Trong chuyến hành hương lễ Bà Chúa Xứ ở núi Sam, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang để cúng rằm tháng Chạp, bà Lưu Hoài Hương (55 tuổi, ngụ Bình Phước) được một phụ nữ làm quen giới thiệu là Phạm Thị Nhung Nhớ (42 tuổi, quê Châu Thành, Tiền Giang).
Suốt hành trình xe chạy xuống miền Tây, qua phà rồi thẳng tiến Đồng Tháp Mười để tới tỉnh An Giang, kể từ lúc Nhớ bước lên xe ở ngã ba Trung Lương rồi tới ngồi chung băng ghế với bà Hương, không lúc nào hai người ngớt chuyện trò, mời nhau ăn bánh, uống nước.
Thấy có người lắng nghe một cách tâm đầu ý hợp, bà Hương được dịp xổ bầu tâm sự là tính bán căn nhà trong hẻm đang ở để ra ngoại thành mua đất. Hồi đầu năm Đồng Xoài có thông tin chuẩn bị từ thị xã lên thành phố nên đất đai lên giá, có người trả 5 tỷ đồng mà bà chưa bán, đợi giá cao hơn. Nào dè mấy tháng cuối năm treo bảng cả tháng trời chưa thấy ai hỏi mua!
Nhớ xuýt xoa tiếc rẻ, thông cảm với bà Hương rồi nói: “Em có một đứa cháu gái con bà chị ruột. Nó chuyên kinh doanh bất động sản, giàu lắm, là giám đốc một công ty cả trăm người. Nhà phố nó mua đất nền cất cả dãy, chung cư thì đặt mua cả chục căn hộ, ôtô có tới gần chục chiếc cho thuê. Giờ chị cho em số điện thoại, lúc về em gọi nó, được thì em nhờ nó 'giải' cho chị luôn!”.
Nghe vậy bà Hương cả mừng. Khi xe đến Miếu Bà Chúa Xứ, thuộc phường Núi Sam, TP Châu Đốc, bà Hương xuống xe mua con heo quay vào làm lễ cúng, rồi ghé qua chùa Tây An Cổ Tự kế bên thỉnh thêm lộc mang về.
Cúng xong, xe du lịch đưa mọi người sang huyện Tịnh Biên, tham quan khu rừng tràm Trà Sư. Tại đây, Nhớ mua tặng bà Hương lít mật ong gọi là lấy thảo. Trước khi lên xe về, cả hai còn cùng nhau “seo-phì” một tấm hình chung bằng điện thọai để ghi nhớ tình chị em kết nghĩa.
Ba ngày sau, bà Hương đang ở nhà dọn dẹp thì nhận được điện thoại của Nhớ gọi đến hỏi thăm sức khỏe, rồi thông báo ngày mai sẽ dẫn đưa cháu gái lên coi nhà.
Đúng hẹn, một chiếc ôtô mới cáu dừng trước cổng nhà bà Hương, đi cùng Nhớ là một cô gái khoảng 25 tuổi, ăn mặc cực mốt, tóc nhuộm “hai-lai”, tay xách bóp, đầm đỏ chóe.
“Cháu là Đinh Thị Bích Nhung, giám đốc công ty bất động sản ở quận 1, TP.HCM”. Nhung đưa danh thiếp giới thiệu. Mời khách ngồi, pha bình trà nóng, bà Hương vồn vã mang đĩa kẹo thèo lèo đãi khách.
Uống chưa hết tách trà, Nhung nói bà Hương dẫn đi vài vòng quanh nhà. Nhìn trước ngó sau một lúc, Nhung khen: “Nhà của cô nằm ở vị trí mặt tiền lại có cửa hậu, mở văn phòng công ty hay dịch vụ “sờ-pa” đều tiện cả. Vì là chỗ quen biết với cô Nhớ nên cháu sẽ mua theo giá thị trường, để cô không bị thiệt!’.
Nói rồi, Nhung lấy từ chiếc bóp đầm ra cái máy tính bấm bấm, miệng thì lẩm nhẩm. Rất nhanh Nhung phán: “Cháu sẽ mua căn nhà của cô với giá 15 tỷ đồng!”. Cứ ngỡ nằm mơ, bà Hương hỏi lại (vì trước đó có người trả chưa tới 10 tỷ đồng) nhưng sau khi biết đích xác Nhung sẽ mua với giá đó, bà Hương mừng quýnh ừ tắp lự, chỉ sợ cô nàng giám đốc đổi ý.
Trong khi hai bên ngồi bàn việc ký kết hợp đồng mua bán, Nhung cho biết: “Cháu đang sở hữu số tiền mặt gần 1.000 tỷ đồng cùng 1 triệu đô gửi ngân hàng, nên mua căn nhà của cô chỉ là... 'đầu ngón tay', cháu chỉ thích mua cái nào cái đó xong luôn, không cần phải cọc gì hết”. Bà Hương nghe thế mừng rơn, trong bụng thầm khen cô gái tuổi trẻ tài cao.
Tưởng như việc thảo lụận mua bán đã xong, chỉ tính ngày ra công chứng cho sớm vì Tết đã cận kề thì bất ngờ Nhung chặc lưỡi: “Súyt nữa thì quên, tiền mặt cháu hiện có để mua nhà của cô cũng đủ, nhưng giờ cận Tết kẹt xoay nhiều việc nào là trả lương nhân viên, tặng qua đối tác… Muốn giải ngân từ ngân hàng ra lúc này để lấy tiền mua nhà phải tốn ít chi phí lót tay! Thôi để qua Tết rồi cháu rút tiền lên mua!”
Giống như vừa để vuột khỏi tay mối ngon, bà Hương lúynh quýnh hỏi: “ Thực thì tôị cũng cần bán luôn lúc này, có tiền sắm sửa, cho con cháu ăn Tết cho vui, chứ để qua Tết...”.
Chưa dứt câu thì Nhớ ngồi bên bà Hương đã xen ngang vào: “Cháu có cách nào không, đặt trước cho cô Hương cũng được mà!” Nhung trả lời: “Tính cháu làm ăm xưa nay là mua đứt bán đoạn, phi vụ cả trăm tỷ còn được huống hồ căn nhà chục tỷ này… Hay là vầy, cô cho cháu mượn một ít để lót tay bên ngân hàng, rút tiền được lúc này cháu sẽ có quà thêm cho cô”.
Giống như người vừa vuột mất đống tiền đang cầm trên tay rồi chụp lại được, bà Hương đồng ý ngay. Nghĩ đến cái giá hời hơn 5 tỷ đồng mà Nhung trả, bà vào trong mở tủ lấy số tiền 200 triệu đồng vừa rút sổ tiết kiệm ra giao cho Nhung.
Đợi hai ngày sau không thấy Nhung trở lại mua nhà, bà gọi điện thoại thì cô gái trẻ lần lữa nói kẹt giải ngân chưa xong rồi tắt máy luôn, điện thọai cho Nhớ thì không liên lạc được. Dò hỏi ngân hàng thì biết việc rút gửi tiền vẫn bình thường cho đến hết tuần.
Nghi mình đã trúng bẫy “đạo tặc”, bà Hương tức tốc bắt xe xuống TP.HCM tìm đến trụ sở công ty bất động sản theo địa chỉ Nhung cho thì ra đây chỉ là căn nhà cho thuê làm văn phòng lèo tèo dăm bộ bàn ghế và người thuê cũng vừa thanh lý dọn đi đầu không rõ.
Biết có tìm đến nhà cô em kết nghĩa tên Nhớ chắc cũng vô ích nên bà Hương đến trụ sở công an trình báo.
Tại đây, cán bộ điều tra tiếp nhận hồ sơ cho biết thêm cũng vừa nhân được đơn thưa của một người ở huyện Bình Chánh (TP.HCM) là chị Phạm Thị Thơm, bị cặp đôi Nhung - Nhớ này lừa gần hai tỷ đồng.
Trong một buổi tiệc đám cưới người quen tại Sài Gòn, Thơm ngồi chung bàn với Nhung và Nhớ. Nhớ giới thiệu Nhung là giám đốc công ty bất động sản, trụ sở ở đại lộ Võ Văn Kiệt (quận 1) rồi làm quen, xin số điện thoại của Thơm.
Sau thời gian đến nhà chơi, Nhung biết Thơm vừa có tiền bán đất nên cho biết là có căn biệt thự ở quận 1 vừa được tòa án xử thắng kiện trong vụ tranh chấp tài sản. Số tiền được thi hành án tính ra là 250.000 euro và hơn 500 tỷ đồng do ngân hàng đang phong tỏa.
Để lấy số tiền này ra, cần phải có tiền lót tay cho cán bộ ngân hàng vì vậy Nhung đề nghị Thơm cho mình mượn với lãi suất “đen” khoảng 20%/tháng, xong việc còn hoa hồng thêm cho Thơm 1 tỷ đồng.
Nghe lợi quá lớn, chị Thơm liền cho Nhung mượn 2 tỷ đồng. Nhưng sau khi giao tiền xong thì cả hai dông mất. Cũng như bà Hương, khi Thơm tìm đến địa chỉ công ty bất động sản của Nhung cho thì chỉ là căn nhà thuê mướn.
Vị cán bộ điều tra kết luận: Những kẻ lừa đảo thời nay có đủ mánh khóe để đưa nạn nhân vào tròng, khéo đến mức chỉ khi bị mất tài sản họ mới biết bị lừa. Một thủ đoạn chúng thường áp dụng là quan sát con mồi, tìm hiểu khả năng kinh tế, sau đó tiếp cận để làm quen, rồi tung hỏa mù về thực lực của mình để bẫy họ vào tròng nhanh chóng.