Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện những bà mẹ vùng cao làm thầy

Có không ít ông bố, bà mẹ người dân tộc thiểu số hàng ngày cùng thầy cô đứng lớp nơi non cao. Họ sử dụng ngôn ngữ dân tộc mình hỗ trợ bài giảng cho các giáo viên.

“Tự hào lắm khi cả lớp chào thầy”

Cô Lý Thị Dinh có thâm niên đứng lớp 5 năm với vai trò trợ giảng ở Trường Mầm non xã Xá Nhè (huyện Tủa Chùa, Điện Biên). Cô chỉ học đến lớp 9, khi được xã chọn làm trợ giảng cho trường Mầm non, Dinh vừa tròn 15 tuổi.

Sau khi tham gia một số buổi tập huấn của Tổ chức Tầm nhìn thế giới (World Vision - WV), Dinh đã bớt bỡ ngỡ và tự tin hơn. Công việc hàng ngày của Dinh là đến sớm đón trẻ, trò chuyện với trẻ bằng tiếng mẹ đẻ, hỗ trợ cô giáo khi gặp tình huống khó xử trong lớp, nhập vai chơi với trẻ. 

Giờ lên lớp của bà mẹ trợ giảng Lý Thị Dinh.
Giờ lên lớp của bà mẹ trợ giảng Lý Thị Dinh.

Cô gái Mông xinh đẹp Giàng Thị Nu vào nghề trợ giảng được một năm nay tại trường Tiểu học bán trú Suối Giàng (Văn Chấn, Yên Bái). Nu cho biết, ở Trường Tiểu học Suối Giàng có 423 học sinh, trong đó 98% là dân tộc Mông.

Hàng ngày, trước giờ dạy tiếng Việt, Nu thường có 10-15 phút để dạy bằng tiếng dân tộc, sau đó giáo viên chính lên lớp. Khi đó, nhiệm vụ của trợ giảng là ngồi dưới quan sát để hỗ trợ giáo viên những tình huống học sinh không hiểu tiếng phổ thông, vì cô giáo không thể giải thích cho học sinh theo tiếng địa phương. Hàng ngày Nu phải dậy từ 4h lo việc nhà cùng cha mẹ rồi mới đến trường.

Còn cô Mùa Thị Mỵ (23 tuổi) - “ bà mẹ trợ giảng” (BMTG) tại trường Tiểu học Sùng Đô (Văn Chấn- Yên Bái) chia sẻ, trước khi vào lớp, cô thường nhắc nhở học sinh vệ sinh mặt mũi, tay chân cho sạch sẽ... Với những chữ như chữ O, cô phải giải thích sang tiếng mẹ đẻ của các em, những thứ quả mà dân tộc mình chưa được ăn, cô thường dặn các em nói bố mẹ mua ở chợ thị trấn, hoặc chính cô mua mang lên lớp vừa giảng, vừa cho học trò nếm thử… 

Cô cho biết: “Em đi làm trợ giảng để biết dạy con học. Trước đây khi chưa có trợ giảng, học sinh không hiểu bài nên thường sợ, trốn học ở nhà, nhưng giờ các em tới lớp hăng hái hơn. Cha mẹ các em hỏi cả em và cô giáo về tình hình học tập của các em. Em mong trợ giảng có ở khắp nơi. Đây là trung tâm huyện mà các em còn chưa nói được tiếng Việt thì các em ở vùng xa khó khăn hơn nhiều”…

Một “bà mẹ” đặc biệt khác, anh Lý Hữu Ngân (người Dao) đến với công việc trợ giảng được một năm tại Trường Tiểu học bán trú Nậm Lành (Văn Chấn, Yên Bái) từ kinh nghiệm làm Trưởng ban phụ huynh. Anh chọn làm trợ giảng “vì danh dự, vì tương lai các cháu”.

“Danh dự”, theo anh là được đứng lớp, tham gia làm việc như giáo viên và được học sinh gọi là thầy, được hỗ trợ giáo viên về tiếng Việt và giải thích bằng tiếng mẹ đẻ cho học sinh dân tộc những từ không hiểu. Lớp vắng học sinh, anh thay cô giáo đến tận nhà hỏi thăm, rồi chở các em đến lớp.

Dù có nhiều việc “bận mọn” và phụ cấp cho những “BMTG” ít ỏi (mỗi người được 1.150.000 đồng/tháng) nhưng họ vẫn rất tự hào vì được làm thầy và công việc của họ thực sự hữu ích cho quê hương. Họ đều cảm thấy ấm áp và thiêng liêng khi mỗi đầu giờ lên lớp, học sinh đứng dậy nghiêm trang chào “thầy”, chào “cô”… 

“Chia lửa” cùng thầy cô

Cô Lò Thị Én Xuân, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú (PTDTNT) Nậm Mười, Văn Chấn (Yên Bái) chia sẻ, học sinh không biết tiếng Kinh, cô không biết tiếng Mông, lại không hiểu được phong tục, tập quán của đồng bào từng dân tộc, nên việc đến lớp, giao tiếp giữa cô và trò vô cùng căng thẳng. Học sinh rất sợ đến lớp vì cảm giác cô xa cách và không thấu hiểu. 

Việc hạn chế về ngôn ngữ khiến cô không thể giải thích nhiều hơn về nội dung bài giảng. Khi gặp những từ hiếm hoặc khó có thể tìm từ tương đồng giữa 2 ngôn ngữ thì cô, trò phải “bó tay”. Tình trạng chung của các lớp tiểu học vùng cao là các em thích học và học môn toán tốt hơn Tiếng Việt và các môn khác. 

Chương trình BMTG của Tổ chức Tầm nhìn thế giới triển khai từ năm 2009 tại huyện Tủa Chùa, Điện Biên. Mô hình hiện nhân rộng ra 8 trường mầm non của vùng Tủa Chùa và Tuần Giáo. Sau 5 năm triển khai, 2 huyện này của Điện Biên đã có 26 BMTG và có 698/3159 trẻ người dân tộc được hưởng lợi trực tiếp từ mô hình (chiếm 22%). BMTG có thể là học sinh cấp 2 của Trường PTDTNT, là người làm ruộng, cả trẻ, cả già, nam có, nữ có, miễn phải là người địa phương, yêu trẻ, thông thạo tiếng Việt và tiếng dân tộc. 

Những BMTG này sẽ có mặt trên lớp cùng cô giáo, phiên dịch ngôn ngữ giữa cô và trò. Có thể nói, sự có mặt của những BMTG trên lớp đã chia sẻ được rất nhiều khó khăn cho cô và trò vùng khó.

Ông Lê Quang Minh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Chấn (Yên Bái) cho biết, huyện có 70% học sinh dân tộc thiểu số. Có những điểm trường lẻ - đi từ trung tâm huyện đến cũng phải mất cả ngày đường nên rất khó khăn cho công tác giáo dục. Theo bà Nguyễn Thị Huân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tủa Chùa, sự có mặt của các BMTG đã đem đến những thay đổi rất đáng kể trong việc dạy và học tiếng Việt ở các trường mầm non, tiểu học vùng cao.

http://baophapluat.vn/dan-sinh/chuyen-nhung-ba-me-vung-cao-lam-thay-200824.html

Theo Uyên Na/Báo Pháp Luật

Bạn có thể quan tâm