Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyên gia gỡ rối khi 'tuổi teen nhắn tin gợi dục'

Các chuyên gia tâm lý tư vấn về cách ứng xử khi cha mẹ phát hiện con gửi tin nhắn, hình ảnh, phim gợi tình cho người khác.

Con số 15% học sinh, sinh viên (HSSV) thừa nhận từng gửi tin nhắn, hình ảnh, phim gợi cảm cho người khác (gọi là hành vi sexting - PV) khiến nhiều phụ huynh giật mình.

Tuổi teen nhắn tin gợi cảm là chuyện thường...

Lý giải về hiện tượng sexting của các em HSSV - thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thanh Đoàn cho biết, ở vào lứa tuổi này, các em bước vào tuổi dậy thì nên bắt đầu có dấu hiệu tình cảm nam nữ, có cảm xúc về giới tính do đó, chuyện nhắn tin hay gửi các hình ảnh gợi cảm là chuyện bình thường.

Tuy nhiên, ông Đoàn cho rằng, nếu như hành vi này lặp đi lặp lại một cách thường xuyên thì rõ ràng là các em đang có dấu hiệu bị ám thị về tình dục. Lúc này, cha mẹ cần có biện pháp giáo dục kịp thời nếu không có thể dẫn tới việc quan hệ tình dục sớm và nhiều hệ lụy sau đó.

tin nhan goi duc anh 1

Cha mẹ nên làm bạn với con cái thay vì cấm đoán khi phát hiện con cái có hành vi sexting.

"Nếu như bố mẹ có vô tình nhìn thấy con có hành vi đó cũng đừng quá tức giận hay gay gắt, quay sang chì chiết. Đó là nhu cầu bình thường của đứa trẻ về tâm lý và sinh lý"- ông Đoàn nói.

Trong các trường hợp như vậy, cha mẹ nên coi đó là "cơ hội" để dạy con về giới tính, tình yêu, tình dục và các mối quan hệ trong hôn nhân sau này. Bố mẹ phải cởi mở với con thì con mới tâm sự...

Ông Đoàn cũng khuyến cáo, thái độ đúng đắn nhất của cha mẹ trong chuyện này không phải là cấm đoán mà nên "đi cùng con cái" để giúp con cái nhận thức đúng đắn vấn đề và các yếu tố nguy cơ của hành vi của mình. 

"Thay vì cấm các em trai sử dụng bao cao su, chúng ta nên dạy cho các em sử dụng bao cao su đúng cách. Quan điểm của tôi về giáo dục giới tính là như vậy", ông Đoàn gợi mở.

Đồng quan điểm TS Trần Thành Nam, tác giả của nghiên cứu cũng khuyến cáo, khi phát hiện các con có hành vi sexting, cha mẹ không nên cấm đoán, bởi cấm đoán sẽ càng làm các em thêm tò mò.

"Khi bắt gặp con cái gửi ảnh hay share các hình ảnh gợi cảm lên mạng thì các bậc phụ huynh cần hiểu được rằng con bắt đầu quan tâm tới chuyện này. Do đó, đây là giai đoạn cần phải nói chuyện với con về vấn đề này một cách nghiêm túc", TS Nam cho hay.

TS Nam cho rằng, các bậc cha mẹ nên nói chuyện để các em có thêm kiến thức cũng như các nguy cơ có thể gặp phải do hành vi gửi tin nhắn, hình ảnh nhạy cảm trên mạng.

"Chẳng hạn các bậc cha mẹ có thể nói với con rằng, việc con gửi các tin nhắn hình ảnh trên mạng có bị phán tán và đó là một hành vi vi phạm pháp luật"- TS Nam nói.

Bắt gặp mới giải thích là muộn

Trong khi đó, PGS. TS Trần Thu Hương, phó Trưởng Khoa Tâm lý (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho rằng, việc giải thích cho con về vấn đề giới tính và những yếu tố nguy cơ của hành vi sexting không nên để tới lúc bắt gặp mới giải thích.

tin nhan goi duc anh 2

TS Trần Thành Nam, ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) tác giả của nghiên cứu.

PGS Hương cho biết, tuổi dậy thì của các em hiện nay có đã sớm hơn tuổi 14-15. Khi bước vào độ tuổi này, các em bắt đầu cảm nhận sự thu hút với những người khác về giới tính. Do đó, PGS Hương cho rằng, không nếu đợi tới lúc bắt gặp con có hành vi sexting thì mới giải thích sẽ không giúp các con hình dung hết mọi chuyện. 

"Các bậc cha mẹ nên bắt đầu làm chuyện này sớm hơn", PGS Hương khuyến cáo.

PGS Hương cũng cho rằng, thay vì tức giận và cấm đoán các con, cha mẹ nên trở thành người bạn của con, tâm sự để giúp các con hình dung được hệ quả đằng sau hành vi của mình.

"Việc tức giận, ngăn cấm của cha mẹ thực tế không giúp con nhận thức được hậu quả của hành vi. Chúng sẽ tiếp tục giấu cha mẹ để thực hiện hành vi của mình. Phụ huynh sẽ không thể kiểm soát hết được việc làm của các con", PGS Hương nhận định.

"Việc nhắn tin, gửi ảnh chỉ là nhắn tin, gửi ảnh thôi, chưa có hệ quả gì nghiêm trọng. Nhưng tiếp sau nó là những hành vi tiêu cực có thể xảy ra mới là vấn đề. Do đó, việc ngăn chặn của bố mẹ là phải ngăn chặn hệ lụy đằng sau nó chứ không phải chuyện các con có nhắn tin nữa hay không", PGS Hương khuyến nghị.

15% chưa phải là con số phản ánh đầy đủ thực tế

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Đoàn cho rằng, việc tỷ lệ 15% các em học sinh thừa nhận từng nhắn tin gợi tình với người khác là bình thường. Tuy nhiên, theo ông Đoàn, hướng nghiên cứu tiếp theo nên làm rõ tỉ lệ này ở từng nhóm đối tượng lứa tuổi cụ thể như thế nào.

"Nếu ở lứa tuổi lớp 6 mà tỉ lệ 15% các em có hiện tượng nhắn tin, gửi hình ảnh gợi tình cho bạn thì rõ ràng là rất đáng báo động. Tuy nhiên, ở lớp 9, các em đã trưởng thành hơn và ý thức rõ hơn về giới tính thì con số này lại khá bình thường".

Trong khi đó, PGS. TS Trần Thu Hương cho rằng, con số 15% học sinh, sinh viên có hành vi sexting hoàn toàn không phải là con số bất ngờ với giới nghiên cứu tâm lý học. Bởi lẽ, trong thực tế, con số có thể còn lớn hơn.

"Các học sinh THPT rất nhiều bạn đã có mối quan hệ với các bạn khác giới rồi. Do vậy, việc các em học sinh THCS có hành vi gửi tin nhắn, gửi ảnh là chuyện bình thường. Và con số 15% có thể chưa phản ánh chân thực suy nghĩ của các em", PGS Hương nhận định.

'Chết đứng' vì phát hiện con tuổi teen xem phim sex

Thấy con trai (14 tuổi) đã ngủ mà điện thoại vẫn sáng lấp lóe trong chăn, chị Hà liền lấy ra xem. Chị chết đứng khi thấy trên màn hình đang chiếu cảnh nóng của một đôi nam nữ.

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tam-ly/306944/chuyen-gia-go-roi-khi-tuoi-teen-nhan-tin-goi-duc.html

Theo Lê Văn/Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm