Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện khó tin trong phẫu thuật

Phẫu thuật là ngành khoa học phức tạp và quan trọng nhất để cứu mạng sống của con người trong những trường hợp khẩn cấp.

Phẫu thuật là ngành khoa học phức tạp và quan trọng nhất để cứu mạng sống của con người trong những trường hợp khẩn cấp. Những cuộc mổ không bao giờ đơn giản và dễ dàng đối với cả bác sĩ và người bệnh. Thực tế đã ghi nhận có những cuộc phẫu thuật khiến không chỉ người bệnh, bác sĩ mà cả những người nghe kể lại không bao giờ quên, nó trở thành nỗi ám ảnh của mỗi con người khi nghĩ về phẫu thuật y khoa.

Thuốc gây mê - bước tiến kỳ diệu của ngành phẫu thuật

Khi chưa có thuốc mê, bệnh nhân được phẫu thuật trong tình trạng tỉnh táo và họ phải cần 2-3 người lực lưỡng giữ chặt người bệnh, bệnh nhân có thể nghe được các tiếng cưa, đục, cắt qua da thịt, xương, hầu hết họ đều cảm thấy đau đớn, la hét hay rên rỉ trong suốt cuộc phẫu thuật.

Ngày 16/10/1846, mọi việc đã đi vào lịch sử ngành giải phẫu, thuốc gây mê lần đầu tiên được sử dụng, mở đường cho những bước tiến nhảy vọt của y khoa. Nha sĩ William TG Morton đã thuyết phục bác sĩ mổ chính - ông John Warren của Bệnh viện đa khoa Massachusetts cho phép mình thử nghiệm một cách thức mới trong cuộc mổ - gây mê người bệnh. “Phép lạ” đã xảy ra, bệnh nhân đầu tiên Edward Abbott đã không hề cảm thấy đau đớn khi loại bỏ khối u ở cổ. Bệnh nhân đã được cho hít khí ête và đã bất tỉnh, khi tỉnh lại, bệnh nhân cho biết không hề biết gì về cuộc phẫu thuật, không cảm thấy đau, lúc cuối cùng của cuộc phẫu thuật có cảm thấy chút ít như cào vào da. Tin tức về thành công làm thay đổi lịch sử y khoa đã lan ra khắp thế giới, từ đó trở đi, các cuộc phẫu thuật trở nên “yên tĩnh” hơn, các bác sĩ cũng như bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn khi phẫu thuật.

Cắt bỏ nội tạng để lấy khối u

Tiến sĩ Tomoaki Kato, người Nhật đã thực hiện một việc phi thường mà không phải chuyên gia phẫu thuật nào cũng dám làm, đó là cắt bỏ 6 nội tạng ra khỏi cơ thể để loại bỏ được khối u phức tạp. Đó là bệnh nhân Heather McNamara, 7 tuổi ở Long Island, New York, em bị một khối u ở vị trí cực kỳ khó, nó dính với dạ dày, lá lách, tuyến tụy, bác sĩ cho rằng việc thực hiện ca phẫu thuật là không thể và có độ rủi ro rất cao. Tiến sĩ Kato đã quyết tâm thực hiện ca phẫu thuật “có một không hai” này, ông đã cắt lá lách, gan, tuyến tụy, dạ dày, ruột non, ruột già ra khỏi cơ thể bệnh nhân và bảo quản sau đó loại bỏ khối u rồi cấy ghép lại các bộ phận nội tạng. Ca phẫu thuật kéo dài 23 giờ đồng hồ với 7 chuyên gia phẫu thuật, 8 bác sĩ và lần đầu tiên được thực hiện trên trẻ em. Cuối cùng, cô bé Heather cũng đã được xuất viện trở về với cuộc sống.

Hoa hậu và chiếc hộp sọ trong bụng

Cô Jamie Hilton, cựu Hoa hậu bang Idaho, Mỹ có một cuộc sống tuyệt vời với người chồng và những đứa con. Cô cũng từng tham dự cuộc thi Hoa hậu Quý bà Mỹ. Tai họa đã ập xuống cuộc đời cô vào tháng 6/2012, trong một chuyến đi câu cùng chồng, cô đã bị ngã từ độ cao 4 m xuống chiếc thuyền câu cá, đầu đập vào một hòn đá. Sau khi được đưa vào bệnh viện, não cô sưng to ở mức náo động khiến các bác sĩ phải quyết định mở hộp sọ ngay để làm giảm áp lực cho hộp sọ. Họ đã cắt đi 1/4 hộp sọ nhưng không muốn vứt đi phần xương sọ của cô, các bác sĩ đã lưu trữ phần hộp sọ đó trong bụng, dưới lớp da của cô Jamie. Bác sĩ cho rằng, chính cơ thể của Jamie sẽ giữ cho bộ phận này không bị phân hủy. 42 ngày sau vụ tai nạn, cô Jamie đã được phẫu thuật gắn lại phần hộp sọ của chính mình và cô đã được cứu sống.

Nghệ thuật xác thịt

Nghệ sĩ người Pháp Saint Orlan đã nhờ các cuộc phẫu thuật thẩm mỹ để biến mình trở nên quái dị hơn bao giờ hết. Bà đã thay đổi quan niệm sử dụng phẫu thuật thẩm mỹ để làm con người đẹp lên bằng việc biến mình trở thành người “độc nhất vô nhị”. Nhan sắc đã chỉnh sửa của bà có chiếc cằm giống nữ thần Venus trong tranh của danh họa Botticelli, trán giống Mona Lisa, độc đáo nhất là 2 chiếc sừng trên 2 cung lông mày, đó là những túi silicon để thỏa mãn đam mê nghệ thuật của bà. Saint Orlan đã trải qua 9 cuộc phẫu thuật thẩm mỹ, biến chính khuôn mặt mình thành một tác phẩm nghệ thuật mà mọi người thường gọi bà là “nghệ thuật xác thịt”.

Ông trùm cấy ghép thận

Amit Kumar được mệnh danh là ông trùm ghép thận, bởi ở Gugaon, Ấn Độ đã hình thành một khu vực chuyên cấy ghép thận cho hàng trăm bệnh nhân ở khắp nơi trên thế giới. Nó đã trở thành một trung tâm mua bán thận từ những người nghèo ở khắp Ấn Độ. Ở đây, chỉ cần bỏ ra từ 300-1.000 USD là người ta có thể dễ dàng mua được một quả thận từ dân nghèo. Hắn không phải là bác sĩ nhưng tổ chức của Kumar đã móc ngoặc với nhiều bệnh viện và hàng chục bác sĩ, y tá để thực hiện các cuộc cấy ghép bất hợp pháp.

Bệnh nhân phẫu thuật não hoàn toàn tỉnh táo

Số người có khả năng “chứng kiến” toàn bộ cuộc phẫu thuật của mình chỉ đếm trên đầu ngón tay, cô Grace Connell là trường hợp như vậy. Grace Connell đã chứng kiến toàn bộ cuộc phẫu thuật loại bỏ khối u não của mình. Cô được chẩn đoán mắc một khối u não năm 29 tuổi với kích thước 5 cm. Tuy nhiên, sau nhiều lần kiểm tra xác định, các bác sĩ quyết định mổ cho Grace Connell trong trạng thái hoàn toàn tỉnh táo. Vào phòng phẫu thuật, Grace Connell cũng được gây mê, nhưng sau khi mở hộp sọ, bác sĩ đã “đánh thức” cô dậy để phối hợp phẫu thuật, cô kể lại. Trong quá trình phẫu thuật, cô được yêu cầu đếm, nhận dạng hình ảnh hay vận động các ngón tay để bác sĩ xác định được đúng khối u cần lấy ra. Cuộc phẫu thuật đã thành công và cô Grace Connell cho biết, trong suốt quá trình phẫu thuật cô không hề cảm thấy đau đớn gì.

http://suckhoedoisong.vn/ban-can-biet-ve-y-hoc/chuyen-kho-tin-trong-phau-thuat-20150214140435957.htm

Theo Hoàng Oanh/Báo Sức Khỏe Đời Sống

Bạn có thể quan tâm