Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện đời buồn của quán quân Cười xuyên Việt

Diễn viên Lê Dương Bảo Lâm từng phải đi thổi lửa, diễn xiếc để mưu sinh.

Dư âm chiến thắng cuộc thi Cười xuyên Việt đến tận lúc này vẫn còn vang trong tôi. Chúng lẫn đâu đó giữa bộn bề phố xá, giữa những chuyến xe tấp nập, khi tạp âm lắng xuống thì hiển nhiên hiện hữu. Những tràng pháo tay, tiếng reo hò, những cái ôm siết chặt của bạn bè, của khán giả thương yêu mình. Thứ cảm giác sung sướng, háo hức pha lẫn bất ngờ quây chặt tim tôi, tựa hồ thác lũ được khơi dòng.

Đã có lúc tôi tưởng tim mình ngừng đập, thời gian ngừng trôi để tôi chạm vào khoảnh khắc ấy. Tôi sẽ không bao giờ cho phép mình lãng quên giây phút lóng lánh, lạ lùng như truyện cổ tích. Giây phút mà tên tôi được réo gọi với tất cả niềm hân hoan, òa vỡ cả nụ cười và nước mắt. Đời tôi ngót nghét gần ba mươi tuổi đầu mới được khóc một lần thỏa thuê. Những giọt nước mắt hạnh phúc. Cuộc đời tôi thực sự đã sang trang – những trang đời mà trước đây có nằm mơ tôi cũng không dám mơ đến.

Cha mẹ tôi quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời ở miệt Long Thành, Đồng Nai. Cả gia đình bốn miệng ăn trông chờ vào mấy công đất ông bà để lại, mùa nào thức ấy. Hết dưa tới sắn, hết sắn tới bí, ba má không khi nào cho đất ngơi nghỉ. Đời nông dân cực vô cùng. Đất rộng thì rộng, làm cật lực mà nghèo thì vẫn nghèo. Hễ vô mùa thì vườn nào cũng như vườn nào, trái trĩu quả mà thương lái không thèm ngó ngàng. Nhiều lúc ba tủi muốn bỏ cho rồi, song nhìn cây mướt lá, trái non tơ trổ đồng, hoa nhú nụ, ba lại cặm cụi gánh nước tưới cho cây. Tiền bán được chẳng bõ công chăm cây, hái trái.

Gương mặt cha mẹ cũng sạm cháy theo cơn gió nồng thổi qua mùa khô nảy lửa, hết ngày này qua ngày khác, hết năm này qua năm khác, lại hắt hiu với mưa bão đành hanh. Có những ngày cả nhà ngồi quanh mâm cơm, xì xụp với món bí. Bí nấu canh, bí xào, bí kho các kiểu. Đổi món, cha làm luôn món bí canh chua. Hết mùa bí tới mùa dưa rồi qua mùa sắn. Nhiều lúc tôi nghĩ, nếu có cuộc thi nào chế biến thức ăn từ bí, dưa, có lẽ cha tôi sẽ ẵm giải quán quân với 36 món…

Anh em tôi càng lớn, chuyện học hành càng tốn kém. Mẹ thấy bám ruộng đất hoài không ổn bèn xin đi làm công nhân may lưới. Đều đặn ngày 3 ca, mẹ cọc cạnh đạp xe gần hai chục cây số, sớm đi tối mịt mới về. Mọi sinh hoạt trong nhà đều trông chờ vào số lương của mẹ. Cha chắt chiu mua được con bò, vừa cắt cỏ nuôi bò, vừa miệt mài với bí, với sắn. Vậy đó mà cha mẹ cắt củm nuôi hai anh em tôi nên người. Kiên quyết không bán đất ông bà để lại. Nhắc chuyện này, tôi giận bản thân mình ghê lắm.

Lê Dương Bảo Lâm.
Lê Dương Bảo Lâm.

Hồi theo học ở phố, lụi đụi hoài, có bữa đói meo, gọi về nhà nghe cha mẹ khổ, tôi thấy mình như đứng trên cánh đồng chang chang nắng, bốn bề trống không, nắng lóa cả mắt. Những dây bí xanh bò lan dưới ruộng làm sao che được nắng ở trên đầu. Tôi vừa buồn, vừa tủi, nằn nì, mẹ ơi thôi mẹ bán bớt miếng đất đi, cho con theo học cái nghề này, cha mẹ cũng đỡ vất vả. Mẹ nghe rồi lặng thinh. “Thôi mẹ cúp máy, để tốn tiền điện thoại”. Rồi chạy vạy đâu đó được ít tiền gởi lên cho tôi.

Mẹ nói để từ từ mẹ làm rồi trả cho người ta chớ mẹ không bán đất đâu… Xấp biên lai ngân hàng mẹ gởi, tôi vẫn còn giữ đến giờ. Mỗi lần nhìn thấy nó là mỗi lần rớt nước mắt. Bí dây chằng dây níu vậy để giữ lòng người với đất hay là tình thương của cha mẹ với ruộng đồng, với hai đứa con theo thời gian càng lúc càng đầy?

Tốt nghiệp phổ thông trung học, cha mẹ tính cho tôi học ngành nào ổn ổn đặng sau này thoát ruộng vườn, không phải dãi nắng dầm sương. Tôi xin thi ngành diễn viên. Hồi đầu, gia đình cản nhưng nghĩ bụng chắc thi cho vui chớ đậu sao mà đậu, thôi kệ cho nó thi một lần đặng biết với người ta.

Năm đó có lẽ do tôi vừa xấu, vừa quê nên thi rớt, về quê an phận học ngành kế toán, vừa xin chân tiếp viên đặng có tiền xoay sở. Có điều càng học càng không thấy mê, mà mỗi lần xem phim, xem kịch trên tivi thấy các anh chị diễn thì mê bỏ cả cơm. Tôi năn nỉ cha mẹ cho thi lại vô trường sân khấu, cha cản dữ lắm. Cậu út tôi kiên quyết hơn, học cái gì cho có tương lai chớ mày học cái đó đặng đi diễn đình diễn miếu hả, cứ đòi học hoài. Tôi biết lần này gia đình quyết thiệt nên trốn nhà lên Sài Gòn thi lại lần nữa.

Người cứu vớt cuộc đời tôi năm đó là thầy Công Ninh, nếu không được sát điểm đậu phần thi năng khiếu, có lẽ giờ tôi đã sáng đi chiều về với công việc ở một công ty nào đó. Niềm vui chưa kịp đến thì nỗi lo ập tới. Tiền nhà, tiền học, tiền ăn, đủ thứ tiền. Các bạn trong trường sân khấu ai cũng đẹp, cũng xinh, tôi thì lọ mọ dở cà mèn cơm theo ăn, ba lô có đúng hai bộ đồ thể dục, vừa học vừa tập bài. Bộ này ướt mồ hôi, thay ra, treo lên cho ráo, bộ kia ướt tiếp thì đổi. Nhiều bữa nghĩ trong bụng, tủi thân lắm. Nhưng có lẽ, chính vì sự tủi thân đó mà tôi gắng học và mê nghề. Hôm nào học xong tôi cũng ra công viên 23 tháng 9 tập bài. Tập đã thì ghé qua lớp mấy anh chị học đạo diễn. Ai cần gì là tôi nhiệt tình phụ vô. Rồi tôi kiêm luôn chân trợ lý, nấu mì, mua bánh mì, dọn dẹp, bày biện cảnh trí sân khấu.

Cứ thế, suốt 3 năm tôi ăn ngủ ở trường, ai kêu gì phụ nấy. Tôi cũng lên mạng tìm thông tin, chỗ nào tuyển diễn viên là tôi có mặt. Có điều, thử vai hoài mà chẳng ai biết mặt mình. Nhiều lúc nản tới mức tự ti, có lẽ mình không hợp nghề này thiệt.

Bảo Lâm trong tiểu phẩm “Kép Tư Bền”. Ảnh: Phạm Thế Danh.
Bảo Lâm trong tiểu phẩm Kép Tư Bền. Ảnh: Phạm Thế Danh.

Run rủi sao, hôm diễn vở tốt nghiệp, thầy chỉ giao cho tôi vai nhỏ xíu là một anh chàng làm nghề sơn đông mãi võ. Vai rất phụ, không có đất diễn, tôi phải cố tìm ra cái gì riêng cho vai của mình. Vậy là tôi nghĩ đến các trò xiếc như ăn than, nuốt bóng đèn, phun lửa hay thấy ở các quán nhậu lề đường. Tối đó, tôi ra một quán nhậu trên đường Thành Thái, thấy một em nhỏ đang làm xiếc, nuốt than, phun lửa. Tôi năn nỉ: “Em ơi, chỉ anh với”. Em không mách chiêu vì sợ mất nghề. Tôi bỏ vào tay em 500 ngàn đồng và nói dối học múa lửa vì muốn tạo bất ngờ trong sinh nhật em gái. Vậy là em kéo tôi ra hẻm, chỉ qua cách bỏ lửa vô miệng sao cho khỏi bỏng. Có lẽ do tôi có duyên với nghề này nên coi qua một lần là nhớ.

Khoảng thời gian tập múa lửa vô cùng khủng khiếp với tôi. Vì sợ cháy khu nhà trọ nên tôi chạy xe qua khu nhà hoang cập bờ sông bên quận 4 để tập. Ngày nào cũng tập từ khi trời vừa xuống nắng tới lúc tối mịt.

