Cảm nhận đầu tiên về người nghệ sĩ già trong trang phục ấm áp giữa ngày đông lạnh giá là gương mặt hiền hậu, phong thái đĩnh đạc của người lính trong Tướng về hưu, Cảnh sát hình sự; là sự gần gũi của một người ông, người thầy giáo hiền từ quen thuộc trong những phim như: Đất và Người, Người thừa kế dòng họ, Ông nội, Chớm nắng, Đất thiêng…
Đại tá - nghệ sĩ Lê Thế Tục bén duyên diễn xuất khi đã nghỉ hưu. Ông ghi dấu ấn với vai diễn Tướng về hưu trong phim Chuyện đời thường. Ảnh: Duy Phạm |
Vị Đại tá trò chuyện bằng chất giọng ấm áp, sôi nổi khác hẳn với ấn tượng về vẻ ngoài có vẻ chậm chạp của một ông lão đã bước sang tuổi 86. Ông bảo sức khỏe gần đây cũng yếu hơn trước, năm vừa rồi đã trải qua đợt nằm viện vì những căn bệnh của người già (ông bị suy tim, cao huyết áp). Mỗi tháng các con cháu vẫn đều đặn đến nhà đưa ông đi khám, lấy thuốc về và chia thành từng phần trong một chiếc hộp để ông uống từng tuần.
Trong căn phòng khách treo kín những bức ảnh kỷ niệm, đầy ắp tài liệu và vô số những kỷ vật từ thời trai trẻ được người lính già trân trọng giữ gìn. Bức ảnh ông trong bộ quân phục, ảnh ông bà thời trẻ với dòng chữ “Một thời như thế!”, bức ảnh đại gia đình, những tấm ảnh khi ông đóng phim… đều được giữ gìn cẩn thận. Ông bảo: “Tôi hay tặng ảnh cho mọi người. Mỗi năm tết đến lại gửi ảnh cho bạn bè vì thân tình, quý mến”.
Giữa vô số những kỷ vật đầy ăm ắp trong căn phòng được người nghệ sĩ lưu giữ cẩn thận như báu vật nổi bật là đôi câu đối do người đồng đội mến mộ ông viết tặng: “Đánh Tây đuổi Mỹ mòn gót chiến trường hiên ngang thời trai trẻ - Diễn kịch làm phim lao tâm sự nghiệp ấn tượng lúc tuổi già”. Đôi câu đối được treo trang trọng trong nhà như “tóm tắt” chặng đường gần một thế kỷ đầy tự hào mà Đại tá – nghệ sĩ Lê Thế Tục đã đi qua.
Đại tá – Nghệ sĩ Lê Thế Tục, sinh năm 1930, quê gốc ở Hà Nội. 17 tuổi ông nhập ngũ làm văn thư của Huyện đội dân quân du kích ở Phú Thọ, sau chuyển sang công tác tại Ban Địch vận, Phòng Chính trị Đại đoàn 308, rồi Cục quân lực năm 1952… Tuổi trẻ của ông cùng đồng đội đi khắp các chiến trường thời chống Pháp, chống Mỹ rồi tham gia chiến tranh Biên giới phía Bắc… Cả tuổi trẻ cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, người lính cụ Hồ đã vinh dự được nhà nước trao tặng Huân chương Quân công hạng 2, Chiến công hạng 3, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Năm 1983, ông về nghỉ hưu với chức danh là Đại tá, Phó Hiệu trưởng trường Chính trị Quân khu 2.
Năm nay bước sang tuổi 86, nghệ sĩ Lê Thế Tục vẫn rất tinh tường, minh mẫn. Ảnh: Duy Phạm |
Nhiều người nhầm lần tưởng nghệ sĩ Lê Thế Tục là diễn viên chuyên nghiệp, là nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú nhưng ông mới chỉ bén duyên diễn xuất sau khi nghỉ hưu được gần chục năm. Ông kể: “Trong một lần nhìn thấy tôi phát biểu trong một hội nghị về giáo dục, cố nghệ sĩ Thành An (nguyên diễn viên Đoàn Kịch nói Quân đội) đã đề nghị: “Cụ đóng cho cháu một tiểu phẩm nhé”. Tôi nhận lời và đi đóng vai ông đón cháu trong tiểu phẩm Sau giờ tan học. Khi đạo diễn Phó Bá Nam tìm diễn viên đóng vai Tướng Lê Sâm trong phim Chuyện đời thường Thành An đã dẫn tới nhà gặp tôi. Vừa đến cổng, ông đạo diễn đã hồ hởi nói: “Đây rồi, không phải chọn đâu nữa””.
Nếu như cố nghệ sĩ Thành An là người có công “phát hiện” ra tài diễn xuất của người cựu chiến binh nhiều tài lẻ thì đạo diễn Phó Bá Nam là người góp phần quan trọng đưa tên tuổi ông gắn liền với “thương hiệu” “Tướng về hưu”. Vị đại tá già chỉ trong số những người bạn hữu đang ngồi trong phòng và bảo: “Ông này là người đầu tiên kéo tôi vào làm phim này. Mà phải cám ơn ông này vì nhờ vào vai Lê Sâm trong phim Chuyện đời thường mà đến bây giờ, sau hai chục năm đồng đội, khán giả gặp tôi đều gọi là “Tướng về hưu””.
Suốt buổi trò chuyện, ông cũng không quên nhắc nhở: “Nhớ là phải là “Tướng về hưu” Lê Sâm trong phim Chuyện đời thường chứ không phải là “Tướng về hưu” như trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đâu nhé”.
Những người bạn khác của ông cũng góp chuyện: “Đóng phim chỉ là một phần thôi nhé, ngày xưa cụ nhiều tài lẻ lắm: diễn thuyết, vẽ tranh, làm ảo thuật… đủ cả”. Chẳng thế mà ngoài đến nghe “bác Tục” kể chuyện đi đóng phim, kể về đời lính, còn cả những người đến vì… ông là người duy nhất có khả năng vẽ tranh Bác Hồ bằng máy đánh chữ.
Không chỉ là người nghệ sĩ chuyên đóng những vai ông già quắc thước, đáng kính trên phim ảnh ngoài đời thường người nghệ sĩ già khiến những người có cơ hội gặp gỡ không khỏi quý mến, kính trọng với cảm giác gần gũi như người thân. Chẳng thế mà giữa năm 2015, khi nằm viện cùng ông, cựu chiến binh Bùi Đình Châu đã viết bài thơ dài tặng cụ “Gặp bác Tục”: “Bác tận tình kể tiền tuyến hậu phương/Đánh Pháp, Mỹ, chuyện phim trường/Ngoài tám mươi vẫn tinh tường tế nhị/ Chuyện thơ văn và suy nghĩ…”
Hai mươi năm đã trôi qua, vị đạo diễn ngày nào nay cũng không còn theo nghiệp điện ảnh, nghệ sĩ Lê Thế Tục cũng đã cao tuổi nên không đóng phim nhưng vẫn gần gũi, thân thiết như tri kỷ. Bất cứ lúc nào có thời gian rảnh rỗi vị đạo diễn kém nghệ sĩ Lê Thế Tục 13 tuổi vẫn ghé tới nhà thăm hỏi và trò chuyện cùng ông.
Nhớ lại ngày đầu gặp gỡ cách đây 20 năm, đạo diễn Phó Bá Nam tâm sự: “Là đạo diễn lại tự mình viết kịch bản cho phim, bao giờ tôi cũng nghĩ tới nhân vật của mình sẽ dựng như thế nào. Tôi đã đi tìm rất nhiều diễn viên nhưng đều chưa thấy ưng. Người sắc sảo quá, người cù lần quá, về phong cách, về con người chưa phải biểu hiện là người từng trải, có suy ngẫm giống như những điều làm day dứt lòng của người tướng Lê Sâm trong phim. Khi đó tôi gặp Thành An, nói chuyện rồi Thành An bảo là tôi có 1 ông nhưng ông chưa làm phim lần nào cả. Tôi bảo được rồi và được dẫn đến nói chuyện với cụ ngay tại đây thì ưng ngay. Dù lần đầu gặp gỡ nhưng tôi cảm nhận cụ là người chân thành”.
Có lẽ, những trải nghiệm cả cuộc đời chinh chiến nơi trận mạc, cuộc sống của một người lính thời bình nhân hậu, sống cuộc đời nhường nhịn, ôn hòa được nhiều người nể trọng đã giúp ông hóa thân được thành nhiều nhân vật trong những thước phim gắn liền với tuổi thơ của nhiều người trẻ thế hệ 8x, 9x.
Những ngày cuối năm, trong căn nhà tập thế của vợ chồng Đại tá – nghệ sĩ Lê Thế Tục luôn đầy ắp tiếng nói cười bởi những người đồng đội cũ, học trò và người thân vẫn thường đến thăm cùng ông ôn lại những chuyện xưa. Năm nay đại tá – nghệ sĩ Lê Thế Tục đã bước sang tuổi 86. Tết Bính Thân này, ông sẽ ăn một cái tết quây quần bên con cháu và nhất là niềm vui đón chắt nội đích tôn mới chào đời.