Chuyên án đấu tranh với băng nhóm Thọ "Sứt" xuyên suốt trong thời gian dài (hơn 5 năm), thể hiện sự kiên quyết, dũng cảm đấu tranh, sự không khoan nhượng với cái ác của lực lượng cảnh sát hình sự, họ sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy, thậm chí chấp nhận hy sinh vì sự bình yên của nhân dân.
Chập tối 3/3/2012, băng nhóm của Lê Văn Thọ gây ra vụ bắt cóc trẻ em cực kỳ manh động tại bản Lũng Xá, xã Lóng Luông, huyện Mộc Châu (Sơn La). Thọ "Sứt" cùng 4 đàn em đi ôtô mang theo 4 khẩu súng quân dụng đến bản Lũng Xá bắt cóc cháu Sồng Thị Giang (6 tuổi, con của anh Sồng A Dế).
Khi chiếc xe của nhóm Thọ “Sứt” mang theo cháu Giang chạy đến khu vực sân vận động thuộc bản Lóng Luông thì bị 2 xe máy do anh Tráng A Pủa, Công an viên xã Lóng Luông và anh Nguyễn Văn Đăng khoá đầu, khoá đuôi. Lúc này, anh Sồng A Dơ và Sồng A Chư (người cùng bản) cũng đuổi kịp chiếc xe đang chở cháu Giang.
Thấy bị vây, lái xe bất ngờ bắn 3 phát chỉ thiên. Đồng thời, người trên xe đồng loạt nhảy xuống, chĩa thẳng súng về những dân bản đang truy đuổi rồi bóp cò. Mọi người sợ bỏ chạy, anh Sồng A Dơ không may bị đạn bắn xuyên thủng dạ dày.
22h cùng ngày, nhóm của Thọ gọi điện cho anh Sồng A Dế yêu cầu chuộc con gái bằng 500 triệu đồng, 5 bánh heroin và 500 gram ma túy đá. Ngay trong đêm đó, lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự chỉ đạo các tổ công tác của đơn vị phối hợp với Công an tỉnh Hòa Bình, Công an tỉnh Sơn La và một số đơn vị nghiệp vụ khác truy đuổi theo dấu vết nóng của nhóm bắt cóc.
Lê Văn Thọ bị bắt giữ sau khi trốn khỏi Trại tạm giam T16. |
Chiều tối 5/3/2012, phát hiện thông tin nhóm này giữ cháu Giang đã quay lại TP Hòa Bình để chờ nhận tiền chuộc từ gia đình cháu, tổ công tác của Cục Cảnh sát hình sự và Công an Hòa Bình, Sơn La tiếp cận mục tiêu. Nhóm phóng viên chúng tôi thời điểm này cũng kịp thời có mặt tại Hoà Bình để cùng căng thẳng, rồi vỡ òa niềm vui khi các lực lượng truy bắt đã giải cứu thành công cháu bé ở nhà nghỉ Ánh Dương, phường Tân Lạc, TP Hòa Bình.
Trong 3 kẻ đi theo canh giữ cháu bé, có Đỗ Văn Nhuận đã ngoan cố mang theo khẩu súng colt cố thủ trên tầng tum của nhà nghỉ.
Sau 6 tiếng dùng loa kêu gọi Nhuận ra đầu thú không thành công, 6h15 ngày 6/3/2012, tổ công tác của Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Hòa Bình phải áp sát phòng tum, giật cửa, tung lựu đạn cay mới khống chế được Nhuận, đưa xuống.
Trong ngày hôm đó, các tổ công tác của Công an tỉnh Sơn La và Công an TP Hà Nội đã tiếp tục truy bắt được những kẻ còn lại trong băng nhóm, trong đó có tên cầm đầu Thọ “Sứt”. Năm 2013, TAND tỉnh Sơn La đã tuyên phạt Lê Văn Thọ 27 năm tù về các tội danh Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; Giết người; Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng; Đưa hối lộ.
Tuy nhiên, Thọ "Sứt" là tên tội phạm cực kỳ nguy hiểm, thủ đoạn tàn độc, sẵn sàng ra tay với bất cứ ai cảm thấy cản trở con đường làm ăn bất hợp pháp của hắn. Khi đang thụ án trong Trại giam Nam Hà (Bộ Công an), Thọ vẫn tìm cách chỉ đạo đàn em bên ngoài thực hiện các hành vi phạm tội.
Năm 2014, Công an tỉnh Hà Nam đã khởi tố vụ án giết người xảy ra ngày 16/12/2014 tại thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Qua thu thập tài liệu, chứng cứ, Công an tỉnh Hà Nam đã phát hiện được vai trò của Thọ "Sứt" trong việc chỉ đạo 2 kẻ bên ngoài xã hội dùng súng bắn đạn hoa cải bắn trả thù anh Trần Mạnh Tiến, làm anh Tiến và một cháu bé bị trọng thương, phải cấp cứu.
Quá trình điều tra vụ án trên gặp nhiều khó khăn do thủ đoạn phạm tội "ẩn trong bóng tối" của Thọ "Sứt", nên Công an tỉnh Hà Nam đã đề xuất lãnh đạo Bộ giao Cục Cảnh sát hình sự chỉ đạo, phối hợp với Công an tỉnh Hà Nam đấu tranh, điều tra làm rõ.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, Cục Cảnh sát hình sự đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ. Qua đó đã phát hiện một nguồn tin đặc biệt quan trọng: Thọ "Sứt" đang lên kế hoạch, chỉ đạo đàn em ngoài xã hội đặt mìn nhằm giết hại, trả thù đối với 2 cán bộ tư pháp tỉnh Sơn La là những người đã trực tiếp tham gia điều tra, đưa Thọ “Sứt” cùng đồng bọn ra xét xử năm 2013.
Vị trí nhà của 2 cán bộ này liền kề ngay với nhà đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La (cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý), nếu để xảy ra vụ nổ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, hoang mang dư luận và suy giảm ý chí đấu tranh của lực lượng thực thi pháp luật. Đồng thời, Thọ "Sứt" còn điều hành đường dây mua bán trái phép chất ma túy, vũ khí, vật liệu nổ, ngông cuồng chỉ đạo đàn em trả thù các mâu thuẫn cá nhân ngoài xã hội.
Xét tính chất đặc biệt nguy hiểm của băng nhóm do Thọ "Sứt" cầm đầu, ngày 11/6/2015, Cục Cảnh sát hình sự đã xác lập chuyên án, phối hợp với Công an tỉnh Hà Nam và Công an TP Hà Nội ngăn chặn kịp thời và vô hiệu hóa âm mưu trả thù cán bộ thực thi pháp luật của bọn chúng, bảo vệ an toàn tính mạng cho các bị hại, nhân chứng, người dân và cả các cán bộ tham gia phá án.
Ngày 29/6/2015, Cục Cảnh sát hình sự đồng loạt phá án, bắt giữ Thọ "Sứt" và 8 đồng phạm trong băng nhóm về các hành vi mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ; đấu tranh làm rõ hành vi giết người do Thọ "Sứt" chỉ đạo; thu giữ nhiều ma túy và vật liệu nổ.
Ngày 18/5/2017, TAND tỉnh Hà Nam mở phiên sơ thẩm, tuyên phạt Lê Văn Thọ về các tội Giết người, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Mua bán trái phép chất ma túy, tổng hình phạt chung là tử hình. Ngay tại phiên tòa, Thọ "Sứt" tiếp tục sử dụng chiêu bài kêu oan và tuyên bố sẽ trả thù hội đồng thẩm phán và các điều tra viên.
Trong thời gian kháng cáo, chờ xét xử phúc thẩm, Thọ cùng tử tù Nguyễn Văn Tình (giam chung cùng Thọ) đã bỏ trốn khỏi Trại tạm giam T16, Bộ Công an vào đêm mưa gió 10/9/2017. Đối với kẻ tàn độc, từng dám đặt mìn trả thù những người thực thi pháp luật như Thọ "Sứt", việc hắn trốn khỏi trại giam là một mối nguy hiểm đặc biệt cho xã hội và ngay các cán bộ của Cục Cảnh sát hình sự đã từng điều tra và bắt giữ Thọ.
Tuy nhiên, không hề nao núng, các tổ công tác của Cục Cảnh sát hình sự, trong đó có cả những "người quen" từng bắt giữ Thọ "Sứt" trong chuyên án trước đã không quản ngày đêm, phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và công an các đơn vị, địa phương tổ chức truy bắt 2 tên. Ai cũng có một mạng sống để trân quý, một gia đình để yêu thương nhưng các cán bộ của Cục Cảnh sát hình sự đã chấp nhận vượt lên những lo lắng riêng tư ấy để lao vào cuộc truy lùng Thọ "Sứt".
Vì sự nguy hiểm của Thọ "Sứt", nên cuộc truy bắt hắn trở nên khẩn trương, cả lãnh đạo và các trinh sát hình sự di chuyển liên tục từ Hà Nội, đi Quảng Ninh, sau đó điểm bắt giữ Thọ "Sứt" chính là xã Nam Hồng, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, khi Thọ đang đi cùng bạn gái trên xe taxi.
Sau đó, Tình cũng bị bắt giữ tại huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Chính Tình cho biết, Thọ bỏ trốn khỏi trại giam để trả thù các cán bộ tòa án, viện kiểm sát, điều tra viên đã thụ lý, giải quyết các vụ án liên quan đến Thọ. Tuy nhiên, bàn tay tội ác của Thọ đã bị lực lượng cảnh sát hình sự chặn đứng.
Ngay trong đêm bắt giữ được Thọ "sứt", chúng tôi đã được sự cho phép của lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát vào Trại giam T16 để tiếp xúc với Thọ. Anh ta kể rằng sau khi trốn trại, hắn và Tình chia nhau đi hai hướng. Thọ cũng biết khi phát hiện hắn trốn trại, cơ quan công an sẽ truy lùng gắt gao nhưng hắn ngạc nhiên vì đã di chuyển liên tục, không dám ở lại lâu nơi nào mà vẫn bị bắt nhanh đến thế và lại bị chính những "người quen" của Cục Cảnh sát hình sự bập còng số 8 vào tay.
Ngày 8/5/2018, Lê Văn Thọ đã bị TAND TP Hà Nội xét xử tuyên phạt 7 năm tù về tội Trốn khỏi nơi giam giữ, tổng hợp các bản án buộc Thọ chấp hành hình phạt chung là tử hình. Ngày 27/6/2018, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm; tuyên y án đối với Thọ "Sứt" và đồng bọn.
Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự, trong chuyên án đấu tranh với băng nhóm nguy hiểm Thọ "Sứt", Ban chuyên án đã phải huy động CBCS của hầu hết đơn vị nghiệp vụ của Cục Cảnh sát hình sự với hàng nghìn lượt CBCS tham gia thực hiện nhiệm vụ, chia thành nhiều tổ công tác, đồng loạt tiến hành tổng hợp nhiều biện pháp nghiệp vụ với tinh thần quyết tâm cao, khắc phục khó khăn, nguy hiểm. Kế hoạch phá án công phu, đảm bảo tổ chức tác chiến hiệu quả, đã bắt giữ được toàn bộ số kẻ chủ mưu, cầm đầu của các nhóm và người tham gia băng nhóm.
Sau khi băng nhóm Thọ "Sứt" bị triệt phá đã đem lại sự bình yên cho nhân dân, đảm bảo an toàn cho bị hại, nhân chứng, cán bộ thực thi pháp luật, góp phần ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm. Đây chính là kết quả nổi bật so với các chuyên án trước đây của lực lượng cảnh sát về đấu tranh với băng nhóm tội phạm nguy hiểm.