Tiến cận thế giới
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý học đường Hà Nội, Hiệu trưởng THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng: Bộ GD&ĐT mới công bố chương trình tổng thể, chưa cụ thể từng môn. Tuy nhiên có thể thấy, chương trình tổng thể này nhiều tiến bộ, hợp lý, khoa học và đã tiếp cận thế giới.
TS Nguyễn Tùng Lâm. Ảnh: Lê Phan. |
Chương trình hiện hành đồng nhất hóa học sinh, như thế là lạc hậu và ôm đồm. Với chương trình mới, ở bậc THPT, học sinh được học theo sở thích, sở trường của mình. Như vậy, chúng ta định hướng được khả năng của người học và rất phù hợp xu thế chung của thời đại.
Nâng cao trình độ giáo viên
GS Nguyễn Vũ Lương, Hiệu trưởng THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội): Thế giới đã làm chương trình này cách đây nhiều năm. Để đạt được mục tiêu đề ra, chúng ta phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đồng thời nâng cao trình độ của giáo viên.
Thực ra, chương trình mới cũng không khó. Tôi đã đọc chương trình của Singapore và Anh, thấy không khó hơn của Việt Nam. Giáo viên chỉ cần cố gắng là được.
Ở THCS, việc dạy tích hợp không gây khó khăn cho giáo viên. Tuy nhiên, quá trình đào tạo một con người không phải ngày một ngày hai.
Chương trình mới có cái hay là không chỉ giáo viên phải đọc mà cả phụ huynh quan tâm giáo dục cũng phải đọc. Hạn chế hiện nay là giáo viên của chúng ta ít đọc sách. Tôi không dám đặt ý nghĩ chủ quan của mình nhưng quyết tâm là làm được.
Cấp THPT dạy phân hóa là phù hợp mục tiêu của giáo dục hiện nay. Chương trình mới đã sắp xếp lại một cách hiệu quả, khoa học hơn các môn học.
Loại bỏ phần không cần thiết
PGS Đỗ Ngọc Thống - Vụ phó Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT): Cách đây 15 năm, chúng ta đề ra phát triển năng lực cho học sinh nhưng chưa hoàn chỉnh như bây giờ. Nhận thức về hình thành kỹ năng và năng lực của chương trình năm 2000 chưa đạt.
PGS Đỗ Ngọc Thống. Ảnh: Lê Phan. |
Đó là chủ trương đúng nhưng trong quá trình thực hiện chúng ta chưa làm được. Ngay cả sách giáo khoa cũng chưa soạn theo tinh thần tổng quát, vẫn theo hệ thống câu hỏi cũ, chưa ý thức hết được năng lực cảm thụ của học sinh.
Lần đổi mới này sẽ loại bỏ những phần không cần thiết, và sẽ đưa những thứ thiết thực giúp phát triển phẩm chất năng lực của người học.
Về cơ bản, những nội dung khoa học phổ thông không thay đổi, nhưng thay đổi mạnh là cách tiếp cận, phương pháp ứng dụng, phương pháp dạy. Cách hình thành yêu cầu vận dụng rất khác.
Các trường sư phạm phải vào cuộc
GS Đinh Quang Báo – nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội, thường trực Ban đổi mới chương trình: Xưa nay, giáo viên chỉ dạy đơn lẻ, do vậy kiến thức đơn lẻ. Chương trình đổi mới, các trường sư phạm phải dạy tích hợp, kiến thức liên thông, liên kết với nhau. Làm sao để giáo viên có kiến thức rộng, tự định vị được những kiến thức để truyền cho học sinh?
GS Đinh Quang Báo. Ảnh: Lê Phan. |
Cách đây 1 năm, các trường sư phạm đã bắt đầu triển khai, có những ý tưởng ban đầu. Trong đó, giáo viên phải được đào tạo trên nền tri thức rộng hơn.
Có thể hình dung ngắn gọn, trước đây, chúng ta có cấp đào tạo giáo viên dạy THPT (các trường đại học đào tạo) và dạy THCS (các trường cao đẳng đào tạo), với chương trình mới, sẽ có sự phân công và bản thân giáo viên phải có năng lực dạy được cả hai cấp.