Nhiều bạn trẻ gặp khó khăn như mức lương thấp (36%), không biết cách tìm việc hiệu quả (35%), hay chưa đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng (35%). Đây là một phần trong thống kê của Navigos Group thực hiện cuối năm 2018 đối với 1.600 sinh viên mới ra trường.
Báo cáo cho thấy tình trạng thiếu trầm trọng những chương trình hướng nghiệp cho sinh viên, khiến các bạn gặp khó khăn trong việc xác định hướng đi tương lai và tìm việc làm phù hợp bản thân.
Mùa thi đại học và tốt nghiệp đại học đang tới gần, thời điểm mà các bạn sinh viên đứng trước nhiều lựa chọn nghề nghiệp, Zing.vn phối hợp chương trình Hướng nghiệp Chevening Việt Nam (Chevening Vietnam Career Mentoring - CVCM) - dự án cộng đồng phi lợi nhuận, tổ chức buổi tư vấn hướng nghiệp trực tuyến với chủ đề “Nghề hot có ngọt với bạn?”.
Buổi tư vấn trực tuyến diễn ra từ 10h đến 11h30, ngày 25/4 trên Zing.vn.
- 2019-04-24 13:56+0700
- TP.HCM
Tự động cập nhật sau 30 giây
-
Em được biết Chevening là một học bổng của chính phủ Anh, cho em hỏi chị Hà đây có phải là chương trình mà các anh chị đào tạo ứng viên để đi nộp học bổng Chevening không ạ?
Học bổng Chevening là học bổng học thạc sĩ một năm ở Vương Quốc Anh.
Chương trình Chevening Việt Nam Career Mentoring là một chương trình xã hội, phi lợi nhuận do các cựu học giả đứng ra thành lập nhằm mục đích đóng góp lại cho sự phát triển và tiến bộ của cộng đồng.
Chương trình của chúng tôi không phải là “lò đào tạo” các ứng viên đi nộp học bổng Chevening. Chúng tôi tư vấn nghề nghiệp qua việc phân tích, hướng dẫn và định hướng tư duy cho các sinh viên tham gia chương trình. Các bạn có thể vận dụng tư duy đó để áp dụng cho nhiều vấn đề khác nhau, gồm cả việc xin học bổng Chevening.
-
Làm nhân sự khác với tuyển dụng như thế nào ạ?
Quản trị nguồn nhân lực bao gồm các hoạt động liên quan đến thiết kế tổ chức và định mức, tuyển dụng, đào tạo và phát triển nhân viên, đánh giá, quan hệ lao động và chế độ chính sách đối với người lao động. Như vậy, tuyển dụng chỉ là một phần trong các hoạt động nhân sự.
-
Để có cơ hội được làm việc ở Prudential, sinh viên mới tốt nghiệp chưa có kinh nghiệm cần có yếu tố gì nổi bật?
Điều quan trọng nhất Prudential cần ở các bạn sinh viên là thái độ làm việc nghiêm túc, khả năng cầu tiến học hỏi, cũng như rèn luyện cho mình một vài kỹ năng mềm như khả năng giao tiếp, khả năng quản lý thời gian.
-
Theo chị, những tố chất và kỹ năng cần có của một người làm truyền thông, marketing chuyên nghiệp hiện nay là gì?
Tại Ogilvy, chúng tôi có 6 tố chất tạo nên chuyên gia về truyền thông tiếp thị, đó là curiosity, agility, passion, bravery, accountability và collaboration; tạm dịch là luôn tìm tòi, năng động, đam mê, dũng cảm, chịu trách nhiệm và hợp tác.
Tổng hợp lại, việc học hỏi không ngừng, tinh thần đồng đội và năng lực sáng tạo sẽ tạo nên con người làm truyền thông đúng nghĩa.
-
Em muốn được hướng nghiệp chuyên sâu về ngành Tài chính Ngân hàng, em dự định sẽ apply vào chương trình CVCM, chị cho em hỏi, lúc nào chương trình bắt đầu nhận đơn đăng ký và quy trình tuyển sẽ như thế nào ạ?
Cảm ơn bạn. Bạn hãy mạnh dạn ứng tuyển nhé.
Hàng năm, chúng tôi thường tổ chức một buổi launching vào tháng 9, sau đó các bạn sinh viên có một tháng để nộp hồ sơ. Chúng tôi sẽ mất một tháng khác cho việc lọc hồ sơ và sắp xếp phỏng vấn với các bạn được chọn vào vòng sau trước khi tìm ra được danh sách các bạn sẽ đi tiếp với chương trình.
Toàn bộ thông tin liên quan được đăng tải và cập nhật đầy đủ qua fanpage https://www.facebook.com/cheveningvietnamcareermentorship/
Các bạn nhớ chọn mục “theo dõi” (follow) để được cập nhật thường xuyên về lịch trình nhé. Ngoài ra, chúng tôi còn chia sẻ rất nhiều bài viết hữu ích trên fanpage nữa.
-
Em hiện là sinh viên ngành quản trị kinh doanh nhưng em đang quan tâm tới mảng nhân sự và muốn thử sức. Cho em xin hỏi chuyên gia trong ngành, nếu muốn làm trái ngành thì điều kiện xem xét trong CV là gì? Điều gì khiến các anh chị có thể chọn một người trái ngành cho vị trí ứng tuyển?
Câu hỏi của em cũng là vấn đề mà nhiều bạn trẻ quan tâm, vì học trong trường và khi làm việc thực tế sẽ có những sự khác biệt nhất định. Do vậy khi tuyển dụng, doanh nghiệp thường đánh giá sự phù hợp của ứng viên không chỉ qua ngành học mà còn tính đến tiềm năng của ứng viên thông qua kinh nghiệm thực tập, các hoạt động trong và ngoài trường liên quan đến công việc ứng tuyển, sở thích và tính cách của ứng viên.
-
Anh/chị có thể chia sẻ về quy trình tuyển dụng của Prudential Việt Nam không ạ?
Prudential áp dụng quy trình lọc CV, phỏng vấn trực tiếp với nhân sự và quản lý trực tiếp. Vòng cuối là phỏng vấn trực tiếp với trưởng bộ phận.
-
Chị Hà có thể chia sẻ tiêu chí lựa chọn mentee của chương trình là như thế nào được không? Vì nếu chỉ chọn người làm bài luận tốt - nghĩa là sinh viên giỏi để tham gia làm mentee thì những sinh viên kém hơn sẽ không có cơ hội được định hướng và phát triển tốt hơn.
Cảm ơn bạn về một câu hỏi rất thú vị. Tôi hiểu đây là thắc mắc một lượng lớn các bạn sinh viên khi suy nghĩ liệu mình có nên dự tuyển vào chương trình Định hướng nghề nghiệp của chúng tôi.
Tiêu chí lựa chọn ứng viên của chương trình Chevening Vietnam Career Mentoring là tìm người phù hợp nhất, không phải là người giỏi nhất.
Người phù hợp nhất được định nghĩa là người có tiềm năng IQ và EQ tiềm ẩn ở mức độ tốt, có nghiên cứu và suy nghĩ nghiêm túc về định hướng nghề nghiệp nhưng định hướng chưa rõ ràng và định hình. Nếu có sự trợ giúp, những bạn này có thể “transform” để được khuyến khích và bộc lộ được hết những tiềm năng tốt nhất trong họ.
Đội ngũ lọc hồ sơ và tuyển dụng của chương trình được trang bị kiến thức và kỹ năng đầy đủ để biết cách nhận dạng (identify) được các bạn tiềm năng này và các mentor khi phỏng vấn sẽ một lần nữa khẳng định lại việc đó.
Tôi hiểu là sinh viên hiện nay có rất nhiều “sân chơi” và các cuộc thi, nhiều bạn khi nhìn vào các bạn đỗ đạt qua các cuộc thi này lại tự ti và nghĩ rằng mình không bằng các bạn đó hoặc thi với các bạn đó thì mình không “có cửa” gì để đỗ cả. Tôi xin khẳng định là những suy nghĩ như vậy là hết sức sai lầm. Sau 3 năm hoạt động, chúng tôi đã chứng kiến nhiều lần các bạn sinh viên vô cùng ngạc nhiên và phấn khích khi mình được chọn lọc vào chương trình, và giờ đây khi nhìn lại, các bạn đó đều có bước đi vững chắc, tự tin và “chuyển mình” trong con đường phát triển công việc, sự nghiệp của các bạn.
-
Theo chị, mối quan hệ giữa truyền thông và marketing ngày nay nên hiểu như thế nào cho đúng?
Đây là mối quan hệ tương hỗ. Mục đích chung của cả truyền thông và marketing là bán hàng, thu lợi nhuận, tích kiệm chi phi cho doanh nghiệp.
Marketing gồm các hoạt động tác động vào thị trường (quảng cáo, hỗ trợ sales…) trong khi truyền thông chuyển tải thông điệp về sản phẩm, dịch vụ, giải quyết các vấn đề mang tính nhận thức và quan hệ với các stakeholders (quan hệ báo chí, quan hệ công chúng…). Nói cách khác, marketing tập trung vào xúc tiến và bán một sản phẩm cụ thể, trong khi truyền thông tập trung vào việc giữ vững một danh tiếng tốt cho công ty.
Hiện nay, cùng với sự phát triển của công nghệ số hoá, các nền tảng mạng xã hội, truyền thông và marketing tạo thành một thể thống nhất, hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp.
-
Cùng ứng tuyển vào một vị trí, ứng viên có bằng thạc sĩ Quản trị nhân sự ở nước ngoài nhưng chưa có kinh nghiệm làm việc so với một ứng viên có bằng cử nhân Quản trị Nhân sự trong nước nhưng có kinh nghiệm làm nhân sự ở Việt Nam 2 năm thì có lợi thế gì khác nhau không?
Câu hỏi của bạn rất thú vị. Người có kinh nghiệm sẽ có lợi thế hơn. Nhưng quan trọng là trong quá trình phỏng vấn và làm bài kiểm tra, bạn thể hiện được tiềm năng của bản thân nổi trội hơn, gây ấn tượng được với nhà tuyển dụng thì đó sẽ trở thành lợi thế của bạn.
-
Xin chị Chi cho biết sinh viên cần chuẩn bị những gì để có thể chinh phục được chương trình The Strivers của Prudential?
Đối với chương trình Strivers - quản trị viên sự của Prudential, công ty mong muốn tìm kiếm các bạn trẻ mới ra trường hoặc có ít hơn 2 năm kinh nghiệm, mong muốn tìm kiếm cơ hội trong ngành bảo hiểm. Ngoài kỹ năng giao tiếp tiếng Anh trôi chảy, công ty tìm kiếm những bạn trẻ năng động, sẵn sàng thử sức với những điều mới, có khả năng thích ứng nhanh, tư duy nhạy bén và thăng tiến trên con đường sự nghiệp của mình trong khoảng thời gian rất ngắn là 30 tháng.
