Sự việc 20 sinh viên đang học tập tại các trường đại học ở TP.HCM đến núi Bà Đen tham quan bằng xe máy vào chiều 11/1, sau đó bị lạc, phải nhờ đến khoảng 100 người cứu hộ để tìm kiếm đã khiến dư luận quan tâm.
Theo thông tin từ công an tỉnh Tây Ninh, ban đầu nhóm sinh viên leo lên hướng núi Phụng. Sau đó, nhóm này bị lạc và gọi điện công an Tây Ninh trợ giúp.
Nhận được tin báo, công an đã huy động khoảng 100 người chia thành 2 hướng để tìm kiếm. Đến trưa 12/1, lực lượng tìm kiếm tiếp cận được nhóm 20 sinh viên (9 nữ, 11 nam) trong tình trạng đuối sức vì khát và đói. Sau khi được tiếp tế thức ăn, nước uống, 20 sinh viên được đưa xuống núi an toàn.
Nhóm 20 sinh viên được đưa xuống núi an toàn. Ảnh: Ngọc Hà. |
Thiếu kỹ năng
Nhanh chóng, thông tin này được lan truyền trên nhiều trang mạng xã hội và dấy lên nhiều ý kiến trái chiều. Đa số ý kiến mọi người đều cho rằng, các bạn trẻ thiếu các kỹ năng cơ bản để xử lý tình huống.
"Nếu nói đi lạc trên núi Bà Đen thì thật là vô lý, cả 20 con người mà không ai biết định hướng, đặc biệt trong nhóm lại có người đã từng leo lên đỉnh núi một lần", bạn Trung bày tỏ.
Thành viên Võ Tuấn chia sẻ': "Thiếu chuẩn bị và thiếu kiến thức nên mới bị lạc như vậy. Núi Bà Đen không cao, chu vi nhỏ, độc lập, dường như trên núi có rất nhiều đường mòn của người dân và đường đi chính lên núi có nhiều quán xá ban đêm họ dùng đèn chiếu sáng từ chân núi đến chùa Bà... nhưng không hiểu vì sao họ không định vị đường đi được".
Cần trang bị các kỹ năng cơ bản khi đi leo núi. Ảnh minh họa. |
Điều đáng suy ngẫm
PGS. TS Tâm lý Huỳnh Văn Sơn, PCT hội Tâm lý học xã hội Việt Nam cho biết, việc 20 sinh viên bị lạc, trong đó bao gồm một bạn đã từng chinh phục đỉnh núi là điều đáng để suy ngẫm.
"Thực tế mà nói, việc đi lạc khi đi leo núi có thể xảy ra nhưng với sinh viên thì có nhiều điều trăn trở. Thứ nhất, việc đặt niềm tin quá mức vào một người bạn chưa hẳn là người chuyên nghiệp hoặc có kỹ năng. Thứ hai, việc cả nhóm 20 người bị đói khát, phờ phạc vì mất nước, căng thẳng là điều đáng tiếc. Thứ ba, việc 100 người đi tìm nhưng nhóm sinh viên xa dần và không thể tiếp cận được sớm, minh chứng cho sự căng thẳng tâm lý và sự xử lý khi đi lạc quá hạn chế" - TS Huỳnh Văn Sơn phân tích.
Cũng theo TS Sơn, đó còn chưa kể đến việc sinh viên chưa trang bị đủ những hành trang cần thiết và kể cả vật dụng khi đi núi, không có sự trấn an tâm lý, khả năng định hướng, cân bằng tâm lý để tránh hoảng loạn. Tất cả đều cho thấy sự hạn chế về kinh nghiệm sống trong những sự cố của các bạn trẻ.
Đưa ra giải pháp về vấn đề này, TS Sơn cho rằng: "Vấn đề này cần được xem xét nghiêm túc và có những giải pháp phù hợp chứ không thể thực hiện một cách chung chung hay thậm chí vó dáng vóc hoặc quy mô kiểu phong trào. Cần làm bài bản, hệ thống và có điểm đến, đó là những biện pháp mang tính cấp bách thực sự".