Bà Phạm Thị Hòa, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hà Đông, Hà Nội, từ chối đề cập sâu về trường hợp của năm hiệu trưởng vừa từ chức vì cho rằng đã tới lúc mọi người nên xem chuyện ai đó từ chức khi thấy mình không phù hợp với vị trí hiện tại, không đảm đương được yêu cầu công việc là bình thường. Việc nhiều người săm soi những cá nhân “từ chức” xem họ gây nên chuyện gì, đằng sau chuyện từ chức như thế nào... vô hình trung tạo nên áp lực tâm lý không cần thiết.
Theo bà Hòa, việc đưa một người lên vị trí hiệu trưởng không dễ, nhưng để một người từ nhiệm còn khó hơn. Và trước đó, những người có trách nhiệm đã phải có những giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ, cân nhắc thận trọng.
"Nhiều người sẽ nghĩ làm hiệu trưởng dễ ợt, thậm chí khi nhìn vào ghế hiệu trưởng chỉ nghĩ tới quyền lực, lợi ích vật chất, nhưng cứ thử làm hiệu trưởng thật sự với trách nhiệm và tâm huyết sẽ thấy không dễ tí nào. Công việc đó rút sức lực, thời gian và không phải ai cũng chịu được áp lực. Trong bối cảnh hiện nay còn có rất nhiều vướng mắc, phức tạp để thực hiện đại trà cách này. Nên chăng áp dụng việc “ tranh cử” chức hiệu trưởng ở một số trường trọng điểm, có uy tín"
Thầy Đặng Đình Đại (Hiệu trưởng trường THPT Wellspring, Hà Nội).
Trao đổi nhân chuyện “hiệu trưởng từ chức”, TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), cho biết: “Đặc thù của nghề dạy học, nhà giáo là những người trọng danh dự, coi trọng nghề nghiệp. Trong trường học, hiệu trưởng không phải quan chức mà trước hết họ là nhà giáo, và ở vị trí đứng đầu một nhà trường thật sự họ là một nhà sư phạm. Họ phải chịu trách nhiệm về nhân cách học trò, nhân cách thầy, cô giáo.
Nếu nhìn nhận ở góc độ trên thì chuyện một hiệu trưởng từ nhiệm khi không đảm đương tốt yêu cầu của giáo dục nữa rất bình thường. Thậm chí cần thể hiện sự khuyến khích, biểu dương những người dám thừa nhận khiếm khuyết, yếu kém của mình. Việc lùi lại cho người có năng lực hơn đảm nhiệm chức vụ đó cũng thể hiện trách nhiệm và danh dự của các nhà giáo”.
Với một cơ chế “có đào thải”, ghế hiệu trưởng lại trở thành “ghế nóng” với áp lực trách nhiệm. |
Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, Hà Nội, chủ nhiệm CLB hiệu trưởng của Hà Nội, cũng cho rằng từ chức là chuyện không có gì ghê gớm, vì ít xảy ra nên câu chuyện ở Hà Đông mới khiến nhiều người bất ngờ. “Quận Hà Đông đã khởi đầu một việc nên làm để những nơi khác tiếp tục làm theo. Tôi nghĩ với sự thay đổi này, chất lượng hiệu trưởng sẽ tốt hơn”, thầy Bình nói.
Tuy nhiên thầy Bình cũng cho rằng trong quá trình làm việc, có yếu tố khách quan và chủ quan khiến hiệu trưởng chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ. Vì thế trước hết ngành GD-ĐT phải tạo điều kiện cho hiệu trưởng khắc phục nhược điểm, khó khăn. Khi đã làm vậy mà người đứng đầu một trường vẫn không thay đổi được thực trạng của nhà trường thì không phải băn khoăn về việc vị hiệu trưởng đó phải rời vị trí.
Áp lực và cơ hội
Thầy Đặng Đình Đại, người từng làm hiệu trưởng cả trường công và tư, từng nhiều năm là chủ nhiệm CLB hiệu trưởng Hà Nội, nay đang đảm nhiệm chức hiệu trưởng trường THPT Wellspring (Hà Nội), nhận xét mặc dù Hà Nội đã có nhiều thay đổi về cơ chế và đầu tư nhưng hiệu trưởng trường công vẫn có rất nhiều rào cản để có thể tạo nên dấu ấn trong nhiệm kỳ của mình hoặc đưa nhà trường của mình chuyển động theo hướng tích cực: “Tôi chỉ nói một chuyện là tuyển dụng và sử dụng giáo viên. Dù hiện nay việc tuyển dụng đã được đưa về các trường, nhưng hiệu trưởng vẫn không toàn quyền tuyển dụng giáo viên mà căn cứ vào chỉ tiêu, hồ sơ ở trên chuyển xuống...
Rồi đôi khi người giỏi thật không được nhận mà phải nhận người yếu hơn vì những lý do tế nhị. Trong trường, hiệu trưởng không có cơ chế để đào thải giáo viên yếu, không hoàn thành nhiệm vụ. Vì thế, người giỏi không muốn cống hiến hết mình khi lương thưởng cũng chỉ được hưởng không hơn người có trình độ, tâm huyết vừa phải. Phần đông hiệu trưởng gặp vướng mắc hiện nay không phải do hoạt động chuyên môn mà đều do chuyện tài chính”.
Đồng tình về chuyện tài chính, một hiệu trưởng trường THPT tại Hà Nội cũng thú nhận chi tiêu tài chính là một trong những áp lực lớn đối với nhiều hiệu trưởng ở thành phố hiện nay trong tình hình kinh phí eo hẹp. Trường càng nhiều hoạt động càng dễ bị chi vượt hạn mức. Chi việc gì đều phải báo cáo chi tiết từ đầu năm, nhưng trong năm học có những việc phát sinh, để báo cáo, xin kinh phí bổ sung cũng rất mệt mỏi. Lương của giáo viên không thể cắt, tiền không có thêm, kêu gọi phụ huynh thì nơm nớp lo kiện cáo...
“Giá như hiệu trưởng không phải lo tính toán chuyện tiền nong để tập trung vào lo nâng chất lượng dạy học, nâng chất lượng đội ngũ thì tốt quá”. Thầy Nguyễn Quốc Thắng, Hiệu trưởng trường THPT Đoàn Kết, Hai Bà Trưng, Hà Nội, bày tỏ: “Hiệu trưởng phải biết đương đầu với thách thức, chỉ tìm sự an toàn thì sẽ không làm tốt trách nhiệm của mình. Sự đương đầu với thực tế đó chính là tạo ra một sự đổi mới, hướng đi lên của nhà trường. Đó chính là áp lực trách nhiệm. Trong trách nhiệm còn có yếu tố tình cảm. Tình cảm với nhà trường, với tự ái cá nhân”.
Đừng bồi dưỡng theo kiểu “đắp tượng”
Chia sẻ về vấn đề nên đào tạo hiệu trưởng như thế nào, có cần thiết phải đào tạo không hay chỉ cần nhấc những giáo viên giỏi, tổ trưởng bộ môn giỏi lên làm hiệu trưởng, thầy Nguyễn Tùng Lâm bày tỏ suy nghĩ: Hiện nay, chúng ta mới bồi dưỡng hiệu trưởng theo kiểu “đắp tượng”, không phải theo kiểu “trồng cây”. Đắp tượng có nghĩa là thấy cán bộ quản lý thiếu gì thì bồi dưỡng cái đó. Còn ai làm được bao nhiêu thì tùy theo người đó, không có một chuẩn mực nào cả. Trong khi nhà lãnh đạo phải có tâm, có tầm, có tài. Cái tâm là của mỗi người, còn cái tầm thì phải bồi dưỡng để có tri thức, cái tài cũng thế, phải có kỹ năng, phải được rèn luyện mới có được. Công tác bồi dưỡng cho người lãnh đạo là rất quan trọng. Việc bồi dưỡng theo kiểu đắp tượng nhiều khi biến “sản phẩm” thành méo mó. Còn phương pháp bồi dưỡng theo kiểu trồng cây, đưa nguyên vật liệu cho họ, họ hút lấy, tự phát triển và hoàn thiện.