-
Tiếp xúc với nhiều các bạn sinh viên tham gia chương trình chị thấy điểm mạnh và điểm yếu nhất của sinh viên chúng em hiện nay là gì ạ?
Chất lượng mặt bằng sinh viên hiện nay có nhiều điểm nổi bật hơn các thế hệ đi trước của chúng tôi.
Các bạn có rất nhiều điểm mạnh như tư duy cởi mở, tình thần cầu tiến, hoài bão lớn và không chỉ dừng ở phạm vi nhỏ ở một quốc gia, mức độ tiếp thu thông tin, tri thức và những thay đổi của các bạn cập nhật, và kịp thời.
Tuy nhiên, thời đại công nghệ thông tin cũng là con dao 2 lưỡi để lộ ra những mặt yếu của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Khi thông tin và những sự lựa chọn tràn ngập, nếu bạn không đủ khả năng xử lý thông tin thấu đáo và đầy đủ, bạn sẽ rất dễ bị lạc lối và dẫn đến tình trạng đi quẩn quanh trong con đường xây dựng và phát triển sự nghiệp. Tôi xin lấy một ví dụ cụ thể để các bạn hình dung dễ nhất.
Theo một khảo sát của jobstreet.com vào quý 2/2016 trên gần 1.200 sinh viên mới tốt nghiệp, có đến gần 75% xác định mức lương là yếu tố quan trọng khi đọc mẩu tin tuyển dụng trên các trang mạng việc làm. Yêu cầu của việc làm và địa điểm làm việc là 2 yếu tố được nhóm đối tượng này quan tâm thứ 2 (71%) và thứ 3 (50%). Trong khi đó, mô tả việc làm, yếu tố tối quan trọng để xác định một công việc có phù hợp với người lao động hay không chỉ đứng ở vị trí ưu tiên thứ 4 (48%).
Việc định hướng và xác định mục tiêu sai dẫn đến tỉ lệ nhảy việc trong giới trẻ Việt Nam cao. Một CEO người Nhật trong lĩnh vực CNTT từng phát biểu trên truyền thông Việt Nam là “Người Việt trẻ giỏi nhưng nhảy việc nhiều quá, làm chưa đủ một năm đã bỏ việc, chúng tôi không đủ niềm tin giao cho các bạn những dự án toàn cầu”.
Tôi nghĩ đã đến lúc các bạn sinh viên của chúng ta cần tỉnh táo, sáng suốt và nghiên cứu có chiều sâu hơn trong công cuộc tìm định hướng sự nghiệp của mình.
-
Em muốn hỏi chị Phương Anh, trong suốt thời gian theo đuổi sự nghiệp về nhân sự của mình, chị thấy thách thức lớn nhất của nghề nhân sự là gì ạ?
Theo kinh nghiệm của mình, thách thức lớn nhất của người làm nhân sự là giữ được sự kiên định và khách quan khi giải quyết vấn đề, biết đứng trên quan điểm của người khác để phân tích sự việc, vì người làm nhân sự phải cân bằng được kỳ vọng của sếp và nhân viên hay giữa các nhân viên, các bộ phận với nhau.
-
Em đang tìm hiểu về ngành truyền thông - marketing nhưng còn nhiều băn khoăn. Em muốn hỏi đặc thù công việc này tại các agency như Ogilvy khác thế nào với làm tại các doanh nghiệp?
Đối với một agency cung cấp dịch vụ truyền thông tích hợp và tư vấn giải pháp cho doanh nghiệp như T&A Ogilvy, chúng tôi tìm kiếm những nhân tài theo mô hình chữ M. Nghĩa là, các bạn sẽ được đào tạo và rèn luyện qua công việc để trở thành chuyên gia có hiểu biết sâu trong vài lĩnh vực đặc thù, đồng thời, có tầm tư duy bao quát về cả ngành truyền thông tiếp thị.
Yêu cầu công việc đòi hỏi một chuyên gia tư vấn của agency vừa có hiểu biết về nhiều lĩnh vực, vừa có năng lực đặc thù trong một số yêu cầu chuyên biệt như: Hoạch định kế hoạch, xây dựng ý tưởng sáng tạo, quản trị dự án và quản trị khách hàng.
Đối với công việc tại doanh nghiệp, in-house, các bạn tập trung nhiều hơn vào một ngành nghề nhất định, đồng thời, dành phần lớn thời gian kết nối, phối hợp, tương tác với nhiều bộ phận bên trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các bạn cần phải tư duy chiến lược, thấu hiểu tầm nhìn của lãnh đạo doanh nghiệp mới là đòi hỏi chính yếu.
-
Với vai trò nhà tuyển dụng, chị thấy sinh viên mới tốt nghiệp ở Việt Nam hiện có những ưu điểm và nhược điểm gì? Anh/Chị có thể đưa ra vài lời khuyên để giúp các bạn sinh viên khắc phục nhược điểm được không ạ?
Sinh viên tốt nghiệp ở Việt Nam có ưu điểm là năng động, hoạt bát và tính cầu thị rất cao. Tuy nhiên, các kỹ năng, đặc biệt kỹ năng mềm chưa được rèn luyện và phát huy triệt để khi đi làm. Ví dụ, khả năng chịu áp lực, khả năng giao tiếp và quản lý công việc.
Các bạn có thể trau dồi thêm kỹ năng bằng cách tham gia các hoạt động công tác xã hội cũng như hoạt động tại trường trong thời gian còn đi học, tìm kiếm cơ hội cọ xát dần dần. Ngoài ra, tiếng Anh cũng rất cần thiết trong giao tiếp tại các doanh nghiệp nước ngoài.
-
Muốn học chuyên sâu về lĩnh vực nhân sự, sinh viên nên tìm đến địa chỉ đào tạo uy tín nào?
Sau khi tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng chuyên ngành quản trị nhân sự, bạn có thể học thêm tại một số trung tâm hay công ty đào tạo uy tín. Bạn cũng có thể tham gia các hội thảo chuyên đề về nghề nhân sự của hiệp hội nhân sự Việt Nam, các network về nhân sự để tích lũy thêm kiến thức và kinh nghiệm.
-
Chị Hà ơi, em đã tốt nghiệm ngân hàng một năm, nhưng thực sự em cảm thấy hoang mang về quyết định trước đây của mình. Ngành tài chính ngân hàng không màu hồng và đầy tiềm năng như em vẫn tưởng. Dường như những người tự lực cánh sinh như em chỉ xin được vào các ngân hàng nhỏ, và áp lực doanh số thực sự khiến em stress mỗi ngày. Chị có thể cho em xin lời khuyên và kinh nghiệm được không em, vì mới một năm đi làm nhưng em đã muốn từ bỏ để tìm một hướng đi mới rồi.
Tôi cảm thấy rất tiếc khi nghe bạn tâm sự như vậy. Đúng là cuộc đời không màu hồng như chúng ta vẫn nghĩ. Tuy nhiên, để thoát ra khỏi được tình trạng bế tắc, bạn phải rất bình tĩnh. Tôi khuyên bạn hãy dành nhiều thời gian hơn để nhìn lại tổng thể công việc, môi trường làm việc, năng lực bản thân... để tìm ra mấu chốt vấn đề, rồi từ từ chúng ta tìm cách giải quyết.
Bạn thấy đấy, một mớ dây thừng rối không thể tháo thẳng ngay ra cùng một lúc. Bạn cần kiên nhẫn để tháo từng nút một thì mới giải quyết trọn vẹn được vấn đề. Ngoài ra, bạn cần thay đổi tư duy so sánh về tự lực cánh sinh và tìm việc có sự bảo trợ. Thời nay, bạn chỉ có thể sống tốt và bền vững lâu dài nếu bạn thực sự đứng trên chính đôi chân của mình. Bạn đừng stress nhé, nó sẽ làm vấn đề trầm trọng hơn.
Tôi chúc bạn hãy bình tĩnh, tự tin và tỉnh táo để dần giải quyết các vấn đề của bản thân.
-
Ở Prudential Việt Nam, sinh viên có cơ hội được thực tập trái ngành không?
Như đã chia sẻ phía trên, Prudential cần nhất là các bạn sinh viên có khả năng học hỏi và thích ứng nhanh. Nếu các bạn xác định được hướng đi nghề nghiệp và đam mê của mình, chúng tôi khuyến khích các bạn đăng ký cơ hội thực tập, dù trái ngành. Đã có sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật, tuy nhiên lại đam mê và thực tập tại ngành nhân sự tại Prudential. Hiện tại, bạn đã tốt nghiệp và bắt đầu con đường sự nghiệp của mình trong lĩnh vực nhân sự này.
Vì vậy, chị khuyến khích các bạn nếu thực sự có đam mê, dù học trái ngành vẫn nên thử sức mình ở những lĩnh vực mới.
-
Em muốn hỏi thông thường mất bao lâu và nên có roadmap như thế nào để trở thành một người làm marketing chuyên nghiệp và hiệu quả?
Con đường làm marketing chuyên nghiệp đòi hỏi chúng ta có một lộ trình mang tầm nhìn xa và có các cột mốc chi tiết. Các bạn cần 2 năm đầu tiên để làm quen và có thấu hiểu cơ bản về ngành, sau đó tuỳ vào sở thích các bạn sẽ có những con đường khác nhau: làm agency hay in-house, làm trade marketing hay digital marketing… Thông thường, một người làm nghề đạt chuyên môn sâu khi có 4-8 năm kinh nghiệm.
Để phát triển các tài năng theo một lộ trình hiệu quả nhất tại T&A Ogilvy, chúng tôi có chương trình “My path to growth" gồm 4 giai đoạn từ hạt mầm thành cây con, cây trưởng thành và đại thụ; nhằm gieo trồng các tài năng tương lai từ những ngày đầu tiên bước vào môi trường chuyên nghiệp.
Chúng tôi thường tổ chức đối thoại nghề nghiệp hàng quý và đánh giá kết quả phát triển của từng cá nhân, tổng kết theo năm. Ngoài ra, chúng tôi cũng có các chương trình phát triển các chuyên gia, nhà lãnh đạo ở quy mô quốc gia; các chương trình trao đổi trong mạng lưới vùng và quốc tế để tối đa hoá hiệu quả phát triển con người.
-
Chị đã có thời gian làm ở ngân hàng nước ngoài HSBC và ANZ, chị có thể giúp em hiểu rõ hơn về đặc thù môi trường làm việc và công việc tại ngân hàng nước ngoài và ngân hàng Việt Nam được không ạ?
Các ngân hàng nước ngoài khi thâm nhập một thị trường mới thường mang theo cả một bề dày về kinh nghiệm, công nghệ, nhân lực … nên quy trình thường bài bản, rõ ràng, minh bạch và có nhiều thứ để người trẻ có thể học hỏi.
