Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyên gia đề xuất phương án người dân TP.HCM tự lấy mẫu xét nghiệm

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, việc mọi người đều phải được trả kết quả xét nghiệm trong thời gian như nhau sẽ gây khó khăn rất lớn cho đội ngũ y tế.

“Có lẽ tùy người mới được trả kết quả xét nghiệm. Nếu mẫu gộp 10 người dương tính với nCoV thì 10 người đó được đưa đi cách ly. Ai không bị gọi đi cách ly là âm tính”, anh P.M.T., 31 tuổi, trú tại phường An Khánh, TP Thủ Đức, TP.HCM, tự phỏng đoán sau khi vừa được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 tại địa phương.

Trên thực tế, những người cùng suy nghĩ với anh T. không hiếm, họ mặc định việc không nhận được kết quả là bản thân chưa nhiễm virus. Ngược lại, một số người không đủ kiên nhẫn, quyết định tự bỏ tiền xét nghiệm dịch vụ để sớm nhận kết quả. Liệu việc xét nghiệm và trả kết quả tại TP.HCM có đang quá chậm?

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), từ 25/6 đến ngày 3/7, ngành y tế đã lấy 1.596.473 mẫu xét nghiệm (tại các khu cách ly, phong tỏa, tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao,...).

Đối tượng Tổng số mẫu Mẫu âm tính Chờ kết quả
F127.48026.672808
F2 218.817197.366 21.451
Tiếp xúc khác và mở rộng xét nghiệm1.350.176 1.057.455292.712

Thứ tự trả kết quả dựa trên việc đánh giá nguy cơ

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), trái với lo lắng của người dân, thực tế, việc trả kết quả xét nghiệm tại TP.HCM đang được thực hiện khá nhanh.

“Phương pháp TP.HCM đang áp dụng hiện nay là ưu tiên lấy mẫu, xét nghiệm và trả kết quả dựa trên các mức độ nguy cơ. Với mỗi nhóm nguy cơ khác nhau, họ sẽ quyết định làm test nhanh hay lấy mẫu gộp. Ngoài ra, trong các nhóm lấy mẫu gộp, tùy mức độ nguy cơ, mẫu đó sẽ được ưu tiên chạy trước”, vị chuyên gia này giải thích.

tra ket qua xet nghiem covid-19 tp.hcm anh 1

Người dẫn sẽ được lấy mẫu và trả kết quả theo từng nhóm đối tượng với mức độ nguy cơ khác nhau. Ảnh minh họa: Quỳnh Danh.

Cụ thể, theo mức độ nguy cơ giảm dần, thành phố sẽ chia thành 3 nhóm để thực hiện gồm test nhanh, xét nghiệm rRT-PCR nhanh và xét nghiệm rRT-PCR sau. Đây là lý do những người nằm trong khu vực nguy cơ không cao phải chờ lâu hơn các nhóm còn lại.

Bác sĩ Khanh nói: “Việc mọi người đều phải được trả kết quả trong thời gian như nhau sẽ gây khó khăn rất lớn cho đội ngũ xét nghiệm, đồng thời không mang lại tính hiệu quả tối đa. Do đó, tôi nghĩ TP.HCM đang đi đúng hướng”.

Tuy nhiên, theo bác sĩ này, những người ở nhóm 3 và đang chờ kết quả xét nghiệm phải bình tĩnh, tuyệt đối không được nghĩ mình âm tính. Họ nên hạn chế di chuyển, tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn 5K của Bộ Y tế, thậm chí tuân thủ nghiêm chỉnh hơn.

Nguyên nhân là dù nguy cơ không lớn bằng 2 nhóm còn lại, họ vẫn có khả năng lây lan virus do đã nằm trong diện lấy mẫu xét nghiệm.

Chuyên gia này khẳng định việc trả kết quả xét nghiệm muộn nếu rơi vào trường hợp nhiễm virus là rất nguy hiểm. Trong quá trình đó, họ có thể đã di chuyển tới nhiều nơi và gây lây lan mầm bệnh trong cộng đồng, qua đó tăng số lượng F0.

