Một trong những bài học mà sếp dạy cho Nga Đồng khi cô sống tại Bỉ là phải trân trọng ngày nghỉ, dành nhiều thời gian cho bản thân, như vậy mới đủ năng lượng làm việc lâu dài.
Nga Đồng (27 tuổi, nhân viên quản trị chuỗi cung ứng) đang làm việc trong một công ty dược phẩm đa quốc gia có chi nhánh tại Bỉ. Trong cuộc trò chuyện với Zing, cô kể về cuộc sống, những trải nghiệm mới mẻ và sự khác biệt nơi công sở tại Brussels.
Cuối năm 2020, mình rời Paris (Pháp) đến Bỉ để bắt đầu công việc mới.
Như bao cô gái khác, mình từng mơ được sống tại thành phố lãng mạn nhất thế giới và thật sự hạnh phúc khi ở đây. Dù Paris khiến mình lao đao nhiều phen, mình vẫn có chút quyến luyến khi nhớ về hoàng hôn tuyệt đẹp trên sông Seine hay tháp Eiffel lấp lánh ánh đèn trong đêm.
Điểm đến của mình là thủ đô Brussels. Thời gian đầu, tuy rất hào hứng khám phá vùng đất mới, các khoản chi tiêu đắt đỏ cùng áp lực tự chủ tài chính vẫn khiến mình phải trăn trở.
Song, nỗi lo nhanh chóng tan biến, nhường chỗ cho những trải nghiệm thú vị tại nơi được mệnh danh là “trái tim của châu Âu”.
Tập uống bia ở Brussels
Trước đây, mình từng có 6 tháng thực tập tại Bỉ nhưng chỉ ghé thăm các thành phố nhỏ.
Khí hậu Brussels dễ gây khó chịu khi âm u, mưa bão suốt nửa cuối năm. Mình chỉ thấy thoải mái trong độ xuân, hè khi thời tiết mát mẻ, bầu trời trong vắt. Đặc biệt, cứ đến tháng 4, hoa chuông xanh phủ đầy các cánh rừng biến nơi này đẹp như vừa bước vào thế giới cổ tích.
Brussels cũng có sự nhộn nhịp, xô bồ đặc trưng của các thành phố trung tâm. Tuy nhiên, nơi này cho mình cảm giác thoải mái và yên tâm hơn khi ở Paris.
Ngày trước, mỗi lần xuống phố, vóc dáng nhỏ nhắn cùng gương mặt đậm chất Á Đông của mình dễ thu hút ánh nhìn lạ lẫm của người khác. Mình hiểu họ chỉ tò mò, nhưng cảm giác bị soi mói, đánh giá quả thật chẳng hề dễ chịu.
Nghĩ về cuộc sống độc lập ở châu Âu, nhiều người cho rằng mình phải trải qua nhiều ngày cô đơn, thực tế, cư dân Brussels hòa đồng và dễ kết bạn. Là trung tâm của châu Âu, họ khá hiếu khách vì đã quen giao tiếp với người đến từ nhiều nơi trên thế giới.
Bên cạnh đó, cộng đồng du học sinh Việt tại đây cũng đông đúc. Những lúc có tâm sự, mình lại rủ mọi người tụ họp nấu nướng, ăn uống hoặc tản bộ trong công viên để cân bằng cảm xúc.
Một thú vui của tụi mình khi hội hè là thưởng thức bia. Ở Brussels, người ta chỉ bán cà phê từ sáng đến trước 16h. Từ 16h đến khuya, mọi quán cà phê đều chuyển sang phục vụ bia tươi.
Tửu lượng khá kém, mình chủ yếu uống bia trái cây. Loại đồ uống này thơm nhẹ, thường có vị ngọt của cherry, đào hoặc phúc bồn tử.
Sếp "bắt" nghỉ ngơi
Do làm việc tại một công ty đa quốc gia, mình chưa biết văn hóa công sở chính gốc của Bỉ ra sao. Thay vào đó, mình có nhiều cơ hội tiếp xúc, giao lưu với đồng nghiệp đến từ nhiều nơi trên thế giới như Mỹ, Pháp, Đức, Anh...
Lúc mới đi làm, mình mất khá nhiều thời gian để quen với cách chào hỏi trong công ty. Thay vì vẫy tay hoặc gật nhẹ đầu, mọi người thường ôm, hôn má nhau mỗi sáng.
Mình cũng học theo nhưng còn ngại nên chỉ làm vậy với đồng nghiệp thân thiết. Khi đã quen, mình chủ động ôm hôn, chào hỏi tất cả nhân viên trong khu vực làm việc nhằm bày tỏ sự thân thiện, mong muốn hợp tác vui vẻ.
Nói không với văn hóa 996, công ty mình chỉ làm việc từ thứ 2 đến trước 16h thứ 6. Người quản lý thường nhắn tin, nhắc mình ra ngoài đi dạo thay vì vùi đầu vào giấy tờ.
Bên cạnh đó, việc cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi cũng được đặc biệt chú trọng.
Giai đoạn work from home do ảnh hưởng dịch Covid-19, mình từng cố gắng xếp lịch họp giải quyết công việc vào ngày nghỉ quốc gia của Bỉ.
Điều này không ảnh hưởng đến sếp vì ông ấy đang ở Anh, song mình vẫn bị nhắc nhở nghiêm khắc.
Người quản lý muốn mình trân trọng ngày nghỉ, dành nhiều thời gian cho bản thân, như vậy mới đủ năng lượng làm việc lâu dài.
Mình nhận ra bản thân ham công tiếc việc, luôn muốn duy trì trạng thái bận rộn vì sợ không bắt kịp mọi người. Khi thấy các đồng nghiệp trẻ tuổi khác được khen ngợi, thăng tiến nhanh hơn, mình stress kéo dài vì tự nghi ngờ năng lực.
Sau khi nhận lời khuyên từ sếp, mình học cách trân trọng bản thân, phân bổ thời gian thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý. Nhờ vậy, mình bớt lo âu, sống thoải mái hơn, chất lượng công việc cũng tiến bộ đáng kể.
Theo luật mới có hiệu lực từ ngày 1/2, các công chức liên bang của chính quyền Bỉ sẽ không cần phải trả lời email hoặc cuộc gọi từ cơ quan ngoài giờ làm việc, trừ những trường hợp rất đặc thù. Giới chức nước này có kế hoạch mở rộng phạm vi áp dụng đến cả người lao động trong khối tư nhân.
Petra De Sutter, Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực hành chính công, nói luật này là cần thiết nhằm ứng phó với "văn hóa" công nhân viên cho rằng họ luôn phải có mặt khi sếp gọi, theo Guardian. Tình trạng này có xu hướng gia tăng khi nhiều người phải làm việc tại nhà trong dịch Covid-19.
Hài lòng với hiện tại
Ở tuổi 27, mình đã tự chủ tài chính, thoải mái sống độc lập tại Bỉ. Thu nhập ổn định cho phép mình sắm những món đồ yêu thích và gửi quà về cho gia đình mỗi dịp lễ Tết. Điều khiến mình thực sự tự hào là sau nhiều năm ở châu Âu, mình không quá đắm chìm trong công việc, vẫn duy trì tốt các mối quan hệ thân thiết ở Việt Nam.
Làm việc ở cường độ cao, mình luôn cố gắng sắp xếp nhiều thời gian gọi điện tâm sự với bố mẹ và bạn trai. Nhờ vậy, mình thấy mọi người như vẫn đang gần bên, liên tục tiếp thêm tình yêu và động lực.
Bên cạnh đó, mình vui khi giữ vững tinh thần lạc quan, yêu đời như ngày đầu đến châu Âu dù đã trải qua nhiều va vấp, khó khăn.
Đặc biệt, nhờ làm việc trong ngành dược phẩm, mình càng muốn góp sức nâng cao sức khỏe cộng đồng thông qua cung ứng các loại thuốc, vaccine.
Đầu năm sau, một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp sẽ đến với mình. Mình rất háo hức vì sự kiện này mở ra nhiều cơ hội để thỏa sức thực hiện những điều còn ấp ủ.
Nếu mọi chuyện diễn ra đúng kế hoạch, có thể mình sẽ dành thời gian đi du lịch hoặc về Việt Nam nghỉ ngơi trước khi nhận nhiệm vụ mới.