NSƯT Tiến Hợi với vai Nguyễn Tất Thành trong Hẹn gặp lại Sài Gòn và Hà Nội mùa đông 1946
Nghệ sĩ Tiến Hợi trong bộ phim Hẹn gặp lại Sài Gòn với vai Nguyễn Tất Thành. |
Trong số các nghệ sĩ từng vào vai Bác Hồ, NSƯT Tiến Hợi là người để lại nhiều dấu ấn sâu đậm. Ông được đánh giá có ngoại hình giống Bác nhất. Dáng vóc, thần thái của nghệ sĩ khi nhập vai cũng toát lên được vẻ đẹp tinh thần, cốt cách của Người.
Nghệ sĩ Tiến Hợi sinh năm 1959, quê tại Nghệ An. Giọng nói, sự giản dị của người dân xứ Nghệ thấm đẫm trong con người cũng là giúp ông có nhiều thuận lợi khi vào vai Bác Hồ.
Việc Tiến Hợi được chọn để thể hiện vai Nguyễn Tất Thành trong Hẹn gặp lại Sài Gòn của đạo diễn Long Vân hết sức tình cờ.
Năm 1990, kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cấp kinh phí đầu tư sản xuất bộ phim truyện nhựa màu đầu tiên về tuổi trẻ của Bác Hồ lấy tựa đề Hẹn gặp lại Sài Gòn, Long Vân là người chịu trách nhiệm đạo diễn.
Nội dung kịch bản Hẹn gặp lại Sài Gòn kể lại câu chuyện về cuộc đời chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành khi 20 tuổi với đầy hoài bão, đầy ước mơ và chất chứa nỗi đau giống nòi, nỗi đau mất nước. Khi đó, một trong những tiêu chí hàng đầu của đạo diễn khi tìm chọn diễn viên là ngoại hình càng giống Bác hồi trẻ càng tốt.
Việc tìm kiếm khá khó khăn, đoàn làm phim mất nhiều tháng trời mà chưa chọn được diễn viên như ý. Bỗng vào một ngày “đẹp trời”, đạo diễn Long Vân nhận được thông tin, diễn viên Tiến Hợi vừa vào vai Bác Hồ trong vở kịch nói Đêm trắng có ngoại hình và tác phong khá giống Bác. Và cuối cùng, diễn viên Tiến Hợi đã thuyết phục được vị đạo diễn khó tính không chỉ bởi ngoại hình, tác phong mà còn bởi tình cảm yêu kính chân thành của người nghệ sĩ dành cho nhân vật và cho vai diễn Bác Hồ.
NSUT Tiến Hợi vào vai Nguyễn Tất Thành (ngoài cùng bên phải) trong phim Hẹn gặp lại Sài Gòn. |
Để có thể vào vai Nguyễn Tất Thành, nghệ sĩ Tiến Hợi không chỉ chờ đợi bàn tay hóa trang, vào sức diễn của một diễn viên, mà còn tìm đọc những tài liệu lịch sử, sách, truyện về cuộc đời Bác.
Theo lời kể của nghệ sĩ Tiến Hợi, anh còn tìm nghe những băng ghi âm các bài nói chuyện của Bác, tập nói theo giọng của Bác... Bằng tất cả tình cảm yêu kính dành cho Bác, bằng sự nỗ lực, tìm tòi của bản thân, với ngoại hình và giọng nói có được, Tiến Hợi đã có được vai diễn ấn tượng, để lại nhiều dấu ấn xúc động cho người xem qua bộ phim Hẹn gặp lại Sài Gòn.
Chia sẻ về vai diễn trên VTV Kết nối về vai Nguyễn Tất Thành, nghệ sĩ từng nói: "Điểm nhấn đầu tiên cần khai thác là cái thần bên trong của vai diễn, tiếp đó là đôi mắt. Điều khó là làm thế nào thể hiện được sự khao khát, cố gắng vươn lên, tìm tòi học hỏi toát lên trong ánh mắt của Người. Đó là điều đạo diễn định hướng và tôi cũng cố gắng làm sao để thể hiện được trong bộ phim Hẹn gặp lại Sài Gòn với vai Nguyễn Tất Thành".
Hình ảnh NSUT Tiến Hợi vào vai Bác trong phim Hà Nội mùa đông năm 46. |
Năm 1997, Tiến Hợi nhận lời đạo diễn Đặng Nhật Minh tiếp tục vào vai Bác trong bộ phim nhựa Hà Nội mùa đông năm 46. Tiến Hợi tâm sự, tuy đóng vai Bác Hồ nhiều lần, nhưng nhận vai lần nào anh cũng thấy mới, và luôn tìm cách thể hiện khác đi, nếu Nguyễn Tất Thành của Hẹn gặp lại Sài Gòn trung thực, trong sáng, hoài bão, hình ảnh Bác Hồ trong Hà Nội mùa đông năm 46 lại lịch lãm, kiên định...
Ông chia sẻ: "Sức ép do chính mình tạo ra để bản thân phải cố gắng thể hiện thành công vai diễn Bác Hồ. Còn thành công tới đâu là do sự nhìn nhận, đánh giá của khán giả".
Sau nhiều năm vào vai Bác Hồ, tài sản có được của NSUT Tiến Hợi là những kỷ niệm cảm động đến vô giá. Anh kể có lần về Việt Trì diễn vở Đêm trắng, khi vở diễn đang diễn ra, một cụ già đột ngột đứng dậy giơ tay và nói “Thưa Bác, cho cháu được phát biểu ý kiến”. Khi diễn xong, Tiến Hợi gặp cụ, cụ đã quỳ xuống lạy anh... Và muốn giữ mãi hình ảnh của mình với những ký ức đẹp khi đóng vai Bác Hồ, Tiến Hợi không bao giờ nhận vai phản diện dù trên sân khấu hay phim ảnh.
NSƯT Bùi Bài Bình vào vai Hồ Chủ Tịch trong Nhà tiên tri.
Nghệ sĩ Bùi Bài Bình thể hiện vai Bác Hồ trong phim Nhà tiên tri. |
Bùi Bài Bình là gương mặt quen thuộc với khán giả khi thể hiện rất nhiều vai diễn trong phim nhựa, truyền hình như Anh và em, Thị trấn yến tĩnh, Sơn ca trong thành phố, Ngày chủ nhật vắng chúa, Mùa ổi, Gió làng Kình, Ma làng... Năm 2014, Bùi Bài Bình được đạo diễn Vương Đức mời đóng vai Bác Hồ năm 1947 trong Nhà tiên tri - bộ phim dài 100 phút chào mừng kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bùi Bài Bình trong vai Hồ Chí Minh |
Bùi Bài Bình từng tâm sự về vai diễn này: "Vào vai Bác Hồ là sự tự hào nhưng cũng là thách thức đối với bất cứ diễn viên nào. Trước đây, đã có nhiều diễn viên thể hiện vai Bác. Khi tôi nhận được lời mời, có nhiều lời ủng hộ nhưng cũng không ít tiếng can ngăn từ bạn bè, đồng nghiệp. Đạo diễn Vương Đức còn đùa, mời Bùi Bài Bình đóng Bác Hồ mà cả giới điện ảnh ngạc nhiên".
Để chuẩn bị cho vai diễn này, diễn viên Bùi Bài Bình đã phải giảm 6kg xuống còn 50kg và mài răng. Áp lực để vào vai Người không nhỏ. Bên cạnh tạo hình nhân vật, anh thể hiện được phần nào đức tính giản dị và khí chất của Bác, đặc biệt qua ánh mắt.
Không có được ngoại hình giống Bác như nghệ sĩ Tiến Hợi, mỗi ngày, nghệ sĩ Bài Bình mất khoảng 5 tiếng hóa trang. Những hôm đông nhất có tới 5 người make-up, một người chuyên làm tóc, một người chuyên về đôi mắt, đắp mũi, một người làm tổng thể...
"Có những hôm, tôi dậy từ 4h để hóa trang và quay sớm trong rừng. Tôi có nhược điểm là hơi cao và béo hơn Người. Cụ lúc ấy cao 1,69 m, nặng 49 kg, còn tôi 56 kg. Thế là, cứ buổi sáng, tôi uống khoảng 2-3 cốc cà phê. Sau 3 tháng, tôi giảm được 3 kg. Trước đây, răng tôi khấp khểnh, hay đóng các vai hài, bây giờ phải làm lại hết" - Bùi Bài Bình chia sẻ.