Người dân tự lấy mẫu là biện pháp lý tưởng trong tương lai

Thực tế cho thấy việc tổ chức tại các điểm lấy mẫu trên địa bàn TP.HCM còn gặp nhiều bất cập. Số lượng người tới lấy mẫu đông dẫn đến nguy cơ lây nhiễm virus cao. Bản thân người dân cũng có tâm lý lo lắng và ngại đi lấy mẫu, từ đó giảm hiệu quả sàng lọc.

Do đó, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng thành phố có thể cân nhắc thêm phương án hướng dẫn và khuyến khích người dân có điều kiện, kỹ năng chuyên môn tự lấy mẫu xét nghiệm cho bản thân và gia đình.

tra ket qua xet nghiem covid-19 tp.hcm anh 2

Nhân viên y tế tại TP.HCM tổ chức một điểm lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho người dân. Ảnh minh họa: Quỳnh Danh.

“Một nhân viên y tế nằm trong nhóm đối tượng nguy cơ hoàn toàn có thể tự mua test nhanh và làm xét nghiệm tại nhà. Miễn sao họ đủ trình độ, điều kiện kinh tế và có thể đảm bảo đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Sau khi có kết quả, những người này có thể chụp ảnh lại và báo cho nhân viên y tế địa phương quản lý”, bác sĩ Khanh lấy ví dụ.

Theo vị chuyên gia này, việc làm trên có thể tiết kiệm rất nhiều nguồn lực về mặt kinh tế và nhân sự, giảm khối lượng công việc cho nhân viên y tế, đồng thời đảm bảo an toàn cho chính người dân.

Ông nói thêm: “Tôi cho rằng đây là giải pháp và bước tiến tiếp theo khi số lượng người phải lấy mẫu quá lớn. Các gia đình, công ty có điều kiện thậm chí có thể liên kết với một bệnh viện, phòng khám ngoài công lập đảm bảo đủ những tiêu chuẩn nhất định để lấy mẫu xét nghiệm và thông báo kết quả cho y tế địa phương. Qua đó, chúng ta thậm chí có thể phát hiện F0 nhanh hơn”.

Tuy nhiên, bác sĩ Khanh cũng nhấn mạnh công tác quản lý đối với giải pháp này sẽ đỏi hỏi cao hơn một mức, tránh bỏ sót và để lại hậu quả nguy hiểm.

Theo ông, Việt Nam có thể tạo điều kiện để người dân tự lấy mẫu, xét nghiệm nhưng phải dựa trên quy định, tiêu chuẩn và hướng đi của Chính phủ. Đồng thời, quá trình theo dõi, giám sát kết quả phải được thực hiện chặt chẽ ở mức tối đa.

Mới đây, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam đề xuất 2 quy trình giám sát trong tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 và điều tra, truy vết các trường hợp liên quan ca mắc Covid-19 nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại ở TP.HCM thời gian qua trong những công tác này.

Trong đó, các bệnh viện trên địa bàn thành phố có nhiệm vụ hỗ trợ lấy mẫu trong cộng đồng. Các trung tâm y tế địa phương sẽ tổ chức lấy mẫu, truy vết, vận chuyển mẫu về cơ sở xét nghiệm (2 giờ từ khi lẫy mẫu với F1, 24 giờ với F2, người cách ly).

Các cơ sở xét nghiệm khẳng định có nhiệm vụ xét nghiệm cho các quận, huyện được phân công và điều phối của HCDC, đồng thời trả kết quả. Trong đó, thời gian cụ thể là 24 giờ với mẫu tầm soát cộng đồng, khoảng 6-10 giờ với F1, 24 giờ với F2 và người cách ly.

Điểm xét nghiệm Covid-19 đông khiến người dân TP.HCM lo lắng

Sau khi nhận được thông tin về lịch lấy mẫu trên địa bàn, nhiều người dân có mặt đúng giờ nhưng phải ra về vì ngại chờ đợi.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm