Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Chuyên gia số một thế giới chỉ ra lý do người trẻ Việt đột quỵ

Số ca đột quỵ ở người trẻ tại Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng, để lại hậu quả nặng nề. Theo GS Valery Feigin, một trong những nguyên nhân đến từ lối sống không lành mạnh.

GS Valery Feigin, 70 tuổi, là Giám đốc Viện Quốc gia về Đột quỵ và Khoa học Thần kinh Ứng dụng (NISAN) thuộc Đại học Công nghệ Aukland (New Zealand). Ông là người tiên phong trong những nghiên cứu khoa học về đột quỵ, tim mạch, tiểu đường và suy giảm trí nhớ.

Nghiên cứu hơn 40 năm, GS Feigin là tác giả của hơn 800 ấn bản học thuật, 12 sổ tay, 24 quyển sách và 4 bằng sáng chế. Ông thuộc nhóm 1% nhà khoa học có nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất thế giới trong năm 2018, 2020, 2021 và 2022. Theo Web of Science, cứ 12 phút thì có 1 nghiên cứu của ông được trích dẫn.

Trong cuộc trò chuyện với Tri Thức - Znews, GS Feigin phân tích tình trạng đột quỵ ngày càng trẻ hóa tại Việt Nam, đồng thời đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm giảm một nửa số ca mắc bệnh trong tương lai.

Tỷ lệ đột quỵ đáng quan tâm ở người trẻ

- Giáo sư đánh giá như thế nào về tình trạng gia tăng đột quỵ ở người trẻ trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam?

- Tỷ lệ đột quỵ tổng thể đang có xu hướng giảm, nhưng thập kỷ qua lại chứng kiến sự gia tăng đáng kể các ca đột quỵ ở người trẻ, bao gồm tại Việt Nam.

Dữ liệu từ Nghiên cứu Gánh nặng Bệnh tật Toàn cầu (GBD) cho thấy tỷ lệ đột quỵ đáng báo động ở những người dưới 70 tuổi – nhóm mà tôi gọi là dân số trong độ tuổi lao động. Khoảng 53% tổng số ca đột quỵ xảy ra ở nhóm này, và phần lớn là ở người trẻ. Đột quỵ giờ đây không còn chỉ là căn bệnh của người già, đánh dấu một sự thay đổi lớn về dịch tễ học so với 20-30 năm trước.

Điều này cho thấy chúng ta đang phải đối mặt với một thách thức y tế công cộng mới. Nếu không có các biện pháp can thiệp kịp thời, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ có thể tiếp tục tăng cao, kéo theo nhiều hệ lụy về kinh tế và xã hội.

- Theo ông, những yếu tố nào đang góp phần làm tăng số ca đột quỵ ở người trẻ?

- Một trong những nguyên nhân chính là lối sống không lành mạnh, với tình trạng ít vận động, ăn uống thiếu khoa học và bệnh tăng huyết áp ngày càng phổ biến ở người trẻ. Đây là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến đột quỵ, đặc biệt khi không được kiểm soát kịp thời.

Hiện tượng lạm dụng các chất kích thích như ma túy và amphetamine cũng đáng báo động. Những chất này gây tổn thương trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương, làm tăng nguy cơ đột quỵ, đặc biệt là đột quỵ xuất huyết não do sự tăng áp lực trong hệ mạch máu não.

Đột quỵ giờ đây không còn chỉ là căn bệnh của người già

GS Valery Feigin

Ngoài ra, sự gia tăng tiêu thụ thức ăn nhanh tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đang dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì ở giới trẻ. Đây là vấn đề nghiêm trọng, bởi thừa cân và béo phì không chỉ làm tăng nguy cơ đột quỵ mà còn gây ra các bệnh lý mạn tính khác như tiểu đường, rối loạn lipid máu, tim mạch và ung thư.

Thậm chí, trẻ em hiện nay cũng nằm trong nhóm đối tượng nguy cơ, khi nhiều em đã xuất hiện các dấu hiệu của hội chứng chuyển hóa từ rất sớm.

Đáng chú ý, các chiến lược phòng ngừa đột quỵ ban đầu hiện nay vẫn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Việc thiếu các chương trình giáo dục sức khỏe phù hợp, cùng với sự hạn chế trong tiếp cận y tế ở một số khu vực, khiến việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tiểu đường, hoặc rối loạn lipid máu chưa được thực hiện triệt để.

dot quy o nguoi tre anh 1

Bản đồ tỷ lệ đột quỵ ước tính trên 100.000 dân của các quốc gia trên thế giới, Việt Nam nằm trong số những nước có màu đỏ đậm nhất. Ảnh: Lancet.

- Vì sao ông cho rằng chiến lược phòng ngừa ban đầu chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng?

- Hầu hết người trẻ bỏ lỡ cơ hội phòng ngừa đột quỵ sớm vì được đánh giá có nguy cơ tim mạch thấp, dưới ngưỡng cần can thiệp, dù vẫn tồn tại các yếu tố nguy cơ lớn như hút thuốc hay cao huyết áp.

Ví dụ, một người đàn ông 40 tuổi, hút thuốc và bị cao huyết áp có thể không được xếp vào nhóm nguy cơ cao theo mô hình hiện tại, dẫn đến việc bỏ qua các biện pháp phòng ngừa kịp thời, dù cao huyết áp là yếu tố nguy cơ độc lập mạnh mẽ.

Chiến lược hiện nay tập trung quá nhiều vào nhóm nguy cơ tim mạch cao, bỏ sót những người trẻ có nguy cơ tiềm ẩn, gây mất cân bằng trong quản lý rủi ro. Ngoài ra, một số hệ thống y tế chưa chú trọng đúng mức đến các yếu tố nguy cơ đột quỵ độc lập như hút thuốc và cao huyết áp ở người trẻ.

Cho đến gần đây, chưa có nhiều công cụ số hóa dựa trên bằng chứng để hỗ trợ phòng ngừa đột quỵ hiệu quả. Hiện tại, chỉ một công cụ đã được xác thực là phần mềm PreventS-MD, do nhóm nghiên cứu của chúng tôi tại Đại học Công nghệ Auckland phát triển và cung cấp để triển khai trên toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam. Điều này đòi hỏi thay đổi mô hình đánh giá và chiến lược phòng ngừa để đảm bảo mọi cá nhân có nguy cơ tiềm ẩn đều được quan tâm đầy đủ.

- Tăng huyết áp được xem là yếu tố then chốt trong phòng ngừa đột quỵ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, tình trạng tăng huyết áp và hút thuốc lá vẫn phổ biến và khó kiểm soát!

- Chính xác. Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn là xu hướng chung tại nhiều quốc gia khác. Một trong những lý do chính là việc những người được đánh giá có nguy cơ thấp thường chủ quan, không thực hiện các biện pháp để giảm nguy cơ, vì họ nghĩ rằng mình vẫn "an toàn".

Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến đột quỵ, nhưng ở Việt Nam, nhiều người trẻ mắc bệnh này không được chẩn đoán hoặc điều trị kịp thời. Tình trạng thiếu ý thức về việc kiểm tra sức khỏe định kỳ, cùng với lối sống không lành mạnh như chế độ ăn nhiều muối, thiếu hoạt động thể chất và sử dụng rượu bia, đang làm gia tăng đáng kể tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp.

Đối với hút thuốc lá, đây vẫn là một vấn đề lớn. Dù các chiến dịch phòng chống tác hại thuốc lá đã đạt được một số tiến bộ, việc sử dụng thuốc lá, đặc biệt ở giới trẻ, vẫn rất phổ biến. Thuốc lá không chỉ trực tiếp gây tổn thương mạch máu mà còn tương tác với các yếu tố nguy cơ khác như tăng huyết áp, tạo nên một vòng xoáy nguy hiểm làm tăng gấp nhiều lần nguy cơ đột quỵ.

dot quy o nguoi tre anh 2

Đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật ở Việt Nam, theo GS Feigin. Ảnh: Adobe Stock.

- Theo ông, có giải pháp khả thi nào để giải quyết vấn đề này không?

- Chúng tôi đã đề xuất và nhận được sự đồng thuận từ Tổ chức Đột quỵ Thế giới rằng bất kỳ ai có nguy cơ đột quỵ hoặc bệnh tim mạch, dù ở mức thấp, trung bình hay cao, đều cần được can thiệp phòng ngừa. Việc phân loại "nguy cơ thấp" hay "nguy cơ trung bình" có thể tạo cảm giác an toàn sai lầm, dẫn đến sự chủ quan trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

Việt Nam ghi nhận trung bình 200.000 ca đột quỵ mỗi năm. Đây là một con số rất đáng báo động

GS Valery Feigin

Điều đáng chú ý là 80% các ca đột quỵ và nhồi máu cơ tim xảy ra ở những người thuộc nhóm nguy cơ thấp hoặc trung bình. Điều này cho thấy, dù nguy cơ được đánh giá ở mức thấp, nhưng khi kết hợp với các yếu tố như lối sống không lành mạnh, tăng huyết áp chưa được kiểm soát hoặc hút thuốc lá, nguy cơ đột quỵ vẫn tăng lên đáng kể.

