Ở Nhật Bản, việc ai đó có hình xăm đôi khi bị đánh đồng rằng họ thuộc băng đảng Yakuza. Tuy nhiên đối với những người trong chuyến hành hương kỳ lạ này, sự tôn trọng dành cho những hình xăm vẫn nguyên vẹn trong suốt hơn 100 năm qua.
Horimono là nghệ thuật xăm toàn thân truyền thống của Nhật Bản bắt nguồn từ thời Edo. Với cùng một mẫu họa tiết, những hình xăm bắt đầu từ lưng và phủ lên phần chân, vai, ngực của người xăm.
Nghệ thuật này đôi khi cũng được gọi bằng một số tên khác như tebori, nghĩa là “khắc bằng tay”, hay wabori, một cách gọi chung nghệ thuật xăm Nhật Bản.
Một người hành hương phô diễn hình xăm horimono của ông trước các vị thần trong ngôi đền Oyama Afuri. Ảnh: Megumi Kunihiko |
Horimono được nhìn thấy nhiều trên cơ thể của tầng lớp lao động, đặc biệt là những người làm việc chân tay. Họ chọn những họa tiết miêu tả câu chuyện dân gian hay những câu niệm Phật, với hy vọng được bảo vệ khi làm việc ở những môi trường khắc nghiệt và nguy hiểm.
Ngày nay, những hình xăm này không chỉ mang ý nghĩa tinh thần, nó còn như lời cam kết về một cuộc sống đầy danh dự để xứng đáng với văn hóa horimono.
Nhóm Choyukai
Hơn 100 năm về trước, nhóm người hành hương đầu tiên được thành lập với cái tên Choyukai. Tất cả tụ hợp lại với một điểm chung duy nhất: đều mang trên người hình xăm horimono.
Hiện nay, lãnh đạo của Choyukai là ông Matsuda Takihiro, chủ một nhà hàng nhỏ ở ngoại ô Tokyo.
Những thành viên của Choykai chuẩn bị cho cuộc hành hương hàng năm. Ảnh: David Caprara |
Choyukai nghiêm cấm thành viên tham gia các băng đảng tội phạm. Trải qua nhiều thập kỷ bị kìm hãm, đẩy lùi cũng như bị chính phủ kiểm soát, nhóm Choyukai vẫn hiên ngang tồn tại. Sự hiện diện của họ là minh chứng văn hóa, lịch sử, thể hiện vị trí vững chắc của nghệ thuật horimono trong xã hội Nhật Bản.
Cuộc hành hương
Chuyến hành hương bắt đầu ở trụ sở của Choyukai nằm ở ngoại ô Tokyo và kết thúc ở đền Oyama Afuri, trên đỉnh núi Oyama, tỉnh Kanagawa. Chuyến hành trình này từng kéo dài 2-3 ngày, nay với sự hỗ trợ của tàu điện và cáp treo, giờ rút xuống còn dưới 2 tiếng.
Nghi lễ thanh tẩy takigyō, thanh tẩy dưới thác nước, thực hiện bởi thầy tu đền Oyama. Phần ban phước, bởi một thầy tu đạo Shinto, nằm ở gian chính của đền Oyama Afuri.
Nghi lễ theo đạo Shinto được diễn ra trong gian chính của đền Oyama Afuri. Ảnh: Micheal Crommett |
Tiếp sau đó là nghi lễ uống rượu sake được dâng lên bởi các nữ tu. Một khi nghi lễ này hoàn tất, những người hành hương sẽ kéo nhau xuống chân núi, tụ họp ở nhà của người chủ trì và cùng nhau tổ chức một buổi đại tiệc. Buổi tiệc với rất nhiều rượu sake này được gọi là naori - ở đó con người mời gọi thần linh xuống cùng tham gia.
Đối với người dân ở Oyama, việc chứng kiến lễ hội này diễn ra suốt hơn 100 năm qua khiến họ hầu như không còn ác cảm hay e ngại, sợ hãi với những người có hình xăm. Nhiều người còn giới thiệu con cháu tham gia cuộc hành hương để góp phần lan rộng và phát huy nét văn hóa truyền thống.
Người dân Nhật Bản vẫn nhận thức và tôn trọng sự hiện diện của những nét văn hóa truyền thống như horimono. Tuy nhiên, với xu hướng sống và làm việc vốn khiến con người ít cơ hội giao tiếp với nhau, số lượng người tham dự các lễ hội và các cuộc hành hương ngày càng giảm.
Ở Oyama, không cần thiết phải dấu diếm một nét đẹp văn hóa như horimono. Ảnh: Micheal Crommett. |
Sự kiện này đã được tổ chức đều đặn hàng năm trong suốt hơn 1 thế kỷ qua cho đến năm nay, khi mà đại dịch Covid-19 hoành hành khắp nơi. Cũng trong năm 2020, Satoh Takeshi, người chủ trì, đã qua đời vì bệnh ung thư.
Trong bài phỏng vấn mà ông thực hiện cuối cùng với VICE, ông cho biết mục tiêu cuối cùng của ông chính là thay đổi cái nhìn của xã hội Nhật Bản về nghệ thuật xăm hình horimono.