Tuần đầu tiên, do chưa có bí quyết nên cổ họng tôi bỏng rát, không ăn cũng không nói được. Ngay cả nuốt nước miếng cũng đau. Còn chuyện uống xăng, nuốt dầu thì thường trực như cơm bữa, tôi phải ăn bánh mì cho ngấm rồi móc họng nôn ra. Khắp người tôi sẹo chi chít, lông tay lông chân không bao giờ mọc được. Do thiếu kinh nghiệm nên hôm diễn thử tốt nghiệp, tôi làm cháy hết nửa tấm rèm sân khấu, may mà dập lửa kịp. Thương thằng học trò chịu khó, thầy động viên: “Con được Tổ nghề thương vì vụ cháy trong buổi tập, chớ nếu không thì thầy bị kỷ luật, còn con khỏi tốt nghiệp luôn rồi”.

3. Bây giờ nhắc đến tên tôi là y như rằng, người ta nhớ ngay đến múa lửa. Bởi suốt hơn hai năm ra trường lăn lộn khắp nơi, tôi bám trụ nghiệp diễn bằng chính cái nghề sơn đông mãi võ này. Không có điều gì người ta học được trong cuộc sống mà trở nên lãng phí cả. Hôm tôi diễn vở chính thức, ông giám đốc của một công ty du lịch thích thú bèn gọi tôi về công ty ông làm việc. Khi công ty tổ chức tour du lịch có đêm lửa trại cho các đoàn khách, tôi vào vai thần lửa, làm trò phun lửa, nuốt than gây ấn tượng. Dần dần các bầu show hội chợ biết tôi và kêu show thành nghề lúc nào không hay. Tôi lang thang khắp các hội chợ đến các đám cưới, giỗ, sinh nhật… khắp các nơi heo hút, hoang vu để kiếm miếng cơm lay lắt qua ngày.

Chuyện vui thì ít mà chuyện buồn nhắc tới đâu ứa nước mắt tới đó. Tủi thân không phải vì mình nghèo, mình khổ mà là ánh mắt soi mói, kỳ thị và bị sỉ nhục. Xưa giờ khán giả vốn quen mắt với diễn viên múa lửa là nữ với thân hình gợi cảm trong những bikini hai mảnh. Bởi thế dù gắng tập tạ để có hình thể đẹp và nam tính, vẫn không ít lần tôi bị chỉ trỏ là “pêđê múa lửa” kèm theo nhiều lời miệt thị.

Cuộc đời tôi tươi sáng hơn khi về làm diễn viên kịch Idecaf. 18 năm tồn tại, Idecaf lần đầu tổ chức tuyển diễn viên. Hàng trăm thí sinh đều đã tốt nghiệp lớp diễn xuất thi vào mà chỉ lấy có 14 người, trong đó có tôi. Hạnh phúc không tả được. Nhờ thường xuyên bám trụ sau cánh gà ngó ra sân khấu xem các chú, các cô, cách anh chị diễn nên chỉ mới bốn vai phụ ở đấy, tôi bắt đầu được khán giả nhớ mặt, biết tên.

Đặc biệt nhất là vai sư gia trong vở Cướp dâu. Thi thoảng, tôi còn được vinh dự thế vai của nghệ sĩ Hữu Châu và Đại Nghĩa… Nó khác hẳn chuyện đi tấu hài phải làm vai đệm cho trưởng nhóm và không bao giờ được trưởng nhóm cho phép diễn trội hơn mình. Làm nghề lúc này đã tươi sáng hơn nhưng tôi vẫn phải kiếm sống bằng nghề múa lửa, xin tấu hài thêm vì ở sân khấu chính, lâu lâu tôi mới được một suất diễn với thù lao vai phụ. Tôi giấu nhẹm cha mẹ chuyện mưu sinh ở phố bằng nghề múa lửa, nuốt than,…

Hôm thấy tôi diễn trên tivi, cha mẹ giật mình, níu tay nhau khóc suốt. Mẹ gọi cho tôi nức nở: “Thôi về với mẹ, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, có đâu đi mua vui bằng trò nguy hiểm vậy con?”. Đầu dây bên này, mắt mũi tôi tèm nhem, cổ họng nghẹn đắng, nước mắt cứ vậy thi nhau rớt. Nhiều bạn bảo thắng thua ở “Cười xuyên Việt” không quan trọng nhưng với tôi, nó là một cơ hội, để cha mẹ tôi thôi những tiếng thở dài não ruột, phập phồng trong từng giấc ngủ, thương thằng con quanh năm suốt tháng rong rủi trên những chuyến xe đâu đâu.

Hạnh phúc lớn nhất cuộc đời tôi chính là được nhìn thấy nụ cười trên hai gương mặt khắc khổ, dạn dày nắng mưa ấy.

http://antgct.cand.com.vn/Nhan-vat/Chuyen-cua-dien-vien-Le-duong-Bao-Lam-360964/

Theo Hoàng Linh Lan/ An Ninh Thế Giới

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm