Bước vào cuộc sống sinh viên, ranh giới từ bạn thân đến "kẻ thù" đôi khi rất mong manh. Thực tế, nhiều bạn bè đang thân thiết bỗng dưng ghét nhau cay đắng chỉ vì... ở trọ.
Yêu người yêu của bạn thân
Câu chuyện chia tay bạn trai sau hơn 4 năm yêu nhau chỉ vì bạn cùng phòng trọ của Nguyễn Hương là một ví dụ thực tế cho "phức tạp đời sinh viên ở trọ".
Hương và bạn trai yêu nhau từ năm cấp ba, sau này học cùng một trường đại học. Cả hai trải qua nhiều sóng gió, bởi nhà cô rất nghèo, còn gia đình chàng trai khá giả. Vào đại học, Hương trọ học cùng bạn gái tên Hạnh. Thỉnh thoảng, bạn trai đến phòng ăn cơm. Trong khi cô rửa bát ngoài sân, hai người ở trong nhà nói chuyện rất tâm đầu ý hợp.
Mọi chuyện không có gì cho đến ngày Hương phát hiện tin nhắn lạ trong máy điện thoại của bạn trai. 9X giật mình khi biết tin nhắn yêu đương đó là của cô bạn cùng phòng. Hương rất giận, song vẫn cố im lặng xem tình cảm của người yêu thế nào.
Hôm đó, thiếu nữ về quê và lên sớm hơn dự định mà không báo trước. Tới nơi, thấy xe người yêu dựng ngoài cửa, cô nhanh chân bước vào phòng thì thấy Hạnh và người yêu mình đang hôn nhau.
Hương òa khóc, bỏ chạy ra ngoài. Tối về, 9X nói chuyện với người yêu, anh ta bảo muốn chia tay vì hết tình cảm. Câu chuyện buồn xảy ra khoảng 3 tháng trước. Hiện, Hương dọn ra ở riêng và chặn hết liên lạc của hai người bạn.
Theo My, sinh viên Đại học Tài chính Hà Nội, chuyện mất cả bạn lẫn người yêu khi ở trọ không phải hiếm. Nữ sinh kể lớp cô có một số bạn chơi thân với nhau. Khi dẫn bạn trai về phòng chơi, cô bạn trọ cùng liền... "thả thính", làm mấy anh chàng xao động. Một số người muốn "yêu em yêu cả bạn cùng phòng em".
"Tình yêu không có lỗi, lỗi tại bạn thân", nhiều người dẫn tiêu đề của bộ phim từng thu hút giới trẻ để nói về thực trạng trên. Tranh luận về chủ đề này, phần lớn cư dân mạng cho rằng cướp người yêu của bạn là việc không thể tha thứ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến nêu quan điểm tình yêu cần có tự do lựa chọn, một khi đã hết tình cảm thì không nên oán trách nhau và níu kéo.
"Mình từng trải qua chuyện này nên hiểu cảm giác đau đớn. Khi đó, mình đã không kìm chế được, cho người yêu và cả cô bạn kia cái bạt tai. Sau đó, mình nghĩ hãy cứ xinh đẹp, vui lên và yêu lấy bản thân. Các bạn nên tin duyên sẽ tới và xứng đáng hơn người cũ", Nguyễn Thị Hoa - sinh viên năm thứ ba, Học viện Ngân Hàng - nêu quan điểm.
Hoa rút kinh nghiệm, khi yêu, không nên cho bạn bè, nhất là cùng phái, biết số điện thoại hay các trang cá nhân của người yêu, vì dễ "nối giáo cho giặc". Thế nhưng, nhiều người cho rằng đây không phải cách hay bởi thời buổi công nghệ thông tin bùng nổ hiện nay, muốn giấu cũng không dễ. Quan trọng vẫn là tình cảm và quyết tâm của hai người.
Trọ cùng phòng dễ mất bạn
Có những người chơi thân, điều gì cũng có thể san sẻ, nhưng khi ở cùng nhau, biết thế nào là "cuộc sống nhà trọ" thì không chơi với nhau nữa. Đôi khi chỉ vì những xích mích nhỏ, những ứng xử kém tinh tế trong môi trường tập thể đã dẫn đến tình cảm bạn bè rạn nứt, thậm chí quay ra ghét nhau.
Ở bẩn là điều khó chấp nhận với bạn cùng phòng, trừ trường hợp cả hai người hoặc tất cả thành viên cùng bẩn. Tuy nhiên, trường hợp đó ít khi xảy ra và nếu có thì sớm muộn gì cũng bị chủ nhà và hàng xóm “sờ gáy”.
Việc ăn ở mất vệ sinh, để đồ đạc bừa bãi, bày rác không dọn là những việc thường thấy ở môi trường tập thể. Nó cũng là nguyên nhân khiến nhiều bạn xảy ra mâu thuẫn.
Sinh viên mâu thuẫn phần lớn do tính ở bẩn của bạn thân. Ảnh: NEU Confessions. |
Nam sinh thường không ngăn nắp, vệ sinh như con gái, song để quần áo ủ vài tuần đến… bốc mùi khó chịu, hay mùa hè mà 2, 3 ngày mới tắm một lần như anh chàng tên Thắng (20 tuổi, quê Hương Yên) thì thật khó chấp nhận. Nhiều lần bạn bè nhắc nhở, cậu vẫn chứng nào tật ấy. Kết cục là cả phòng quyết định “anti” Thắng một thời gian để nam sinh sửa ngay cách sống.
Một câu chuyện khác về việc rạn nứt tình bạn chỉ vì ở chung phòng trọ của của hai cô gái thân thiết với nhau từ thời phổ thông vừa được chia sẻ trên mạng. Nhân vật chính là sinh viên một trường đại học ở Hà Nội.
Câu chuyện tương tự giữa hai cô bạn Huệ và Mai cùng dắt tay nhau vào cánh cổng trường đại học và càng vui hơn khi được sống chung phòng trong ký túc xá. Tại đây, Huệ quen thêm Thanh và nhanh chóng trở nên thân thiết. Trong phòng, Huệ dành nhiều thời gian chia sẻ và nói chuyện hơn với Thanh. Những điều này đều khiến Mai để ý.
Mai luôn có cảm giác bị bỏ rơi, người bạn thân “có mới nới cũ”, đồng thời cô ghét luôn cả kẻ thứ ba. Những hờn dỗi, ghen ghét nhỏ xảy ra, dần dần khiến Mai cảm thấy quá sức chịu được. Hai cô bạn cũng quyết định dọn ra ở riêng sau đúng một năm chung sống trong ký túc xá.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Hương Lan - Giám đốc Trung tâm tư vấn tâm lý, Tổng đài 19006670 - trong quá trình tiếp xúc, trò chuyện với những người trẻ, bà được nghe không ít bạn thú thật đã chia tay những tình bạn, hoặc “từ bạn thành thù” chỉ trong chốc lát.
Nữ chuyên gia cho rằng nguyên nhân chủ yếu là có những va chạm, nảy sinh mâu thuẫn trong quá trình sống cùng nhau và phần lớn bạn trẻ không biết cách xử lý.
Bà Hương Lan cho hay cách duy nhất để giữ mối quan hệ này một cách tốt đẹp đó là đừng bao giờ ở trọ cùng bạn thân. Bởi khi sống trọ, bạn sẽ phát hiện nhiều điều không tốt của nhau, dần dần không là "người bạn tuyệt vời" trong mắt nhau, tình bạn rạn nứt.
Nữ chuyên gia khuyên người trẻ, nhất là sinh viên, nên trang bị cho bản thân những kỹ năng cơ bản như giao tiếp, lắng nghe, chia sẻ, đồng cảm, quản lý cảm xúc, giải quyết vấn đề. Bạn trẻ có những kỹ năng này, dù gặp tình huống khó đến mấy, vẫn có thể giải quyết được.