Chụp ảnh phát hiện ra con bị ung thư mắt
Bé gái Nguyễn T. H., 2 tuổi quê Bắc Ninh, đang nằm điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện K, Hà Nội, với đôi mắt trũng sâu, thâm tím vì căn bệnh quái ác đang hành hạ bé từng ngày.
Mẹ của H. kể, bé vốn bụ bẫm, trắng trẻo nhưng không may mắn, bé phải đối mặt với căn bệnh ung thư hai võng mạc. Từ lúc sinh ra cho đến khi phát hiện bệnh, bé H. hoàn toàn khỏe mạnh, hàng ngày bé tập nói bi bô và chạy chơi với mọi người. Một ngày khi mở mắt ra bé đã không nhìn thấy gì. Bé bị giảm thị lực vào trúng đợt nghỉ Tết dài ngày. Cả nhà đứng ngồi không yên chỉ mong đến ngày đi làm để còn đưa bé đi khám bệnh.
Sáng mùng 5 Tết, bố mẹ đưa bé H. đi khám tại Bệnh viện Mắt Trung ương, vợ chồng chị Mai mẹ của bé ngã người khi nhận được tin dữ. Bé H. bị ung thư võng mạc cả hai mắt và sự sống chẳng còn kéo dài được bao lâu.
Bé được chuyển đến khoa Ung bướu trẻ em, Bệnh viện K Hà Nội để điều trị. Khi vào viện, bé H. đã rơi vào tình trạng tổn thương cả hai mắt, không nhìn thấy gì, nên không thể phẫu thuật mà chỉ có thể dùng hoá chất tránh di căn, kéo dài thời gian sống cho bé.
Trường hợp của bé V.T.Th. quê Nghệ An đang điều trị tại Khoa Nhi bị múc một bên mắt vì phát hiện ung thư võng mạc mắt quá muộn. Bố mẹ của bé kể từ lúc sinh ra bé vẫn khỏe mạnh bình thường. Nhiều lần bố mẹ hay chụp ảnh cho bé phát hiện bên mắt trái có đốm trắng.
Mẹ bé tò mò vì đốm trắng trong mắt con nhưng bố của bé cho rằng đó là do phản quang khi chụp ảnh cho con. Tuy nhiên, khi chụp ảnh các bé khác thì không có biểu hiện như thế nên gia đình đưa bé đi khám mắt. Tại Bệnh viện Nhi Nghệ An bác sĩ nghi ngờ bị ung thư võng mạc mắt. Dù chưa có kết quả chính thức bố mẹ bé Th. lo lắng quá đã đưa con đến Bệnh viện K Hà Nội khám. Kết quả chẩn đoán bé bị u nguyên bào võng mạc.
Cha mẹ có thể phát hiện sớm nhờ biểu hiện
Theo thạc sĩ Phạm Thị Việt Hương, Khoa Nhi, Bệnh viện K, Hà Nội u nguyên bào võng mạc là bệnh ác tính hay gặp nhất ở mắt. Khối u bắt nguồn từ võng mạc (retina) - tầng nhạy cảm với ánh sáng của mắt giúp mắt có thể nhìn được. Đây là nguyên nhân gây mù lòa và tử vong ở trẻ nhỏ.
Theo nghiên cứu của thạc sĩ Phạm Thị Việt Hương, tại bệnh viện K, tuổi bị bệnh trung bình 11,6 tháng, tối thiểu phát hiện bệnh ngay khi sinh ra, tối đa gặp 50 tháng tuổi. Tuổi trung bình lúc chẩn đoán là 18,3 tháng. Sớm nhất là được chẩn đoán lúc 3 tháng và muộn nhất là 60 tháng.
Dấu hiệu nhận biết bệnh ung thư võng mạc là đồng tử trắng (56% trường hợp bệnh được phát hiện nhờ dấu hiệu này), thường được mô tả bằng nhiều từ khác nhau như "mắt mèo", "mắt thú", "mắt có ánh sáng lập lòe", "mắt có ánh sáng lấp lánh, rực rỡ". Khi nhìn vào mắt bé, cha mẹ thấy có ánh trắng (nhất là vào ban đêm hoặc trong phòng tối vì khi đó đồng tử giãn), cũng có thể thấy 1 hoặc 2 đồng tử màu trắng hay vàng khi chụp ảnh buổi tối có dùng đèn flash.
Bệnh nhi bị ung thư phải múc một mắt tại khoa Nhi Bệnh viện K. |
Dấu hiệu triệu chứng thứ hai đó là mắt của bé bị lé (34% trường hợp bệnh được phát hiện nhờ dấu hiệu này). Đặc biệt, nếu bé bị lé (lác) trong vòng 6 tháng tuổi thì nên nghi ngờ có u nguyên bào võng mạc. Biểu hiện tiếp theo đó là thị lực kém, mắt đỏ và đau nhức mắt do tăng nhãn áp, viêm màng bồ đào, viêm tế bào hốc mắt, xuất huyết tự nhiên trong tiền phòng, trong pha lê thể. Đây là các biểu hiện muộn hơn của bệnh.
Khi vào viện, các bác sĩ phải làm giãn đồng tử để soi đáy mắt và khám toàn bộ con mắt. Có thể chẩn đoán nhờ siêu âm, chụp X quang nhãn cầu. Chụp cắt lớp vi tính rất nhạy cảm với những chỗ canxi hoá là đặc điểm của u nguyên bào võng mạc.
Trẻ mắc bệnh thường có biểu hiện ánh đồng tử trắng ở một hoặc 2 mắt, lác hoặc viêm tổ chức hố mắt. Những khối u nhỏ ở đáy mắt thường có màu trắng xám và có các ổ canxi hoá trắng như phấn. Những khối u kích thước vừa thường dốc hơn và có những mạch máu võng mạc giãn ngoằn nghèo nuôi dưỡng khối u.
Lựa chọn phương thức điều trị phụ thuộc vào tiên lượng thị lực, kích thước và vị trí khối u, có hay không có gieo mầm vào pha lê thể hoặc dưới màng lưới, tuổi bệnh nhân. Điều trị chuẩn bao gồm phẫu thuật khoét bỏ nhãn cầu, tia xạ với nguồn tia từ ngoài vào, tia xạ với các tấm mỏng có hoạt tính phóng xạ (I-125), nhiệt lạnh, cắt bằng tia laser và hóa chất.
Theo thạc sĩ Phạm Thị Việt Hương, nghiên cứu 33 bệnh nhi chẩn đoán xác định ung thư võng mạc điều trị tại Bệnh viện K từ 6/2005 đến 10/2009, sau 6 đợt hóa trị phác đồ Etoposide + Carboplatin đáp ứng hoàn toàn 90,9%, bảo tồn thị lực 87,2%. Theo dõi 52 tháng, 81,8% bệnh nhân đang sống khỏe mạnh, sống thêm không bệnh trung bình 17,2 (±16 tháng, tối đa 48 tháng). Sống thêm toàn bộ trung bình 19,5 (±16 tháng, tối đa 52 tháng).
Đối với u nguyên bào võng mạc ba bên có tiên lượng rất xấu, thời gian sống thêm trung bình sau chẩn đoán là 9 tháng.