Lô vaccine Covid-19 đầu tiên được vận chuyển trên chuyến bay xuất phát lúc 7h10 đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM).
Lãnh đạo Bộ Y tế, Lãnh sự Vương quốc Anh tại TP HCM, Hệ thống tiêm chủng VNVC và Công ty AstraZeneca Việt Nam, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có mặt tại sân bay đón lô vaccine Covid-19 của AstraZeneca đầu tiên về Việt Nam theo hợp đồng đặt mua giữa VNVC và AstraZeneca.
Trước đó, ngày 1/2, Bộ Y tế Việt Nam chính thức phê duyệt có điều kiện vaccine Covid-19 Vaccine AstraZeneca (AZD1222) cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong nước. Đây là vaccine đầu tiên được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.AstraZeneca Việt Nam và VNVC đang hợp tác để cung cấp 30 triệu liều vaccine này cho Việt Nam, bắt đầu từ nửa đầu năm 2021. Sự kiện này đánh dấu bước tiến quan trọng trong công cuộc phòng, chống Covid-19 của Việt Nam.
Chuyến bay chở lô vaccine Covid-19 đầu tiên hạ cánh sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Chí Hùng. |
Các trường hợp được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19
Bà Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Cung ứng Hệ thống VNVC, chia sẻ đơn vị này đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tốt nhất để có thể tiếp nhận số lượng lớn vaccine và tiến hành tiêm chủng phục vụ hàng triệu người dân.
Hệ thống bao gồm gần 50 trung tâm tiêm chủng, hơn 50 kho bảo quản vaccine đạt chuẩn GSP trên toàn quốc, hệ thống phân phối, đội ngũ nhân sự gần 5.000 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên chuyên nghiệp, quy trình tiêm chủng an toàn.
Theo những chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Y tế, VNVC sẽ sớm công bố các thông tin chi tiết về kế hoạch triển khai tiêm chủng vaccine này. Giá vaccine dự kiến sẽ ưu đãi để nhiều người dân có thể được sử dụng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) để tiếp nhận lô vaccine Covid-19 đầu tiên. Ảnh: Chí Hùng. |
Theo quyết định phê duyệt kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vaccine Covid-19 giai đoạn 2021-2022 do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký, 11 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine phòng bệnh Covid-19 đầu tiên gồm:
- Nhân viên y tế
- Nhân viên tham gia phòng chống dịch (ban chỉ đạo các cấp, nhân viên khu cách ly, phóng viên...)
- Nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh
- Lực lượng công an
- Lực lượng quân đội
- Người trên 65 tuổi
- Giáo viên
- Nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu như hàng không, vận tải, du lịch, điện, nước...
- Người mắc các bệnh mạn tính
- Người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài
- Người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ
Đây là vaccine Covid-19 đầu tiên được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Ảnh: CBC. |
Vaccine đã được WHO tiền thẩm định chất lượng
Ngày 23/2, các chuyên gia tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết vaccine Astra Zeneca đang được nhập về Việt Nam đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiền thẩm định chất lượng. Theo đó, về nguyên tắc, khi đến Việt Nam, vaccine có thể được sử dụng ngay.
Theo ông Trần Đắc Phu, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc (Bộ Y tế), các loại vaccine khi về Việt Nam, như trước đây là Quinvaxem hay ComBE Five, đều được thử nghiệm đánh giá an toàn.
Tuy nhiên, do đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và đây là tình huống khẩn cấp, Bộ Y tế đã phối hợp với các đơn vị để tiêm vaccine này cho những đối tượng ưu tiên, nguy cơ cao nhiễm virus theo đúng kế hoạch.
Ban Chỉ đạo cho rằng chúng ta đã rất cố gắng, khẩn trương để sớm có vaccine ngừa Covid-19, nhưng không có đầy đủ ngay một lúc nên phải phân theo các nhóm đối tượng ưu tiên.
Tới đây, vaccine ngừa Covid-19 được hoàn thiện và đáp ứng đầy đủ, cơ bản về lâu dài người dân sẽ được tiêm miễn phí như trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Bên cạnh đó, một phần nhỏ vaccine dịch vụ sẽ dành cho những người có khả năng chi trả cao hơn.
Vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca được đồng phát minh bởi Đại học Oxford (Anh) và công ty sản xuất hỗ trợ Vaccitech. Vaccine sử dụng vector virus mất khả năng sao chép được tạo ra từ chủng virus gây cúm thông thường ở tinh tinh đã được làm suy yếu (adenovirus), chứa vật chất di truyền của protein gai trên bề mặt virus SARS-CoV-2.
Sau khi tiêm vaccine, protein gai bề mặt được sản xuất, kích hoạt hệ thống miễn dịch tấn công virus SARS-CoV-2 nếu cơ thể bị nhiễm sau đó. Công bố trên tạp chí The Lancet khẳng định rằng vaccine của AstraZeneca được dung nạp tốt và không có biến cố bất lợi nghiêm trọng nào được xác nhận liên quan vaccine.
Đối tượng tham gia nghiên cứu đa dạng về vùng địa lý và chủng tộc, khỏe mạnh hoặc có tình trạng bệnh lý nền ổn định.
Từ ngày 27/1 đến nay, Việt Nam ghi nhận thêm 811 người mắc Covid-19. Dịch xuất hiện tại 13 tỉnh, thành phố gồm Hải Dương (628 bệnh nhân), Quảng Ninh (61), Hà Nội (35), Gia Lai (27), Bình Dương (6), Bắc Ninh (5), Điện Biên (3), Hòa Bình (2), Hải Phòng (4), TP.HCM (36), Bắc Giang (2), Hà Giang (1), Hưng Yên (2).
Hải Dương đang là "điểm nóng" với 6 cụm dịch lớn, gồm TP Chí Linh, huyện Cẩm Giàng, thị xã Kinh Môn, huyện Nam Sách, TP Hải Dương và mới nhất là huyện Kim Thành.
Tại TP.HCM, toàn bộ địa điểm bị phong tỏa của TP.HCM đã được gỡ bỏ, sau 12 ngày liên tiếp không có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng.
Hà Nội đã trải qua 8 ngày qua không ghi nhận trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2 mới. Đồng thời, các F1 đang được cách ly tập trung cũng chưa có triệu chứng của bệnh, sức khỏe bình thường. Do đó, số lượng ca nhiễm liên quan khả năng sẽ dừng lại.