Giải pháp khả thi là áp dụng một chiến lược phòng ngừa phổ quát hơn, thay vì chỉ tập trung vào nhóm nguy cơ cao. Mọi người cần được khuyến khích kiểm tra sức khỏe định kỳ, quản lý tốt các yếu tố nguy cơ như huyết áp, cholesterol và cân nặng, đồng thời thay đổi lối sống để giảm thiểu các nguy cơ tiềm ẩn.

Giải bài toán đột quỵ ở Việt Nam

- Ông nghĩ gì về thực tế Việt Nam ghi nhận trung bình 200.000 ca đột quỵ mỗi năm?

- Đây là một con số rất đáng báo động, và chúng tôi đang nỗ lực với hy vọng giảm xuống còn 100.000 ca. Để so sánh, New Zealand là một quốc gia nhỏ, chỉ có 5 triệu dân, mỗi năm có khoảng 10.000 đến 11.000 ca đột quỵ mới. Trong khi đó, Việt Nam có 200.000 ca với dân số khoảng 100 triệu người. Tỷ lệ giữa hai quốc gia tương đối giống nhau. Tuy nhiên, vì dân số Việt Nam trẻ hơn nhiều so với New Zealand, khi điều chỉnh theo độ tuổi, tỷ lệ đột quỵ ở Việt Nam cao gấp 5 lần.

Tại Việt Nam, đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật lâu dài, tạo gánh nặng lớn về y tế và kinh tế. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị liệt nửa người, mất ngôn ngữ hoặc suy giảm nhận thức, ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng cuộc sống.

dot quy o nguoi tre anh 3

Nói với Tri Thức - Znews, GS Valery Feigin cho biết đột quỵ ở người trẻ, đặc biệt ở Việt Nam, thường liên quan đến lối sống và thiếu kiểm soát các yếu tố nguy cơ.

Dù được Bộ Y tế ưu tiên giải quyết, để giảm một nửa số ca đột quỵ mỗi năm, Việt Nam cần đồng bộ các biện pháp, từ nâng cao nhận thức cộng đồng, đẩy mạnh tầm soát và phòng ngừa sớm, đồng thời đầu tư vào cơ sở vật chất và năng lực điều trị.

- Chúng ta có thể làm gì để giảm tỷ lệ đột quỵ ở nhóm dân số trẻ?

- Tôi đã có một buổi làm việc rất tích cực với Bộ Y tế. Chúng tôi đang đề xuất một chiến lược toàn diện, kết hợp các giải pháp hiện có tại Việt Nam, như chiến dịch nâng cao nhận thức về đột quỵ, với những phương pháp phòng ngừa mới. Đây là cách tiếp cận đột phá, nhằm giảm nguy cơ đột quỵ, bao gồm cả ở nhóm dân số trẻ.

Đột quỵ ở người trẻ thường liên quan đến lối sống và thiếu kiểm soát các yếu tố nguy cơ. Vì vậy, các chiến dịch nâng cao nhận thức cần tập trung vào việc giáo dục cộng đồng về vai trò của việc duy trì lối sống lành mạnh, giảm hút thuốc, uống rượu bia, và kiểm soát huyết áp. Đồng thời, các chương trình này cần giúp người dân nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ để kịp thời tiếp cận y tế.

Chúng tôi kỳ vọng, nếu những chiến lược này được triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn quốc, tỷ lệ đột quỵ ở Việt Nam có thể giảm 50%. Đây là một mục tiêu tham vọng nhưng hoàn toàn khả thi nếu có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và sự tham gia tích cực của cộng đồng.

Đột quỵ ở tuổi 26, chàng trai loại bỏ 1 món ăn ngay khi xuất viện

Quá sợ hãi sau lần cận kề cái chết do đột quỵ, chàng trai quyết định thay đổi vóc dáng bằng cách loại bỏ thực phẩm chiên rán.

Bệnh tật đến từ đâu?

Hầu hết căn bệnh đến với chúng ta đều bắt nguồn từ việc sử dụng quỹ thời gian không điều độ, cộng với chế độ ăn uống không hợp lý, gây lao lực quá mức, lại thêm những xung đột tinh thần khiến nội tâm bất an..., tất cả đều góp phần bào mòn sinh lực của chúng ta.

Quyển sách Khoan dung & Biết ơn sẽ mang đến cho bạn sự nhiệt thành và năng lượng tích cực tựa như những tia nắng ấm áp. Cuốn sách tập hợp những câu chuyện mà bất kể khi nào lật giở những trang sách, bạn cũng cảm nhận sự khoan dung và biết ơn tràn đầy.

Bích Huệ - Hạ Đan

Bạn có thể quan tâm