Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyên gia tội phạm học chỉ cách triệt 'giang hồ 4.0'

Hàng tá thanh niên bắt chước cắt tóc giống Khá "bảnh". Mỗi clip của "giang hồ mạng" này đều có hàng triệu lượt xem và bình luận tung hô.

Công an tỉnh Bắc Ninh đã bắt giam Ngô Bá Khá (tức Khá "bảnh") cùng 4 bị can về hành vi Đánh bạc và Tổ chức đánh bạc.

Khá được biết đến là một “giang hồ mạng”, dù có nhiều hành vi phản cảm, lệch chuẩn, thậm chí vi phạm pháp luật nhưng lại được giới trẻ hâm mộ một cách khó hiểu.

Mạng xã hội Facebook và Youtube đang là mảnh đất màu mỡ cho các “giang hồ mạng” khác tung hoành, như: Dương Minh Tuyền, Huấn Hoa Hồng…

Việc những người này thoải mái truyền bá văn hóa lệch chuẩn, cổ vũ các hành vi bạo lực đang khiến giới trẻ có cách nhìn không đúng đắn, để lại hậu quả khôn lường.

triet 'giang ho 4.0 anh 1
Khá "bảnh" và Dương Minh Tuyền được giới trẻ chào đón như thần tượng.

Giải mã sự hâm mộ mù quáng

Trung tá, nghiên cứu sinh Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học, cho rằng mục đích sử dụng mạng xã hội của các đối tượng “giang hồ mạng” là để đánh bóng tên tuổi, khuếch trương thanh thế, mở rộng địa bàn hoạt động, tầm ảnh hưởng, tăng cường liên kết giữa các nhóm trong “thế giới ngầm”.

Cùng đó, kiếm tiền cũng là cái đích rất rõ ràng. Chẳng hạn như trường hợp của Khá, nhóm này có mức doanh thu cao nhất lên tới 450 triệu đồng/tháng. Như vậy, sản xuất ra các clip là một trong những cách thức làm ăn của “giang hồ mạng”.

Giải thích cho việc giới trẻ cuồng mộ những đại ca “giang hồ mạng”, trung tá Hiếu nhận định có bốn nguyên nhân chính.

Thứ nhất, giới trẻ thường quan tâm đến cái mới lạ, phá cách, có vẻ nghĩa hiệp, giang hồ mã thượng, bản lĩnh dám chịu trách nhiệm, nói thẳng sống thật, không che giấu thân phận.

Thứ hai, đây cũng là nhóm còn hạn chế về nhận thức, về khả năng nhận biết, phân biệt tốt xấu, đúng sai; đặc biệt tâm lý bầy đàn, a dua trong giới học sinh, sinh viên.

Thứ ba, sự tranh cãi tốt xấu (báo chí, mạng xã hội…) về các chế phẩm kéo theo sự tò mò của cộng đồng mạng, kích thích việc truy cập, theo dõi. Thông thường, cái gì hay nhắc tới, gây tranh cãi, xuất hiện nhiều thì sẽ càng thu hút người ta xem nó là gì.

Thứ tư, đạo đức xã hội xuống cấp, nhiều vấn đề phức tạp chưa được giải quyết, dẫn đến khủng hoảng lòng tin. Giới trẻ không được định hướng, giáo dục về kỹ năng sống nên định hướng về thẩm mỹ, giá trị bị lệch lạc.

Hệ lụy khôn lường

Trung tá Hiếu cảnh báo hệ lụy từ những clip phản văn hóa của các “giang hồ mạng” là rất lớn.

triet 'giang ho 4.0 anh 2
Cần loại bỏ sự xuất hiện của những "giang hồ mạng" như Khá "bảnh" trên mạng xã hội để tránh hệ lụy cho giới trẻ.

Chúng tác động lên quá trình hình thành nhân cách của giới trẻ, tạo ra những phẩm chất tâm lý sai lệch. Việc tung hô, tán thưởng các hành vi, cử chỉ quái gở, tục tĩu, phản cảm, bạo lực, ngông cuồng khiến người trẻ cho rằng hành vi đó đúng, được xã hội thừa nhận.

Một khi coi đối tượng giang hồ là thần tượng thì sẽ nảy sinh xu hướng tâm lý bắt chước, làm theo, noi gương. Việc sa ngã, đi vào con đường vi phạm pháp luật có thể được bắt đầu từ những ảnh hưởng xấu này.

Và thực tế, thói côn đồ hung hãn, ưa thích bạo lực là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ ẩu đả, giết người, cố ý gây thương tích, đâm thuê chém mướn.

Bên cạnh đó, những clip trên cũng chính là tác nhân gây ra bạo lực học đường. Nội dung của những clip này thường mang đậm chất bạo lực, coi thường pháp luật, kích thích lối ứng xử dùng nắm đấm, sức mạnh cơ bắp, luật rừng để giải quyết các vấn đề.

Trong môi trường học đường, học sinh rất dễ bắt chước và làm theo. Từ đó có thể hình thành nên những nhóm đầu gấu, đại ca trường học, quy tụ đàn em,… lấy việc bắt nạt, đánh bạn để hư trương thanh thế, tạo đẳng cấp, tên tuổi cho mình.

Làm gì để triệt “giang hồ mạng”?

Để ngăn chặn tình trạng trên, trung tá Hiếu cho rằng không chỉ một mà rất nhiều cơ quan chức năng phải cùng nhau vào cuộc.

Trong đó, ngành văn hóa, thông tin cần làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ xóa bỏ các tài khoản thường đăng tải thông tin phản văn hóa.

Ngành công an thường xuyên nắm tình hình trên mạng, phát hiện các thông tin phản văn hóa, kiến nghị ngành hữu quan xử lý theo luật an ninh mạng. Tiến hành điều tra xác minh về các nhân vật giang hồ, phát hiện những tội lỗi, sai phạm để xử lý như trường hợp của Khá “bảnh”. Việc triệt từ gốc mầm mống này sẽ ngăn chặn việc lợi dụng mạng xã hội để có những hành vi nói trên.

Cùng với đó, ngành thuế cần điều tra việc thực hiện nghĩa vụ đóng thuế thu nhập cá nhân đối với những tài khoản mạng xã hội của giang hồ có đông người theo dõi, truy cập.

Ngoài ra gia đình, nhà trường cũng cần tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, giúp trẻ có định hướng giá trị đúng đắn. Tổ chức tọa đàm về các hiện tượng này, cho học sinh thuyết trình, phân tích đúng sai.

Các phương tiện truyền thông báo chí đẩy mạnh tuyên truyền để định hướng dư luận; cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ những hiện tượng bất thường trên mạng xã hội…


https://plo.vn/an-ninh-trat-tu/chuyen-gia-toi-pham-hoc-chi-cach-triet-giang-ho-40-826361.html

Theo Tuyến Phan/Pháp Luật TP.HCM

Bạn có thể quan tâm