Tại căn nhà nhỏ nằm sâu trong con hẻm đường Phạm Văn Đồng (Sơn Trà, Đà Nẵng), mẹ con bà Lê Thị Giỏi (53 tuổi, mẹ Nhung) chớm vui trước thông tin trên. “Tôi mới nghe trên báo đài, còn lại thực tình bác Thanh có bút phê vào hồ sơ chưa thì chưa thấy hồi âm. Hy vọng mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn”, bà Giỏi nói.
Bác Nguyễn Bá Thanh có hứa cháu nào học ĐH loại giỏi sẽ được địa phương “chiêu hiền đãi sĩ”. Thế nhưng, giờ có cả bằng thạc sĩ, con em Đà Nẵng vẫn khó có “cửa” xin việc.
Cử tri Lê Thị Giỏi
(quận Sơn Trà, Đà Nẵng)
Năm 2010, tốt nghiệp bằng giỏi ngành Sư phạm Ngữ văn (ĐH Sư phạm Đà Nẵng) với số điểm cao (3,24/4 điểm hệ tín chỉ), Nhung bắt đầu hành trình xin việc. Gần chục bộ hồ sơ “gõ cửa” các cơ quan chức năng, Nhung chỉ nhận được cái lắc đầu. Làm hợp đồng ở trường THCS tư thục trên địa bàn thời gian ngắn, Nhung muốn phát triển học hành nên xin nghỉ dạy để dự thi bậc cao học, chuyên ngành Văn học Việt Nam (ĐH Sư phạm Đà Nẵng).
Giấy xác nhận chứng nhận bằng thạc sĩ “đỏ” của Nhung. |
Hơn 2 năm đèn sách, nỗ lực, Nhung học giỏi đều các môn học, đạt điểm trung bình môn 8.3 điểm. Luận văn tốt nghiệp thạc sĩ với đề tài Hình tượng không gian và thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú của Nhung được hội đồng đánh giá cao, chấm đến 9.0 điểm.
Cầm bằng thạc sĩ “đỏ”, Nhung nộp hồ sơ dự tuyển công chức Sở GD&ĐT, Phòng giáo dục quận Hải Châu (Đà Nẵng), đến cả các trường THPT Quang Trung, một số trường ĐH (ĐH Sư phạm Đà Nẵng, ĐH Duy Tân, ĐH Đông Á...) trên địa bàn. Nhưng vô vọng. Cuối năm 2012, nghe thông tin tuyển giáo viên Văn ở Học viện Chính trị T.Ư 3, Nhung đăng ký. Nhưng trường này chỉ nhận hồ sơ rồi “không nghe nói gì”.
Mới đây, tháng 8/2013, Nhung lọt danh sách dự tuyển giáo viên Khoa Giáo dục Tiểu học mầm non (ĐH Sư phạm Đà Nẵng), tuy nhiên cũng chỉ đến “vòng phỏng vấn”... “Em nộp đến 2-3 chục bộ hồ sơ rồi. Từ lúc tốt nghiệp ĐH đến khi còn đang học thạc sĩ, bất kì có đợt xét tuyển nào của Sở GD&ĐT, cơ quan nào có nhu cầu phù hợp em đều theo dõi và gửi hồ sơ. Không ngờ mình cầm tấm bằng ĐH loại giỏi, thạc sĩ mà lại khó xin việc đến thế”, Nhung bộc bạch.
Nữ thạc sĩ trẻ xin làm gia sư với thu nhập khoảng 2 triệu đồng/tháng. Gần năm nay, Nhung làm công nhân thời vụ ở một Cty chuyên sản xuất đồ chơi trẻ em trên KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng) để kiếm thêm thu nhập, phụ giúp gia đình. Nhung bảo: Ở công ty có nhiều bạn cử nhân, kỹ sư. Em tủi lắm không dám giới thiệu là thạc sĩ. Phía công ty cũng không nhận vào chính thức vì sợ trả lương cho hệ thạc sĩ tốn tiền.
Đổ nợ vì bằng cao học
Nhung là con út trong gia đình có 3 chị em. Vợ chồng bà Giỏi tham gia quân ngũ, vào định cư nhập khẩu Đà Nẵng gần 20 năm nay. Cả gia đình trông chờ số lương hưu ít ỏi của ông Phan Quốc Hoa (từng công tác ở trường Quân sự Quân khu V, nghỉ hưu hơn năm nay) và tranh thủ làm bảo vệ thêm ở công ty trên địa bàn. Bà Giỏi bị chứng suy tim cấp độ 2, suy động mạch tĩnh nên điều trị liên tục tại bệnh viện. Gia cảnh khó khăn, hai vợ chồng tằn tiện cho con cái ăn học. Anh trai Nhung tốt nghiệp ĐH Kinh tế Đà Nẵng, công việc không ổn định. Chưa trả hết tiền vay mượn cho Nhung học ĐH, bà Giỏi quyết định vay thêm ngân hàng, người thân để Nhung theo đuổi ước mơ lấy bằng thạc sĩ. Bà Giỏi nhẩm tính số tiền vay nợ cho Nhung còn 50-60 triệu đồng.
Học giỏi, nhiều thành tích, Nhung vẫn bế tắc khi gõ cửa xin việc ở cơ quan nhà nước dù Đà Nẵng có chính sách “thu hút nhân tài”. |
“Tôi còn nhớ năm 2006, khi Sở GD&ĐT tổ chức lễ khen thưởng cho học sinh đạt danh hiệu giỏi thành phố, bác Nguyễn Bá Thanh có hứa cháu nào học ĐH loại giỏi sẽ được địa phương “chiêu hiền đãi sĩ”. Thế nhưng, giờ có cả bằng thạc sĩ, con em Đà Nẵng vẫn khó có “cửa” xin việc”, bà Giỏi nói.
Việc gì phải mất năm ba chục triệu, việc gì phải xin, đã mất tiền thì mình về làm việc khác. Tôi cũng vừa phê mấy chữ xin việc cho một thạc sĩ tốt nghiệp loại giỏi ở Sơn Trà, nhưng chưa biết kết quả thế nào.
ĐBQH Nguyễn Bá Thanh trả lời kiến nghị của cử tri Đà Nẵng về tình trạng thất nghiệp, chạy chọt trong tuyển dụng
Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Sơn Trà chiều 23/9/2013, bà Giỏi kiến nghị thẳng với Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh về thực trạng “chiêu hiền đãi sĩ” trên địa bàn.
“Tôi chỉ kiến nghị tình trạng chung, nhưng bác Thanh hỏi trường hợp cụ thể nên tôi mới nói ra trường hợp con mình. Sau buổi tiếp xúc, bác Thanh còn chờ 15 phút để tôi đưa hồ sơ. Chưa biết kết quả thế nào, nhưng chuyện xin việc chắc gia đình tôi “bó phép” rồi! Nhiều khi đi cả buổi trời với con nhưng hai mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc vì không có kết quả”, bà Giỏi kể.
Nhung chia sẻ: nguyện vọng duy nhất của em là có thể làm cơ quan nhà nước, hoặc đi dạy. Mẹ đau ốm, em muốn công tác ở gần để chăm sóc mẹ. Nếu lần này cũng không được, chắc em phải chuyển vô Quảng Ngãi cùng chị gái để tìm cơ hội mới.
Thạc sĩ chỉ là một tiêu chí “cộng điểm”
Chiều 24/9, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho hay: Việc tuyển dụng cán bộ công nhân viên chức theo đúng đề án được Sở Nội vụ thành phố phê duyệt. Hiện, sở này chưa nhận hồ sơ xin việc có bút phê của ông Thanh. Quy định tính điểm từ bằng ĐH, bằng Thạc sĩ là tiêu chí cộng điểm trong những trường hợp cần lựa chọn những người ngang nhau - ông Chinh nói. Còn theo ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng: không phải ngành học nào cũng thuộc diện“chiêu hiền đãi sĩ”, lâu nay ngành Ngữ văn Đà Nẵng không đưa vào diện thu hút nhân tài do lượng hồ sơ quá lớn.