Chứng tỏ bản thân
Chứng tỏ là cụm từ dùng để chỉ hành động của việc làm, xuất phát từ một ai đó, khiến cho vấn đề của họ quan tâm được rõ ràng.
![]() |
Ta có thể thấy từ "chứng tỏ" được dùng nhiều trong toán học, ví dụ như "chứng tỏ rằng tam giác ABC là tam giác đều" hay "chứng tỏ rằng a và d là hai đường thẳng song song"...
Trong cuộc sống, hẳn bạn cũng nghe từ "chứng tỏ" này rất nhiều, nhưng, nó được kèm thêm 2 từ nữa "chứng tỏ bản thân".
Vậy, chứng tỏ bản thân là gì? Chứng tỏ bản thân là bạn làm cho những người xung quanh mình thấy mình có những đặc điểm gì nổi bật, những tố chất đáng tự hào của bản thân được thể hiện ra. Và người ta cũng hiểu từ "chứng tỏ" này theo vô số nghĩa. Từ đó, cũng sinh ra vô số cách "chứng tỏ", nhất là trong giới trẻ ngày nay.
Ta hôm nay cũng là người trẻ, cũng bồng bột và muốn "chứng tỏ" lắm. Nhưng đôi khi cũng phải ngỡ ngàng vì cách "chứng tỏ" của mấy đứa em mình.
Ta ngày xưa thời học lớp 4, lớp năm, hay muốn chứng tỏ mình đã chẳng còn bé bỏng gì. Ta chứng tỏ mình giỏi lắm, bằng cách vùi vào học cho thật thuộc bài, cuối kỳ cầm tờ giấy khen chạy đi khoe khắp xóm, nghe mọi người khen "con bé giỏi thế" là cười tít cả mắt.
Thằng em ta hôm nay chẳng cần biết mình học được gì, giỏi dở cũng không quan tâm, việc nó quan tâm là làm sao lên cái "level" của mấy trò game online thịnh hành cho thật lẹ, không thì "quê với bạn bè lắm". Ta chỉ biết lắc đầu bảo nó chơi ít lại.
Ta lên cấp 2, việc chứng tỏ mình cũng chẳng gì khác ngoài việc học, được cái thêm việc nhà, biết nấu vài món đơn giản, ngày đám giỗ, lăng xăng phụ mẹ, cho cả bà con dòng họ thấy ta lớn rồi, phổng mũi lên khi được ai xoa đầu khen "bé thế mà biết phụ mẹ làm bếp".
Em ta ngày nay chứng tỏ bằng cái đầu láng mượt và quần áo thẳng nếp. Ta mắng mãi khi thấy nó đứng chải chuốt mãi trước gương. Ấy vậy mà đưa đứa em đi học rồi mới thấy cái "chứng tỏ" của em mình còn bình dân lắm.
Dừng xe trước cổng mà nghe loáng thoáng tụi nhỏ bây giờ "chứng tỏ" với nhau bằng nắm đấm, bằng cái gọi là "bảo kê". Ta nhún vai, thở dài, bảo em ta đừng tham gia vào mấy thứ ấy.
Ngày 20/11 ta về trường thăm thầy cô cấp 3, mới ra trường 1 năm, giờ quay lại thấy xúc động lắm. Nhưng chưa kịp ngắm nhìn trường xưa thì nghe vài câu chuyện của mấy em dưới ta một khoá, thế hoá ra mấy em ấy "chứng tỏ" với nhau bằng cách hỏi nhau xem đã "đá" bao nhiêu người, bằng việc phì phèo điếu thuốc, bằng những câu nói mà ta nghe đến lạnh người, lạnh hơn cả khi những lời thô tục ấy buột ra từ một chiếc áo dài trắng tinh!
Ta tặc lưỡi, dịch xe ra xa chút, để thôi nghe những lời ấy. Bạn bè ta đến, ta nhận ra họ và ta cũng bị mắc bệnh "chứng tỏ" mất rồi. Bạn bè ta chứng tỏ bằng những chiếc xe đắt tiền mới cáu, bằng những con dế, bằng những đêm ở vũ trường, quán bar. Ta mắc bệnh chứng tỏ khi chẳng dám lôi con dế cà tàng của mình ra nghe trước mặt bạn bè. Chợt nhìn lại..thế những thứ phù du ấy, từ đâu ta có? Hiển nhiên không phải từ mồ hôi của ta. Chúng có từ những giờ cật lực lao động của ba mẹ, của người thân, chỉ có ta điềm nhiên "chứng tỏ". Mờ mắt trước những giá trị phù du mà không thấy được giá trị của những việc giản đơn, đa phần người trẻ bây giờ thế, ta thế.
Ta vẫn đọc hằng ngày những bài báo, những tấm gương về những con người nghèo khó phấn đấu học tốt, những bạn chỉ trạc tuổi ta, còn rất trẻ, nhưng có thể tự đóng học phí, tự trang trải mọi chi phí khác bằng số tiền mình kiếm được. Ấy thế mà ta dửng dưng, chỉ biết xuýt xoa "sao họ giỏi thế" mà không hề nghĩ rằng "Ta phải làm gì để được như họ".
Ta chứng tỏ mình bằng những thứ phù phiếm, trong khi họ chứng tỏ bản thân bằng những giá trị đích thực. Càng nghĩ, ta càng thấy mình tệ, phải thức tỉnh thôi, phải sống bằng những giá trị của con người, không phải giá trị vật chất, không phải là việc so kè những thứ hão.
Ta lớn rồi, sắp 19 rồi còn gì, phải "chứng tỏ" thôi, chứng tỏ cho mọi ngưòi, bằng giá trị đích thực của bản thân...
Theo Mực Tím