Sau môn lịch sử, dư luận lại đang quan tâm đến những ý kiến cho rằng sách giáo khoa môn địa lý trong chương trình hiện hành quá lạc hậu về thông tin, nhiều thế hệ học sinh đã phải học những kiến thức nguội, không còn tính thời sự, không gần gũi, thiết thực với cuộc sống.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho biết: Đây là một thực tế cần phải giải quyết. Vì cuộc sống phát triển, thay đổi rất nhanh, chương trình làm xong có khi các số liệu, sự kiện đã lạc hậu... cho nên cần có giải pháp linh hoạt theo hướng mở để khắc phục tình trạng này.
Điều này sẽ thể hiện ở việc chương trình các môn học chỉ nêu các yêu cầu cần đạt cơ bản, thiết yếu, tránh sa vào số liệu chi tiết. Trong trường hợp cần hoặc bắt buộc phải dẫn ra số liệu, sự kiện thì phải ghi rõ thời gian (năm, tháng cập nhật số liệu này) và có những lưu ý giáo viên trong việc sử dụng các số liệu, sự kiện, cùng yêu cầu cập nhật các số liệu mới...
Yêu cầu phát triển chương trình được đặt ra đối với tất cả giáo viên và nhà trường, như chương trình tổng thể đã lưu ý, hàng năm cần xem xét, điều chỉnh, bổ sung, cập nhật, làm mới toàn bộ hoặc một số thành tố của chương trình giáo dục; bảo đảm khả năng phát triển và ổn định tương đối của chương trình giáo dục đã có, nhằm làm cho việc triển khai chương trình theo mục tiêu giáo dục đặt ra đạt được hiệu quả tốt nhất, phù hợp với đặc điểm, nhu cầu phát triển của xã hội và của cá nhân học sinh.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
- Nếu chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo hướng mở thì mức độ mở đến đâu? Bộ GD&ĐT có hướng dẫn kỹ về việc này khi giáo viên nói chung còn quen dạy theo một chương trình “đóng” như hiện nay?
- Việc xây dựng chương trình theo hướng mở như trên bước đầu sẽ có khó khăn, nhất là với những giáo viên trình độ, năng lực nghề nghiệp còn hạn chế. Độ mở sẽ không quá rộng, tránh tình trạng “sáng tạo” một cách tùy tiện.
Cụ thể, chương trình phải quy định các nội dung cốt lõi, bắt buộc cho tất cả học sinh (các nước gọi là chuẩn nội dung) và yêu cầu cần đạt bắt buộc (chuẩn kết quả đầu ra). Việc phát triển chương trình cần có hướng dẫn của các cơ quan chỉ đạo chuyên môn bộ, sở, trường...
Điều chỉnh nội dung dạy học, bổ sung số liệu sự kiện phải dựa trên cơ sở trao đổi của tổ bộ môn, kèm theo các nguồn tài liệu đáng tin cậy... Trên cơ sở đó, giáo viên sẽ làm quen dần với việc phát triển chương trình.
Ngoài ra, các nhà trường sư phạm cần nhanh chóng đưa học phần phát triển chương trình vào đào tạo, để các thế hệ giáo viên mới không bỡ ngỡ với công việc này.
Trong thực tế, mấy năm qua Bộ GD-ĐT đã khuyến khích các nhà trường chủ động xây dựng cho mình một kế hoạch giáo dục phù hợp theo từng năm học (hướng dẫn số 791 của Bộ GD-ĐT). Thực chất đó chính là công việc phát triển chương trình giáo dục.
- Theo ông, để chương trình các môn học giảm kiến thức hàn lâm, tăng cường kiến thức thiết thực, gắn với thời sự kinh tế - xã hội, văn hóa của đất nước, bộ có bổ sung các thành phần tham gia biên soạn?
- Biên soạn, xây dựng và phát triển chương trình giáo dục, nhất là chương trình môn học là một khoa học thật sự. Các nước phát triển có hẳn một cơ quan riêng và làm việc này chuyên nghiệp, quanh năm.
Ở ta, tham gia biên soạn chương trình lâu nay cũng khá đầy đủ các thành phần: chuyên gia giáo dục, khoa học cơ bản, khoa học phương pháp; giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý giáo dục, đại diện các hội nghề nghiệp...
Lần này cũng không thể khác, và cần quan tâm hơn đến chất lượng đội ngũ, tăng cường trách nhiệm của ban xây dựng chương trình, hội đồng thẩm định chương trình bằng những ràng buộc cụ thể...
- Đã có nhiều ý kiến phản đối việc mất tên môn lịch sử, bộ có giải thích rõ hơn sự tích hợp môn này trong chương trình giáo dục phổ thông?
- Tại nhiều cuộc họp với các hội khoa học, chuyên gia giáo dục, chúng tôi đã giải thích cụ thể về tên môn học và làm rõ hơn yêu cầu tích hợp.
Trong bảng kế hoạch giáo dục của chương trình tổng thể, có mấy điểm cần được giải thích: thứ nhất, tên môn khoa học xã hội ghi rõ là gồm lịch sử và địa lý; thứ hai, môn lịch sử tự chọn là tự chọn bắt buộc (không phải ai thích học thì học, không thích học thì thôi); thứ ba, nội dung giáo dục lịch sử thực hiện ở hai môn khoa học xã hội và lịch sử là chính, chứ không nằm chính ở môn công dân với Tổ quốc.
Về tích hợp các môn khác cũng được thống nhất cách hiểu như sau: chương trình giáo dục mới chỉ tích hợp ở mức thấp, cụ thể các môn lý, hóa, sinh hay lịch sử và địa lý vẫn có những nội dung độc lập, nhưng giữa chúng có các vấn đề chung cần được tích hợp thành một số chủ đề liên môn.
Tóm lại, vấn đề điều chỉnh ở đây chỉ là đổi tên môn khoa học xã hội thành môn lịch sử và địa lý; riêng môn khoa học tự nhiên vẫn mang tên như thế.
Năm học 2018 - 2019 áp dụng đại trà chương trình mới
Sau khi công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã nhận được khá nhiều ý kiến góp ý. Bộ GD-ĐT đã có báo cáo tổng hợp và tiếp thu, giải trình góp ý của các tổ chức, cá nhân, báo cáo này được công bố công khai trên mạng của Bộ GD-ĐT.
Cho đến thời điểm này, Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã và đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hướng tiếp thu các ý kiến đóng góp để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành.
Theo kế hoạch, năm 2016 sẽ phải xong chương trình giáo dục mới (gồm chương trình giáo dục tổng thể và chương trình các môn học), thẩm định chương trình giáo dục mới để có thể làm cơ sở cho việc biên soạn sách giáo khoa nhằm bảo đảm đúng tiến độ.
Năm học 2018 - 2019 sẽ triển khai áp dụng đại trà chương trình, sách giáo khoa mới cho các lớp đầu cấp (lớp 1, lớp 6 và lớp 10).PGS.TS Đỗ Ngọc Thống
> Tranh luận về tích hợp môn Lịch sử |