Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Chuyện buồn bên trong Harvard

Nhiều người tự tử vì căng thẳng, sinh viên Harvard cho rằng ngôi trường hàng đầu thế giới đã thất bại trong việc đảm bảo sức khỏe tâm thần cho sinh viên.

Năm 2012, Harvard Crimson ước tính tỷ lệ tự tử tại Harvard gấp 2-4 lần tỷ lệ trung bình của các trường đại học trên toàn quốc. Ảnh: Reuters.

Ngày cuối tuần đầu tiên tại trường Luật Harvard, Vinny K. Byju (sinh viên năm nhất) nhận được email nói rằng Jeremy - một người bạn cùng lớp của cậu - đã tự tử.

Jeremy là người đầu tiên Byju gặp tại trường Luật. Khi cậu đang hồi hộp chờ lấy kế hoạch học tập của mình, Jeremy đã vui vẻ bắt chuyện và kể cho bạn nghe về hành trình di chuyển đến trường.

“Lúc đó, tôi nghĩ trường Luật Harvard sẽ không tệ đến vậy nếu có những người như Jeremy ở trong lớp", Vinny K. Byju viết trên Harvard Crimson.

Phía sau giấc mộng Harvard

Câu chuyện đáng buồn của Jeremy không phải là duy nhất ở Harvard. Tại trường Luật, ít nhất 3 sinh viên đã tự sát trong 5 năm qua. Trong vòng 10 năm (2007-2017), 9 sinh viên chưa tốt nghiệp đã chết do tự tử.

Năm 2012, Harvard Crimson ước tính tỷ lệ tự tử tại Harvard gấp 2-4 lần tỷ lệ trung bình của các trường đại học trên toàn quốc.

Trong khi đó, Dịch vụ Tư vấn và Chăm sóc Sức khỏe tâm thần (CAMHS) của Harvard thường xuyên bị chỉ trích vì cách làm việc chậm chạp và quan liêu. Vinny K. Byju cho biết năm ngoái, một số sinh viên phải chờ đợi 6 tuần cho một cuộc hẹn trị liệu.

Cuối cùng, mùa thu năm 2022, Harvard đã triển khai một số chương trình mới để cải thiện và nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần trong khuôn viên trường.

Một trong số đó là cải thiện quy trình tiếp nhận và cung cấp cho sinh viên giải pháp thay thế trị liệu thông qua một ứng dụng của bên thứ 3. Dù có khởi đầu tốt, hầu hết chương trình đó không đạt được kết quả đáng kể và bỏ sót một số vấn đề quan trọng.

Trong 10 năm qua, sinh viên Harvard đã kêu gọi CAMHS cải tổ lịch trình chăm sóc (vốn chỉ cung cấp các dịch vụ ngắn hạn và diễn ra 2-3 tuần/lần).

"Sinh viên Harvard cần được chăm sóc dài hạn và thường xuyên hơn. Vì vậy, nhà trường cần đầu tư đáng kể vào CAMHS để biến điều này thành hiện thực, đồng thời trợ cấp cho sinh viên 35 USD để chi trả tiền khám bệnh bên ngoài khuôn viên trường", Byju viết.

Harvard ap luc anh 1

Khối lượng công việc học tập, điểm số và kỳ vọng thực tế là những nguyên nhân ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của sinh viên. Ảnh: New York Times.

Giải quyết nguyên nhân chính có tính hệ thống

Việc cải thiện và mở rộng dịch vụ chăm sóc là điều quan trọng, tuy nhiên, nếu chỉ tập trung vào nó, Harvard sẽ bỏ lỡ phần quan trọng của vấn đề. Đó là những nguyên nhân có tính hệ thống, chẳng hạn như các yếu tố gây căng thẳng trong học tập.

Khi nói đến điểm số, điểm trung bình ngày càng tăng đã gây áp lực lớn hơn cho sinh viên. Hơn nữa, sự thiếu minh bạch trong cách chấm điểm có thể khiến sinh viên cảm thấy bị thiếu công bằng.

Tại trường Luật, hệ thống chấm điểm đạt/không đạt thường ít gây căng thẳng hơn. Tuy nhiên, trường lại không sử dụng hệ thống này để đánh giá. Thay vào đó, họ dùng một hệ thống khác phức tạp và rắc rối hơn, dựa trên các mức xuất sắc, giỏi, đạt, vừa đủ để đạt.

Bên cạnh đó, việc sinh viên không bao giờ nhận được phản hồi hay nhận xét về bất kỳ bài tập nào trước khi tham gia kỳ thi cuối kỳ là nguyên nhân chính gây căng thẳng quá mức.

Khối lượng công việc học tập và kỳ vọng thực tế cũng ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của sinh viên.

Sinh viên luật năm thứ nhất được yêu cầu hoàn thành 18 tín chỉ trong học kỳ đầu tiên, trong khi đó, số tín chỉ được cho phép trong các học kỳ tiếp theo chỉ tối đa 16.

Ngoài ra, sinh viên có thể vấp phải một số hành động tiêu cực của giảng viên, khiến họ lo lắng và xấu hổ, dần dần trở thành nỗi sợ hãi. Byju cho rằng ở mức tối thiểu, nhà trường có thể cải thiện các chính sách học thuật hiện có.

Ví dụ như loại bỏ thời hạn nộp bài trong một số bài đọc, hoặc buộc giảng viên tuân theo các tiêu chuẩn cao hơn trong việc tôn trọng sức khỏe tinh thần của sinh viên.

Ngoài ra, thời gian nghỉ phép của Harvard cũng là một hạn chế. Theo báo cáo năm 2017 của Harvard Crimson, cứ 20 sinh viên thì có một sinh viên nghỉ học hàng năm.

Đối với những sinh viên đang giải quyết các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng, Harvard thường áp đặt các yêu cầu nghiêm ngặt về thời gian nghỉ, quay lại trường và đăng ký lại các lớp học.

"Nó giống như "bản hợp đồng" thỏa thuận giữa nhà trường và sinh viên, trong đó, Harvard áp dụng các điều khoản không khoan nhượng và không thể thương lượng. Nói rộng hơn, sinh viên Harvard thường xuyên phải đối mặt với một bộ máy hà khắc, thiếu linh hoạt", Byju viết.

Nam sinh cho rằng Harvard cần quan tâm hơn đến phúc lợi của sinh viên bằng cách xem xét nghiêm túc việc xử lý trường hợp khẩn cấp về sức khỏe tâm thần.

"Bằng cách phớt lờ trách nhiệm của tổ chức trong việc giải quyết các nguyên nhân mang tính hệ thống, Harvard đã gửi đi thông điệp nguy hiểm rằng 'Môi trường Harvard được định sẵn là khiến sinh viên không hài lòng, nhà trường giải quyết bằng cách phát triển các cơ chế đối phó với từng cá nhân'", Byju nhận định.

Byju cũng lo ngại trong tương lai, nếu các giải pháp của trường thất bại, Harvard sẽ đổ lỗi cho sinh viên.

"Điều này hoàn toàn không thỏa đáng và sinh viên xứng đáng được đối xử tốt hơn", Byju viết.

Sách dành cho thời thanh xuân đã qua của bạn

Dành cho những độc giả muốn hoài niệm về một thời thanh xuân đã qua (hoặc chưa từng qua), mục Giáo dục trân trọng giới thiệu Ai đó chạy cùng ta, câu chuyện về tình yêu, về tuổi trẻ "tuột xích", về hành trình trưởng thành, đặt trong bối cảnh xã hội Israel hiện đại; hay Nắp biển, một lời tự sự của người ưa hoài niệm trong những khoảnh khắc cô đơn chỉ biết nhớ về những điều đã cũ; hoặc thân thuộc hơn, 8 bộ manga nổi tiếng về chủ đề thanh xuân.

Vượt qua cảm giác khó chịu trong thi cử

Nếu học sinh lo lắng, bồn chồn, đầu óc trống rỗng, dạ dày cồn cào khi làm bài thi, đó có thể là dấu hiệu của chứng lo âu thi cử.

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm