàng hiệu đắt tiền.

"Phải thừa nhận là họ xinh đẹp và giàu có hơn mình nhiều", Dao cảm thán.

Quốc Huy (21 tuổi, một sinh viên thích đi phượt) đã nhấn theo dõi gần 100 travel blogger. Feed của Huy từ trên xuống dưới đều là những bài đăng, hình ảnh check-in, du lịch khắp mọi nơi trên thế giới của những cái tên xa lạ.

Influencer tren mang xa hoi anh 2
Đắm chìm trong các hình ảnh lung linh trên mạng khiến người trẻ dễ bị trầm cảm.

Quay trở lại trang cá nhân, anh chàng đôi khi chán nản vì chưa có tấm ảnh nào "chụp ra hồn". Huy đặt mục tiêu trước năm 25 tuổi phải đi được ít nhất 3 nước ở châu Á nhưng giờ tự thấy đó là một viễn cảnh xa xôi.

Đắm chìm trong những hình ảnh lung linh, được lý tưởng hóa trên mạng, tự so sánh mình với những Influencer và luôn cảm thấy bản thân thấp kém hơn họ là điểm chung của Quỳnh Dao, Quốc Huy và hơn một nửa số người dùng mạng xã hội từ 18-34 tuổi, theo một khảo sát của tổ chức thiện nguyện Scope vào năm 2016.

Một nghiên cứu do tổ chức từ thiện Princes Trust tiến hành tại thành phố Bristol (Anh) vào đầu tháng 2 cũng cho kết quả tương tự. 37% người trong độ tuổi 16-25 lo lắng rằng bản thân sẽ không bao giờ hạnh phúc như những người họ theo dõi trên mạng xã hội.

Nghiên cứu còn chỉ ra 61% nghĩ rằng mạng xã hội tạo ra "áp lực rất lớn” về thành công và 52% cho hay mạng xã hội khiến họ lo lắng về tương lai.

Năm 2018, nghiên cứu của ĐH Liên bang Úc rút ra kết luận khi dành nhiều thời gian để xem các hình ảnh được chia sẻ bởi các ngôi sao trên mạng, người dùng có xu hướng so sánh, tự đánh giá thấp bản thân và có nguy cơ bị lo âu, bất mãn và trầm cảm hơn.

Tác giả nghiên cứu, giáo sư Tâm lý học tại ĐH Liên bang Úc - Danielle Leigh Wagstaff - cho biết việc so sánh mình với người khác là điều hoàn toàn tự nhiên để biết bản thân đang ở mức độ nào. Tuy nhiên, giáo sư tin rằng mạng xã hội đang khiến sự so sánh này trở nên tiêu cực.

"Chúng ta tiếp cận với toàn hình ảnh lý tưởng hóa, chúng không đại diện cho cuộc sống thực. Mọi người chỉ đăng những hình ảnh đã qua chỉnh sửa lên mạng, sử dụng các ứng dụng, bộ lọc để ảnh được đẹp hơn. Chúng khiến ta hiểu sai về mức trung bình, từ đó cảm thấy bản thân tồi tệ", bà Wagstaff nói.

Hậu trường của cuộc sống màu hồng trên mạng

Không chỉ người theo dõi, ngay cả những Influencer được cho là hái ra tiền nhờ mạng xã hội, đôi lúc cũng cảm thấy mệt mỏi bởi chính những hình ảnh gần như hoàn hảo của mình trên mạng.

Crystal Abidin - một nhà nghiên cứu về Internet và mạng xã hội - cho biết: "Nhiều Influencer ban đầu cũng chỉ là những người dùng mạng xã hội bình thường. Nhưng bằng cách tạo ra những nội dung dựa trên tài năng, kỹ năng đặc biệt hoặc tiết lộ lối sống của mình, họ được nhiều người theo dõi.

Khi follower đạt đến một con số nhất định, các nhà quảng cáo sẽ bắt tay với Influencer để nhúng các thông điệp quảng cáo vào bài đăng".

Không giống người nổi tiếng hay người được thuê để đóng quảng cáo, Influencer thường được xem như những người ngang hàng đáng tin cậy.

"Sự tương đồng với người theo dõi khiến các Influencer được tín nhiệm và có sức thuyết phục hơn", Juha Munnukka (ĐH Kinh doanh và Kinh tế Jyväskylä, Phần Lan) nói.

Ngay cả những người có ít tầm ảnh hưởng - chỉ với khoảng 50.000 lượt theo dõi - cũng có thể kiếm hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn đô la cho một bài quảng cáo.

Influencer tren mang xa hoi anh 3
Nhiều Influencer cố gắng tạo ra những hình ảnh trên mạng hoàn hảo hơn so với thực tế.

Hầu hết người có ảnh hưởng đều chia sẻ thông tin được cho là riêng tư về bản thân họ, nhưng các nghiên cứu chỉ ra rằng tất cả việc tiết lộ có vẻ đầy ngẫu nhiên đó đều đã được suy tính và có chủ ý. Nói cách khác, những bài đăng tưởng như chỉ phô bày cuộc sống thực cũng là màn trình diễn.

Jenn Haskins - beauty blogger hút hơn 25.000 lượt theo dõi - có thể kiếm được khoảng 250 USD/bức ảnh quảng cáo trên trang cá nhân.

Tuy nhiên, mỗi lần chia sẻ bất cứ điều gì lên mạng, Haskins lại tự hỏi liệu chúng có còn trung thực và phản ánh đúng cuộc sống, suy nghĩ của cô. Kiếm được tiền song nữ blogger lại lo lắng cuộc sống trên mạng đang được cô tô hồng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến người xem.

Alfred - nhân viên truyền thông mạng xã hội - là phụ nữ Mỹ gốc Phi độc thân, sống trong một căn hộ nhỏ ở Seattle, Washington, Mỹ. Không giống nhiều Influencer làm việc trong ngành chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, cô không đăng ảnh chụp ly sinh tố rau củ, ngồi thiền trước những bức tường tuyệt đẹp hay mặc đồ hiệu bước ra từ xế hộp sang trọng.

Cô nói rằng bản thân chỉ đăng những bức ảnh đời thường lên mạng. Không cố tỏ ra hoàn hảo nhưng 9X mệt mỏi vì công việc khiến cô gắn chặt với chiếc điện thoại thông minh.

Cảm thấy kiệt sức, Alfred quyết định nghỉ 2 tuần. Việc đăng xuất khỏi các tài khoản mạng xã hội sẽ ảnh hưởng đến thu nhập, nhưng Alfred không quan tâm. Cô muốn thư giãn.

Sau nhiều tháng căng thẳng về chuyện làm thế nào để lượng theo dõi tăng lên, Mondalek đã quyết định ngừng sử dụng mạng xã hội từ cuối năm 2017. Trong suốt nhiều tháng không vào trang cá nhân, cô nói rằng bản thân cảm thấy tốt hơn bao giờ hết.

Mondalek chia sẻ: "Sắp tới, tôi sẽ lại tiếp tục sử dụng mạng xã hội vì công việc bắt buộc điều đó. Nhưng tôi sẽ không còn phải cố gồng mình, xây dựng hình ảnh hoàn hảo về bản thân trước followers nữa".

Chúng ta đang sống ảo chỉ để chiều theo đám đông trên mạng xã hội

Ám ảnh về việc luôn phải hoàn hảo trong mắt đám đông, nhiều người đưa lên mạng xã hội những điều không thật. Từ khi nào việc sống đúng bản chất của mình lại trở nên khó đến thế?

Huệ Lâm

Bạn có thể quan tâm