Thời gian gần đây, phim truyền hình Việt được đánh giá là có sự chuyển mình về chất lượng. Nhiều bộ phim gây chú ý, thậm chí được khán giả chờ đón từng tập trong thời gian phát sóng.
Thành công của phim truyền hình Việt là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố, trong đó không thể không kể đến việc đầu tư về bối cảnh.
Nhiều bộ phim truyền hình do Việt Nam sản xuất có bối cảnh nước ngoài được khán giả yêu thích như Hai phía chân trời (CH Czech), Tuổi thanh xuân (Hàn Quốc), Khúc hát mặt trời (Nhật Bản). Hiện tại, VFC – trung tâm sản xuất phim truyền hình lớn nhất của Việt Nam cũng đang triển khai 2 dự án phim ngắn tại Nga và Nhật Bản.
Hai phía chân trời là bộ phim đầu tiên một đoàn làm phim truyền hình Việt Nam sang "trời Âu" để quay. Ảnh: VFC. |
Nỗ lực đưa phim Việt ra nước ngoài quay
Trao đổi với Zing.vn, đạo diễn Đỗ Thanh Hải – giám đốc VFC cho biết phim truyền hình Việt có cơ hội hợp tác sản xuất, trao đổi bản quyền với các đài truyền hình lớn trong khu vực và trên thế giới là nhờ Đài Truyền hình Việt Nam đặt ra mục tiêu tiếp cận thị trường quốc tế.
“Tuy nhiên, việc hợp tác làm phim rất phức tạp từ việc chuẩn bị sản xuất đến quá trình trao đổi nội dung kịch bản. Phim quay tại nước ngoài có nhiều mặt khác với phim thông thường, do vậy, thời gian đầu chúng tôi hết sức bỡ ngỡ” – đạo diễn nhấn mạnh.
Hiện tại, đội ngũ làm phim truyền hình lành nghề của Việt Nam đã thành thạo kỹ năng sản xuất, vận dụng quy trình hiện đại trên thế giới để điều chỉnh phương thức làm phim truyền thống.
Tuy nhiên, việc thiếu các phim trường chuyên dụng cũng là một trong những lý do cản trở sự phát triển của phim truyền hình Việt. Và muốn xây dựng nền công nghiệp sản xuất phim chuyên nghiệp như Nhật Bản hay Hàn Quốc, Việt Nam cần thêm thời gian để hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng.
Chuyện ăn, ngủ nơi đất khách quê người
Chia sẻ về những khó khăn gặp phải trong quá trình quay phim tại nơi “đất khách quê người”, đạo diễn Đỗ Thanh Hải tiết lộ một trong những khó khăn lớn nhất chính là việc làm quen với thức ăn của nước sở tại.
“Mỗi giai đoạn quay phim thường kéo dài vài tháng với cường độ cao, một ngày có thể làm việc 20-22 tiếng. Do đó, việc ăn uống đảm bảo sức khỏe cho diễn viên, đội ngũ làm phim rất quan trọng. Chúng tôi đã từng có những trường hợp bị suy nhược do không ăn uống đầy đủ vì không quen với đồ ăn” – giám đốc VFC lần đầu tiết lộ.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải cũng cho biết Tuổi thanh xuân được quay liên tục trong một tháng ở Hàn Quốc. Món ăn hàng ngày của đoàn làm phim là cơm hộp có vị ngọt, hoàn toàn không phù hợp với khẩu vị của người Việt.
Nhã Phương là diễn viên tham gia 2 bộ phim có bối cảnh nước ngoài Tuổi thanh xuân và Khúc hát mặt trời. Ảnh: VFC. |
Ngoài ra, ê-kíp thực hiện Việt Nam còn gặp khó khăn trong việc thích ứng thói quen làm phim của đội ngũ nước ngoài. Ví dụ như ở Nhật, họ có thể quay liên tục 4-5 ngày, từ sáng hôm trước đến sáng hôm sau, mỗi ngày ngủ 2-3 tiếng và việc ăn ngủ trên xe ô tô khi di chuyển đến bối cảnh quay phim là chuyện phổ biến.
Ở Việt Nam, diễn viên có thể đến muộn hơn đoàn phim vì được nuông chiều nhưng ở Nhật Bản, diễn viên chính luôn phải dạy sớm hóa trang, học thuộc kịch bản và bắt buộc phải có mặt ở bối cảnh trước đạo diễn, đoàn phim khoảng 20-30 phút.
Nhiều vất vả của diễn viên, khán giả không thể biết
Trả lời về câu chuyện hậu trường đằng sau những bộ phim quay tại nước ngoài, đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho biết: “Công việc làm phim kéo dài cả vài năm mới xong một dự án nên rất nhiều chuyện xảy ra. Tôi chỉ xin chia sẻ một kỷ niệm với diễn viên phim Tuổi thanh xuân”.
Theo đó, khi mới bắt đầu quay, cả Nhã Phương và Kang Tae Oh đều bị áp lực và lo lắng về việc diễn chung, làm sao để đối thoại với nhau bằng hai ngôn ngữ mà họ vẫn diễn được ăn ý. Các đạo diễn đã yêu cầu hai diễn viên phải sử dụng tiếng Anh để tập diễn, khi họ thấy hài lòng thì mới chuyển sang đối thoại bằng tiếng Việt và tiếng Hàn.
Như vậy, khi diễn xuất chung, đôi khi hai diễn viên chỉ cảm nhận nội dung tổng thể cả câu thoại chứ không bị áp lực từng chi tiết lời nói. Mặc dù vậy, họ vẫn diễn xuất tự nhiên nhờ có cảm xúc dẫn dắt.
Tuy nhiên, có nhiều vất vả của hai diễn viên chính mà khán giả không biết. Một vài ngày quay đầu tiên, Nhã Phương bị áp lực, lại quay ở Seoul trong thời tiết 2-3 độ C nên bị ngất xỉu, phải vào viện truyền nước. Tiến độ quay lại đang rất gấp để kịp lấy hình ảnh lá vàng mùa thu ở đảo Nami nên Nhã Phương xin y tá đưa ra phim trường.
"Khi tập, Nhã Phương vẫn để ống truyền nước nhưng khi quay chính thức thì tháo ra. Đây có lẽ là một trong những điều cảm động nhất, khiến chúng tôi tự hào về năng lực và ý thức của diễn viên Việt Nam với đội ngũ làm phim Hàn Quốc" - đạo diễn Đỗ Thanh Hải bộc bạch.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho biết có những khó khăn vất vả của diễn viên, người xem không thể biết. Ảnh: VFC.
|
Mỗi dự án phim là một bài học kinh nghiệm
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải khẳng định mỗi dự án phim kết thúc, cho dù là dự án trong nước cũng đều mang lại những bài học, kinh nghiệm để ê-kíp hoàn thiện kỹ năng trong những phim tiếp theo.
Đối với dự án hợp tác với nước ngoài, việc học hỏi được nhiều hơn cũng là dễ hiểu. Đó là ý thức làm nghề chuyên nghiệp, về cách vận hành và làm chủ các thiết bị, máy móc hiện đại, cách phối hợp tạo ra sự chú ý của khán giả khi phát hành bộ phim.
Nhưng quan trọng nhất, theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải vẫn là học hỏi về tư duy sáng tạo để nâng cao kỹ năng và duy trì niềm đam mê với nghề.
“Đây là điều rất quan trọng vì làm phim chuyên nghiệp luôn cần sự hoàn thiện và mỗi ngày phải làm tốt hơn, phát triển hơn. Nếu bằng lòng với cái mình đã làm, hoặc áp dụng mãi một cách thức sáng tạo sẽ không thể thu hút sự quan tâm của khán giả” - giám đốc VFC nhấn mạnh.