Tuy nhiên, tôi có cơ hội làm việc với nhiều ngân hàng nội địa trong thời gian tôi làm về nhân sự, tôi thấy rằng hiện tại các ngân hàng trong nước đang trỗi dẫy và phát triển mạnh mẽ và vượt bậc. Do là người đi sau, nên nhiều ngân hàng Việt Nam đã mạnh tay đầu tư vào công nghệ nên hệ thống phần mềm quản trị rất tốt. Các ngân hàng trong nước cũng từng bước hoàn thiện quy trình theo hướng chuẩn hóa, rõ ràng và minh bạch giống khối ngân hàng nước ngoài. Một điểm mạnh nổi trội của Ngân hàng trong nước là tính linh hoạt, họ hiểu người dân bản địa nên phục vụ sâu sát và phù hợp với người bản địa hơn.
Việc quyết định chọn khối ngân hàng nước ngoài hay trong nước để làm việc giờ phụ thuộc nhiều vào yếu tố văn hóa tổ chức. Bạn thấy mình hợp văn hóa ở đâu thì nên làm ở đó vì văn hóa tổ chức là chất keo kết dính giúp bạn thoải mái, tự tin trong công việc để cống hiến lâu dài cùng tổ chức.
-
Em hiện đang theo học năm cuối khoa tiếng Anh Đại học Ngoại ngữ, muốn làm việc trong ngành nhân sự, em có cơ hội không? Em cần chuẩn bị thêm những gì trước khi ra trường và ứng tuyển?
Bạn vẫn luôn có cơ hội với ngành nhân sự nếu bạn kiên trì, đam mê và tìm được khía cạnh trong ngành phù hợp tính cách và năng lực của bạn. Học tiếng Anh trong trường đại học cung cấp cho bạn kiến thức nền tảng và kỹ năng tư duy. Ngoại ngữ giúp bạn có thể mở rộng và cập nhật kiến thức dễ dàng hơn, nhưng chỉ là công cụ nên ban vẫn cần kiến thức và kỹ năng chuyên ngành.
Để theo ngành nhân sự, bạn có thể học thêm các khóa học chuyên ngành của các công ty đào tạo có uy tín, thông qua học trực tuyến hay trên lớp. Bên cạnh đó bạn nên bắt đầu sự nghiệp từ những vị trí thực tập sinh hay trợ lý nhân sự.
Học qua công việc giúp bạn có được kiến thức chuyên sâu và thực tế trong các mảng hoạt động nhân sự như tuyển dụng, đào tạo, lương thưởng… đồng thời rèn luyện các kỹ năng cần thiết của người làm nghề nhân sự như kỹ năng xử lý các mối quan hệ, tổ chức công việc, giải quyết vấn đề, khả năng học hỏi và cập nhật công nghệ. Qua đó bạn có thể phát triển sự nghiệp trong ngành nhân sự.
-
Chào chị Hà, em muốn theo ngành thiết kế thời trang nhưng bố mẹ em lại cho rằng nghề này không thực tế và khó có cơ hội tìm kiếm việc làm. Chị có thể tư vấn thêm giúp em những ngành nghề, công việc mà người học thiết kế thời trang có thể làm trong thời điểm hiện tại không ạ? Em nên học thêm những kỹ năng gì để có nhiều cơ hội việc làm hơn ạ?
Chào bạn. Ở Việt Nam vẫn đang thiếu nhà thiết kế năng lực lắm. Ngành thời trang cũng là ngành non trẻ ở Việt Nam, nên cơ hội luôn rất nhiều. Vấn đề nằm ở chỗ là bạn có thể đóng góp và cống hiến gì cho ngành và người dùng qua các tác phẩm của bạn.
Nếu mục đích chỉ là làm trong ngành thời trang đơn thuần, bạn cũng có rất nhiều sự lựa chọn khác nữa như làm stylist, chụp ảnh, trưng bày sản phẩm... kiến thức thời trang luôn là nền tảng cần thiết để làm tốt các công việc vừa nêu, mà không nhất thiết phải tập trung 100% vào thiết kế khi bạn không quá tự tin vào kỹ năng này của mình.
-
Xin chị cho biết giữa một sinh viên ngành marketing du học ở nước ngoài về và một sinh viên tốt nghiệp đại học ở Việt Nam, kiến thức, kỹ năng và thái độ như nhau, Prudential Việt Nam sẽ chọn ai và tại sao lại chọn ứng viên đó ạ?
Đây là một câu hỏi rất hay. Trong thực tế, Prudential Việt Nam không dựa trên xuất xứ bằng đại học của nhân viên để tuyển dụng. Nếu hai bạn có kiến thức có kiến thức, kỹ năng và thái độ như nhau, nhà tuyển dụng sẽ dựa trên yếu tố phù hợp về mặt văn hoá, môi trường làm việc và phong cách làm việc trong đội - nhóm, để đảm bảo nhân viên mới và phòng ban có thể thích nghi nhanh nhất với nhau.
Ngoài ra, kinh nghiệm cọ sát thực tế của mỗi bạn sẽ rất khác nhau. Đây cũng là điểm cộng để công ty đưa ra cân nhắc khi tuyển dụng và phỏng vấn một ứng viên.
-
Hiện nay em thấy có rất nhiều chương trình Mentoring định hướng nghề nghiệp, Chương trình Hướng nghiệp Chevening có điểm gì khác biệt hẳn so với các chương trình hướng nghiệp khác ạ?
Cảm ơn bạn. Đúng như bạn nói, hiện tại bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều hơn các chương trình định hướng nghề nghiệp ở Việt Nam.
Chúng tôi tự hào vì được các bạn sinh viên đánh giá là chương trình định hướng nghề nghiệp có uy tín nhất hiện nay ở Việt Nam.
Chương trình được bảo trợ bởi Đại sứ Quán Anh ở Việt Nam và nhiểu tổ chức doanh nghiệp lớn như Prudential, Premier Oil. Các Mentor của chúng tôi được chọn lọc từ đội ngũ các cựu học giả từng du học bằng thạc sĩ và tiến sĩ tại Vương quốc Anh và có kinh nghiệm chuyên sâu và đa dạng.
Chúng tôi đặc biệt chú trọng đến chất lượng tư vấn để các bạn sinh viên khi tham gia có thể lĩnh hội được nhiều nhất kiến thức và kinh nghiệm, sau đó chia sẻ, lan tỏa chương trình ra cộng đồng sinh viên rộng hơn.
-
Em tình cờ biết đến học bổng Chevening và thấy bản thân hiện đã đáp ứng được hầu hết các yêu cầu để ứng tuyển. Các anh chị có thể chia sẻ chút kinh nghiệm, các tip hay lưu ý để nhận được học bổng này không ạ?
Để tìm hiểu về học bổng Chevening, bạn vào website https://www.chevening.org/vietnam để tham khảo. Hy vọng sẽ được đón bạn trong cộng đồng Chevening Alumni. Chúc bạn may mắn.
-
Hiện em thấy LinkedIn cũng là kênh tuyển dụng tốt, chị có thể chia sẻ giúp em một vài lưu ý khi xây dựng profile LinkedIn để dễ tiếp cận được các nhà tuyển dụng không ạ?
Câu hỏi này cho thấy bạn rất quan tâm tới việc tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng. Để có một profile tốt trên LinkedIn, trước tiên, bạn nên chọn cho mình một ảnh profile cập nhật, chất lượng để tạo thiện cảm và thể hiện sự nghiêm túc. Ấn tượng đầu tiên thực sự rất quan trọng đấy! Bạn lưu ý đừng để ảnh thú cưng hay ảnh tiệc tùng lên làm ảnh profile nhé.
Tiếp đó là headline – cần cô đọng, nói rõ bạn đang tìm kiếm, theo đuổi công việc gì, ví dụ nghề nhân sự, để các nhà tuyển dụng tìm bạn dễ hơn. Với phần tóm tắt profile, bạn chỉ cần mô tả vắn tắt công việc và thành tựu đạt được. Phần kinh nghiệm công việc cần ngắn gọn mô tả thời gian và vị trí đã làm. Cuối cùng đừng quên để địa chỉ liên hệ của bạn nhé. Tuy nhiên profile trên LinkedIn chỉ là trạng thái tĩnh. Nếu muốn tận dụng giá trị của Linkedin, bạn nên chủ động tìm kiếm và liên hệ với các nhà tuyển dụng, tận dụng cơ hội ấy để thể hiện năng lực bản thân.
-
Có khá nhiều ý kiến trái chiều giữa PR và quảng cáo. Có người cho rằng quảng cáo dần thoái vị và nhường sân cho PR. Theo chị, điểm khác nhau lớn nhất giữa 2 ngành này là gì? Mảng nào sẽ sống lâu hơn trong ngành truyền thông ạ?
Khái niệm "Quảng cáo thoái vị, PR lên ngôi" được đưa ra cách đây 15 năm và là quyển sách gối đầu giường của không ít người làm quảng cáo và PR. Thực tế cho thấy, đây là một nhận định chính xác chứ không phải một tuyên bố mang tính tiên tri.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa 2 ngành là quảng cáo đẩy thông tin ra bên ngoài, còn PR kéo mọi người vào một cuộc đối thoại. Sự phát triển của social digital giúp các cuộc đối thoại của PR mang tính tương tác, tức thời và hấp dẫn hơn nhiều.
Tuy nhiên, ngành quảng cáo cũng đang cố gắng thay đổi theo xu hướng kết nối mạnh mẽ, đa chiều hơn với người tiêu dùng. Cùng với đó, ngành PR đi sâu hơn nữa vào các hoạt động chuyên biệt như: Tư vấn doanh nghiệp, hỗ trợ thông qua truyền thông nội bộ, bảo vệ thương hiệu thông qua xử lý khủng hoảng.
Ngành truyền thông đang chuyển biến theo hướng cung cấp giải pháp doanh nghiệp, không phân biệt quảng cáo, PR, digital hay activation, tập trung vào giải bài toán kinh doanh luôn biến đổi theo từng thời kỳ.
-
Em thích ngành tài chính mà cụ thể là chứng khoán. Em muốn hỏi chị Hà về tiềm năng của ngành chứng khoán tại Việt Nam ạ. Liệu đó có phải là ngành nghề em có thể theo lâu dài được không ạ?
Chào bạn. Bạn hỏi câu lớn quá, ngay cả các nhà làm chính sách cũng khó trả lời được. Ngành nghề nào cũng có giai đoạn thịnh vượng và giai đoạn phát triển cầm chừng hay suy thoái, tùy thuộc ảnh hưởng bởi tác động chung của thị trường. Hãy chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với các loại thách thức khác nhau trong ngành thì bạn sẽ luôn đi xa và phát triển được với ngành. Chúc bạn may mắn!
-
Tính em nhút nhát từ nhỏ, ngại giao tiếp nhưng lại hứng thú với ngành bảo hiểm. Chị chi tư vấn giúp em có cơ hội phát triển trong ngành này không?
Cảm ơn em về câu hỏi này. Trong thực tế, Prudential là công ty rất lớn với rất nhiều phòng ban khác nhau, sẽ có những phòng ban yêu cầu kỹ năng giao tiếp và sự hoạt ngôn như phòng sale, truyền thông, marketing; sẽ có những phòng ban liên quan nhiều đến các con số - nơi các anh chị nhân viên tập trung phân tích dữ liệu và làm báo cáo.
Một bạn sinh viên có tính cách nội tâm, nếu mạnh về số và thích đi theo mảng này thì hoàn toàn có thể cân nhắc để nộp đơn và thử sức. Tuy nhiên, giao tiếp vẫn là thế mạnh trong bất kỳ lĩnh vực nào. Vì thế, chị khuyên em nên cố gắng cởi mở, trau dồi kỹ năng giao tiếp và mở rộng mối quan hệ với mọi người xung quanh. Điều này sẽ giúp em có thêm nhiều cơ hội trong công việc, cuộc sống không chỉ trong lĩnh vực bảo hiểm.
-
Nhiều người cho rằng, trong bối cảnh truyền thông số phát triển như hiện nay, PR sẽ không còn chỗ đứng. Thay vào đó, doanh nghiệp sẽ tập trung hơn vào các công cụ social, digital. Em đang theo học năm 2 ngành quan hệ công chúng và rất băn khoăn liệu có khó khăn gì về cơ hội việc làm của ngành này trong 2-3 năm tới không?
Máy móc không thể thay thế con người. Facebook, Youtube... hay bất cứ một nền tảng nâng cao nào cũng không thể thay thế con người thấu hiểu khách hàng, thay thế con người trong các mối quan hệ báo chí, quan hệ chính phủ. Chúng ta nên nhìn công nghệ như là một cơ hội nhiều hơn là khó khăn, vì công nghệ và các nền tảng mới sẽ giúp người làm PR, marketing có thêm công cụ để làm nghề nhanh hơn, mới hơn, hiệu quả hơn.
Ngành quan hệ công chúng tổ chức hoạt động truyền thông dựa trên mạng lưới những người ảnh hưởng KOL. Quá trình chuyển đổi số đồng thời cũng làm gia tăng tầm ảnh hưởng của các quan điểm, sẽ tạo nên môi trường tương tác phong phú, đa chiều theo thời gian thực. Đây là môi trường lý tưởng để PR phát triển.
-
Chào chị Hà, em đã kết thúc 3 năm học tại VN và sắp học năm thứ 4 ĐH tại nước ngoài theo chương trình liên kết. Ngành học của em là tài chính, những thực sự em cảm thấy kiến thức 3 năm học không có nhiều tính ứng dụng thực tế và không được thực hành nhiều. Em sợ sau khi trải qua năm cuối tại nước ngoài, em sẽ mang danh đã đi học nước ngoài nhưng vẫn không thể xin được việc vì không được trải nghiệm và nắm rõ về ngành tài chính ngân hàng. Chị có thể cho em lời khuyên được không?
Câu hỏi của em rất thú vị và phản ánh sự quan tâm chung của rất nhiều bạn trẻ. Lời khuyên của chị là hãy tập trung vào sự phát triển của bản thân, không bận tâm nhiều đến việc những người xung quanh sẽ đánh giá như thế nào về mình. Khi em quá tập trung vào việc giữ thể diện cho cá nhân, đôi khi em sẽ không dám bứt phá ra những vùng an toàn của bản thân để khám phá những tiềm năng trong con người mình. Hãy trau dồi và trải nghiệm nhiều hơn nữa để có thể luôn nắm bắt được cơ hội.
Chị đã từng làm việc trong ngành tài chính - ngân hàng ở nước ngoài, chị nhận thấy rằng những nhân viên mới ra nhập công ty có nền tảng giáo dục về tài chính không nhiều. Rất nhiều bạn học các chuyên ngành khác như địa lý, lịch sử, IT... vẫn tham gia vào làm kiểm toán như bình thường. Nhà tuyển dụng chú trọng tìm kiếm những ứng viên có tư duy logic tốt và có sự cầu tiến, thay vì những bạn học đúng chuyên ngành nhưng không có 2 điều trên.
-
Em rất quan tâm tới nghề nhân sự, băn khoăn giữa nghề head hunter và nghề nhân sự tại các công ty? Chị Phương Anh có thể phân biệt giúp em hai loại công việc này?
Nghề headhunter đã xuất hiện tại Việt Nam gần 20 năm nay. Các công ty headhunter - “săn đầu người” đóng vai trò kết nối khách hàng với những nhân tài để 2 bên tìm được “một nửa hoàn hảo” của mình. Hiệu quả của một headhunter được đánh giá qua sự phù hợp của nhân viên được tuyển dụng với vị trí đảm nhiệm trong doanh nghiệp
Còn nghề nhân sự thực hiện các hoạt động từ tuyển dụng, quản trị hiệu suất và phát triển nhân tài đến văn hóa và gắn kết đội ngũ nhằm giúp doanh nghiệp khai thác và sử dụng nguồn nhân lực một cách hợp lý và hiệu quả.
-
Mong chị Chi giải đáp giúp em về những kỹ năng có thể học khi làm bảo hiểm nhân thọ? Cơ hội công tác nước ngoài của ngành này như thế nào ạ?
Trong thực tế, em có thể học được rất nhiều kỹ năng khác nhau. Các kỹ năng cụ thể sẽ liên quan đến từng lĩnh vực mà các em làm việc. Prudential Việt Nam được ví như trường đại học trong ngành bảo hiểm. Vì vậy, khi vào công ty, dù làm việc ở bất cứ phòng ban nào, các em cũng sẽ được đào tạo theo quy trình bài bản và cụ thể để đảm bảo nhân viên có thể nắm bắt được công việc và không bị bỡ ngỡ "tự bơi" trong những ngày đầu.
Ví dụ, nếu em yêu thích ngành sale bảo hiểm nhân thọ, chắc chắn, các em sẽ được đào tạo kiến thức về các sản phẩm bảo hiểm, lợi ích và quyền lợi của các sản phẩm này; kỹ năng giao tiếp và hỗ trợ khách hàng. Ngoài ra, em còn được đào tạo về kỹ năng phân tích chỉ số kinh doanh, kỹ năng tuyển dụng và tổ chức hội thảo nhằm hỗ trợ các văn phòng tổng đại lý đạt được doanh số tốt nhất. Các phòng ban hỗ trợ kinh doanh khác cũng sẽ có lộ trình đoà tạo riêng cùng những kỹ năng cần thiết để phục vụ công việc của các bạn.
Về cơ hội công tác nước ngoài, hàng năm trụ sở chính của Prudential châu Á nằm ở Hong Kong luôn có những chương trình trao đổi, làm việc ngắn hạn trong khoảng 6-12 tháng dành cho các nhân viên có kết quả hoàn thành công việc xuất sắc. Bên chị tin rằng, đây là cơ hội tốt để các bạn nhân viên có thể học hỏi được nhiều điều mới ở các nước khác và quay về đóng góp cho Prudential Việt Nam. Cơ hội này lại càng mở rộng với các bạn trẻ tham dự chương trình The Strivers - quản trị viên tập sự.
Nếu có thể, mong có thể gặp em tại Prudential trong tương lai.
-
Theo chị, ở độ tuổi bao nhiêu thì có thể bắt đầu startup? Chị có cảm thấy thế nào về việc các bạn trẻ bây giờ khởi nghiệp ngay mà không có thời gian đi làm thuê trước đó?
Startup không giới hạn độ tuổi, tôi đã từng biết rất nhiều startup thành công ở tuổi 60.
Việc các bạn khởi nghiệp ngay sau khi ra trường có mặt thuận lợi và khó khăn riêng của nó. Khi các bạn chưa có kinh nghiệm làm việc ở một tổ chức cụ thể, tư duy và đầu óc của các bạn cởi mở hoàn toàn với thông tin và cách tiếp cận mới. Điều này mang đến cho startup nhiều cơ hội, tuy nhiên như các bạn biết, có đến 90% startup trong tình trạng thất bại hoặc sống dở chết dở.
Kinh nghiệm vận hành và quản lý đóng vai trò rất quan trọng để phát triển một công ty. Những thiếu hụt về kinh nghiệm liên quan rõ ràng là một cản trở lớn mà các bạn trẻ startup cần giải quyết.
-
Em được biết chị trước khi làm agency truyền thông, chị Diệu Cầm đã học ngoại giao và làm tại BNG. Là một sinh viên ĐH Ngoại giao, em muốn hỏi chị việc học ngoại giao đã hỗ trợ chị như thế nào trong quá trình làm công việc truyền thông? Nếu muốn chuyển từ ngoại giao sang làm truyền thông, em cần chuẩn bị những gì?
Lựa chọn khởi nghiệp theo con đường nào là câu hỏi triết học lớn nhất của một người trẻ. Tuổi trẻ của tôi có thể gói trong 2 câu thơ của Lư Quang Vũ:
“Mười bảy tuổi lòng ai không hồi hộp
Ngồi trong rạp hát đợi màn lên”
Ngành ngoại giao với những thách thức về đối ngoại, quốc gia là một đam mê lớn với nhiều bạn trẻ. Tốt nghiệp từ ngành này cho chúng ta một nền tảng vững chắc về giao tiếp, phân tích tình hình và tầm hiểu biết xã hội rộng. Đây cũng chính là bước khởi đầu quan trọng khi bạn chuyển sang ngành truyền thông.
Điều chính yếu không phải là chúng ta bắt đầu từ đâu, từ ngành nào, mà chúng ta cần xây dựng cho mình những đam mê mang đầy năng lượng của tuổi trẻ; sự hồi hộp tích cực để hăng hái bước chân vào tìm hiểu những lĩnh vực mới; không ngừng học hỏi để xây dựng vốn kiến thức chuyên môn và hiểu biết xã hội đa dạng, phong phú và có chiều sâu.
-
Trong quá trình làm về phát triển tổ chức, quản lý và đào tạo nguồn nhân lực, chị có thể chia sẻ cho em và các bạn đọc khác một tình huống khó xử lý và cách mà chị vượt qua nó được không ạ?
Câu hỏi của bạn là một câu khá hóc búa, vì nghề nhân sự luôn gặp phải nhiều hơn một các tình huống khó xử và đa dạng. Nghề nhân sự mang đến cho mình rất nhiều thách thức đặc biệt khi chúng ta còn trẻ và thiếu trải nghiệm. Mình nhớ nhất kỷ niệm khi mình làm việc tại phòng nhân sự của một tập đoàn quốc tế, khi đó mình là giám đốc bộ phận trẻ nhất. Khó khăn nhất của mình là làm thế nào để thuyết phục được các giám đốc bộ phận khác, trong khi họ toàn là người nước ngoài dày dặn tuổi đời và tuổi nghề.
Lúc đầu mình rất hiếu thắng, mỗi khi họ thách thức mình luôn tìm cách chứng minh là mình đúng, điều này dẫn đến quan hệ căng thẳng với một giám đốc bộ phận khác. Khi sự căng thẳng bị đẩy lên đỉnh điểm, mình chợt nhận ra là bản thân chưa làm tốt vai trò kết nối và tư vấn.
Nhiệm vụ của nhân sự là thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác nội bộ. Vì vậy, mình đã bình tĩnh suy xét, cố gắng tìm được mối quan tâm thực sự cũng như nhu cầu của chị giám đốc đó và bộ phận của chị ấy để có cách tiếp cận phù hợp hơn. Mình cùng chị phác thảo những chương trình đào tạo hay chính sách hỗ trợ hiệu quả hoạt động cho bộ phận của chị. Sau một thời gian cố gắng, hai người từ chỗ luôn đối đầu trở nên thân thiết và chị ấy đã luôn ủng hộ nhiệt tình các chương trình, hoạt động mà bộ phận mình khởi xướng.
Bài học rút ra với mình là nhân sự nên tập trung giải quyết vấn đề, tạo mối quan hệ win-win, chứ không phải gây thêm phiền phức cho các bộ phận khác.
-
Em muốn hỏi chị Hà. Em rất thích ngành thiết kế thời trang, nhưng cảm thấy ngành này chỉ có nhiều cơ hội cho các bạn con nhà giàu, vì chi phí học đắt đỏ chưa kể đầu ra trong công việc khó. Chị có thể tư vấn cho em về các công việc có thể làm sau khi học ngành này không ạ?
Chào bạn, tôi rất thích câu hỏi của bạn. Tôi xin thú thật rằng nhà tôi không giàu, tôi cũng không học về thời trang. Hiện tôi đang làm trong ngành này. Trong thời trang, cũng có nhiều loại công việc khác nhau, ngoài thiết kế, stylist, trưng bày hàng hóa, bán hàng, phân phối... bạn có thể làm tài chính, nhân sự, đào tạo... cơ hội rất nhiều, bạn có thể tìm tính chất công việc nào phù hợp với mình nhất để có thể tham gia ngành với sự tự tin và một tương lai sáng lạn.
Hy vọng sớm được có cơ hội làm việc với bạn trong ngành.
-
Theo chị Chi, sinh viên cần trang bị những kiến thức, kỹ năng và thái độ như thế nào để phù hợp và thành công trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ trong tương lai?
Ngành bảo hiểm nhân thọ có tốc độ phát triển nhanh và tiềm năng còn rất lớn. Prudential cũng đang chuyển mình, bước vào giai đoạn “transforming” để có thể bắt kịp các xu hướng mới, như digital, thời đại 4.0, phục vụ khách hàng tốt hơn.
Ngoài kiến thức chuyên môn, tiếng Anh và thái độ làm việc nghiêm túc, các bạn sinh viên nên tìm hiểu thêm về các lĩnh vực hướng mới trên thị trường, sẵn sàng và thích ứng nhanh để có thể nắm bắt được xu hướng thay đổi cùng công ty.
-
Em được biết chị Diệu Cầm là BGK cuộc thi Vietnam Young Lions 2019. Theo chị, sinh viên bước ra từ các giải cao từ cuộc thi này có nhiều % cơ hội vào các agency thuộc nhóm Big Four của ngành quảng cáo không ạ?
Cuộc thi Young Lions là một trong những thước đo uy tín cho những tài năng mới của ngành truyền thông tiếp thị. Yếu tố sáng tạo, sự kết hợp đồng đội, cá tính mạnh mẽ của các bạn trẻ dự thi tạo nên tính hấp dẫn của Young Lions. "Vietnam Young Lions 2019" cho thấy các bạn sinh viên tạo ra niềm hy vọng lớn cho ngành trong vài năm tới.
Là một thành viên của BGK, tôi rất vui và đầy hy vọng về tương lai khi nhìn thấy các bạn sinh viên tích cực tham gia, có những bài dự thi không hề kém cạnh. Các bạn sinh viên thể hiện sự chuyên nghiệp ở lĩnh vực như PR, digital. Cuộc thi năm nay không có giải vàng cho bảng chuyên nghiệp nhưng có giải vàng cho bảng sinh viên.
Có những bạn sinh viên được giải cũng là thực tập sinh tại các agency lớn hoặc bộ phận truyền thông của các doanh nghiệp lớn. Cơ hội nghề nghiệp của các bạn này là khá rõ ràng, thậm chí, một số còn được các doanh nghiệp săn lùng theo chương trình chào đón nhân tài.
-
Nhà tuyển dụng mảng Nhân sự thường sẽ cần những gì ở ứng viên? Lúc còn đi học chị có định hướng rằng mình sẽ làm mảng Nhân sự không? Cơ duyên nào đưa chị đến với Prudential? Em cảm ơn chị!
Như chị đã chia sẻ, ngoài kỹ năng chuyên môn, đáp ứng yêu cầu công việc, nhà tuyển dụng luôn tìm kiếm một ứng viên có thái độ làm việc nghiêm túc và cầu tiến, khả năng thích ứng cao và có thể làm việc nhóm. Prudential mong muốn tìm kiếm các bạn có tố chất phù hợp với các giá trị cốt lỗi - được xem như ADN của công ty, như sự chính trực, tinh thần hợp tác, tư duy sáng tạo và khả năng hoàn thành công việc. Điều này được coi là nền tảng cho toàn bộ nhân viên của Prudential.
Cảm ơn em đã hỏi về con đường sự nghiệp của chị. Lúc học đại học, chị chưa xác định rõ mình muốn theo ngành nhân sự. Tuy nhiên, chị biết mình có điểm mạnh cũng như yêu thích làm việc với con người, và nhân sự là một trong những ngành như vậy. Ra trường, có cơ hội thử sức ở ngành này chị cảm thấy thích và phù hợp. Bởi ngành nhân sự cho chị khám phá tiềm năng của con người, dựa vào đó có thể đưa ra lộ trình phát triển để đưa các bạn nhân viên đến với mục tiêu xa hơn của nghề nghiệp.
Đến với Prudential là một cái duyên trong sự nghiệp của chị. Và may mắn, chị được trao cơ hội để học, thử sức và phát triển rất nhiều kỹ năng trong thời gian làm việc ở đây.
-
Chị Hà cho em hỏi, em muốn theo học ngành tài chính ngân hàng. Nhưng hiện ngành này không còn hot, chị tư vấn giúp em về cơ hội nghề nghiệp tài chính ngân hàng hiện này ạ?
Ở bất cứ quốc gia nào, ngành tài chính - ngân hàng luôn luôn là mạch máu của nền kinh tế, do vậy cho dù công nghệ có phát triển đến đâu, ngành tài chính - ngân hàng sẽ không thể thay thế. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng công nghệ 4.0 đang có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của ngành.
Những công việc liên quan đến vận hành, hành chính, hồ sơ... đang bị thay thế ngày càng nhiều bởi hệ thống và phần mềm thông minh. Tuy nhiên, chúng ta cần thời gian để có thể lập trình máy móc, phần mềm vận hành theo cách mình muốn, trong khi thị trường luôn vận động hàng ngày, hàng giờ. Những bạn làm chủ được máy móc, công nghệ, biến nó phục vụ cho công việc trực tiếp của mình sẽ luôn có chỗ đứng trong ngành ngân hàng và bất cứ ngành nào khác. Không chỉ ở Việt Nam, mà trên toàn thế giới, chúng ta luôn cần những nhân sự tài năng, biết áp dụng thuần thục khoa học, kỹ thuật vào phục vụ công việc.
-
Em thích các công việc liên quan đến viết lách, sáng tạo nội dung nên mong muốn làm ở bộ phận sáng tạo (creative) của các agency. Ngoài thiết kế (creative designer), em có thể chọn hướng nào khác khi làm việc trong mảng này ạ? Ngoài ra, theo nghề Copywriter thì phải học gì và chuẩn bị kỹ năng gì ạ?
Ngành truyền thông tiếp thị ngày nay hướng tới những bạn trẻ đa tài (hybrid talent). Đó là những chuyên gia tư vấn vừa có chuyên môn sâu, vừa dễ dàng linh hoạt chuyển đổi, cập nhật những kỹ năng mới.
Có rất nhiều vị trí trong bộ phận creative của một agency. Ví dụ, ở Ogilvy, nhóm creative chia thành nhóm ideation (lên ý tưởng) và nhóm content studio (sản xuất các nội dung social, mang tính tức thời - real time hoặc liên tục - always on).
Nhóm ideation, có các vị trí giám đốc sáng tạo, phó giám đốc sáng tạo, copywriter, art director...
Ở nhóm content studio, có các vị trí làm nội dung, social designer, graphic designer...
Rất nhiều bạn trưởng thành ở các vị trí creative khởi đầu sự nghiệp từ vai trò copywriter. Với khả năng kể chuyện và tư duy ngôn ngữ phong phú, các bạn dễ dàng thấu hiểu và sáng tạo nên những câu chuyện thương hiệu có chiều sâu. Nếu em thích làm nội dung, em có rất nhiều sự lựa chọn trong công việc.
Một lưu ý nhỏ nhưng vô cùng quan trọng là các bạn cần giỏi ngoại ngữ và xuất sắc về tiếng Việt. Một nghịch lý hiện nay là nhiều bạn chưa biết sử dụng thành thạo tiếng Việt. Đây sẽ là rào cản lớn hạn chế bạn tiến lên những nấc cao hơn trong cơ hội nghề nghiệp.
-
Với vai trò nhà tuyển dụng, chị thấy sinh viên mới tốt nghiệp ở Việt Nam hiện có những ưu điểm và nhược điểm gì? Chị có thể đưa ra vài lời khuyên để giúp các bạn sinh viên khắc phục nhược điểm được không?
Các bạn trẻ hiện nay có ưu điểm là rất năng động, sống có mục đích rõ ràng, làm ra làm, chơi ra chơi, thích trải nghiệm và biết tận hưởng cuộc sống hơn thời của bọn mình. Các bạn có hoài bão nhưng hơi nóng vội, thiếu sự kiên trì và làm việc thiếu chiều sâu, nên dễ dẫn đến mất định hướng, nhảy việc.
Để khắc phục nhược điểm này, các bạn cần xác định được điểm mạnh của mình, từ đó nghiên cứu và lựa chọn cho mình nghề nghiệp phù hợp với năng lực (kiến thức, kỹ năng, khả năng và phẩm chất). Nên kiên trì theo đuổi và đừng ngại việc, ngại đặt câu hỏi với các anh chị đi trước trong ngành, để có thể tiến xa hơn trên nấc thang sự nghiệp của bạn.
-
Chị Chi cho em hỏi học ngành Tài chính ngân hàng thì sẽ có cơ hội làm ở phòng, ban nào của Prudential?
Thông thường, các bạn học tài chính ngân hàng chỉ nghĩ đến công việc tại phòng ban tài chính kế toán của các doanh nghiệp. Tuy nhiên tại Prudential, cơ hội được mở rộng hơn rất nhiều. Các phòng ban như data analytics phân tích chiến lược các kênh kinh doanh hoặc phòng định phí sản phẩm bảo hiểm cũng là mảng chủ chốt của công ty, luôn mở rộng cơ hội cho các bạn sinh viên học tập và làm việc.
Các bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin của phòng ban này trên website của Prudential, cũng như tham gia tour tìm hiểu về Prudential được tổ chức riêng cho các bạn sinh viên, các trường đại học.
-
Em đang học lớp 11 và bố mẹ định hướng theo ngành tài chính vì nghĩ tương lai công việc cho lĩnh vực này sẽ nhiều. Nhưng em tham khảo báo chí, thì thấy nhân lực của tài chính ngân hàng hiện đang thừa, và công việc được tuyển chủ yếu là sale. Em lại không hoạt ngôn đủ để làm sale, chị Hà có thể cho em hỏi là tài chính ngân hàng ngoài sale, em có thể theo đuổi lĩnh vực nào của ngành ạ?
Trong ngành tài chính - ngân hàng có rất nhiều loại công việc khác nhau, thông thường được nhóm vào 3 mảng lớn. Nhóm 1 là nhóm Frontline, sẽ làm việc và tương tác nhiều với khách hàng và đối tác. Nhóm 2 là Back office làm nhiều đến mảng xử lý giấy tờ, hồ sơ dữ liệu và có giao tiếp hạn chế với khách hàng bên ngoài, nhưng vẫn cần giao tiếp với các bộ phận khác trong nội bộ. Nhóm 3 là nhóm Middle office, yêu cầu công việc về cơ bản là cân bằng giữa 2 nhóm trên. Tùy thuộc vào điểm mạnh, điểm yếu cũng như sở thích lâu dài của bản thân, em có thể cân nhắc sự lựa chọn phù hợp nhất với mình.
Lời khuyên của chị là trong xã hội hiện tại, bất cứ ngành nghề, lĩnh vực, công việc nào đều cần phải giao tiếp tốt để có thể thành công. Trong một công việc cụ thể, khi chỉ cần làm với những đồng nghiệp trong team, em cũng cần giao tiếp đủ tốt để nêu rõ các ý tưởng bản thân, bảo vệ chính kiến, biết cách tương tác hiệu quả với những người xung quanh để được việc cho mình. Do vậy, nếu em chưa tự tin về kỹ năng giao tiếp, em nên tìm cơ hội để va chạm, học hỏi và cải thiện, thay vì né tránh. Em còn trẻ, cơ hội trải nghiệm còn rất nhiều, cố gắng lên nhé. Chị chúc em thành công.
-
Em từng xem bộ phim "Thank you for smoking" và thấy nghề lobby ở Mỹ khá thú vị. Tuy nhiên, em vẫn thắc mắc liệu nghề này có ở Việt Nam không và hoạt động như thế nào? Theo chị Diệu Cầm, em nên bắt đầu từ đâu với công việc lobbyst?
Chị gợi ý em có thể xem thêm một số bộ phim khác của Hollywood rất độc đáo về ngành truyền thông như “American Sweetheart", “Maid in Mahattan" hay “House of Cards".
Khái niệm lobby ở Việt Nam không rõ ràng và chính thức. Tuy nhiên, nhiều agency như T&A Ogilvy hoặc ngay trong các doanh nghiệp lớn luôn có bộ phận Quan hệ chính phủ (Government Relations hoặc Government Affairs), phụ trách các vấn đề liên quan đến vận động chính sách, làm việc với chính quyền, chính phủ tại nơi mà doanh nghiệp hoạt động.
Các em học ngoại giao, quan hệ quốc tế, chính sách công, luật… đều có nhiều cơ hội phát triển ở mảng này.
-
Em thích nghề nhân sự nhưng tính cách hướng nội thì có phù hợp không?
Công việc cũng cần chọn người có tính cách phù hợp. Tuy nhiên mỗi nghề đều có những mảng công việc dành riêng cho các nhóm tính cách khác nhau. Thông thường những bạn hướng nội có nội tâm sâu sắc và là người quan tâm đến chi tiết, nên với tính cách này, bạn có thể làm những công việc liên quan đến quản lý hệ thống thông tin nhân sự, phát triển các qui trình, qui định nhân sự hay tổ chức và thiết kế các chương trình đào tạo.
-
Để tìm hiểu về nghề nghiệp ở Prudential Việt Nam, sinh viên nên cập nhật thông tin ở những kênh tin tức nào?
Các bạn có thể tìm hiểu thông tin trên website của Prudential cũng như kênh Vietnamworks.
-
Về chuyên ngành tài chính, em có thể bắt đầu với những vị trí công việc nào cụ thể? Đối với các quyết định đầu tư cho startup, nhà đầu tư tập trung nhất vào phần nào của bài trình bày dự án?
Ngành tài chính - ngân hàng là một ngành rất rộng, tôi có thể liệt kê ngay 100 loại công việc khác nhau cùng lúc mà không khó khăn gì. Khi bạn đặt câu hỏi chung chung như vậy, các chuyên gia sẽ rất khó để có thể giúp đỡ được bạn.
Bạn hãy tìm hiểu thêm về ngành, chọn cho mình một số định hướng mà bạn thấy yêu thích trong dài hạn, phát huy được những sở trường của bản thân, sau đó bạn tìm các chuyên gia trong ngành để xin lời khuyên. Tôi tin khi đó bạn sẽ tìm được câu trả lời hữu ích với mình nhất. Bạn cũng có thể theo dõi fanpage của chương trình tại facebook.com/cheveningvietnamcareermentorship để ứng tuyển vào chương trình, hoặc đọc các bài viết hữu ích trên đó.
Tôi không phải là nhà đầu tư chuyên đầu tư vào startup nên có lẽ câu hỏi này nhường lại cho một người đúng chuyên môn hơn.
-
Em đang tìm hiểu về ngành nhân sự nhưng có băn khoăn về một số nhóm công việc. Chị có thể giải thích Quản trị nhân sự khác Quản trị nguồn nhân lực như thế nào?
Quản trị nguồn nhân lực hay quản trị nhân sự đều là các hoạt động liên quan đến quản lý mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động như thu hút, tuyển dụng, đào tạo, đánh giá, lương thưởng, văn hóa tổ chức bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo tiến trình phát triển của quản trị nguồn nhân lực, cách tiếp cận và tên gọi có những thay đổi :
Nhân viên phúc lợi - 1890 đến 1913
Quản lý lao động - 1914 đến 1939
Quản lý nhân sự - 1945 đến 1979
Quản lý nguồn nhân lực - Những năm 1980 đến 1990
Đối tác kinh doanh nhân sự và nguồn nhân lực - Hiện nay
Quản trị nhân sự mang tính truyền thống, tập trung quản lý nhân viên tại nơi làm việc còn quản lý nguồn nhân lực là cách tiếp cận hiện đại hơn, nhìn nhận quản trị nguồn nhân lực trong tổ chức và mở rộng các công việc mang tính chiến lược hơn như quản lý tài năng.
-
Thưa chị Mai Chi, theo em thấy thì nhận thức của số đông về bảo hiểm vẫn khá tiêu cực. Điều này sẽ tạo ra một số khó khăn nhất định cho những người mới làm nghề (ít khách hàng, doanh số thấp...). Xin hỏi công ty có chính sách hay hoạt động gì để hỗ trợ nhân viên không ạ?
Cảm ơn em về câu hỏi này. Tại Việt Nam, nhận thức về ngành bảo hiểm nhân thọ, đặc biệt là đối với các bạn trẻ trên 30 tuổi, mới lập gia đình ngày càng được nâng cao, vì bảo hiểm nhân thọ có thể giúp các bạn loại trừ những rủi ro về mặt tài chính. Cuộc sống của chúng ta thì có rất nhiều rủi ro như tai nạn, bệnh tật...
Hiện tại, xu hướng kinh doanh đã bắt đầu thay đổi, không chỉ còn là một chiều - tư vấn viên tiếp cận khách hàng, mà khách hàng cũng đã tự chủ động tìm kiếm các thông tin và kết nới với các tư vấn viên để tìm ra sản phẩm bảo hiểm phù hợp cho mình. Đứng từ vai trò của công ty, ngoài việc đào tạo để tư vấn viên có được vốn kiến thức chắc chắn nhất, Prudential cũng tạo nhiều kênh tương tác khác nhau như chat bot, tìm kiếm tư vấn viên và khách hàng phù hợp (match book) nhằm không chỉ hỗ trợ khách hàng, có nhiều thông tin hơn và còn để tư vấn viên có nhiều kênh tương tác khác nhau với các khách hàng tiềm năng.
-
Xin chị cho biết nhà tuyển dụng thường quan tâm đến yếu tố nào nhất của ứng viên: kinh nghiệm, chuyên môn hay thái độ?
Thông thường, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá năng lực ứng viên để đo lường kiến thức, kỹ năng, khả năng và các phẩm chất khác dựa trên yêu cầu công việc. Tuy nhiên để thực hiện được bất kỳ công việc gì, nếu bạn có kỹ năng (skill) mà không có động lực, thái độ phù hợp (will) thì cũng không thể hoàn thành được. Những nhà tuyển dụng như mình có một “câu thần chú”: Recruit for attitude and train for skill - tức là tuyển thái độ và đào tạo kỹ năng. Do vậy, thái độ là yếu tố quyết định.
-
Thưa các chuyên gia, em được biết chương trình Hướng nghiệp Chevening hỗ trợ sinh viên phát triển sự nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Như vậy có nghĩa là tham gia chương trình này, em không cần xin việc sau khi tốt nghiệp đúng không ạ? Cụ thể thì Chevening sẽ hỗ trợ sinh viên bằng cách nào?
Chào em. Câu hỏi của em rất thú vị.
Chị muốn hỏi em rằng em muốn việc chọn người hay người chọn việc? Chị thấy giới trẻ hiện nay rất năng động trong việc hình dung và hiện thực hóa ước mơ công việc của mình. Chương trình hướng nghiệp Chevening sẽ gợi mở cho các ứng viên rất nhiều con đường để các bạn lựa chọn. Khi em sống và làm việc theo lý tưởng và định hướng mình chọn, em sẽ thấy tự tin và hạnh phúc hơn nhiều so với việc được đặt đâu ngồi đấy như các thế hệ trước đây.
Em hãy tự tin để chủ động tìm kiếm và lựa chọn hướng đi của mình, tất nhiên các chuyên gia sẽ giúp ích rất nhiều cho em trong việc tìm ra sự lựa chọn tối ưu cuối cùng. Em hãy theo dõi và ứng tuyển vào chương trình hướng nghiệp Chevening mùa 4 để được hướng dẫn thêm nhé.
-
Hiện nay là xu hướng công dân toàn cầu thì cần có yếu tố creativity, ngành tài chính thì creativity có thể được thể hiện ở cụ thể những công việc nào ạ? Em có thể áp dụng creativity như thế nào?
Cảm ơn em về câu hỏi rất thú vị. Rất nhiều triết gia và nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, nếu bạn vẫn làm những công việc bạn thường làm thì bạn sẽ đạt kết quả bình thường như trước giờ bạn đã có. Nếu bạn muốn có sự phát triển đột phá, bạn phải làm gì đó khác đi. Do vậy, yếu tố creativity luôn vô cùng quan trọng trong không chỉ ngành tài chính, mà bất kỳ ngành nào khác. Khi bạn chủ động, có sự sáng tạo trong cách tiếp cận, có trách nhiệm trong những công việc mà mình được giao, bạn sẽ luôn tạo được sự khác biệt, và công ty của bạn sẽ luôn muốn giữ và phát triển bạn trong đội ngũ cán bộ nòng cốt của mình.
-
Em muốn trở thành một strategic planner (nhà kế hoạch chiến lược), vậy em nên bắt đầu từ đâu và chuẩn bị những gì?
Đây là một hướng đi vô cùng tiềm năng. Hoạch định chiến lược đang là nhu cầu ngày càng gia tăng trong nền kinh tế.
Để trở thành planner, bạn phải có một tư duy logic, kiến thức nền và kinh nghiệm dày dặn. Nhiều planner ở agency bắt đầu sự nghiệp từ công việc nghiên cứu và phân tích thị trường. Đó là khởi đầu tốt, trang bị cho các em các thông tin, kỹ năng và tư duy logic cần thiết để sẵn sàng trở thành “kiến trúc sư” cho các thương hiệu, các dự án sau này.
Ngoài ra, với quá trình chuyển đổi số (digital transformation) hiện nay, planner cần trang bị cho mình những kiến thức cập nhật về social digital để có thể đáp ứng nhu cầu luôn thay đổi của thị trường.
-
Bản thân em cũng muốn theo đuổi nghề nhân sự. Xin hỏi người làm nhân sự cần có những kiến thức và kỹ năng then chốt nào?
Xuất phát từ mục tiêu, người làm nhân sự phải giúp doanh nghiệp tạo được lợi thế cạnh tranh thông qua nguồn lực con người.
Năng lực then chốt cần có bao gồm và không giới hạn ở: - Kiến thức và kỹ năng chuyên môn về quản lý nguồn nhân lực - Khả năng giao tiếp và hợp tác với các đối tác đa dạng (chuyên gia nhân sự sẽ không thể chuyển tải thông tin hay kết nối hiệu quả giữa người lao động, người sử dụng lao động và các bên liên quan nếu giao tiếp không tốt) - Phẩm chất chính trực và công bằng: công việc khó khăn nhất của nhân sự là giải quyết xung đột, để thuyết phục và tạo được ảnh hưởng tới người khác do vậy trước tiên bạn cần chân thành và tạo được niềm tin của người khác nhờ vào tính cách và sự chính trực của bạn - Khả năng học hỏi và cập nhật công nghệ (trước những thách thức của nền Công nghiệp 4.0 như lượng dữ liệu lớn, tốc độ thay đổi nhanh chóng, mô hình kinh doanh mới, các dịch vụ thông minh được kích hoạt bởi các công cụ kỹ thuật số, các chuyên gia nhân sự cần theo kịp xu hướng công nghệ để điều chỉnh cách họ kết nối, tương tác và xử lý công việc). -
Em đang học ngành kế toán, nhưng mong muốn tương lai của em sẽ trở thành giám đốc tài chính, chứ ko dừng ở công việc kế toán cả đời. Chị Hà cho em xin lời khuyên về roadmap công việc trong những năm tiếp theo của em nên như thế nào ạ?
Nếu chỉ nói riêng về ngành tài chính không thôi, bạn đã có thể dễ dàng có hơn 10 lựa chọn công việc để theo đuổi rồi. Khi chưa hiểu rõ bạn, tôi sẽ không chắc kế toán hay tài chính có phải là sự lựa chọn tốt nhất và phù hợp nhất với bạn hay không?
Do vậy, để chắc chắn tìm được một hướng đi chuẩn và lâu dài, tôi khuyến khích bạn ứng tuyển vào chương trình mùa 4 để tìm câu trả lời chuẩn xác nhất nhé.
Chúc bạn may mắn.
-
Em chào chị Phương Anh. Hiện em thấy trừ một số doanh nghiệp lớn, còn hầu hết doanh nghiệp tư nhân nhỏ chưa chú trọng đến vấn đề nhân sự và đào tạo nguồn nhân lực. Em đã làm qua một vài công ty nhỏ nhưng cảm thấy không thể phát huy được hết khả năng bản thân trong công việc. Giờ em đang đứng trước lựa chọn của việc tiếp tục nghỉ và tìm kiếm môi trường mới, hoặc ở lại và cố gắng thay đổi nhận thức cả bộ máy về vấn đề nhân sự. Chị có thể cho em lời khuyên được không?
Lời khuyên của mình là bạn nên làm ở môi trường mà bạn được đóng góp công sức (contribution), mang lại giá trị (value) cho doanh nghiệp, và khi ra đi thì để lại di sản (legacy) cho người kế nhiệm. Do vậy nếu bạn cảm thấy mình còn có thể đóng góp cho doanh nghiệp hiện tại, thì bạn đừng bỏ cuộc nhé.
-
Cho em hỏi chị Hà, vì sao chị lại chuyển từ tài chính - ngân hàng sang nhân sự, và giờ lại làm chủ lĩnh vực thời trang trẻ em? Chị có thấy khó khăn gì khi đổi sang một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ không ạ?
Cuộc sống luôn có nhiều điều thú vị mà chị muốn tìm hiểu và khám phá. Việc chuyển từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác đánh dấu những cột mốc quan trọng trong cuộc sống của chị. Điều tích cực là tất cả kiến thức chị thu lượm được ở các lĩnh vực trước đây đều bổ trợ rất nhiều cho công việc hiện tại của chị.
Khi em được làm công việc em thích thì sự khó khăn và mệt mỏi sẽ dễ dàng qua đi, và trong trường hợp này, chị rất hài lòng về công việc của chị, và hạnh phúc với công việc.
-
Hiện tại em là sinh viên năm 3 Đại học Ngoại Thương. Trong quá trình học môn Quản trị nguồn nhân lực em cảm thấy rất hứng thú và muốn xác định đây là nghề để theo đuổi từ bây giờ. Em muốn tìm kiếm công việc parttime trong lĩnh vực này. Có hai lựa chọn giữa một công ty mới/ startup có hệ thống chưa hoàn chỉnh và công ty lớn đã phát triển và hoạt động Nhân sự đã đi vào quy trình. Nhờ chị Phương Anh cho em lời khuyên nên chọn hướng nào ạ?
Chị nghĩ là ưu điểm của việc làm startup là bạn sẽ có cơ hội thử sức và trải nghiệm đa dạng lĩnh vực của quản trị nhân lực, từ đó có cơ hội sáng tạo cao hơn. Còn làm việc ở công ty lớn đã phát triển thì bạn sẽ được học chuyên sâu về các hệ thống và quy trình, theo chuẩn mực của công ty. Quyết định sẽ tùy thuộc vào việc bạn muốn được học gì và được làm gì trong doanh nghiệp.
-
Người ta thường nói làm việc tại agency cực kỳ căng thẳng và thiếu cân bằng trong cuộc sống. Chị đã làm thế nào để cân bằng giữa công việc và cuộc sống, cũng như đạt được thành công như hôm nay?
Bạn nói rất đúng! Agency là một môi trường vô cùng thách thức, đôi khi, khiến người ta phải than thở, việc “đè chết người". Đồng thời, đây cũng là môi trường vô cùng hấp dẫn khi mỗi ngày là một ngày mới, mỗi khách hàng là một thách thức riêng biệt, mỗi đồng nghiệp là một nguồn cảm hứng, mỗi công việc là một cơ hội học tập, mỗi thành quả đều xứng đáng để ăn mừng.
Chính điều đó tạo nên sự cân bằng. Tình yêu với công việc, niềm đam mê với những kiến thức mới, sự gắn kết với những đồng nghiệp tài năng, sự tương tác với các ý tưởng sáng tạo làm thay đổi xã hội giúp bạn duy trì niềm đam mê, đạt tới trạng thái cân bằng trong cảm xúc khi hiện thực hoá được ước mơ của mình.
Lời khuyên cơ bản nhất của tôi là hãy biến đam mê thành tài năng, hãy tận hưởng những nguồn kiến thức và năng lượng mới, hãy duy trì cuộc sống năng động, khoẻ mạnh, kết nối với bạn bè, đồng nghiệp, gia đình. Như vậy, chúng ta sẽ luôn duy trì được sự cân bằng.
-
Chị có thể chia sẻ những thách thức mà một người làm PR phải đối mặt?
Đầu tiên, không phải ai cũng hiểu PR là gì. Họ chỉ hiểu đơn giản người làm PR sẽ giúp bạn viết bài, đăng báo hoặc xử lý sự cố truyền thông.
Thứ hai, công nghệ thay đổi liên tục, khách hàng luôn đòi hỏi những điều mới mẻ, nếu không học hỏi, các bạn sẽ tụt hậu.
Môi trường làm nghề rất khắc nghiệt và áp lực. Nếu làm ở agency, áp lực này còn lớn hơn nhiều vì áp lực đến từ nhiều khách hàng, nhiều vấn đề khác nhau cần quản lý và xử lý. Các yếu tố này đòi hỏi khả năng thích nghi cao và sức bền.
Chưa kể, với nhiều nhóm ngành, người làm quan hệ công chúng thường xuyên phải đương đầu với các rủi ro bất ngờ. Trong trường hợp đó, các bạn phải có kỹ năng giải quyết vấn đề nhanh chóng. Kỹ năng nay vừa cần được đào tạo, vừa cần có thực hành.
-
Sinh viên ngành tài chính - ngân hàng, không có nhiều kiến thức về quản trị kinh doanh, làm cách nào để có thể start-up thành công như chị?
Nhiều khảo sát trong ngoài nước đã chỉ ra rằng chỉ có khoảng 10% start up là thành công, 90% còn lại hoặc sống dở, chết dở hoặc thất bại.
Để rơi vào được nhóm 10% cần hội tụ nhiều yếu tố, kiến thức quản trị kinh doanh chỉ là một phần hết sức nhỏ bé trong chiếc rổ hành trình của bạn.
