Dù nhiều người đã lên tiếng trong thời gian dài, đến nay, sự kiện Gạc Ma năm 1988 vẫn không được đề cập trong SGK. Đó vẫn luôn là trăn trở của giáo viên dạy bộ môn Lịch sử như tôi.
Ai từng đọc qua cuốn sách Lịch sử lớp 12 đều dễ dàng nhận ra sự “thiên vị” của cuốn sách.
Trong khi những cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ được trình bày chi tiết, với từng giai đoạn cụ thể, toát lên được bản chất vấn đề, thì ở chiều ngược lại, nội dung các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam, được nhắc tới rất hạn chế (chưa tới 10 dòng).
Đặc biệt, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo năm 1988 ở Gạc Ma không hề được đưa vào SGK.
SKG không trình bày đồng nghĩa phần nội dung không tồn tại trong chương trình, giáo viên không giảng giải, học sinh không biết.
Trải qua những năm học phổ thông, đại học rồi sau này đi dạy Sử, tôi biết nhiều bạn trẻ không hiểu về sự kiện Gạc Ma năm 1988. Cũng phải thôi, như thế hệ chúng tôi, nếu không học đúng chuyên ngành, nghiên cứu thêm nhiều giáo trình khác, sinh viên không thể biết đến sự kiện này.
Dù vì lý do gì, sự thật lịch sử vẫn luôn cần được tôn trọng, không thể khác được. Con cháu chúng ta cần phải biết những sự kiện lớn từng xảy ra trong lịch sử dân tộc.
SGK đã trình bày nhiều sự kiện trong cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước qua nhiều giai đoạn. Vậy tại sao Gạc Ma lại hoàn toàn bị lãng quên?
Nếu không được nhắc tới, công lao, sự hy sinh anh dũng của những người lính Gạc Ma năm xưa sẽ đứng ở đâu trong dòng chảy lịch sử dân tộc?
Nếu không được nhắc tới, con cháu chúng ta có hiểu được sự hy sinh to lớn của những người lính có tuổi đời còn rất trẻ?
Xét một cách công bằng, sự hy sinh của họ đâu thua kém những người đã ngã xuống vì Tổ quốc trước đó.
GS.TS.NGND Vũ Dương Ninh từng đề xuất: Những nội dung cần đưa vào sách giáo khoa gồm trận Hải chiến Hoàng Sa năm 1974, chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc năm 1978-1979, trận đánh Gạc Ma bảo vệ Trường Sa năm 1988. Xem chi tiết.
Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Nguyên tắc vàng của lịch sử là tái hiện quá khứ đúng với những gì nó diễn ra, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của con người. Các nhà sử học đã khẳng định “lịch sử là khoa học”, vì thế không ai được xuyên tạc, bôi đen, bóp méo hay né tránh sự thật.
Ngành GD&ĐT đang triển khai “đổi mới toàn diện và đồng bộ” từ nội dung, chương trình SGK, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá... Theo quan điểm của giáo viên đứng lớp, tôi nghĩ rằng những nội dung lịch sử như cuộc chiến Gạc Ma năm 1988 nhất thiết phải được đưa vào nội dung chương trình.
Phần kiến thức về lịch sử Việt Nam từ năm 1975 trở về sau phải được cấu trúc lại, mạnh dạn bỏ bớt nhiều kiến thức, sự kiện, số liệu vụn vặt không cơ bản, cần thiết, khô khan mà học sinh đọc xong cũng chẳng nhớ được gì.
Đồng thời, những kiến thức về đấu tranh xác lập và bảo về chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Gạc Ma... và các cuộc chiến tranh biên giới phải được cấu trúc thành chương, bài chứ không chỉ dừng lại một tiểu mục chỉ có 11 dòng, hoặc không hề nói như SGK hiện hành.
Xin được nhắc lại rằng “sự thật lịch sử là khách quan”, nó không phụ thuộc ý chí chủ quan của con người. Vì vậy, chúng ta hãy để cho con em mình biết những gì thế hệ cha ông từng trải qua.
Đó là một trong những biện pháp để giáo dục lòng yêu nước, sự trung thực cho các thế hệ học sinh. Đừng để sau này các em lớn lên, nắm bắt được thông tin sẽ lại tự đặt cho mình câu hỏi: Vì sao những sự kiện đó không được lịch sử nhắc tới?
> Chủ đề: Gạc Ma không có trong sách giáo khoa Lịch sử |
* Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả.