Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện khó tin tại trường học ở Trung Quốc

Nữ sinh mới 16 tuổi nhưng bị cha mẹ ruột ép nghỉ học, đi làm để hỗ trợ nuôi anh em trai đến trường.

Câu chuyện của nữ sinh Liu Qiping cho thấy nhiều bé gái ở Trung Quốc vẫn bị gia đình phân biệt đối xử, ép phải hy sinh vì anh, em trai. Ảnh: South China Morning Post.

Theo South China Morning Post, trong video trò chuyện với tài khoản nổi tiếng @Modisijixushifu trên Bilibili, Liu Qiping ở Hồ Nam, Trung Quốc, đã chia sẻ câu chuyện khó tin của bản thân.

Dân mạng không thể tin nổi đã năm 2024 rồi mà bố mẹ em vẫn giữ suy nghĩ cổ hủ như vậy. Trong video thu hút 1,3 triệu lượt xem, Qiping kể một năm trước, dù nằm trong top 5 học sinh giỏi nhất lớp ở trường trung học tốt nhất thành phố, em vẫn bị gia đình ép nghỉ học. Lúc đó, em vừa học xong lớp 10.

Bố mẹ nhờ dì đưa Liu Qiping đến tỉnh Quảng Đông để làm thuê, kiếm tiền hỗ trợ gia đình. Dù đầu tắt mặt tối làm việc tại quán bán đồ ăn sáng ở thành phố Quảng Châu, Qiping vẫn nuôi ước mơ vào Đại học Sư phạm Hồ Nam - trường sư phạm hàng đầu Trung Quốc.

Mỗi sáng, em thức dậy từ 3h30 để làm bánh bao, sữa đậu nành. Dù vậy, mỗi tháng, Qiping chỉ kiếm được 2.000 nhân dân tệ (khoảng 6,8 triệu đồng). Trong khi đó, tại Quảng Châu, mức lương trung bình là 9.000 nhân dân tệ.

Dù vậy, Qiping vẫn dành một số tiền để mua sách giáo khoa, tiếp tục tự học sau mỗi giờ làm việc ở quán.

truong hoc anh 1

Sau khi câu chuyện của mình lan tỏa trên mạng, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền, Qiping đã được trở lại trường học. Ảnh: Douyin.

Tháng 10 năm ngoái, sau khi làm việc ở cửa hàng được khoảng 6 tháng, Qiping trốn dì, trở về quê nhà. Không dám về nhà, em thuê phòng trọ với giá 300 nhân dân tệ/tháng. Qiping chia sẻ mẹ thường xuyên bạo hành em, nói em đi học chỉ lãng phí tiền bạc.

Nữ sinh kể mẹ đánh em, giấu quần áo, nhốt em trong nhà, không cho em tiền nhằm ngăn em đến trường.

“Nếu họ không muốn nuôi em tử tế, sao họ lại sinh ra em”, Liu Qiping buồn bã.

Sau khi câu chuyện của nữ sinh Hồ Nam lan tỏa trên mạng xã hội, Phòng Giáo dục địa phương đã chấp thuận yêu cầu của Qiping, cho em trở lại trường cũ học tiếp. Trường học cũng đồng ý giảm học phí nhằm hỗ trợ Qiping.

Ngoài ra, cơ quan chính quyền địa phương liên quan hứa sẽ đến gặp cha mẹ em, cố gắng thuyết phục họ đối xử tốt với con gái và hỗ trợ em trong học tập.

Bên cạnh đó, một tình nguyện viên giúp Liu Qiping tìm kiếm sự trợ giúp từ chính phủ, giúp em thuê phòng trọ tốt hơn với giá 500 nhân dân tệ/tháng. Phòng trọ này gần nhà bố mẹ em nhưng vẫn đảm bảo em sống tự do, không bị người nhà kiểm soát.

Hành trình trở lại trường học của Liu Qiping gây tiếng vang với nhiều người trên mạng. Nhiều người thừa nhận họ từng chịu cảnh tương tự và thực tế là nhiều bé gái ở Trung Quốc vẫn bị ép phải hy sinh để gia đình có điều kiện chăm lo cho anh, em trai của họ.

Theo thống kê chính thức, cuối năm 2021, tỷ lệ giới tính trong thanh thiếu niên Trung Quốc từ 15 đến 19 tuổi là 115,77 nam trên 100 nữ. Năm 2022, học sinh nữ chỉ chiếm 46,7% tổng số học sinh trung học.

Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?

Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.

Giữa tranh cãi, Hà Nội đề xuất tiếp tục tuyển sinh lớp 6 trường Ams

Căn cứ pháp lý của việc tổ chức hệ THCS chất lượng cao và đào tạo nguồn học sinh chuyên tại trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam là Luật Thủ đô.

Hà Linh

Bạn có thể quan tâm