Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyển 5.190 tỷ có đồng thuận của con ông chủ Tân Hiệp Phát?

Bị cáo Hoàng Đình Quyết khai nhận việc chuyển 5.190 tỷ đồng của bà Trần Ngọc Bích (con của Chủ tịch HĐQT Tân Hiệp Phát) tại Ngân hàng Xây dựng đã có sự đồng thuận.

Ngày 26/7, phiên tòa xét xử vụ án kinh tế gây thất thoát 9.000 tỷ xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi. Nội dung phiên tòa hôm nay chủ yếu xoay quanh khoản tiền 5.190 tỷ đồng của bà Trần Ngọc Bích (người đại diện Công ty Tân Hiệp Phát) gửi tại Ngân hàng Xây dựng bị chuyển sang tài khoản của Phạm Công Danh.

Tại tòa sáng nay, bị cáo Hoàng Đình Quyết (Phó giám đốc phụ trách VNCB chi nhánh Sài Gòn, giám đốc VNCB chi nhánh Lam Giang) cho rằng, việc chuyển khoản tiền này đã có sự đồng thuận của bà Bích, tuy nhiên không có chữ ký của bà này.

"Khoản tiền này thực tế là để đáo hạn các khoản mà bà Bích cùng những người trong nhóm bà Bích đã vay của Ngân hàng Xây dựng trước đó", bị cáo Quyết khẳng định.

dai an kinh te 9.000 ty anh 1
Hoàng Đình Quyết cho rằng, chuyển hàng nghìn tỷ đồng của bà Bích đã có sự đồng thuận. Ảnh: T.Thanh.

Theo cáo trạng, bà Bích có 124 sổ tiết kiệm, trị giá 5.190 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng, nhưng vào tháng 8/2013, Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới chuyển toàn bộ số tiền này vào tài khoản của mình nhưng không có sự đồng ý và chữ ký hợp lệ của bà Bích.

Trả lời câu hỏi của tòa về việc vì sao gửi tiền vào Ngân hàng Đại Tín (Trustbank, sau này đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng), bà Bích cho biết gặp Phạm Thị Trang (Trang Phố Núi, đã xuất cảnh ra nước ngoài) vào khoảng năm 2012. Trang giới thiệu là Phó giám đốc phụ trách nguồn vốn của Trustbank.

Do làm ăn thua lỗ nên Trustbank rất cần tiền để tiếp tục duy trì hoạt động. Biết bà Bích là doanh nhân thành đạt, Trang liền huy động vốn của nữ Giám đốc Tân Hiệp Phát với mức lãi suất cao hơn 2% so với mặt bằng của các ngân hàng vào thời điểm đó.

Thấy mức lãi suất có lợi, bà Bích đã nhiều lần gửi tiền vào Trustbank. Có lúc, người phụ nữ này gửi hơn 6.000 tỷ đồng cho ngân hàng này.

dai an kinh te 9.000 ty anh 2
Bà Trần Ngọc Bích yêu cầu nhận lại 5.190 tỷ đồng. Ảnh: T.Thanh.

Đến tháng 6/2013, mọi giao dịch vay, gửi tiền giữa bà Bích với VNCB đã được tất toán. Tuy nhiên, bà Bích vẫn còn 124 sổ tiết kiệm, trị giá 5.190 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng chưa rút ra.

Giám đốc Tân Hiệp Phát cũng cho biết, mọi hoạt động giao dịch của mình tại Ngân hàng Xây dựng đều thông qua Hoàng Đình Quyết.

“Tôi không hề quen biết Phạm Công Danh. Mọi giao dịch của tôi với Ngân hàng Xây dựng đều xuất phát từ lòng tin, do đó không ngờ rằng tiền của mình đã bị Danh chuyển đi”, bà Bích nói.

Theo lời bà Bích thì giữa tháng 7/2014, cơ quan điều tra mời bà lên làm việc. Đến lúc đó, người phụ nữ này mới biết tiền của mình đã bị Danh tự ý chuyển đi. Bà Bích cho biết, nếu không có sự đồng ý của bà thì ngân hàng không được chuyển tiền đi. Vì thế, nữ giám đốc mong nhận lại 124 sổ tiết kiệm này.

Giữa tháng 11/2015, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an kết luận điều tra vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại VNCB, do Phạm Công Danh chủ mưu.

Bị cáo Phạm Công Danh cùng các bị can còn gây thiệt hại khi rút 5.000 tỷ đồng nhưng không được sự đồng ý và có chữ ký của chủ tài khoản, rút 300 tỷ không có hồ sơ vay, rút 903 tỷ dưới hình thức ủy thác đầu tư mua trái phiếu. Các bị cáo này đã gây thiệt hại cho VNBC lên đến 7.000 tỷ đồng.

Ngoài những vi phạm nói trên, Phạm Công Danh còn gây thiệt hại 2.000 tỷ khi cùng 33 bị can cho 14 công ty vay 14.000 tỷ đồng. Số tài sản đảm bảo để vay tiền được nâng khống về giá trị lên nhiều lần.

Theo cáo trạng hơn 220 trang của VKSND TP HCM, Phạm Công Danh là chủ mưu chính vụ án, phải chịu trách nhiệm toàn bộ số tiền trên 9.000 tỷ đồng mà VNCB bị thiệt hại. Giai đoạn 2 của vụ án đang được Bộ Công an tiếp tục điều tra làm rõ.

Tân Thanh

Bạn có thể quan tâm