Theo lời người nghệ sĩ, ban đầu, đạo diễn Vương Đức cũng phân vân khi chọn ông vào vai chủ tịch Hồ Chí Minh. Chỉ có biên kịch Hoàng Nhuận - tác giả kịch bản phim Nhà tiên tri - là người tin tưởng ông ngay từ đầu. Sau khi hóa trang, đạo diễn mới quyết định chọn Bùi Bài Bình vì ông giống Bác nhất trong số những người được lựa chọn.
Nhắc tới những khó khăn khi thể hiện vai diễn, Bùi Bài Bình tâm sự: "Tôi phải xem lại những vai diễn Bác Hồ được các nghệ sĩ khác thể hiện trước đó. Cái gì được mình chú ý khai thác, cái gì chưa đúng mình phải tránh. Đối với một diễn viên, việc bắt chước động tác, dáng đi quan trọng nhưng không bằng việc thể hiện yếu tố nội tâm trong con người Bác - một con người nhỏ bé, chỉ 49 kg nhưng có 9 năm lặn lội ở trên chiến khu miền Bắc".
Với nghệ sĩ Bùi Bài Bình, vai diễn chủ tịch Hồ Chí Minh là một nén tâm nhang, một lời tri ân đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.
Trần Lực với vai Nguyễn Ái Quốc trong Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông
Đạo diễn Trần Lực không có ngoại hình giống Bác song diễn xuất của ông được đánh giá cao. |
Năm 2003, Hãng phim Hội nhà văn VN hợp tác với hãng phim Châu Giang sản xuất bộ phim truyện nhựa Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong. Bộ phim kể về thời kỳ hoạt động cách mạng của Bác ở xứ Hương Cảng với bí danh Tống Văn Sơ. Diễn viên Trần Lực được chọn vào vai Nguyễn Ái Quốc.
Trần Lực tâm sự, anh đầu tư nhiều hơn cho giọng nói và vốn ngoại ngữ của mình. Khi hoạt động cách mạng ở Hồng Kông, Bác Hồ nói tiếng Trung như người Trung, nói tiếng Anh như người Anh. Bởi vậy, ngoại ngữ, và cách nói chuyện của Bác là một thử thách để Trần Lực nhập vai.
Khác với nghệ sĩ Tiến Hợi, NSƯT, đạo diễn Trần Lực không có ưu thế về ngoại hình khi vào vai Tống Văn Sơ trong phim Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong nhưng các nhà làm phim đánh giá cao khả năng diễn xuất nội tâm của người nghệ sĩ.
Ngày phim công chiếu, dù Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông còn tồn tại nhiều sạn và vấp phải những phản ứng trái chiều của người hâm mộ, song lối diễn điềm đạm, thâm trầm của Trần Lực là điều khán giả khó lòng phủ nhận.
Trần Lực chia sẻ trên VTV Kết nối: "Bởi phong cách làm phim của các đạo diễn, nhà làm phim là như thế. Họ không cần bề ngoài, dáng vẻ phải giống y như Bác. Tôi cũng rất đồng ý với quan điểm này. Một khi để người nghệ sĩ, diễn viên bị gò bó trong khuôn phép, sự sáng tạo sẽ bị triệt tiêu. Điều quan trọng của vai diễn Bác Hồ là tinh thần Nguyễn Ái Quốc".
Diễn viên Minh Hải thể hiện Nguyễn Ái Quốc trong Vượt qua bến Thượng Hải
Minh Hải vào vai Nguyễn Ái Quốc thay cho Trần Lực ở phần tiếp theo của Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông |
Vượt qua bến Thượng Hải là phần nối tiếp của Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong. Nội dung phim nói về hành trình của Bác năm 1933 khi tìm cách từ Trung Quốc sang Liên Xô. Đảm nhận vai diễn Nguyễn Ái Quốc trong bộ phim này là diễn viên Minh Hải của Nhà hát Kịch Việt Nam. Trong phim, anh được đánh giá là giống Bác từ giọng nói, hình thể đến cử chỉ và thể hiện tốt những cảnh nội tâm phức tạp.
Minh Hải chia sẻ về vai diễn: "Yêu cầu tạo hình rất khó. Lúc đây, Người đang ở nước ngoài, giữa cái sống và chết. Di chuyển phải nhanh nhẹn, ánh mắt luôn đề phòng. Là người thể hiện vai Bác Hồ trong phim, tôi phải bắt được cái thần đó. Có một kim chỉ nam tôi thấy rất hay và áp dụng vào diễn xuất đó là nhận xét của một nhà thơ Xô Viết về Bác: Cả gương mặt của Nguyễn Ái Quốc toát lên vẻ lịch thiệp và tế nhị. Qua cử chỉ, ánh mắt, giọng nói thấy được thế giới của ngày mai, thấy được trời yên biển lặng, tình hữu ái của toàn thế giới".
