Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LENS

Chuyện 50 anh lính 'cõng' cả bản làng ở Tây Nguyên

50 người lính cùng dân bản hô vang, vác nhà sàn di chuyển từng mét một. Cả trăm đôi vai oằn xuống dưới sức nặng nghìn cân vẫn tiến về phía trước như bầy kiến tha mồi về tổ.

CHUYỆN 50 ANH LÍNH 'CÕNG' CẢ BẢN LÀNG Ở TÂY NGUYÊN

50 người lính cùng dân bản đồng loạt hô vang rồi vác căn nhà sàn di chuyển từng mét một. Cả trăm đôi vai oằn xuống dưới sức nặng nghìn cân vẫn tiến về phía trước như bầy kiến tha mồi về tổ.

Bo doi khieng nha anh 1

“Hai... ba... lên nào”, “Dô, dô, cố lên”, “Nghiêng qua bên phải, bên phải cơ mà...”, những tiếng hò hét, nhất loạt hô hào vang lên rồi vọng lại dưới vòm trời đầy nắng trên một bản miền núi lọt thỏm giữa ba ngọn núi Cheng Leng, Lờ Pá và N’Nheng.

Hơn trăm người cả nam lẫn nữ đồng loạt nhấc bổng và di chuyển chiếc nhà sàn nặng hàng tấn đến một địa điểm mới cách nơi cũ tới nửa cây số. Họ thực hiện hoàn toàn bằng sức người, rất thô sơ.

Đó không phải là một hủ tục, không phải cách để người ta chọn vợ hay bắt chồng, cũng không là nghi thức thờ cúng hay lễ hội mà là công việc, nhiệm vụ của 50 chiến sĩ thuộc Trung đoàn 48, Sư đoàn 320, Quân đoàn 3, trong chiến dịch phân bố lại dân cư theo chủ trương của huyện Phú Thiện, Gia Lai.

Bo doi khieng nha anh 2
Những anh bộ đội 'cõng nhà' trên vai Hơn trăm người, cả chiến sĩ lẫn với người dân bản, đồng loạt nhấc bổng và di chuyển căn nhà sàn nặng hàng tấn đến địa điểm mới cách nơi cũ tới nửa cây số.

Tìm đến bản Plei Heg (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) trong một buổi trưa Gia Lai gay gắt nắng, phóng viên Zing.vn phải hơn năm bảy lần hỏi đường, đi mải miết theo lời hướng dẫn: “Cái bản cuối cùng, cứ chạy khi nào hết đường là đến”. Và rồi bản được gọi là "5 không" (không điện, không đường, không nước, không y tế, không chữ) dần dần hiện lên qua với hơn 20 nóc nhà sàn mái tôn đỏ nhấp nhô.

Xung quanh, những đứa trẻ đi chân trần cởi truồng chạy giỡn dưới cái nắng Tây Nguyên, đàn gia súc được nuôi ngay dưới sàn nhà, các bà, các chị vẫn tắm trần ở bể nước. Xa xa là bốn bề núi non hùng vĩ... Cuộc sống ở đây nguyên sơ như thể tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài.

Bo doi khieng nha anh 5

Người đồng bào Ba Na có phong tục nuôi nhốt vật nuôi ngay dưới sàn nơi mình ở, thậm chí họ vệ sinh tại chỗ. Điều này dễ gây ra nhiều bệnh, không đảm bảo được vệ sinh môi trường.

"Chúng tôi nhận nhiệm vụ đến giúp đồng bào quy hoạch lại nhà, xây dựng chuồng trại và đặc biệt là hướng dẫn đồng bào xây dựng nhà vệ sinh. Trong 40 ngày công tác tại bản Plei Heg, các chiến sĩ giúp 22 hộ gia đình di dời 26 nóc nhà theo kế hoạch”, trung tá Trần Văn Tuấn, chỉ huy trực tiếp của lực lượng chiến sĩ công tác tại Plei Heg, chia sẻ. Với mục tiêu rõ ràng và nặng nhọc (theo đúng nghĩa đen) đó, công việc của những người lính của Trung đoàn 48 chẳng khác nào "cõng" cả bản tới một nơi ở mới.

Giữa năm 2018, thời kỳ mà ở thành phố người ta hồ hởi với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng nơi đây, người dân vẫn dùng sức mạnh thô sơ nhất - sức người để nhấc bổng và di chuyển một căn nhà sàn toàn gỗ, nặng nhiều tấn. Cả trăm đôi vai oằn xuống dưới sức nặng của căn nhà rồi nhúc nhích di chuyển từng tý, tiến về đích như bầy kiến tha con mồi khổng lồ về tổ.

Bo doi khieng nha anh 6

Để di chuyển một căn nhà sàn có diện tích và khối lượng lớn, khối lượng công việc cần phải thực hiện là rất nhiều. Theo truyền thống, nhà sàn của người Ba Na dựng lên từ những khung gỗ nặng, tuy nhiên khá thô sơ. Các chiến sĩ phải tháo bớt những kết cấu dễ lắp ráp nhằm giảm bớt trọng lượng, đồng thời, gia cố chằng buộc những điểm nối trước khi khiêng nhà, tránh trường hợp hư hại trong quá trình di chuyển.

Chưa kể, vì nhiều căn nhà lớn, các chiến sĩ phải dọn dẹp hết những vật cản trên đường đi, tháo cả cột trụ hay đường dây điện chắn lối. Công đoạn này chỉ có thể do bộ đội thực hiện, người dân không thể làm được vì không nắm hết kỹ thuật.

Bo doi khieng nha anh 7

Khi đã đảm bảo nhà được gia cố chắc chắn, đường đi đã thông thoáng, những người lính bắt tay công đoạn vất vả, khó khăn và nguy hiểm nhất là di chuyển căn nhà.

Các chiến sĩ nhận nhiệm vụ chính xếp hàng trong cùng, đứng dưới những thanh xà nặng nhất. Lẫn lộn xếp vòng quanh phía ngoài là những người đàn ông và các thiếu nữ người Ba Na. Tất cả, nhất tề nghe theo lệnh của vị chỉ huy chính cùng sự giúp sức của những chỉ huy dưới quyền.

Từng tiếng hò “lên nào, hai ba, lên nào” rồi “đi nào” vang lên từ cả người chỉ huy lẫn những người đang trực tiếp gánh sức nặng của căn nhà trên đôi vai. Cứ mỗi lần tiếng hô vang lên, họ tự tiếp thêm sức mạnh cho mình, căn nhà được nhấc dần lên, di chuyển từng chút, từng chút một. Đôi khi, công việc của họ gián đoạn vì mọi người cần uống nước.

Mất gần một giờ đồng hồ để hơn trăm người, vác một căn nhà sàn trên vai, di chuyển quãng đường nửa cây số.

Đã là nhiệm vụ, khó khăn mấy cũng phải xong

Việc chấn thương khi khiêng nhà là điều không tránh khỏi. Khối lượng trên vai lớn, nhiều chiến sĩ đứng phía trong còn bị hạn chế tầm nhìn, chỉ có thể vừa chịu sức nặng, vừa bước đi theo quán tính, mồ hôi mặn chạy xuống cay xè mắt nhưng không làm gì được. Nhiều lúc bụi gỗ từ nhà đổ xuống, bay hết vào mặt mũi, họ cứ vậy nhắm tịt mắt, bước đi bằng cảm giác.

“Lúc bước chỉ mong một điều duy nhất là không ngã, nặng lắm chứ mà mình cố thôi, đang di chuyển mà ngã là mọi người giẫm qua đầu mình luôn đó, vì phải đi tiếp chứ sao mà dừng lại được” - binh nhất Nguyễn Kim Hưng kể lại.

Chuyện giữ xà gỗ rồi trượt, bầm tím hay dằm xóc vào tay là thường. Lúc đó họ chỉ biết nén đau, khiêng cho xong rồi mới lấy dằm ra. Có lúc đang bước đi chân giẫm phải bùn trơn, mất thế lại phải gồng cả người giữ thăng bằng, thế là chấn thương ập tới. Các chiến sĩ kể lại việc gặp phải thương tổn trên cơ thể, cười nhẹ rồi lắc đầu như thấy không đáng nhắc tới. Có khó khăn, nguy hiểm thế nào cũng là nhiệm vụ, mà nhiệm vụ là phải hoàn thành.

Bo doi khieng nha anh 14
Bo doi khieng nha anh 17

"Nhiệm vụ của chúng tôi sẽ chẳng hoàn thành được nếu không có sự giúp sức của đồng bào nơi đây", thượng úy Hải - thành viên tổ kỹ thuật xây dựng chia sẻ. Người dân Plei Heg rất vui khi được mở rộng nơi ở, ai cũng háo hức vì được có thêm đất canh tác.

Với đồng bào dân tộc, chuyển nhà là vô cùng hệ trọng, gần như tất cả người dân bản Heg đều tập trung lại để theo dõi công việc của những người lính và chung tay góp sức khi bắt đầu khiêng nhà.

Một người đặc biệt mà chúng tôi được tiếp xúc khi ở Plei Heg là bác sĩ quân y Phạm Anh Tài. Anh Tài khá lặng lẽ, ít hòa nhập với đám đông, nhưng là người luôn theo dõi từng bước chân của các chiến sĩ, của người dân trong lúc khiêng nhà.

Anh chia sẻ: “Mình phải ở nơi mà không gây vướng víu trong quá trình làm việc của mọi người, mà vẫn phải luôn thật gần để có mặt kịp thời trong những tình huống xấu. Chắc chỉ có mỗi mình đi làm ở đây không mong có việc để làm, có việc làm nghĩa là sức khỏe mọi người đang không được tốt”.

Bo doi khieng nha anh 19

Thời điểm căn nhà đến được đúng vị trí của nó, tất cả mọi người dường như cũng đặt xuống những gánh nặng trên vai. Người dân có thêm một mái nhà yên ổn, những người lính hoàn thành nhiệm vụ, người chỉ huy thở phào khi phần khó khăn nhất đã xong và không ai bị thương. Để ngày mai, vòng quay ấy lại bắt đầu, người người lại gánh nhà để “chạy”.

Niềm vui từ mái nhà mới

Mỗi nóc nhà sàn được yên ổn tại địa điểm mới là một niềm vui cho người dân Plei Heg. Cả bản ai cũng hân hoan, háo hức chờ đến ngày nhà của mình được chuyển. Lễ hội mừng công sẽ được tổ chức khi căn nhà cuối cùng - nhà rông thiêng liêng của Plei Heg được chuyển đến vị trí giữa bản.

Đinh Juar là một thanh niên 20 tuổi. Em từng là đứa trẻ lớn lên ở bản Heg, thực hiện nghĩa vụ quân sự và về lại bản. Bất kỳ căn nhà nào cần di chuyển, cũng thấy Đinh Juar ở đó giúp mọi người. Vì đã từng là bộ đội, có kỹ thuật nên ở công đoạn nào em cũng có thể ra sức.

Nhà của Đinh Juar ở gần nhà rông lớn, muốn di chuyển là phải cúng trâu, nhưng theo lời của Đinh Juar: “Mất một con trâu mà có thêm nhiều đất thì được Giàng thương đấy”.

Bo doi khieng nha anh 25
Bo doi khieng nha anh 28

Sau khi những căn nhà được "quy hoạch" lại hợp lý, người dân ở Plei Heg sẽ có thêm cơ hội canh tác, cuộc sống sẽ dễ dàng hơn. Những đứa trẻ sẽ có cái bụng đủ đầy, được đi học, lớn lên mạnh mẽ như cây rừng nhưng vươn xa hơn thế.

Trở về với những niềm vui thường nhật

Bên cạnh nhiệm vụ khiêng nhà, xây chuồng trại, những chiến sĩ thuộc trung đoàn 48 còn mở chỗ cắt tóc miễn phí ở bản Plei Heg. Hoạt động tuy nhỏ nhưng mang lại niềm vui cho rất nhiều người dân nơi đây, bởi cắt tóc với họ vốn là một điều xa xỉ.

Bo doi khieng nha anh 29

Sau một ngày vật lộn với cột, xà, với bùn đất, người lính áo xanh quay về với sinh hoạt đời thường, với bữa cơm quây quần và giây phút thoải mái đùa giỡn lúc tắm tập thể.

Khi thực hiện nhiệm vụ ngoài doanh trại, bên cạnh một bác sĩ luôn túc trực thì một đội hậu cần cũng phải có để đảm bảo vấn đề ăn uống đầy đủ cho hơn 50 người. Các chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ hậu cần luôn là những người dậy sớm nhất, đảm bảo ba bữa ăn luôn đúng giờ: 6h, 11h và 18h.

Bo doi khieng nha anh 30

Phòng ngủ của họ là một dãy 3 phòng học của một trường tiểu học ngay đầu bản. Mỗi phòng rộng chưa đến 30 m2, hai mươi chiến sĩ chen vai nhau nằm trên những tấm phản gỗ.

20 người, giữa tiết trời nắng nóng, hai cái quạt con cóc. Nóng nực, vất vả là thế nhưng với tác phong quân đội, các chiến sĩ trẻ vẫn luôn cố gắng ngăn nắp gọn gàng, luôn trong tinh thần sẵn sàng cho công việc.

Bo doi khieng nha anh 34

Những người lính nhận nhiệm vụ đến Plei Heg rất thích không khí núi rừng ở đây. Chập choạng tối, lúc đã ăn xong cơm và rửa bát, họ lại đến xin phép người chỉ huy cho mình được thả bộ trên con đường bê tông vào bản, tận hưởng không khí trong lành, nghe tiếng dế rả rích, ngắm đom đóm lập lòe, điều mà họ không bao giờ thấy ở thành phố. 

Với những chiến sĩ bộ đội, hoàn thành công tác ở Plei Heg, họ về lại doanh trại, nhận tiếp nhiệm vụ và có lẽ sẽ bắt đầu một hành trình mới, mang ánh sáng đến cho những đứa trẻ ở một vùng đất nào cần họ.

Bo doi khieng nha anh 38

Hoàng Việt

Video: Hoàng Quỳnh

Bạn có thể quan tâm