Hãy đi làm, tích lũy càng nhiều kiến thức, kinh nghiệm càng tốt. Bạn cần đảm bảo một sự chuẩn bị vững chắc về cả tinh thần và vật chất trước khi bạn start up vì đấy sẽ là con đường chông gai và lâu dài.
Start up không bao giờ là quá muộn, bạn có thể bắt đầu khi bạn thực sự sẵn sàng, không nhất thiệt vội vàng làm ngay khi ra trường nhé!
-
Chị Chi cho em hỏi bảo hiểm nhân thọ có những mảng chính nào và mảng nào đòi hỏi kỹ năng cao nhất?
Các bạn sinh viên thừng biết tới ngành bảo hiểm nhân thọ qua phòng kinh doanh vì đây là bộ phận tiếp xúc khách hàng nhiều nhất. Tuy nhiên, giống như bất kỳ tổ chức nào, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có nhiều phòng ban khác nhau để có thể vận hành tố chức: Từ các bộ phận như giao dịch bảo hiểm, phòng công nghệ thông tin, tới các bộ phận hỗ trợ kinh doanh, hay khối hành chính văn phòng như marketing, truyền thông, tài chính kế toán hay nhân sự.
Ngoài những mảng chị đã kể trên, ngành bảo hiểm nhân sự sẽ có mảng đặc thù, yêu cầu kỹ năng chuyên môn, riêng biệt như ngành định phí các sản phẩm bảo hiểm - một ngành còn mới tại Việt Nam. Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, còn có đội ngũ các y bác sĩ, những người thẩm định hồ sơ sức khẻo của khách hàng hoặc giám định các yêu cầu bồi thường. Bộ phận này thường yêu cầu các bạn tốt nghiệp Đại học Y dược, nhằm đảm bảo chất lượng giám định y khoa của khách hàng.
-
Mở doanh nghiệp riêng và thành công không phải là điều dễ dàng, chị có thể chia sẻ một số thách thức và vài bài học rút ra cho các bạn sinh viên mong muốn đi theo con đường làm doanh nghiệp riêng?
Thách thức lớn nhất của làm startup là trong giai đoạn đầu những nhà sáng lập phải tự làm và phải “cố” làm giỏi gần như mọi thứ. Ngoài ý tưởng kinh doanh, bạn phải xây dựng quy trình, kiểm soát chất lượng sản phẩm, dịch vụ, làm marketing, thương hiệu, phân phối, bán hàng, tuyển dụng và quản lý nhân sự …
Bạn phải vượt qua được giai đoạn quá độ này trước khi bạn xây dựng được “cơ ngơi”, đủ tiềm lực tài chính để có thể chiêu mộ được người giỏi chuyên môn hơn bạn vào làm và đóng góp cho sự phát triển của công ty.
Vấn đề tiến thoái lưỡng nan là ở chỗ, ở giai đoạn đầu bạn lại luôn cần yếu tố ở giai đoạn sau, tức là nhân sự và tài chính mạnh, để có thể bứt phá được. Phải khéo léo để tình trạng “quả trứng và con gà” càng ngắn càng tốt.
Vất vả, nhưng làm startup cũng nhiều điều thú vị, đó là sân chơi của riêng bạn, bạn vận hành theo cách bạn muốn, cách đó có thể không giống cách đa số vẫn làm, bạn không được ủng hộ, nhưng vẫn có khả năng mang lại thành công cho bạn.
-
Theo chị, tiềm năng phát triển của truyền thông tại thị trường Việt Nam như thế nào so với trước đây và các nước trong khu vực?
Các chuyên gia truyền thông có vai trò ngày càng quan trọng trong bối cảnh kinh doanh biến đổi nhanh chóng và cạnh tranh ngày nay. Từ vị trí truyền tải thông tin, đối nội, đối ngoại thông thường trước đây, lãnh đạo bộ phận truyền thông của một doanh nghiệp ngày nay có một chỗ ngồi quan trọng trong bàn tròn chiến lược của các lãnh đạo doanh nghiệp.
Truyền thông là một bộ phận không thể tách rời của hoạt động hoach định chiến lược, triển khai kế hoạch, xây dựng thương hiệu, tiếp cận thị trường, phát triển bán hàng, thu hút nhân tài, ổn định nội bộ...
Các công cụ số hoá giúp hoạt động truyền thông xây dựng và chuyển tải được những câu chuyện độc đáo và thiết thực hơn, lan toả mạnh mẽ, rộng rãi và nhanh chóng hơn, đồng thời, đo lường được phản ứng để điều chỉnh cho phù hợp. Nền tảng thương mại số cũng giúp hoạt động truyền thông trở thành một bộ phận không thể tách rời của bộ phận bán hàng. Nền tảng số tại Việt Nam không hề kém cạnh các nước trong khu vực, tốc độ phổ cập Internet thậm chí còn dẫn đầu. Đây là cơ sở giúp ngành truyền thông của Việt Nam bùng nổ với tốc độ cao so với mặt bằng chung trong khu vực.
Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý về chiều sâu, những tác động tích cực ảnh hưởng đến xã hội, tính chuyên môn hoá, tính đổi mới, tiếp cận những xu hướng dẫn đầu mà các thị trường có ngành truyền thông phát triển mạnh mẽ như Trung Quốc, Singapore, Thái Lan đã và đang thực hiện.
-
Trong quá trình làm mentee ngành Nghiên cứu kinh tế của CVCM, nếu em muốn thay đổi định hướng của mình sang ngành khác, thì chương trình có thể hỗ trợ em được chuyển sang mentor ngành khác được không?
Cảm ơn bạn đã đạt câu hỏi.
Câu hỏi này có liên quan đến câu hỏi “tiêu chí lựa chọn mentee”. Như tôi đã nói, chúng tôi tìm ứng viên “tiềm năng”, không phải ứng viên giỏi nhất và đã biết định hướng rõ ràng.
Các bạn không chắc về định hướng cuối cùng của mình, các bạn mới cần thử và mong muốn ứng tuyển vào chương trình để tìm kiếm sự giúp đỡ và tìm ra câu trả lời cho mình. Do đó việc bạn tìm hiểu một định hướng, thử nghiệm định hướng đó và phát hiện ra là công việc mình chọn không thực sự phù hợp như mình nghĩ cũng là một thực tế bình thường. Chúng tôi cởi mở với các trường hợp tương tự trong quá trình mentoring cho các sinh viên.
Nhìn trước vấn đề này nên các mentor tham gia vào chương trình CVCM đều là các anh chị có kinh nghiệm dày dặn và phong phú. Do vậy, khi các bạn muốn chuyển định hướng khác, nhiều khả năng chính mentor hiện tại có thể hướng dẫn hoàn toàn, hoặc có thể kết hợp với một Mentor khác có chuyên ngành liên quan cùng hướng dẫn.
Điều cốt lõi chúng tôi muốn bạn đạt được là bạn hãy phát hiện ra là “mình không hợp và muốn chuyển hướng” sớm nhất có thể và tuyệt vời nhất là nhận ra điều này khi bạn chính thức đi làm. Việc hạn chế nhảy việc sẽ giúp bạn, người tuyển dụng lao động và xã hội tiết kiệm được rất nhiều nguồn lực và có cơ hội nhiều hơn tập trung vào sự cống hiến và tăng trưởng.
-
Lý do gì khiến chị bỏ ngành tài chính ngân hàng về làm kinh doanh riêng ạ?
Tôi không “bỏ” ngành tài chính. Với vai trò đầu tàu trong công việc kinh doanh hiện tại, tôi thường xuyên làm về tài chính. Chỉ có điều tôi chọn một sân chơi mới, nhiều tò mò và thú vị hơn tại thời điểm này để “trải nghiệm về tài chính” mà thôi.
-
Em xin hỏi Diệu Cầm, những agency lớn như Ogilvy có nhận sinh viên mới ra trường không? Em cần chuẩn bị những gì để có thể làm việc tại các global agency?
T&A Ogilvy duy trì gần 2 thập kỷ qua, từ những ngày đầu tiên, chương trình thực tập sinh cho các bạn sinh viên hoặc các sinh viên mới ra trường. Chúng tôi luôn đón chào những tài năng mới. Chúng tôi cũng phối hợp với nhiều trường đại học trong nước và quốc tế tại Việt Nam để tư vẫn xây dựng ngành học, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ kiến thức thực hành cho sinh viên, tiếp nhận các bạn sinh viên và phát triển họ thành đội ngũ kế cận.
Chúng tôi hiện có một số bạn lãnh đạo trong công ty có thương hiệu nổi trội là "siêu thực tập sinh" đi cùng chúng tôi cả con đường 5 năm, từ sinh viên thực tập đến freelancer rồi nhân viên chính thức, trưởng nhóm và lãnh đạo cả một bộ phận kinh doanh.
Đó là một trong những con đường phổ biến nhất để bạn có thể thành công ở một global agency, có đòi hỏi gắt gao về đầu vào, tiêu chuẩn chất lượng cao về phát triển nguồn nhân lực và một nền văn hoá doanh nghiệp mạnh mẽ, đặc thù.
Là một sinh viên, bạn hãy tích cực tìm kiếm cơ hội làm việc khi chủ động đăng ký các chương trình thực tập của chúng tôi từ những năm đầu ngồi trên ghế nhà trường. Chúng tôi thậm chí còn nhận được đơn đăng ký từ các em học sinh trung học chỉ để được quan sát một agency chuyên nghiệp hoạt động như thế nào, giúp em viết bài luận xin học bổng vào trường đại học nước ngoài.
Bạn cũng nên không ngừng tìm hiểu những vấn đề xã hội, những nền tảng social media mới nhất, những chương trình truyền thông thành công trong nước và quốc tế, dành thời gian rảnh theo dõi báo chí, vào các trang website chuyên ngành để học hỏi, tự xây dựng cho mình vốn hiểu biết thực tế.
Tóm lược lại, đây là ngành 80% thực hành, 20% lý luận, nên bạn hãy bắt đầu ngay từ lúc này, tìm kiếm cơ hội thực hành dù nhỏ nhất có thể.
Chương trình Tư vấn Hướng nghiệp Chevening Việt Nam ra đời từ năm 2016, là sáng kiến xã hội của mạng lưới du học sinh được học bổng Chevening tại Việt Nam. Được bảo trợ bởi Đại sứ quán Anh và hỗ trợ bởi mạng lưới hơn 400 Chevening alumni, đây là chương trình hướng nghiệp phi lợi nhuận đầu tiên tại Việt Nam theo phương thức một kèm một. Mentor của chương trình là những lãnh đạo cấp cao và chuyên gia uy tín trong các lĩnh vực trọng tâm, nhằm hỗ trợ những sinh viên tiềm năng, có định hướng và muốn phát triển sự nghiệp ngay khi đang theo học đại học.