Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện chưa kể về trận Xích Bích trong 'Tam quốc diễn nghĩa 1994'

Đại chiến Xích Bích là một trong những trận đánh lớn và có danh tiếng nhất trong "Tam Quốc diễn nghĩa". Đoàn làm phim có tham vọng muốn quay một đại cảnh vang danh 20 năm sau.

Tam quốc diễn nghĩa 1994 là bộ phim kinh điển trong lòng khán giả yêu điện ảnh Hoa ngữ. Phim dựa trên nguyên tác của La Quán Trung, là một trong tứ đại danh tác văn học Trung Hoa.

Điều mà bộ phim làm được chính là tạo nên những nhân vật mang tính hình tượng cao, hóa thân hoàn toàn vào nhân vật. Những yếu tố như phục trang âm nhạc, chế tác đều thực hiện nghiêm khắc để đảm bảo sát nguyên tác và tôn trọng lịch sử.

Để chuẩn bị cho trận đại chiến Xích Bích hoành tráng, trước đó một năm tổ sản xuất đã tổng động viên mọi mặt. Chỉ đạo mỹ thuật Tào Bân đã trả lời trong một buổi phỏng vấn: "Lúc ấy, lãnh đạo nói với chúng tôi phải quay một đại cảnh khiến cho 20 năm sau không ai dám làm lại Tam Quốc".

Tam Quoc Dien Nghia 1994 anh 1
Đại cảnh hoành tráng trong Tam quốc diễn nghĩa là cảnh phim kinh điển.

Đầu tiên, họ thiết kế ngoại cảnh, xây dựng thủy trại với 72 chiến thuyền, 125 lều trại, 6 kho lương thực, hàng nghìn cây cờ hiệu, tất cả chỉ cần một mồi lửa là mất hết. Bên cạnh đó còn có 9 máy quay luôn sẵn sàng, cùng với 2.300 diễn viên quần chúng tham dự.

Trong mảng âm nhạc, họ mời nữ nhạc sĩ Cốc Kiến Phân sáng tác ca khúc Trường Giang cuồn cuộn chảy về đông, bản nhạc phim kinh điển sống mãi tới gần 30 năm sau. Ca khúc vang lên chứa đựng những tâm tư bi tráng, hào hùng của những hảo hán danh tiếng lẫy lừng ghi danh sử sách như Lưu Bị, Quan Vũ, Tào Tháo, Tôn Quyền, Gia Cát Lượng… khiến không khí toàn trường quay đều hưng phấn. Thực chất, Cốc Kiến Phân đã phải hợp tác với 4 nhạc sĩ khác mới có thể sáng tác ra ca khúc này.

"Yêu cầu của đoàn phim là phải làm sao thể hiện được sự hoành tráng của trận chiến, khiến khán giả cảm nhận được bề dày lịch sử thể hiện trong Tam Quốc" - biên kịch Lưu Thư Lượng cho biết.

Trận "Hỏa thiêu Xích Bích" diễn ra khi ba nước đang hình thành thế chân vạc. Vì vậy, các đạo diễn quyết định phải đầu tư cảnh quay trên không.

"Chúng tôi hy vọng sẽ quay được cảnh rộng đầy đủ cho thấy quân Tào tan tác trong nháy mắt, thiên binh vạn mã chôn vùi trong biển lửa" - biên kịch kể. Tất nhiên lúc đó không có các loại flycam hiện đại nên muốn quay trên không họ phải dùng trực thăng, chi phí mất 180.000 NDT.

Đoàn làm phim định sử dụng 2 ngày để quay, trong đó chỉ có một ngày diễn tập. Thế nhưng kinh phí vẫn vượt qua dự toán của họ, đến mức đạo diễn Thái Hiểu Tình phải cầm bản đồ chạy lên phòng lãnh đạo giải trình, xin được cấp kinh phí quay để có thể đạt được hiệu ứng hình ảnh mong muốn.

Sau đó, đầu tiên đoàn làm phim quan sát bố trí phối cảnh, xác nhận vị trí diễn viên, chụp sơ đồ phác thảo. Ngày thứ hai quay toàn cảnh, cảnh đánh nhau lớn. Mỗi lần quay liên tục 3-4 tiếng, để đảm bảo sang ngày thứ ba mọi thứ kết hợp với nhau phải được tốt nhất.

Tam Quoc Dien Nghia 1994 anh 2
Trận chiến Xích Bích tốn nhiều công sức chuẩn bị của đoàn làm phim.

Chỉ với một cảnh trận chiến Xích Bích, đoàn làm phim Tam quốc diễn nghĩa đã phải chuẩn bị ròng rã hơn một năm. Ngược lại, những bộ phim truyền hình Trung Quốc hiện nay, cả bộ hơn 50 tập chỉ quay trong 5-6 tháng.

Biên kịch Lưu Thư Lượng chia sẻ: "Ngày đó chúng tôi quay mỗi cảnh đều rất dụng tâm, mong muốn khán giả có thể qua ngôn ngữ điện ảnh sống trong mỗi cảnh phim. Hiện nay, dù kỹ thuật tiên tiến hơn, nhưng sao khán giả vẫn yêu thích những bộ phim ngày xưa. Vấn đề chính là ở cái tâm người làm phim".

"Vợ hụt" Trư Bát Giới sống viên mãn ở tuổi 64

Vai tiểu thư Cao Thúy Lan trong "Tây Du Ký" không có nhiều đất diễn nhưng nhan sắc của nữ diễn viên thủ vai này khiến khán giả trầm trồ. Ngoài đời bà đã 64 tuổi nhưng vẫn trẻ đẹp.



Thủy Linh

Bạn có thể quan tâm