Để hóa thân vào vai diễn, Minh Hải phải tìm hiểu rất nhiều tài liệu về chủ tịch Hồ Chí Minh ở giai đoạn này. Ông cũng nghiên cứu rất kỹ giọng nói của Người bởi Vượt qua bến Thương Hải thu tiếng đồng bộ. "Có điều rất khó là ở giai đoạn đó, hình ảnh và tư liệu về Bác không nhiều. Tôi đi tìm hiểu, đặt ra rất nhiều câu hỏi và vận dụng theo suy nghĩ. Sau đó, tôi phải tập từ tiếng nói cho tới thần thái của Bác và phải mất rất nhiều đêm không ngủ mới thể hiện được hình, tiếng".
"Có một cảnh quay, tôi rất cảm động, đó là cái Tết đầu tiên của Bác ở Thượng Hải. Đêm giao thừa, người Trung Hoa ăn bánh trôi, Bác nhớ về bánh chưng. Lúc đó, tôi có thoại một câu: 'Đã hai mươi năm, tôi không được đón Tết ở quê nhà'. Đây là một trong những cảnh quay khó, khi tôi diễn ở trong phim, cảm xúc rất thật và đã khóc" - nghệ sĩ Minh Hải chia sẻ thêm.
Diễn viên Minh Đức thể hiện vai Nguyễn Tất Thành trong Nhìn ra biển cả
Minh Đức trong Nhìn ra biển cả |
Năm 2010, bộ phim Nhìn ra biển cả cũng của Hãng phim Hội điện ảnh ra mắt công chúng nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bộ phim nói về thời gian thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy tại trường Dục Thanh Phan Thiết vào những năm đầu thế kỷ 20. Trải qua quá trình casting ở cả 3 miền, cuối cùng đạo diễn Vũ Châu đã chọn diễn viên trẻ Minh Đức, khi đó đang là sinh viên của trường Sân khấu điện ảnh Hà Nội.
"Chúng tôi đã tiến hành tuyển nhiều diễn viên, có một người ở Huế khá hay, mặt đẹp, thư sinh nhưng diễn thua Minh Đức. Tôi nghĩ mình đã chọn đúng vai yêu cầu. Thứ nhất cậu ấy có bản lĩnh của một diễn viên được đào tạo. Thứ 2, Đức có ngoại hình đẹp mà đây là tiêu chuẩn quan trọng vì Bác Hồ thời trẻ rất đẹp", đạo diễn Vũ Châu nhớ lại thời điểm 5 năm trước khi quyết định chọn Minh Đức vào vai Bác Hồ.
Liên lạc với Minh Đức, cậu cho biết khi đóng Nhìn ra biển cả mới là sinh viên năm thứ 2 trường Sân khấu điện ảnh Hà Nội. "Hôm đó tôi đang học thì được một anh trợ lý đạo diễn gọi đi casting. Vì không có duyên nên phải đợi tới lần thứ 2 tôi mới đi được. Ngay sau đó tôi đã lọt vào mắt xanh của đạo diễn khi hoàn thành phân đoạn Bác viết bức thư cho học trò trước khi rời Huế. Trước khi phim bấm máy tôi đã tìm hiểu rất nhiều tư liệu cũng như những bộ phim về Bác, đặc biệt là vai diễn của các chú Tiến Hợi, Trần Lực". Phim quay trong 2 tháng và Minh Đức khi đó mới 22 tuổi.
Diễn viên Mạnh Trường thể hiện hình tượng Bác Hồ trong Thầu Chín ở Xiêm
Năm 2014, Hãng phim Hội điện ảnh đã cho ra mắt bộ phim Thầu Chín ở Xiêm làm về quãng thời gian hoạt động cách mạng rất ngắn (từ tháng 7/1928-9/1929) của Nguyễn Ái Quốc tại Xiêm (Thái Lan) với bí danh Thầu Chín. Trong những năm tháng sống ở đất Thái, Bác cùng những cộng sự đã xây dựng cơ sở cách mạng, tạo tiền đề chuẩn bị cho sự hợp nhất ba tổ chức Cộng sản, tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930.
Người được lựa chọn vào vai Bác Hồ là diễn viên trẻ Mạnh Trường vốn đã quen thuộc với khán giả qua nhiều bộ phim truyền hình. Về lý do chọn nam diễn viên sinh năm 1985 này, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng (Những người viết huyền thoại, Đường lên Điện Biên...) chia sẻ: "Tôi chọn Trường vì cậu ấy ở cùng độ tuổi với Bác trong khoảng thời gian này. Trường cao ráo, có thần thái của một lãnh tụ. Quan trọng nhất là Trường có đời sống nghiêm túc mà cái này cực kỳ quan trọng. Đây là điều cực khó với giới showbiz hiện nay bởi không phải cứ đẹp là được, bạn còn phải có tư cách đạo đức nữa".
Từng làm việc với Mạnh Trường trong phim truyền hình Đường lên Điện Biên, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đã nhắm diễn viên này vào vai Bác Hồ ngay từ thời điểm đó. Đạo diễn 7x nói lý do đặc biệt hơn cả mà anh chọn Trường vào vai Bác Hồ đó là linh cảm của một đạo diễn. "Nó không dựa trên cảm quan bản năng, nó dựa trên cảm nhận. Trường có thần thái và tướng mạo để đóng lãnh tụ. Trường diễn xuất tốt, có chiều sâu và chắc chắn. Cậu ấy biết kiềm chế và không bị những bạn diễn xung quanh cuốn đi".
Diễn viên Mạnh Trường cho biết khi đang đóng phim Đường lên Điện Biên, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng nói anh hãy giảm cân để tham gia một dự án mới nhưng không nói đó là phim gì. Khi chính thức được mời vào vai Bác Hồ trong Thầu Chín ở Xiêm, Mạnh Trường rất bất ngờ vì tự thấy bản thân không phù hợp. "Anh Dũng nói không cố gắng tìm người có nét giống với Bác vì điều đó rất khó. Anh chỉ cần 1 người diễn ra thần thái của Người".
Mạnh Trường trong vai Bác Hồ (phim Thầu Chín ở Xiêm - 2014). |
Mạnh Trường chia sẻ khi chính thức nhận lời tham gia, anh đã giảm từ 5-6 kg trong vòng 1 tháng để chuẩn bị cho vai diễn. Dù quá trình quay rất vất vả nhưng mỗi bữa Trường chỉ ăn 1 bát cơm, nhiều khi cuối ngày lả đi vì đói và mệt. Tuy nhiên, với Mạnh Trường, khó khăn lớn nhất khi vào vai Bác Hồ chính là áp lực quá lớn đi kèm với niềm tự hào. "Với những vai diễn khác có thể bạn diễn không tốt 1 chút, hơi sai sót cũng được nhưng vai này thì không", Mạnh Trường chia sẻ với VietNamNet.
Mạnh Trường tâm sự trước khi bấm máy anh đã phải tìm hiểu tư liệu, sách báo, xem clip cũng như các bộ phim về Bác từng được những diễn viên đi trước như Tiến Hợi, Trần Lực thể hiện thành công. "Cái khó là không được bê y nguyên diễn xuất của các bậc tiền bối vào. Tôi muốn vào vai Bác thật tốt nhưng phải có nét riêng. Vì vậy mỗi khi quay xong 1 cảnh tôi đều xem lại luôn để biết mình đóng ra sao. Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cũng chỉ bảo tôi nhiều, cái nào chưa tốt là anh bảo ngay".
Phim đã hoàn thành khá lâu nhưng Mạnh Trường cho biết ngay cả khi đã đóng xong Thầu Chín ở Xiêm, anh cũng luôn nhắc nhở mình luôn cẩn thận trong cuộc sống để không bị dính bất cứ scandal nào để làm ảnh hưởng đến hình tượng Bác Hồ mình đã thể hiện.
Có thể thấy, các nhà làm phim không cần phải hư cấu, sáng tạo hay "làm mới" hình ảnh Bác bởi điều đó là thừa thãi. Hình ảnh Bác trong điện ảnh càng gần gũi, thân quen thì bộ phim càng thành công, càng giản dị đời thường thì càng xúc động. Bởi dẫu năm tháng có qua đi, hình ảnh Bác, vị lãnh tụ, vị Cha già kính yêu của dân tộc vẫn luôn in sâu trong tâm trí người dân Việt. Hình ảnh ấy, giọng nói ấy không thể khác đi được.