Theo CNBC, trong một nghiên cứu mới đây, nhóm chuyên gia tại Riedel Research Group đã khẳng định rằng Ấn Độ sẽ không đi theo con đường của Trung Quốc. Siêu cường mới nổi này có định hướng của riêng mình và thậm chí còn có tiềm năng "tăng trưởng rất cao" trong tương lai.
"Tôi rất lạc quan về tình hình Ấn Độ trong 2 năm tới, những điều họ đang làm đều đúng đắn cả và sẽ vượt qua kỳ vọng nếu tiếp tục giữ nhịp điệu như thế này", ông David Riedel - giám đốc Điều hành của công ty phân tích và nghiên cứu Riedel - cho biết.
Theo ông, Ấn Độ có tiềm năng mạnh mẽ hơn nhiều so với "nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới" ở thời điểm hiện tại. Và ngoài ra, Ấn Độ "chưa bao giờ chọn con đường" giống Trung Quốc, dù là quá khứ hay ngày nay.
Cụ thể, quốc gia đông dân nhất thế giới đang trên đà thoát khỏi bẫy tăng trưởng thu nhập trung bình bằng một số công cụ điển hình, chẳng hạn như tiền tệ hóa và số hóa nền kinh tế, đồng thời thay đổi cơ cấu thuế thu nhập.
Bẫy thu nhập trung bình (middle income trap) là tình trạng phát triển kinh tế trong đó các quốc gia đang phát triển cứ mãi trì trệ ở mức thu nhập trung bình mà không thể tiến lên mức thu nhập cao.
Do đó, với tình hình khả quan trong công cuộc chống lại bẫy thu nhập trung bình, Ấn Độ có cơ hội kéo dài giai đoạn "tăng trưởng cao" của mình. Theo ông Riedel, đây chính là điều mà các nhà đầu tư nên để ý.
Không chỉ riêng Riedel Research Group, dự báo từ S&P Global và Morgan Stanley vào tháng 12/2022 cũng cho rằng Ấn Độ sẽ vượt qua Nhật Bản và Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới trước năm 2030. Trong đó, điểm sáng nổi bật tập trung trong lĩnh vực gia công phần mềm và tài chính.
"Đây thực sự là thập kỷ của Ấn Độ khi ngành dịch vụ tài chính của nước này đang phát triển thần tốc. Toàn bộ hoạt động kinh doanh quỹ tương hỗ, kinh doanh ngân hàng, đầu tư tư nhân... đều tiến bộ", ông Manish Chokhani - Giám đốc của quỹ đầu tư Enam Holdings - cho biết.
Trong khi đó, quỹ đạo tăng trưởng của Trung Quốc có thể không còn bằng phẳng như trước.
Theo ông Riedel, Trung Quốc sẽ không còn khả năng phát triển vượt bậc như 5 năm qua, khi tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ ngày càng cao và nhiều chuỗi cung ứng dịch chuyển khỏi nước này.
Vào tháng 5, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc trong nhóm 16-24 tuổi đã tăng lên mức cao kỷ lục là 20,8%. Đồng thời, quốc gia này cũng ghi nhận một loạt dữ liệu kinh tế yếu hơn, dự kiến cho thấy đà tăng trưởng đang chững lại.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.