Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Chuyện chăm sóc những bệnh nhân Covid-19 'nửa tỉnh, nửa mê'

Mỗi khi thêm một bệnh nhân được xuất viện, ngày các nhân viên y tế được trở về với gia đình cũng gần hơn đôi chút. Động lực đó giúp họ có thêm sức mạnh để vượt qua những áp lực.

cham soc benh nhan covid-19 anh 1

Kết thúc ca trực đêm như thường ngày, điều dưỡng Đỗ Thị Hồng An, 40 tuổi, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, rời phòng bệnh với mái tóc ướt sũng dù chưa hề tắm rửa.

Nhanh chóng hoàn thành việc vệ sinh khử khuẩn, thay quần áo, chị An trở về phòng nghỉ với cổ họng khô ran, nhớ lại tình cảnh khó xử mình vừa trải qua.

“Bệnh nhân mắc Covid-19 lớn tuổi, có diễn biến khá nặng nên được chúng tôi đóng bỉm để tiện việc vệ sinh. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn ý thức được, khi có nhu cầu lại muốn tự đi vệ sinh ra bô. Xong xuôi, bệnh nhân đứng không vững, làm đổ bô ra sàn nhà. Chúng tôi lại hô hào nhau cùng lau dọn, xịt dung dịch khử khuẩn”, điều dưỡng An kể.

Những người thợ áo trắng

Theo điều dưỡng An, khác với các bệnh nhân nguy kịch được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực, nhiều bệnh nhân Covid-19 ở khoa Cấp cứu vẫn có nhận thức về mọi chuyện xung quanh. Tuy nhiên, họ thường không ở trong trạng thái hoàn toàn tỉnh táo. Do đó, các bệnh nhân có thể gây khó khăn cho việc điều trị bằng những hành động không hợp tác.

“Chuyện thường gặp nhất là bệnh nhân cố rút sonde truyền thức ăn, đường truyền dịch. Tìm được vật gì trên người, bệnh nhân rút cái đó. Chúng tôi phải cố tìm cách kiềm chế họ những lúc như vậy”, điều dưỡng khoa Cấp cứu chia sẻ.

cham soc benh nhan covid-19 anh 2

Các y bác sĩ chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: BVCC.

Nhưng đó chưa phải vấn đề đáng ngại nhất. Do bệnh nhân vẫn còn nhận thức, một số người thậm chí tự ý kéo bỉm của mình ra sau khi vệ sinh, làm vấy bẩn khắp giường, sàn nhà khi điều dưỡng chưa kịp tới thay.

“Một số bệnh nhân nam còn yêu cầu phải là điều dưỡng nữ lau dọn do nghĩ rằng sẽ được chăm sóc nhẹ nhàng hơn. Số khác có thể tự thực hiện một vài hành động nhưng vẫn ỉ vào điều dưỡng, gọi chúng tôi liên tục”, chị An cười, không giấu nổi vẻ mệt mỏi.

Tuy nhiên, điều an ủi đối với chị An cùng các điều dưỡng khoa Cấp cứu là vẫn còn một số bệnh nhân rất tế nhị, lịch sự dù sức khỏe không thực sự tốt.

Điều dưỡng này kể lại câu nói của một bệnh nhân đêm qua khiến chị phấn chấn suốt ca trực: “Cô cứ để bỉm đó, tôi tự thay. Xong tôi sẽ để gọn vào đó, cô dọn giúp tôi nhé”.

“Công việc của chúng tôi như những người thợ vậy. Đến giờ trực, mặc quần áo bảo hộ, bước vào phòng là mỗi người đều nhanh chóng thực hiện nhiệm vụ của mình”, điều dưỡng An nói.

cham soc benh nhan covid-19 anh 3

Một ca trực đêm tại nơi điều trị các bệnh nhân Covid-19. Ảnh: BVCC.

Cụ thể, công việc chính của đội ngũ điều dưỡng khoa Cấp cứu trong ca trực là lấy mạch, đo nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở cho các bệnh nhân. Các điều dưỡng cũng phải theo sát từng người để sớm phát hiện triệu chứng bất thường, qua đó xử lý kịp thời.

“Ngay khi người bệnh thở nhanh bất thường hoặc có dấu hiệu sốt, chúng tôi phải nhanh chóng chườm và hạ sốt cho họ. Hay khi bệnh nhân khó thở, thở gắng sức hơn bình thường, các điều dưỡng sẽ vỗ rung hai bên cho họ nhiều hơn. Các trường hợp có chức năng phổi kém hơn hoặc có đờm nhiều, chúng tôi thậm chí phải vỗ rung cho bệnh nhân nhân với tần suất nhiều gấp 2-3 lần”, chị An cho biết.

Ngoài ra, các điều dưỡng còn phải chia nhau phát thuốc, tắm gội cho người bệnh. Sau khi hoàn thành các công việc này, họ sẽ “đi tìm bỉm” cho bệnh nhân.

“Chúng tôi đi một vòng các giường, kiểm tra từng chiếc bỉm để chắc chắn có cần thay hay không. Thậm chí, các điều dưỡng cũng có nhiệm vụ kiểm tra độ loãng phân của bệnh nhân để xử lý kịp thời”, điều dưỡng khoa Cấp cứu cho biết.

cham soc benh nhan covid-19 anh 4

Vài phút nghỉ tạm của các bác sĩ, điều dưỡng điều trị bệnh nhân Covid-19. Ảnh: BVCC.

Ngoài ra, các điều dưỡng cần quan sát, hút dịch dạ dày, kiểm tra hệ tiêu hóa khi người bệnh ăn. Nếu bệnh nhân tiêu hóa tốt, các điều dưỡng cần cho họ ăn nhiều hơn. Ngược lại, bệnh nhân tiêu hóa không tốt sẽ cần được giảm số lượng thức ăn, qua đó để dạ dày nghỉ ngơi.

Với trường hợp bệnh nhân phải lọc máu, huyết áp cao, các điều dưỡng phải luôn đứng cạnh bác sĩ, lắng nghe chỉ định thật kỹ, qua đó thực hiện chính xác yêu cầu.

“Khi bệnh nhân có thái độ không tốt, chúng tôi cũng khó chịu nhưng công việc của nghề điều dưỡng, đặc biệt tại khoa Cấp cứu trong dịch Covid-19, là như vậy. Chúng tôi phải chăm sóc tốt cho người bệnh, họ khó chịu, mình cũng không được nản. Nếu khó chịu, chúng tôi có thể chia sẻ với đồng nghiệp. Nếu bệnh nhân khó tính, ai cảm thấy quá khó, có thể nhờ người khác giúp đỡ”, chị An tâm sự.

Tiếng cười hiếm hoi

Bên cạnh khó khăn, các y bác sĩ, điều dưỡng khoa Cấp cứu vẫn còn những niềm vui đơn giản và cách thể hiện rất bình dị nhưng đáng yêu.

“Hôm qua, đang ở phòng bệnh làm việc, tôi nghe tiếng 2 bạn đồng nghiệp trong phòng trực cười rất to. Thi thoảng lắm, tôi mới được nghe tiếng cười lớn đến thế ở đây. Tôi liền chạy vào xem có chuyện gì. Hóa ra các bạn nói chuyện với nhau về một bệnh nhân đang điều trị tại khoa vừa có kết quả 3 lần âm tính với virus và sắp được ra viện”, điều dưỡng An cười.

cham soc benh nhan covid-19 anh 5

Dù vất vả, các điều dưỡng của khoa Cấp cứu vẫn tự có cho mình những niềm vui trong quá trình làm việc. Ảnh: BVCC.

Theo chị An, niềm vui ấy thậm chí kéo dài tới thời điểm hết ca trực. Trên đường về phòng nghỉ, mọi người lại thủ thỉ, dặn nhau ngày mai khi bệnh nhân xuất viện nhớ chụp ảnh làm kỷ niệm vì bệnh nhân đó vừa trải qua thời gian điều trị rất dài.

“Hoàn cảnh của bệnh nhân ra sao, chúng tôi đều biết rất rõ. Như bệnh nhân kia sắp tới được xuất viện không được vợ, con tới đón, bác vẫn háo hức cả đêm khiến chúng tôi vui lây”, chị An nói.

Theo điều dưỡng này, thêm một bệnh nhân được xuất viện, ngày các nhân viên y tế được trở về với gia đình cũng gần hơn đôi chút.

Chị An từng tham gia vào tất cả đợt dịch trước đó. Qua quan sát, chị thấy rằng đợt dịch lần này nguy hiểm hơn khi thời gian ủ bệnh lâu nhưng diễn biến rất nhanh.

cham soc benh nhan covid-19 anh 6

Các bệnh nhân khỏi bệnh, xuất viện là niềm vui lớn của nhân viên y tế. Ảnh: BVCC.

“Nhiều trường hợp hôm qua vẫn tỉnh táo, hôm nay đã mệt mỏi trông thấy. Các bệnh nhân đợt này cũng có thời gian điều trị lâu hơn, ngay cả nhân viên y tế cũng cảm nhận rõ được điều này. Chúng tôi phải rất kiên nhẫn khi chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân vì đôi khi bệnh không diễn biến nặng hơn, cũng không khả quan hơn”, chị An nói.

Ngoài ra, thời tiết nắng nóng, khắc nghiệt cũng gây ra nhiều khó khăn cho đội ngũ y tế.

Điều dưỡng này kể: “Khi vừa hết ca, tôi phải nhắn ngay cho đồng nghiệp nhờ mang một vài chai nước. Có người còn uống hết ngay cả chai nước to ngay lúc đó. Có lần, rót nước cho bệnh nhân uống, chúng tôi cũng thèm, chỉ muốn cởi khẩu trang để được uống một ngụm nhưng không được”.

Một thai phụ mắc Covid-19 tiên lượng nặng

Thai phụ 35 tuổi đã được cai ECMO (tim phổi nhân tạo) nhưng tình trạng vẫn diễn biến nặng.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm