Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương, đại diện cho nhiều quốc gia dễ bị tổn thương nhất, đã mời các chuyên gia pháp lý quốc tế xem xét câu hỏi này.
Đồng thời, họ bắt đầu chiến dịch ngoại giao để đảm bảo tình trạng chính trị của một quốc gia vẫn tiếp diễn ngay cả sau khi cơ cấu vật chất của nước này bị nhấn chìm.
Trọng tâm của cuộc thảo luận là sự chắc chắn về mặt khoa học rằng các đại dương sẽ tiếp tục dâng cao trong ít nhất một thế kỷ nữa. Bên cạnh đó là cảm giác bất công khi những bên bị ảnh hưởng nặng nề nhất lại là bên ít phải chịu trách nhiệm nhất đối với cuộc khủng hoảng khí hậu.
Liên minh các quốc đảo nhỏ đại diện cho hơn 1/4 các quốc gia trên thế giới, nhưng chỉ chịu trách nhiệm cho ít hơn 1% lượng khí thải carbon toàn cầu.
Biến đổi khí hậu khiến mực nước biển trên thế giới dâng cao và sẽ tăng tốc trong nửa sau của thế kỷ này. Các bản đồ đảo đang dần được vẽ lại, trong khi đường bờ biển ngày càng bị đe dọa bởi những cơn bão.
Trong vòng nhiều thập kỷ, các quần đảo có thể mất đi những đảo san hô vòng ngoài xác định biên giới quốc gia. Và một thế kỷ kể từ bây giờ - nếu không muốn nói là sớm hơn - một số quốc gia có thể trở thành nơi không thể ở được.
Điều này đặt ra câu hỏi về điều gì sẽ xảy ra với công dân, chính phủ và tài nguyên của họ, theo Guardian.
Ngân hàng Thế giới cho biết các quy định hiện hành về vấn đề này được soạn thảo trong thời kỳ khí hậu ổn định. Nó có thể cần được đánh giá lại để giải thích cho “tình huống chưa từng có đối với luật pháp quốc tế”.
Những bãi cát trắng lẫn cuộc sống của người dân Tuvalu đứng trước nguy cơ bị nhấn chìm do nước biển dâng. Ảnh: Sean Gallagher. |
Nguy cơ thực tế
Tại hội nghị về chủ đề trên ở Fiji, Thủ tướng Quần đảo Cook Mark Brown đã định hình cuộc tranh luận bằng một loạt câu hỏi hiện sinh: “Khi các bờ biển bị xói mòn do mực nước biển dâng, chuyện gì sẽ xảy ra với chủ quyền, đất đai, quyền sở hữu, nhà cửa của chúng ta? Điều gì sẽ xảy ra đối với các quyền và tự do cơ bản được đảm bảo bởi hiến pháp và Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền?”.
Simon Kofe, Ngoại trưởng Tuvalu - một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất - nhấn mạnh sự cần thiết phải xác định lại các quy tắc toàn cầu.
“Mối đe dọa về mực nước biển dâng và sự xói mòn trên cương vị một nước của chúng tôi không chỉ là giả thuyết. Đó là nguy cơ rất thực tế mà chúng tôi phải đối mặt trực tiếp”, ông nói.
“Bài phát biểu của chúng tôi không chỉ giới hạn ở công cụ và chính sách pháp lý, mà còn bao gồm sự tồn vong của người dân và các quốc gia. Chúng ta có sức mạnh để tạo ra tác động đáng kể bằng cách hành động khẩn trương và dứt khoát”, ông nhấn mạnh.
Về mặt khoa học, mực nước biển dâng được cho là điều chắc chắn xảy ra, nhưng có một số vấn đề khác liên quan đến mức độ phát thải khí nhà kính, cùng tốc độ tan chảy của dải băng ở Greenland và Nam Cực trong tương lai.
Robert E. Kopp, giáo sư khoa học Trái Đất tại Đại học Rutgers, nói rằng một quốc gia như Tuvalu - nơi có độ cao trung bình 2 m - khó có thể hoàn toàn bị ngập lụt cho đến thế kỷ XXII.
Tuy nhiên, sự sụp đổ của sông băng Thwaites ở Nam Cực có thể thúc đẩy điều đó vì nó sẽ làm tăng thêm 1,5 m độ cao đại dương. Dù vậy, điều này sẽ mất nhiều thập kỷ.
Ông Simon Kofe đưa ra tuyên bố COP26 khi đứng trên biển ở Funafuti, Tuvalu. Ảnh: Bộ Ngoại giao Tuvalu/Reuters. |
Ông nói rủi ro lớn hơn trước mắt đến từ triều cường. Quan điểm này được lặp lại bởi Peter Girard của Climate Central, người cho biết lũ lụt sẽ tấn công trong thời gian dài trước khi ngập lụt hoàn toàn.
“Không thể sống dọc theo bờ biển nếu không được bảo vệ”, ông nói.
Tuvalu và các quốc đảo khác gần đây đã bắt đầu củng cố một số đường bờ biển bằng hàng rào ngăn lũ bê tông. Nhưng đây chỉ là lớp bảo vệ một phần, sẽ hao mòn dần theo thời gian và luôn dễ bị tổn thương trước sóng thần, lũ lụt lớn, cũng như sự dâng cao của nước ngầm.
Bảo vệ các quyền hợp pháp
Đối mặt với mối đe dọa về sự toàn vẹn của quốc gia, việc bảo vệ các quyền hợp pháp là ưu tiên hàng đầu.
Vào năm 2020, Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương đã kêu gọi sự đảm bảo quốc tế đối với các vùng biển hiện có và nguồn tài nguyên bên trong, ngay cả khi lãnh thổ đất liền bị xói mòn.
Gần đây hơn, Tuvalu đã nỗ lực ngoại giao để các quốc gia khác công nhận tư cách nhà nước bất kể tác động vật lý của biến đổi khí hậu.
Ông Kofe lưu ý định nghĩa về quốc gia theo luật pháp quốc tế được phản ánh trong công ước Montevideo, trong đó đưa ra 4 tiêu chí: Lãnh thổ xác định, dân số, chính phủ và khả năng tham gia vào quan hệ với các quốc gia khác.
“Nếu lấy định nghĩa đó, Tuvalu có thể mất tư cách là một quốc gia khi chúng tôi mất lãnh thổ vật lý của mình hoặc buộc phải di dời đến địa điểm khác", ông nói. “Nếu nó xảy ra, chúng tôi muốn thế giới tiếp tục công nhận tình trạng nhà nước của chúng tôi là vĩnh viễn”.
Ảnh chụp từ trên không đảo san hô Funafuti - một trong 9 hòn đảo tạo nên Tuvalu. Ảnh: Sean Gallagher. |
Tuvalu cũng đang số hóa chính phủ để giúp việc di dời trở nên dễ dàng hơn, trong khi các học giả pháp lý cân nhắc liệu có thể tiếp tục duy trì trạng thái nhà nước bằng cách cho thuê đất ở quốc gia khác hay không.
Patricia Galvão Teles, thành viên của Ủy ban Luật pháp Quốc tế, lưu ý tiền lệ lịch sử của các chính phủ lưu vong trong thời chiến, hoặc việc di dời của Tòa thánh.
Tuy nhiên, trong những trường hợp đó, việc di chuyển chỉ là tạm thời. Một quốc gia phải sơ tán vì áp lực khí hậu có thể khó chứng minh khả năng tồn tại lâu dài, nếu vùng đất ngày càng chìm trong nước.
Việc mất đất sản xuất và nguồn lực kinh tế khác cũng có thể gây khó khăn cho việc đáp ứng nghĩa vụ quốc tế để bảo vệ tài sản công dân, duy trì đại sứ quán hoặc trả phí thành viên của các tổ chức toàn cầu.
Thách thức khác là liệu người dân có thể duy trì các quyền hợp pháp và sự gắn kết văn hóa với tư cách là cộng đồng người di cư lâu dài hay không.
Một giải pháp do Ngân hàng Thế giới đưa ra là sáp nhập với quốc gia khác, như Zanzibar và Tanganyika đã làm vào năm 1964 để thành lập Tanzania.
Dù vậy, các đại biểu tại hội nghị cho biết những suy đoán về một quốc gia không có đất và những công dân không có quốc tịch không nên làm sao nhãng nhiệm vụ cấp bách hơn. Đó là thuyết phục các nước và khu vực phát thải lớn, như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ, cắt giảm khí nhà kính.
Henry Puna, tổng thư ký của Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương, nhấn mạnh hành động khí hậu là cơ hội tốt nhất để các quốc đảo nhỏ đảm bảo quyền và sự sống còn.
“Chúng ta không được đánh mất tầm nhìn về bức tranh lớn hơn”, ông nói. “Việc đảm bảo chúng ta giữ (mức tăng nhiệt độ) toàn cầu dưới 1,5 độ C phải luôn là ưu tiên hàng đầu”.
Năm cuốn sách về khí hậu nên đọc
Mục Kinh tế quốc tế giới thiệu với độc giả 5 cuốn sách mà các chuyên gia khí hậu của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế cho rằng nên đọc về cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu.