1. Chuyện hàng trăm người trắng đêm giải cứu thành công bé gái 7 tuổi ngã xuống giếng ở Bình Dương vừa qua khiến cả nước rưng rưng. Đáng chú ý, lực lượng tham gia giải cứu bé Tú Anh gồm cả quân và dân.
Những thanh niên địa phương xả thân xẻ đất, những lực lượng chức năng dùng các biện pháp nghiệp vụ để cháu không rơi sâu hơn, phụ nữ trong vùng cầu nguyện, soi đèn, tiếp nước...
Hình ảnh Tú Anh được giải cứu. Ảnh: Người lao động. |
Giữa các thông tin ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý cộng đồng trong những ngày gần đây, sự việc này như gieo một niềm tin rất thật: tin vào con người. Con người sẽ làm được tất cả, sẽ vượt qua mọi nghịch cảnh để vươn lên. Và đầu tư cho con người là khoản đầu tư đúng đắn hơn mọi khoản đầu tư.
2. Dư luận nghẹn ngào khi “đóng” câu chuyện cổ tích về bé Tú Anh lại. Nhưng đằng sau dư vị tin yêu vào cuộc sống và tình người, cảm giác cay đắng lại trào dâng. Mọi thứ sẽ ra sao nếu tiếng gọi từ thành giếng của bé Tú Anh không lay động tới người trên mặt đất? Hay nếu cuộc giải cứu thần kỳ bé Tú Anh không thành công?
Thảm kịch này chẳng ai muốn hình dung nhưng rõ ràng nó có thể xảy ra. Cụ thể, có tới khoảng 8.000 trẻ em không may mắn như bé Tú Anh đã thiệt mạng vì tai nạn mỗi năm trên cả nước.
Những chàng trai địa phương xả thân xẻ đất, những lực lượng chức năng dùng các biện pháp nghiệp vụ để cứu bé Tú Anh. |
8.000 con người, 8.000 đứa trẻ, 8.000 sinh mệnh, 8.000 tương lai của xứ sở đã từ biệt cuộc sống ngay trong những bước đi chập chững đầu đời. Con số 8.000 nghiệt ngã đủ để lay động mọi lương tri.
Chuyện cứu thành công bé Tú Anh khiến cả nước hân hoan, nhưng mấy ai nhớ tới 8.000 đứa trẻ đã không thể trưởng thành trên quê hương? Ai nhớ tới những đắng cay, mất mát của những ông bố, bà mẹ? Ai thức tỉnh cộng đồng hãy cẩn thận hơn với con em mình?
3. Vẫn biết, hạnh phúc và bất hạnh là hai mặt cuộc đời. Chúng song hành đồng hiện trong thân phận bất cứ ai, bất cứ cộng đồng nào. Nhưng hạnh phúc thì dễ đón nhận còn bất hạnh thì khó đối mặt. Và “quyền năng” của bất hạnh được nhân lên gấp bội khi chúng ta vô tâm hoặc lảng tránh nói về nó. Con người không dám nhìn thẳng vào nỗi bất hạnh của bản thân cũng như cộng đồng chỉ thích nghe những lời ru và chuyện cổ tích chứ không thích nghe lời phản tỉnh.
Và cứ thế, cuộc sống như sân khấu lộng lẫy của những kỳ tích, những câu chuyện về thành công, những công trình to lớn... Còn những thân phận khốn khổ, những bi kịch thương đau, những con số báo động đều nằm sau tấm màn nhung óng mượt.
Chúng ta chỉ có thể hoàn thiện khi chúng ta chỉ là mình khi ta tự tin nhận định cả mặt tốt - xấu; cả hạnh phúc - khổ đau; cả thành công - thất bại... Một cộng đồng chỉ có thể vững mạnh khi hiểu rõ rằng bên cạnh “cổ tích Tú Anh” còn 8.000 đứa trẻ thiệt mạng mỗi năm do tai nạn; bên cạnh những công trình hoành tráng còn có những con người không mái lá che thân; bên cạnh phẩm chất cần cù, thông minh là thói vô cảm, khôn ngoan vặt...
Đừng ngại nói về những khiếm khuyết của bản thân hay cộng đồng, vì động lực đầu tiên để lấp đầy những khiếm khuyết là gọi tên chúng.