Về tới xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) hỏi thăm Lê Thị Thắm (SN 1998, ở thôn Đoàn Kết), ai cũng biết. Họ biết tới Thắm bởi em là một cô gái khuyết tật nhưng đầy nghị lực. Hơn thế, Thắm còn là một cô giáo làng dạy tiếng Anh miễn phí cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trong xã.
Sau khi ra trường, em về nhà mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: VietNamNet. |
Nước mắt người mẹ khi nhìn hình hài con
Thắm sinh ra chỉ nặng chưa đầy 1 kg, khuyết đôi cánh tay. Nếu những đứa trẻ khác chào đời trong nụ cười hạnh phúc của đại gia đình thì với Thắm hoàn toàn ngược lại. Phút nhìn thấy hình hài con gái, bố mẹ em đã ngã khụy.
Những ngày tháng em nằm trong lồng kính cũng là khoảng thời gian bà Nguyễn Thị Tình (mẹ Thắm) ngậm ngùi khóc thương cho tương lai của con gái. Nhưng người mẹ ấy không bỏ cuộc, chị dành nhiều tình yêu hơn như một cách bù đắp cho số phận của con.
Năm tháng qua đi, Thắm lớn lên trong vòng tay yêu thương của bố mẹ. Ngày những đứa trẻ cùng trang lứa học bò, Thắm lại chỉ có thể lăn tròn trên giường do không có đôi tay. Quãng thời gian đó, bà Tình nhìn con mà đứt từng khúc ruột.
“Ngày đó, con co đầu gối lại rồi dùng bả vai của mình để bò, đôi lúc mỏi con lại sử dụng đầu để làm điểm tựa. Nhìn con bò vất vả, tôi không kìm được nước mắt”, bà Tình nhớ lại.
Năm lên 4 tuổi, Thắm chập chững tập những bước đi đầu tiên. Khi đôi chân đã bước đi thành thạo, Thắm cũng bắt đầu dùng đôi chân để làm những công việc thay bàn tay. Và rồi, cô bé không tay dần quen với công việc hàng ngày, em đã tự dùng chân kẹp bàn chải đánh răng, kẹp lược chải tóc…
Năm tuổi, đi học mẫu giáo, các bạn ngồi trên ghế tập viết, còn Thắm ngồi xuống chiếu, kẹp bút chì vào bàn chân miệt mài viết từng chữ cái. Biết mình không được như các bạn, về nhà, Thắm lại tiếp tục lấy bút luyện tập. Chỉ mới nửa năm học mẫu giáo, em đã viết chữ thành thạo khiến cô giáo cũng phải ngạc nhiên.
“Ngày vào cấp một, học trên lớp đã khó khăn, về nhà lại phải làm rất nhiều bài tập khiến đôi bàn chân Thắm tứa máu. Nhiều lúc chân tê cứng không thể viết theo ý mình, em bật khóc”, Thắm nhớ lại.
Bằng sự nỗ lực không mỏi mệt ấy, suốt 12 năm đi học, năm nào Thắm cũng đạt học sinh khá, giỏi của trường. Không những thế, ở nhà, Thắm luôn kèm cặp cho các em nhỏ trong làng không có điều kiện đi học thêm.
Ngày Thắm vào đại học, mẹ cô bỏ mọi công việc đồng áng theo con xuống trường. Ảnh: NVCC. |
Mẹ làm lao công nuôi giúp con giấc mơ vào giảng đường
“Em ước mơ được trở thành cô giáo, nhưng với thân hình khuyết tật... đó cũng chỉ mãi là ước mơ”, Thắm nhớ lại.
Nhưng sự khát khao đó đã dần thành hiện thực. Năm 2016, Thắm may mắn được thầy hiệu trưởng ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) đặc cách vào khoa Sư phạm Tiếng Anh. Dù được trường đặc cách, Thắm vẫn đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Thắm thi và trúng tuyển vào ĐH Hồng Đức đúng như ước mơ của mình.
Ngày con vào đại học, bà Tình lại tất bật bỏ mọi công việc đồng áng theo con xuống trường để “viết tiếp ước mơ” cho con. Thắm được nhà trường tạo điều kiện cho ở ký túc xá. Thương hoàn cảnh của gia đình em, trường cũng nhận bà Tình vào làm lao công để tiện chăm sóc Thắm.
“Năm 2020, em tốt nghiệp đại học. Sau khi ra trường, em về nhà mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Thấy em dạy tốt, nhiều phụ huynh tìm đến nhờ kèm cặp cho con mình. Đến nay, lớp học của em duy trì khoảng 30 học sinh học đều đặn các ngày trong tuần. Ngoài dạy các em bậc tiểu học và THCS, em còn dạy kèm các bạn học sinh lớp 11 ôn luyện các dạng đề nâng cao. Dù mở lớp dạy ở nhà, em vẫn mơ ước một ngày được đứng trên bục giảng ở trường học như những giáo viên khác”, Thắm chia sẻ.
Trước nghị lực phi thường của cô gái không tay Lê Thị Thắm, ngay trong buổi lễ tuyên dương các điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa - ông Đỗ Trọng Hưng - đã chỉ đạo tiến hành tuyển dụng đặc cách Thắm vào trường Tiểu học hoặc THCS (xã Đông Thịnh hoặc xã Đông Yên, huyện Đông Sơn).
Đồng thời, bí thư Thanh Hóa giao nhiệm vụ cho ông Lê Trọng Thụ, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đông Sơn, phối hợp với Sở Nội vụ để thực hiện việc tuyển dụng và bố trí công tác cho cô giáo Thắm ngay trong năm học mới (2023-2024).
Sự đặc cách này là thành quả phấn đấu không mệt mỏi của cô gái xứ Thanh, là một minh chứng giúp em khẳng định quan điểm của mình: "Cứ đi về phía Mặt Trời, bóng tối sẽ ngả sau lưng bạn. Bây giờ dù bạn đang đứng ở đâu, cũng đừng quên rằng bản thân bạn sẽ luôn tiến về phía trước".
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu cuốn sách Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.