Mỹ Linh vừa tốt nghiệp ĐH đã dành được học bổng tiến sĩ toàn phần tại trường Queensland University of Technology (Australia) và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ lúc mới 26 tuổi. Hiện tiến sĩ trẻ này là giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh.
Còn Thanh Phong tốt nghiệp ngành Kỹ thuật hệ thống công nghiệp với mức điểm 90,2/100, hiện là trợ giảng của khoa.
Mỹ Linh và Thanh Phong. |
Chị bảo vệ tiến sĩ tuổi 26, em ra trường trước 1 học kỳ
Đạt kết quả cao nhưng Phong cho biết, trước đây hai chị em học hai hướng khác nhau. Được chị gái định hướng Phong quyết tâm vào học cùng trường với chị.
“Khi chị Linh là sinh viên, chị bảo em cố gắng vào học cùng trường. Bản thân em cũng thấy đây là ngôi trường tốt nên em thi vào đây” - Phong cho biết.
Mục tiêu Phong đặt ra cho bản thân khi kết thúc năm thứ nhất ĐH là hoàn thành sớm khóa học để học lên cao học.
Trong quá trình học vượt, để tiết kiệm thời gian Phong cố gắng làm nhiều việc cùng lúc. Ngay cả lúc đi thực tập tại Intel VietNam, Phong cũng tranh thủ đăng ký học thêm 3 môn và làm luận văn tốt nghiệp sớm.
Nhờ nỗ lực Phong tốt nghiệp sớm hơn một học kỳ và đi học thạc sĩ trước khi làm lễ tốt nghiệp. Hiện tại Phong đặt ra mục tiêu học xong thạc sĩ sẽ “săn” học bổng học lên tiến sĩ.
Trong khi đó với cô gái trẻ Mỹ Linh, dành học bổng tiến sĩ ở tuổi 22 là cả quá trình định hướng ngay từ đầu.
“Vào ĐH em rất bỡ ngỡ vì trường dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Nhưng thầy cô chỉ dạy sinh viên rất nhiệt tình. Thầy cô cũng hướng dẫn cách xin học bổng. Trước hết em đặt mục đích phải làm giảng viên ĐH. Muốn vậy phải học tốt.
Ngoài thời gian trên lớp em đăng kí học thêm các lớp bổ trợ ngoại ngữ. Cuối khóa tập trung làm luận văn tốt nghiệp thật tốt. Luận văn của em được đánh giá cao và được xuất bản.
Sau đó, em gửi luận văn qua Australia xin học bổng. Nhiều chuyên gia Australia nói “ở Việt Nam có một luận văn chất lượng như vậy” nên cho học vượt. Nếu không em phải học theo tuần tự vì chưa có kinh nghiệm nghiên cứu” - Mỹ Linh chia sẻ quá trình dành học bổng tiến sĩ.
Mỹ Linh nhận bằng tiến sĩ ở tuổi 26. |
Trở thành giảng viên trẻ, Linh cho biết bản thân còn ít kinh nghiệm nhưng cô tích lũy, tự học và học hỏi các giảng viên khác nên ít bỡ ngỡ khi đứng lớp.
“Khi vướng vấn đề gì em hỏi các thầy cô có kinh nghiệm. Ưu điểm của người trẻ là năng động, dễ hòa nhập với sinh viên nên dạy rất cởi mở. Em vừa đứng lớp vừa học hỏi thêm”
Còn Phong thỉnh thoảng được đứng lớp cũng có quan điểm như chị gái. Còn trẻ, khoảng cách sinh viên như những người bạn với nhau.
Câu chuyện hai thủ khoa
Ở ĐH Quốc tế, Linh và Phong được mệnh danh cặp chị em có chiều cao khủng. Thanh Phong cao 1,82 m còn Mỹ Linh cũng không kém khi đạt 1,74 m.
Hai chị em được thừa hưởng gen cao từ bố mẹ. Bố cao trên 1,8 m còn mẹ cao gần 1,7 m.
Trước đây, Phong và Linh cùng học trường THPT Nguyễn Hữu Huân, Thủ Đức. Lớn lên hai chị em học chung một trường ĐH. Hiện tại cả hai làm việc tại chính ngôi đã học.
“Hai chị em lớn lên cùng nhau, học cấp ba cùng nhau, hồi sinh viên đi học cũng đèo nhau, giờ đi làm cũng vậy” - Phong hóm hỉnh và nói “may mắn chưa ai nghĩ là đôi tình nhân".
Phong hạ quyết tâm: "Khi nào học lên chắc em phải chọn trường khác chị”.
Linh thích đọc sách, đi shopping, yêu màu hồng, thích lên mạng xem các video hài hước. Ngược lại Phong thích màu xanh lá cây, thích lên mạng chơi game. Nhưng cả không bao giờ ăn thịt mỡ.
Trong mắt Linh cậu em trai là người thông minh nhưng mê chơi game.
“Phong rất thông minh và nhanh. Trong học tập Phong chỉ cần học một chút nhưng đạt điểm cao. Làm nhiều việc cùng lúc nhưng vẫn làm tốt.
Điểm em không thích là Phong hay chơi game, từ nhỏ đã chơi lớn lên cũng chơi. Dù sao học cũng tốt nên chấp nhận được”- tiến sĩ trẻ nhận xét về em trai.
Còn đối với Phong, Linh là người chị tài năng, tuy không xinh lắm nhưng so với hotgirl (10 điểm) cũng được 7,5 điểm.
“Chị Linh đặt ra mục tiêu gì đều làm hiệu quả, chị rất giỏi lên kế hoạch và quản lý thời gian. Chị ấy cũng tự lập. So với hot girl chắc chị ấy cũng được 7,5/10 điểm vì cao, khuôn mặt cũng dễ nhìn. Nhưng làm gì sai tính cách chị hơi khó chịu chút”
Cùng là đồng nghiệp hai chị em có cơ hội học hỏi lẫn nhau. Phong học ở Linh cách giao tiếp.
Khi cần viết bài luận, cậu sẽ nhờ chị kiểm tra chính tả, cấu trúc câu vì Linh có vốn ngoại ngữ phong phú và có ba năm kinh nghiệm ở nước ngoài. Còn Phong cũng giúp chị xử lý số liệu, các vấn đề liên quan đến tin học.
Trong thời gian làm việc ở trường nếu có chuyện muốn gặp nhau hai chị em sẽ nhắn tin, gọi điện trước. Trước mặt mọi người Phong sẽ gọi Linh là chị.
“Nhưng trước mặt sinh viên nếu cần gặp em sẽ nói “cho anh gặp cô Linh”.
Hai thủ khoa cho biết, thỉnh thoảng hai chị em cũng cãi nhau khi cùng tranh luận một vấn đề nào đó. Nhưng chỉ một thời gian ngắn lại làm hòa. Thường Phong sẽ được chị ưu ái.